Home Tin Tức Thời Sự Quỹ ‘tiền bệnh’ sắp cạn

Quỹ ‘tiền bệnh’ sắp cạn PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Hai, 22 Tháng 8 Năm 2011 09:37

Ðơn xin trợ cấp SSDI thường gia tăng trong thời buổi kinh tế khó khăn

WASHINGTON (AP) - Ngày càng tăng số người lãnh tiền mất năng lực làm việc của chương trình An Sinh Xã Hội - quen gọi là “tiền bệnh” - khiến quỹ này, vốn đã gặp khó khăn tài chánh, nay càng tiến sát mức phá sản hơn.

  Số người lãnh tiền bệnh tăng, còn được biết đến với tên tắt “SSDI,” hầu hết là vì mức thất nghiệp lên cao và số người trong thế hệ “baby boomer” ngày càng lãnh tiền này nhiều hơn.

Ðơn xin trợ cấp đã tăng gần 50% trong một thập niên qua vì có nhiều người với hoàn cảnh bị mất năng lực lại bị thất nghiệp và không kiếm ra được việc làm mới trong nền kinh tế lụn bại đã cắt giảm gần 7 triệu công ăn việc làm.

Sự kiện người ta ào ạt nộp đơn xin trợ cấp mất năng lực lại làm dài thêm danh sách chưa giải quyết xong - với nhiều người phải đợi đến hai năm hoặc hơn mới được chấp thuận - đồng thời làm trầm trọng hơn các khó khăn tài chánh của một chương trình vốn đã bị thâm thủng từ nhiều năm nay.

Các ước tính mới nhất của Quốc Hội cho thấy quỹ điều hành SSDI sẽ cạn tiền vào năm 2017, khiến chương trình không thể trả đủ tiền trợ cấp cho mọi người, nếu Quốc Hội không có biện pháp giải quyết. Vào khoảng hai thập niên sau đó, tiền trả hưu, một quỹ lớn hơn của chương trình An Sinh Xã Hội, cũng sẽ cạn.

Phần lớn cuộc tranh luận ở Washington hiện nay đang nhắm vào việc điều chỉnh chương trình hưu của An Sinh Xã Hội. Các đề nghị đưa ra gồm cả việc tăng tuổi nghỉ hưu cho tới giảm quyền lợi của thành phần cao niên giàu có. Nhưng hệ thống trợ cấp cho những người mất năng lực hiện trong tình trạng tệ hại hơn nữa và không dễ kiếm ra biện pháp giải quyết.

Những người trong hội đồng điều hành An Sinh Xã Hội đang kêu gọi Quốc Hội hãy tăng cường chương trình chi trả SSDI bằng cách lấy tiền từ quỹ hưu, như đã làm năm 1994. Ðiều này sẽ cho được một giải pháp ngắn hạn nhưng lại làm suy yếu thêm chương trình trả tiền hưu.

Ðơn xin trợ cấp SSDI thường gia tăng trong thời buổi kinh tế khó khăn vì nhiều người trong hoàn cảnh SSDI bị cho nghỉ việc và không tìm được việc mới. Năm nay, vào khoảng 3.3 triệu người dự trù sẽ nộp đơn xin trợ cấp trong lãnh vực này, tăng 700,000 so với năm 2008 và tăng 1 triệu người so với hơn một thập niên trước đây.

“Ðây thuần túy là tình trạng tuyệt vọng về vấn đề kinh tế,” theo lời Ủy Viên An Sinh Xã Hội, Michael Astrue, cho hay trong cuộc phỏng vấn mới đây. “Nhiều người trong hoàn cảnh tài chánh eo hẹp bị cho nghỉ việc và không còn đường nào khác nên họ thử xem có kiếm được tiền từ trợ cấp disability hay không.”

Chương trình này cũng nhận được thêm nhiều đơn từ giới cao niên, tình trạng mất năng lực gia tăng với số tuổi của người ta, và cũng vì một hệ thống khuyến khích người ta nộp đơn xin “disability” để được hưởng nhiều quyền lợi hơn thay vì chờ đến khi nghỉ hưu.

Người cao niên có thể được hưởng trọn quyền lợi nghỉ hưu ở tuổi 66, dự trù sẽ tăng lên 67 tuổi. Cũng có người nghỉ hưu sớm lúc 62 tuổi với quyền lợi ít hơn.

 Nhưng nếu được chấp thuận hưởng “disability,” người ta có thể được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, tùy thuộc vào quá trình làm việc, ngay cả trước khi đến tuổi 62.

Và những người được hưởng trợ cấp này cũng đương nhiên được hưởng trợ cấp y tế Medicare sau hai năm, ngay cả trong trường hợp họ chưa tới 65 tuổi.

Quốc Hội Mỹ trước đây tìm cách giới hạn chương trình trợ cấp “disability” vào cuối thập niên 70 và con số người được hưởng có giảm trong vài năm, ngay cả trong thời gian suy thoái kinh tế vào đầu thập niên 80.

 Tuy nhiên Quốc Hội sau đó lại nới lỏng các điều kiện hưởng quyền lợi này và chương trình “disability” ào ạt lớn mạnh cho đến nay.