Home Tin Tức Thời Sự Dân chúng Syria vui mừng biến chuyển Libya

Dân chúng Syria vui mừng biến chuyển Libya PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Hai, 22 Tháng 8 Năm 2011 22:49

“Gadhafi đã xong; nay đến phiên ông, Bashar!”

BEIRUT (AP) - Vui mừng trước việc chế độ Libya đang nhanh chóng sụp đổ, hàng ngàn người dân Syria ồ ạt kéo ra đường hôm Thứ Hai để bày tỏ sự thách đố với chế độ Bashar Assad, qua những khẩu hiệu là triều đại kéo dài 40 năm của gia đình Assad sẽ là chế độ độc tài bị lật đổ kế tới.

 

Hai lãnh tụ độc tài Bashar Assad của Syria và Moammar Gadhafi của Libya trong hội nghị thượng đỉnh khối Ả Rập năm 2005. Sự sụp đổ cận kề của Gadhafi khiến người dân Syria vui mừng và tràn xuống đường đòi hỏi Assad từ chức. (Hình: AP Photo/Nabil)

Tổng Thống Assad, người tìm đủ mọi cách để đàn áp cuộc nổi dậy kéo dài đã năm tháng nay, ngày càng có vẻ xa rời thực tế khi ông không chịu công nhận sự thực là có hàng trăm ngàn người đòi hỏi ông phải rút lui, theo các phân tích gia. Thay vào đó, ông đổ lỗi cho thành phần Hồi Giáo quá khích và băng đảng.

Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng ông Assad phải biết học bài học của Libya.

“Gadhafi đã xong; nay đến phiên ông, Bashar!” người biểu tình hò hét ở một số thành phố trên khắp nước ít giờ sau khi Tổng Thống Assad lên tiếng bác bỏ đòi hỏi phải từ chức trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước.

 Lực lượng an ninh bắn vào dân chúng ở thành phố Homs, làm thiệt mạng ít nhất một người.

“Các nhà lãnh đạo phải biết rằng họ sẽ còn nắm được quyền lực chừng nào còn biết lắng nghe nguyện vọng của người dân,” theo lời ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu, lên tiếng tại Addis Ababa, Ethiopia, theo nguồn tin của hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anatolia.

Thổ Nhĩ Kỳ, từng là một đồng minh thân thiết của chế độ Syria và cũng là một bạn hàng quan trọng, ngày càng tỏ ra không hài lòng với Damascus về các hành động đàn áp đẫm máu. Các hành vi bạo động đã khiến chế độ cai trị ở Syria hiện đang gặp phải sự cô lập sâu rộng nhất của quốc tế từ nhiều thập niên nay, với lời kêu gọi Assad từ chức.

Các tổ chức tranh đấu nhân quyền nói rằng có hơn 2,000 người, đa số dân chúng không võ trang, đã bị giết trong các cuộc đàn áp chống biểu tình của lực lượng an ninh chính phủ.

Bộ trưởng quốc phòng Anh, ông Liam Fox, nói với đài phát thanh BBC rằng Assad “nên suy nghĩ cho kỹ trước những gì đang xảy ra ở Tripoli”.

“Ðây là sự thay đổi không tránh khỏi trong vùng-và tôi nghĩ rằng thông điệp gửi đến những người đang cai trị trong vùng là nếu không cho phép có tiến trình thay đổi thì điều này cũng có thể tự xảy ra,” ông nói.

Syria là một trường hợp khác hẳn các quốc gia Ả Rập khác đang xảy ra tình trạng bất ổn trong năm nay.

Một cuộc can thiệp bằng quân sự hầu như bị thế giới Tây phương bác bỏ, vì đã phải can dự vào Libya và thiếu có sự lãnh đạo trong giới đối lập ở Syria để có thể cung cấp sự hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Mỹ và các quốc gia khác không có nhiều phương tiện để áp lực hay cô lập chế độ Damascus hơn nữa.