Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23 Tháng 8 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23 Tháng 8 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 23 Tháng 8 Năm 2011 08:47

Bắc Triều Tiên dựa Nga để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc

 

Lễ nghinh đón lãnh đạo Kim Jong-Il tại Nga 21/8/2011 (REUTERS)

 
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il đã chính thức đến thăm Nga vào ngày 20/8/2011.

Ông được đón tiếp long trọng đến mức mà tờ Liberation mô tả rằng « Nga đã trải thảm đỏ đón chào Kim Jong-il ». Theo chương trình, hôm nay 23/8/2011 ông sẽ hội kiến với tổng thống Nga Dmitri Medvedev.

Trên bề mặt, chuyến thăm này đặt nặng vấn đề về kinh tế. Thế nhưng, nhật báo Le Mode có cái nhìn sâu xa hơn với bài viết nhận đinh : « Bình Nhưỡng xích lại gần Matxcơva để giảm bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh ».

Trước tiên, chuyến thăm này của ông Kim Jong-il là để cũng cố quan hệ kinh tế song phương, nhất là để bàn về dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Hàn Quốc thông qua lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, vấn đề hạt nhân cũng sẽ được đề cập. Và còn việc Nga hỗ trợ lương lực cho Bắc Triều Tiên.

Trên phương diện ngoại giao, giới quan sát tại Séoul đánh giá, chuyến công du này có thể cho thấy rằng, Nga muốn đóng vai trò tích cực hơn nữa trong tiến trình ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên.

Dù nằm trong số 6 nước của vòng đàm phán 6 bên, nhưng đến hiện tại Nga vẫn có thái độ e dè trong vấn đề Triều Tiên. Theo Le Monde, nếu dự án ống dẫn khí trên thành hiện thực, nó sẽ có tác động to lớn về mặt kinh tế và ngoại giao.

Hàn Quốc là nước nhập khẩu nhiều khí đốt. Chỉ trong năm 2010, nước này đã nhập khẩu trên 32,6 triệu tấn.

 Năm 2008, tập đoàn dầu khí Kogas của Hàn Quốc và tập đoàn Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận cung cấp cho phía Hàn Quốc 10 triệu tấn gaz mỗi năm kể từ năm 2015. Việc vận chuyển đường thủy rất tốn kém, vì thế Nga và Hàn Quốc đã đề nghị với Bắc Triều Tiên hợp tác xây dựng ống dẫn trên để tiết kiệm chi phí.

Dự án này đối với phía Bắc Triều Tiên rất lợi ích , nhất là trong giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay. Ước tính, nhờ vào đường dẫn này, mỗi năm Bắc Triều Tiên có thể kiếm được khoảng 500 triệu đô la.

Về phần Séoul, nếu ống dẫn khí trên thành hình, khoảng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu vào Hàn Quốc sẽ được vận chuyển qua đó. Bởi thế, miền Nam muốn có sự đảm bảo chắc chắn từ phía Bắc do ngại rằng nếu xảy ra căng thẳng, phía bắc sẽ đóng van ống dẫn này.

Bình Nhưỡng muốn hạn chế lệ thuộc vào Bắc Kinh

Dọc tuyến ranh giới dài 1 300 cây số với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã và đang tăng cường các dự án kinh tế với nước này, như trong lĩnh vực cầu đường hay xây dựng một khu công nghiệp liên doanh trên một hòn đảo của dòng Áp Lụt. Trung Quốc muốn gắn Bắc Hàn vào sự phát triển của ba tỉnh Hồ Bắc, Cát Lâm và Liêu Ninh.

Trong khi đó, ranh giới giữa Nga và Bắc Triều Tiên chỉ vỏn vẹn có 17 km. Bởi thế Matxcơva không phát triển được nhiều trong quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng. Vốn là đồng minh thân cận của nhau đến tận ngày Liên Xô sụp đổ, Nga đã nhường vị trí đồng minh thân cận này lại cho phía Trung Quốc.

 Hiện tại, theo Le Monde, việc làm thân lại với Matxcơva sẽ giúp chế độ Bình Nhưỡng giảm bớt bị lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Nga ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và cũng không thừa nhận Bắc Hàn là một cường quốc hạt nhân. Bởi thế, vào năm 2009, Nga vẫn thực thi các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đối với nước này, nhưng chỉ trên lí thuyết. Trên hồ sơ phi hạt nhân hóa phía bắc, Nga cho rằng, giải pháp chỉ có thể được thông qua trong khuôn khổ một thỏa thuận khung về an ninh và một hiệp ước bất tương xâm đối với Hoa Kỳ.

Nga cũng luôn tránh chỉ trích Bắc Triều Tiên. Như trong vụ khủng hoảng hạt nhân năm 2002, Nga đã yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng xác thực về sự vi phạm cam kết của Bắc Triều Tiên. Năm 2010, đối với việc phía Bắc bị cáo buộc đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, Nga vẫn im hơi lặng tiếng.

Nga còn có động thái giúp đỡ đồng minh của mình. Như việc Nga đã làm trung gian trong việc trả lại cho Bắc Triều Tiên 25 triệu đô la bị Ngân hàng trung ương Mỹ đóng băng trên các tài khoản ở Macao. Nếu dự án ống dẫn khí nói trên suông sẻ, Nga sẽ có lợi ích to lớn không chỉ về kinh tế. Một giáo sư Hàn Quốc tại Séoul nhận định, thông qua ống dẫn này, Nga có thể tìm lại được vai trò « nhân tố hàng đầu » trên mặt trận ngoại giao tại Đông Á.

Chính phủ Miến Điện đang lợi dụng bà Aung San Suu Kyi ?

Hôm thứ bảy, ngày 20/8/2011, thủ lĩnh của lược lượng đối lập tại Miến Điện, Nobel hòa bình 1991, bà Aung San Suu Kyi đã tiếp kiến tổng thống Thein Sein, một đối thủ lâu năm, tại dinh tổng thống.

 Dư luận cho rằng, gần đây chính phủ ông này muốn chứng minh bản chất « dân sự của mình ». Thế nhưng, theo Le Monde, động thái ân cần đối với người từng bị quản thúc hàng chục năm cho thấy : « Chính phủ Miến Điện muốn phục hồi hình ảnh thông qua bà Aung San Suu Kyi ».

« Rất đáng khích lệ », đó là lời hoan hỉ của vị khách đặc biệt San Suu Kyi sau buổi hội kiến với ông Thein Sein tại phủ tổng thống.

 Một quan chức chính phủ Miến Điện thì cho hãng tin AFP biết, cuộc gặp gỡ giữa tổng thống và người phụ nữ mà cách đó vài tháng còn là « nhân vật đáng ghét » của chế độ, đã diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp, hai bên đã trao đổi thẳng thắng.

Nhật báo chính thống The New Light of Myanmar đăng bài giải thích rằng hai bên đã cố gắng tìm kiếm điểm chung để hợp tác vì lợi ích quốc gia dân tộc bằng cách gác lại những bất đồng. Cuộc hội kiến diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc gặp lần thứ hai của bà San Suu Kyi và bộ trưởng lao động đương nhiệm.

Hồi tháng 6, chính quyền còn đề nghị bà San Suu Kyi nên tránh xa chính trường và không nên ra khỏi Rangoon vì ngại sẽ gây ra « hỗn loạn ». Thế mà, hôm 14/8, bà đã có thể đến thành phố Bago và tổ chức ở đó một cuộc mít tinh đậm chất chính trị trước hàng ngàn người ủng hộ. Đảng của bà cũng đã « được mời » chính thức đăng ký tái hoạt động.

Nhiều câu hỏi được đặt ra : Phải chăng chính phủ Thein Sein bắt đầu có thay đổi thật sự ? Hay là thêm một lần nữa bà San Suu Kyi có nguy cơ bị lợi dụng bởi một chế độ không muốn cải cách ? Hiện tại, theo Le Monde, vẫn còn 2 000 tù nhân chính trị còn bị giam cầm.

Theo ông Aung Zaw, một người Miến Điện sống lưu vong, người sáng lập và là tổng biên tập của trang mạng Irrawaddy, chính phủ Then Sein muốn tìm kiếm sự công nhận của thế giới, muốn được tháo gở các biện pháp trừng phạt kinh tế và muốn không bị phản đối trong việc tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên khối Asean.

Ong Aung Zaw cảnh báo không nên vội vã tin vào sự ân cần nói trên, bởi trong quá khứ chính quyền quân phiệt đã không ít lần tạm mềm dẻo với bà San Suu Kyi đế lấy lòng phương tây, để rồi khi được việc lại tiếp tục con đường cứng rắn.

Dân Nhật di tản tránh phóng xạ còn lâu mới được về nhà

Lần đầu tiên chính quyền Nhật Bản thừa nhận một số vùng sẽ còn nằm trong khu vực di dân trong nhiều năm, đó là thông tin được đăng tải trên nhật báo Le Figaro số ra hôm nay.

Đến hiện tại, Nhật Bản vẫn chưa có bản đồ chính xác về tình hình nhiễm phóng xạ xung quanh nhà máy Fukushima, vì thế hậu quả dài hạn của thảm họa hạt nhân vẫn còn chưa được xác định rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, hôm qua, tổng thư ký chính phủ ông Yukio Edano đã thừa nhận là người dân di tản trong khu vực vẫn chưa thể trở về nhà trong thời gian rất lâu nữa. Ngay hồi tháng tư, các chuyên gia đã có cảnh báo tương tự, nhưng đây là lần đầu tiên chính phủ thừa nhận sự việc.

Ngày 9/8, bộ công nghiệp Nhật Bản đã thông báo rằng, người dân có thể trở về nhà trong vùng sát cạnh nhà máy ngay sau khi các lò phản ứng được kiểm soát trở lại. Thế nhưng, kết quả đo đạt vừa qua đã khiến chính quyền phải thay đổi ý kiến. Theo đo đạt nói trên, một người sống ở Okuma cách nhà máy Fukushima ba cây số, có thể bị nhiễm xạ ở cường độ 508 millisiert mỗi năm, tức cao gấp 25 so với mức cho phép là 20 millisiert. Nếu vượt ngưỡng 20 mSv, sẽ phải tiến hành biện pháp di dân.

Liên quan đến vùng phải di dân, hiện tại phạm vi các vùng cũng chưa được xác định rõ ràng. Le Monde cho biết, người dân luôn chờ một ranh giới rõ ràng hơn giữa « những vùng phải di tản (vùng trong phạm vi 20 km), « vùng di tản dự kiến» và « vùng có nguy cơ trở thành vùng phải di tản ».

Libya sẽ về đâu vào thời hậu Kadhafi ?

Sự kiện quân nổi dậy tấn công vào thủ đô Tripoli tiếp tục thu hút báo giới hôm nay. Bên cạnh việc thể hiện niềm hoan hỉ trước sự sắp ra đi của một chế độ được cho là « độc tài », các báo Pháp điều cẩn trọng dành bài phân tích những khó khăn trong việc tái thiết Libya thời kỳ hậu Kadhafi.

L’Humanité phân tích chủ đề này với bài viết : « Hội đồng chuyển tiếp trong thử thách ».

Tờ báo cho biết, hiện tại vẫn có quá ít thông tin về Hội đồng chuyển tiếp, cơ quan đầu não phe nổi dậy tại Libya (CNT). Người ta chỉ biết một vài nhân vật nổi tiếng sau đây, mà nếu lật lại lí lịch của họ cũng khiến không khỏi quan ngại.

Người đứng đầu CNT là ông Mustapha Abdeljalil. Đến tận tháng giêng rồi ông vẫn còn là bộ trưởng tư pháp của chế độ Kadhafi. Trước đó ông cũng nổi tiếng khi giữ chức chánh án tòa thượng thẩm Tripoli, khi ấy ông đã từng từ chối ân xá cho các nữ y tá người Bungaria bị kết án tử hình.

 L’Humanité nhận định : « Thật ngạc nhiên là phe nổi dậy lại chọn một nhân vật như vậy làm đại diện cho mình ».

Nhân vật « sừng sỏ » thứ hai là ông Mahmoud Jibril, thủ tướng do ông Abdeljalil bổ nhiệm. Dưới chế độ Kadhafi, ông này từng là người phụ trách phát triển kinh tế, đặc biệt là chịu trách nhiệm về công tác tư nhân hóa các lĩnh vực then chốt của Libya.

Một nhân vật đáng chú ý nữa là ông Ali Tarhouni. Ông từng giảng dạy kinh tế tư bản ở các trường đại học tại Mỹ. Ông về nước tham gia hàng ngũ phe nổi dậy với chức là bộ trưởng dầu hỏa và tài chính.

Tờ báo cũng tuyên lượng nguy cơ chia rẻ nội bộ của CNT sau khi lật đổ được ông Kadhafi, sự chia ré giữa những người đến từ miền đông Libya (khu vực của thành phố Benghzi) (bao gồm những gương mặt tiêu biểu vừa kể trên) và những người tham gia chiến đấu đến từ miền Tây.

Chia sẻ nhận định này, Les Echos cảnh báo : « Nguy cơ đất nước bị phân chia ». Tờ báo nhấn mạnh, còn nhiều điều chưa chắc chắn cho thời hậu Kadhafi.

 Hôm qua, các nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng kêu gọi tránh việc trả thù và tránh việc chia cắt đất nước. Tổng thư ký Nato cũng kêu gọi CNT đảm bảo sự chuyển giao quyền lực được diễn ra trong êm thắm và phải tập hợp được mọi phe phái.

Tờ báo cũng cho rằng, lực lượng nổi dậy chỉ là một sự tập hợp tạm thời theo kiểu « chấp vá », từ những người trẻ tuổi được đào tạo ở phương tây đến những người từng tham gia phong trào thánh chiến, lại có cả đại diện các bộ tộc và những người từng làm việc cho chế độ Kadhafi.

Được thành lập vào ngày 27/1/2011, CNT đã bị suy yếu bởi mâu thuẩn nội bộ, như những căng thẳng sau vụ ám sát ông Abdel Fatah Younis, vào ngày 28/7. Ông này vốn là « cựu thần » của Kadhafi, đã sang đầu quân nổi dậy để nhận chức bộ trưởng quốc phòng.

Xã hội Libya cũng tiềm ẩn sự chia rẻ. Sự chia rẻ giữa miền đông và miền tây, giữa các bộ tộc. Les Echos dẫn lời một chuyên gia cho biết, một trong những nguy cơ đó là các bộ tộc sẽ tranh giành nguồn lợi dầu hỏa của đất nước, nguồn thu chính của Libya.

Le Figaro cũng nhìn về khó khăn trong tiến trình tái thiết Libya với nhận định : « Sau khi giành chiến thắng, còn phải lao vào xây dựng hòa bình. Một nước Libya mới sẽ là hình mẫu cho tương lai của mùa xuân Ả Rập. Trường hợp Irak và Ahghanistan đã cho thấy nhiệm vụ thời hậu chiến không hề đơn giản ».

La Croix chia sẻ : « Phải xây dựng lại tất cả : tìm được những nhân vật có năng lực để điều hành đất nước, đấu tranh chống lại các thế lực li khai của các bộ tộc, tránh để xảy ra hiện tượng thanh toán lẫn nhau».

Trang nhất các báo Pháp

Chủ đề nổi trội nhất trên các báo Pháp hôm nay là tình hình chiến sự tại Libya. Với những dòng tít đáng chú ý : « Sự sụp đổ của một tên bạo chúa » (Le Figaro), « Chế độ Kadhafi đã sụp đổ » (Le Monde), « Mong chờ một nước Libya mới » (La Croix), « chế độ Kadhafi bị chôn vùi » (L’Humanité), « Thách thức thời hậu Kadhafi » (Le Figaro), « Libya tự do » (Liberation), các báo tập trung phân tích tình hình chiến sự tại Libya với việc quân nổi dậy đang bao vây khu dinh thự của ông Kadhafi.

 Đặc biệt, các báo cũng có nhiều nhận định về tình hình thời hậu Kadhafi, theo đó việc tái thiết Libya thời hậu chiến sẽ không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, một chủ đề có thể được xem là đứng thứ hai trong việc thu hút báo giới hôm nay, đó là chuyển biến trong vụ án cựu tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn.

Các nhật báo Le Fiagaro, Le Monde, Les Echos và Liberation đều chạy hàng tựa về chủ đề này trên trang nhất, và cho biết ngành công tố New York đã từ bỏ việc truy tố hình sự đối với ông DSK. Thế nhưng, quyết định cuối cùng còn phải chờ phiên tòa diễn ra vào hôm nay.