Home Tin Tức Thời Sự Những bí ẩn về chế độ của Gadhafi

Những bí ẩn về chế độ của Gadhafi PDF Print E-mail
Tác Giả: Triệu Phong/Người Việt (tổng hợp)   
Thứ Năm, 01 Tháng 9 Năm 2011 18:59

Liên minh quân sự không thể xác nhận tin Gadhafi chạy về ẩn trốn ở Sabha  
 

  TRIPOLI/BENGHAZI -Lãnh tụ phe nổi dậy ra tối hậu thư cho lực lượng trung thành với nhà độc tài Gadhafi, phải đầu hàng các thành phố họ còn đang chiếm giữ trong vòng 4 ngày, nếu không phải đối diện với một hậu quả đẫm máu và bi thảm, theo tin của MSNBC.

  
Nisreen, một cô gái 19 tuổi, sát thủ của Gadhafi, từng bắn chết 11, trong một bệnh viện ở Tripoli. (Hình chụp qua màn ảnh truyền hình CNN)
 
Quân nổi dậy tập trung về thành phố Sirte, nơi sinh quán của Gadhafi từ hai hướng Ðông và Tây nhưng dừng lại để hy vọng có thể thương thuyết một cuộc đầu hàng.

Tại Benghazi, nơi đặt bộ chỉ huy của Hội Ðồng Chuyển Tiếp Quốc Gia (NTC) của phe nổi dậy, Ðại Tá Ahmed Bani, phát ngôn viên quân sự, cho biết, cuộc thương nghị xảy ra chỉ với trưởng lão các bộ tộc chứ không phải với quân trung thành của Gadhafi.

 Vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

 NATO tin là Moammar Gadhafi vẫn còn chỉ huy lực lượng của mình ở Libya và hứa sẽ tiếp tục oanh tạc các lực lượng này cho đến khi họ ngưng đe dọa đến an ninh của người dân Libya.

Roland Lavoie, phát ngôn viên của liên minh quân sự, nói: “Quân trung thành với Gadhafi chưa hoàn toàn tan rã, họ rút đi trong trật tự và sẽ còn tiếp tục chiến đấu.”

Ông tiếp: “Khu vực chú ý của chúng tôi tập trung ở hành lang giữa Bani Walid và bờ Ðông của thành phố Sirte, nơi lực lượng trung thành đang duy trì sự hiện diện ở nhiều thị trấn lẫn làng mạc vùng duyên hải.”

NATO báo cáo đã tiến hành 120 phi vụ gồm 42 vụ oanh tạc trên khắp Libya hôm Thứ Hai. Sang Thứ Ba, NATO xác nhận gia tăng không tập chung quanh thành phố Sirte, nơi có ba cơ sở chỉ huy và điều khiển, bốn giàn radar, một hệ thống hỏa tiễn địa đối không và 22 xe thiết giáp.

Mặc dù phe nổi dậy giành được nhiều đất đai trong thời gian gần đây, nhưng thực tế phần lớn lãnh thổ Libya vẫn chưa nằm trong sự kiểm soát của NTC. Giao tranh ở Sirte vẫn chưa ngã ngũ đến đâu. Từ đây, con đường uốn khúc chạy về đến Hun, và rồi từ Hun đi đến Sabha, một thành trì của Gadhafi cách Tripoli 480 dặm, nằm bên mép bờ của sa mạc Sahara. Tất cả ba trung tâm đô thị này đều là mục tiêu oanh tạc của NATO, một dấu hiệu cho thấy lực lượng của Gadhafi vẫn còn hùng cứ ở đây.

Fezzan, tỉnh thành ở phía Tây Nam và giáp giới với Algeria, được biết còn hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Gadhafi.

 Số phận những người trong gia đình Gadhafi

 - Moammar Gadhafi có mặt ở Tripoli đến hôm Thứ Sáu:

Báo Sky News của Anh trích dẫn lời khai cận vệ của Khamis, người con trai của Gadhafi và cũng là một hung thần nắm quyền tư lệnh một lữ đoàn tinh nhuệ. Theo người này, Gadhafi ở lại Tripoli cho đến ngày Thứ Sáu thì di chuyển đến Sabha, một thành phố sa mạc ở phía Nam.

Gadhafi có gặp gỡ Khamis lúc 1 giờ 30 trưa Thứ Sáu trong khu dinh thự, lúc Tripoli đang chịu hỏa lực dữ dội của quân nổi dậy. Gadhafi đến bằng xe hơi và sau đó con gái Aisha của ông cũng xuất hiện.

Sau cuộc gặp ngắn ngủi, Gadhafi cùng đoàn tùy tùng ra đi trên những chiếc SUV, một sĩ quan cho người cận vệ biết: “Họ đi về hướng Sabha.”

Cùng với Sirte, Sabha là một trong những thành trì chính thuộc lực lượng ủng hộ Gadhafi.

Liên minh quân sự không thể xác nhận tin Gadhafi chạy về ẩn trốn ở Sabha. Roland Lavoie nói với các phóng viên ở Naples, Ý, rằng: “Tôi không có bằng chứng để xác nhận hay phủ nhận tin này, nên nhớ là chúng tôi chỉ nhìn thấy cách mặt đất từ 20,000 đến 30,000 feet mà thôi.”

 - Khamis Gadhafi còn sống hay đã chết?

Có nhiều nguồn tin nói rằng Khamis Gadhafi và cựu trưởng tình báo Abdullah al-Senussi đều bị giết trong cuộc đụng độ hôm Thứ Bảy. Tin này chưa được xác nhận và ngay cả phát ngôn viên của NATO cũng nói là chưa có tin tức nào về số phận của Khamis.

 - Saadi Gadhafi, người thích nuôi sư tử:

Chỉ một tháng trước đây, mỗi ngày Saadi, người con trai thứ ba của Gadhafi, cùng vài cận vệ đến sở thú ở Tripoli để thăm những con thú yêu thích nhất, đó là 9 con sư tử của riêng Saadi, trong số 18 con ở sở thú.

Giám đốc sở thú Tripoli nói ông thấy Saadi lần cuối cách đây bốn tuần, khi Saadi ghé lại sở thú với đoàn xe bảo vệ nghiêm ngặt. Sau đó Saadi biến mất luôn, không rõ đi về đâu.

 - Aisha Gadhafi, người con gái duy nhất của Gadhafi:

Ðại sứ Algeria ở Liên Hiệp Quốc, Mourad Benmehidi, nói qua một bức thư gửi Hội Ðồng Bảo An, rằng lúc 8 giờ 45 sáng Thứ Hai, vợ của Gadhafi là bà Safiya, cô con gái Aisha, và hai người con trai, Hannibal và Mohammad, cùng con cái họ vượt biên giới vào đất Algeria, trên một xe buýt và một xe Mercedes. Ông Benmehidi cho biết một bé gái “ra đời vào cùng ngày ở biên giới mà không có sự trợ giúp y tế nào”. Ông này nói Algeria cho họ vào tị nạn vì “lý do nhân đạo”.

Nguồn tin của Algeria cho hay, Aisha đang có thai là lý do khiến chính quyền Algeria phải cho phép họ qua biên giới.

 

 Aisha, con gái của nhà độc tài Gadhafi. (Hình: Khaled Desouki/AFP/Getty Images) 


Aisha Gadhafi là một luật sư tuổi ngoài 30, từng giúp biện hộ cho nhà độc tài bị lật đổ Saddam Hussein của Iraq. Bà từng làm đại sứ thiện nguyện cho chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc trong hai năm, trước khi cha bà ra tay trấn áp đẫm máu.

Tripoli hầu như đang trở lại bình thường, với vài vụ nổ lẻ tẻ và không có dấu hiệu nào cho thấy phe trung thành của Gadhafi có thể phản công. Ðược hỏi làm thế nào các thành viên trong gia đình Gadhafi có thể thoát khỏi thủ đô được, ông Ahmed Darrat, bộ trưởng nội vụ của NTC đáp: “Có thể họ không có mặt ở Tripoli mà ở đâu đó bên ngoài.”

 - Hana Gadhafi chết hay chưa chết?

Sau khi lực lượng nổi dậy vào Tripoli, nhiều chứng cớ cho thấy ông Gadhafi đã nói dối về cái chết của cô con gái nuôi Hana trong cuộc oanh kích của Mỹ vào năm 1986, lúc cô còn là một hài nhi.

Cuộc oanh tạc vào nhà của Gadhafi trong khu dinh thự Bab al-Aziziya, để trả thù vụ đánh bom do Libya tổ chức, đánh vào một vũ trường ở Berlin làm chết hai lính Mỹ. Sau đó, Gadhafi trưng cho các nhà báo Mỹ xem hình của một hài nhi bị chết và nói rằng đó là Hana.

Cuộc điều tra vụ đánh bom chiếc máy bay của hãng hàng không Pan Am năm 1988 trên bầu trời Lockerbie, Scotland, cho thấy Libya nhúng tay trong vụ này. Một số người cho rằng Gadhafi đã ra lệnh thực hiện việc này để trả thù cho cái chết của Hana.

Nhưng khi quân nổi dậy vào khu dinh thự Bab al-Aziziya, ở Tripoli, họ tìm thấy trong một căn phòng có giấy khai sinh của Hana và hình chụp của một phụ nữ trẻ với tên Hana ghi ở mặt sau, cho thấy người này vẫn còn sống. Một giới chức bệnh viện Tripoli xác nhận Hana làm việc cho ông với tính cách một y sĩ giải phẫu cho đến khi quân nổi dậy tiến vào.

Adel Shaltut, một nhà ngoại giao Libya ở Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, nói: “Mọi người dân Libya đều biết ngay từ đầu việc Hana chết là một điều dối trá.” Ông cho hãng thông tấn AP biết, Hana đã lấy chồng và có con.

Tuy nhiên, một số người Libya lại tin là Hana đã chết thật rồi, Gadhafi xin một bé gái khác làm con nuôi rồi đặt lại tên Hana để tưởng nhớ đến đứa bé bạc phước.

Ðể cho bí mật càng thêm khúc mắc, hai bức ảnh của AP hồi thập niên 1990 cho thấy một cô gái tuổi vị thành niên, mà phần chú thích lại nói đây là cô con gái Hana của ông Gadhafi. Trong một hình khác chụp năm 1999, Hana đứng cạnh Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela, được ông vòng tay ngang lưng, chú thích rằng đây là Hana Gadhafi.

 - Saif al-Islam và Moussa Ibrahim:

Hai nhân vật quan trọng của chế độ: Saif al-Islam và phát ngôn viên chính quyền Gadhafi, ông Moussa Ibrahim, được trông thấy xuất hiện lần cuối tại khách sạn Rixos ở Tripoli hôm Thứ Hai. Nhưng người ta chưa hề thấy những thân nhân khác của ông Gadhafi ở đó.

Theo quân nổi dậy đang canh gác khách sạn Rixos, Ibrahim ra đi một cách vội vã, bỏ lại nhiều đồ tư hữu khi cuộc giao tranh tiến đến gần nơi đây. Phòng số 2123 ở tầng trệt cho thấy ông này chỉ có 30 giây để chuồn đi. Giấy tờ, bằng khen của trường Al-Fateh University quăng lại trên sàn; kem đánh răng để lại trong phòng tắm. Một danh thiếp mang tên tham vụ ngoại giao Nga, Maxim Maksimov, nằm trên mặt bàn kiếng.

Quân nổi dậy lùng sục kỹ tìm kiếm hệ thống đường hầm mà nhiều tin đồn có ở bên trong khách sạn, nhưng không thấy. Khách sạn Rixos nằm cạnh bên sở thú rộng 45 mẫu tuy nhiên không có dấu hiệu cho thấy gia đình ông Gadhafi đã lợi dụng khu đất tường cao này để làm đường thoát thân.

 - Các nữ cận vệ của Gadhafi bị lạm dụng tình dục:

Năm phụ nữ được tuyển làm cận vệ cho ông Gadhafi khai đã từng bị nhà độc tài lạm dụng tình dục, kể cả hiếp dâm. Gadhafi và mấy người con trai của ông đã hiếp dâm và lạm dụng thân xác họ cho đến khi chán chê, Washington Post tường thuật theo tờ Sunday Times phát hành ở Malta.

Gadhafi duy trì một đội quân phụ nữ lấy tên là Vệ Binh Amazon. Nhiều lần họ đỡ đạn cho Gadhafi như trường hợp một nữ cận vệ bị chết và hai người khác bị thương khi ông bị tấn công vào năm 1988.

Nhà độc tài đòi hỏi họ không những bảo vệ cho ông mà còn thề giữ trinh tiết với ông nữa.

  
Hồ bơi trong biệt thự của Aisha Gadhafi. (Hình: Daniel Berehulak/Getty Images)

Một phụ nữ nói với Sunday Times cô nhận được giấy dọa phải gia nhập đơn vị này, sau khi chính quyền nói anh của cô bị bắt buôn lậu ma túy vào Libya, họ đòi hỏi cô phải gia nhập hoặc phải đi tù.

Tờ Sunday Times viết: “Mấy người phụ nữ này thoạt đầu bị nhà độc tài hiếp rồi chuyền tay như đồ chơi xuống người con trai, sau đó đến các viên chức cao cấp, trước khi không còn ai đụng đến nữa.”

Nhà tâm lý học Seham Sergewa, người thu thập tài liệu để nộp cho tòa án quốc tế ICC, cho biết lính của Gadhafi cũng hiếp dâm phụ nữ một cách có hệ thống trong thời gian có cuộc xung đột. Một số phụ nữ khai bị đến 20 người lính hiếp trong cùng một lần.

Sergewa nói: “Có trường hợp một cô gái 18 tuổi bị hiếp ngay trước mặt cha, đến nỗi cô phải yêu cầu cha mình nhìn đi chỗ khác.”

 - Cô gái 19 tuổi làm sát thủ cho Gadhafi:

Nisreen, một cô gái 19 tuổi, trông còn nhỏ hơn tuổi thật của mình, có dáng dấp mảnh mai, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt nâu to và đôi môi dày. CNN tránh không nêu ra họ của cô vì cô thuộc đơn vị nữ cận vệ của Gadhafi.

Cô trở thành sát thủ cho lực lượng của Gadhafi và nhận chính tay mình bắn chết 11 quân nổi dậy bị bắt làm tù binh.

Nisreen kể: “Họ mang vào từng người một và bảo tôi bắn. Cạnh tôi và sau lưng đều là người của họ, họ bảo nếu tôi không bắn thì họ bắn tôi. Tôi phải quay mặt đi nơi khác để khỏi nhìn thấy và tôi thấy máu chảy và chảy không ngừng.”

Trước đây một năm, cô bị ép phải gia nhập đơn vị bảo vệ khi mẹ cô đang vật lộn với bệnh ung thư. Người dẫn cô đi là trưởng đơn vị và cũng là bạn của gia đình cô. Cô nhớ là mẹ cô và người đó cãi nhau về những gì cô không hiểu.

Nisreen được huấn luyện sử dụng vũ khí và được đơn vị trưởng giữ lại ở bộ chỉ huy Lữ Ðoàn 77, nằm cạnh bên khu dinh thự Bab al-Aziziya của Gadhafi. Cô và hằng trăm phụ nữ khác trong đơn vị bị cô lập, không được tiếp xúc với gia đình. Theo Nisreen, một số phụ nữ rất nhiệt tình với chế độ, riêng cô thì không nhưng cô không thể trốn đi được.

Khi cuộc nổi dậy bắt đầu hồi Tháng Hai, người nữ đội trưởng bảo cô đến gặp chỉ huy trưởng Lữ Ðoàn 77 và bị ông này hiếp. Cô kể cô la hét nhưng chẳng làm được gì hơn, sau đó bị kêu lên thêm hai lần nữa. Rồi cô lại bị hai chỉ huy trưởng khác hiếp. Sếp cô bảo cô hãy ráng mà chịu đựng. Nisreen nói tất cả phụ nữ trong đơn vị đều bị hãm hiếp nhưng họ bị buộc phải im miệng.

Khi quân nổi dậy đến, cô nhảy xuống từ lầu hai để thoát thân thì bị bắt và được đưa vào bệnh viện.

Mẹ của Nisreen đang điều trị ung thư ở Tunisia, cô nói chuyện với bà bằng điện thoại và kể lại tất cả. Cô nói: “Mẹ tôi phẫn uất lắm.” Cha cô không hay biết gì vì gia đình e rằng ông quá yếu, sợ nghe tin về cô ông không sống nổi. (T.P.)

Liên lạc tác giả: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it