Home Tin Tức Thời Sự Giới trẻ hoạt động mạng để thay đổi xã hội

Giới trẻ hoạt động mạng để thay đổi xã hội PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Mi-VOA | Washington DC   
Thứ Hai, 22 Tháng 8 Năm 2011 12:43

Đại hội năm nay có chủ đề là “Vượt tường lửa! Hoạt động mạng để thay đổi xã hội”

Đại hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế giới lần 6, gọi tắt là đại hội kỳ 6, do Mạng lưới Tuổi trẻ Việt Nam Lên đường chủ xướng vừa diễn ra trong thượng tuần tháng 8, quy tụ sự tham dự của hàng trăm bạn trẻ Việt từ 14 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Các bạn trẻ trong Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới lần 6 ở Philippines tháng 8 năm2011

Địa điểm được chọn tổ chức đại hội năm nay là thủ đô Manila của Philippines, nhân nước này kỷ niệm 25 năm ngày cuộc cách mạng bất bạo động mang tên “Quyền lực nhân dân” lật đổ chế độ độc tài, phục hồi nền dân chủ cho Philippines.

Đại hội năm nay có chủ đề là “Vượt tường lửa! Hoạt động mạng để thay đổi xã hội”, với mục đích nâng cao nhận thức của giới trẻ về vai trò và tầm quan trọng của các trang mạng kết nối và thông tin xã hội trên toàn cầu, đồng thời khuyến khích họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động mạng để vượt qua sự bưng bít thông tin, góp phần dân chủ hóa Việt Nam.

Phan Đình Quốc, Trưởng ban tổ chức đại hội 6:

“Điểm chính của đại hội là làm cách nào để vượt tường lửa, đưa thông tin và sinh hoạt trên mạng an toàn, dùng mạng internet để thay đổi xã hội Việt Nam.

 Đại hội có những buổi hội thảo khoáng đại, những sinh hoạt trò chơi lớn về cách dùng internet, cách vượt tường lửa, và những buổi hội thảo về vượt tường lửa. Đề tài này là thực tế nhất với thực trạng hôm nay.”

 Tuy nhiên, đề tài này chắc chắn không được các chính quyền kiểm duyệt internet chặt chẽ hoan nghênh, như ở Việt Nam chẳng hạn.

Vậy các bạn trong nước sang Philippines tham gia đại hội này đã chuẩn bị tâm lý như thế nào? Chúng ta hãy cùng gặp gỡ một tham dự viên đến từ Việt Nam.

Tuấn: Em là Tuấn đến từ Việt Nam. Tất nhiên khi sang đây mình phải chuẩn bị tâm lý là khi về khi về có thể gặp nhiều rủi ro. Em đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. Đại hội như thế này đối với chế độ độc tài là một cái gai. Những người qua đây tham dự khi về có nhiều khả năng bị dò xét.

Nói về vấn đề vượt tường lửa và thay đổi xã hội, sinh viên Việt Nam nhất là những sinh viên trong nước, hầu như ai cũng mơ ước muốn canh tân, thay đổi sao cho đất nước giàu mạnh, nhưng sống dưới chế độ cộng sản, mỗi người đang bị bao trùm bởi một sự sợ hãi.

Trà Mi: Sau khi đến với đại hội này bạn cảm thấy mình học hỏi được những gì từ chính đại hội và từ các bạn đồng trang lứa từ những nơi khác tới?

Tuấn: Em học được rất nhiều điều, như làm sao để đạt được quyền dân chủ, làm sao để nhân quyền được đặt lên hàng đầu.

Tất nhiên mình cũng biết thêm về cách thức học hành của các bạn ở các nước phát triển, học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ xã hội dân sự và những bước ngoặt tới cho đất nước Việt Nam mình.

Trà Mi: Những điều bạn cho là bổ ích đó, theo bạn có áp dụng được với tình hình Việt Nam hiện nay không?

Tuấn: Sẽ áp dụng được vì thời gian gần đây người dân Việt Nam đã có một chút mạnh mẽ khi tham gia các cuộc biểu tình, bớt nỗi sợ hãi đi.

Trà Mi: Bạn sẽ ứng dụng những điều học hỏi được từ đại hội này ra sao khi về Việt Nam?

Tuấn: Mình cũng biết đôi chút về cách vượt tường lửa. Giờ mình được học hỏi thêm, khi về, mình có thể bày cho các bạn sinh viên ở Việt Nam. Nhiều người muốn học hỏi mà không có cơ hội.

 Đó là tâm tình của một tham dự viên từ trong nước về những điều bạn cho là hữu ích khi đến với Đại hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế giới lần 6.

Còn các tham dự viên ở hải ngoại học hỏi được gì từ sinh hoạt này?

Cô bạn tên Yến đến từ Pháp cho biết:

Yến: Kỳ đại hội này có mấy bạn ở Việt Nam sang, mình học hỏi từ các bạn rất nhiều, biết được tình cảm và mong chờ của các bạn đối với các anh em ở hải ngoại.

 Ngoài ra các cuộc trao đổi giữa tụi mình với các bạn trong nước rất cảm động. Yến rất thích.

Trà Mi: Theo bạn, hiệu quả lớn nhất, tác động lớn nhất của đại hội này là gì?

Yến: Đó là các bạn trong nước và tụi mình ở hải ngoại học được một số điều về cách sử dụng máy tính sao cho được bảo vệ an toàn.

 Mình học hỏi được một số chuyện liên quan đến tình hình Việt Nam, về những biến chuyển vừa qua ở Bắc Phi.

Từ những kinh nghiệm của Bắc Phi, mình coi lại xem có thể làm gì cho Việt Nam. Qúy báu nhất là những chia sẻ tâm tình được trao đổi với các bạn ở Việt Nam. Họ có những cảm xúc không khác gì so với các bạn ngoài này, là muốn làm gì để thay đổi cho xã hội, đất nước tốt đẹp hơn.

 Bạn trẻ tên Tâm từ Australia đến với đại hội chia sẻ cảm nghĩ:

Tâm: Điều thích nhất là cơ hội được gặp các bạn từ 4 phương, được chia sẻ nỗi lo và hy vọng làm sao cho nước Việt Nam và cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại được vững mạnh. Đó là điều mình vui nhất.

Các bạn ở Việt Nam tới đây để lên tiếng, mình thấy họ rất can đảm và mình hãnh diện có được cơ hội ngồi chung một hội trường với họ.

Trà Mi: Những điều bạn học hỏi được từ kỳ đại hội này, bạn sẽ ứng dụng như thế nào ích lợi cho Việt Nam?

Tâm: Bằng đại học của mình là kỹ sư. Mình mong khi về lại Australia, mình có thể lập ra một số trang mạng như Wikileaks hiện nay rất thành công ở nhiều nước như ở Thái Lan hay Campuchea chẳng hạn.

Rất mong mình có cơ hội giúp các bạn trong nước lập ra một trang như thế, là nơi để các bạn khắp nơi chia sẻ những thông tin về những điều chính phủ Việt Nam làm chưa tốt cho khắp thế giới biết, hầu thúc đẩy sự những sự sửa đổi.

 Chúng ta vừa nghe cảm nghĩ của một số bạn trẻ tham gia các sinh hoạt trong đại hội 6 của Mạng lưới Tuổi trẻ Việt Nam Lên đường với chủ đề “Vượt tường lửa, hoạt động mạng để thay đổi xã hội”.

Mạng lưới tập hợp thanh niên người Việt khắp nơi trên thế giới với mục tiêu kết nối giới trẻ và cổ võ dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam và các kỳ đại hội được tổ chức mỗi 2-3 năm một lần tại nhiều nơi trên thế giới.

Các bạn nghe đài muốn bình luận về các sinh hoạt này, xin vui lòng  chia sẻ ý kiến bên dưới bài này, trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên, trên trang voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn trong một câu chuyện mới vào giờ này, tuần sau.