Home Tin Tức Thời Sự Sài Gòn và chuyện lồng đèn Trung Thu

Sài Gòn và chuyện lồng đèn Trung Thu PDF Print E-mail
Tác Giả: Hàm Anh   
Thứ Ba, 06 Tháng 9 Năm 2011 07:09

Hàng Trung Cộng hơn hàng VN. 


SÀI GÒN - Bình thường Tháng Tám mới bắt đầu bán bánh và lồng đèn Trung Thu nhưng như vậy hàng Trung Thu chỉ bán được trong vòng nửa tháng, vì sau rằm thì không ai ăn bánh và chơi đèn nữa cả.

                   Ðèn xếp Việt Nam. (Hình: Hàm Anh)

Vì thế loại hàng hóa đặc biệt này ngày càng được đẩy lên bán sớm. Từ sau Tết Vu Lan, người ta bắt đầu bán bánh, như thế thời gian bán hàng sẽ kéo dài được một tháng. Nhưng năm nay từ trước Tháng Bảy Âm lịch, bánh Trung Thu đã xuất hiện trên các vỉa hè đường phố. Song song với bánh là lồng đèn.

Sản xuất lồng đèn ở Hóc Môn nhưng nhiều nhất là làng Phú Bình (quận 11) được coi là nơi cung cấp chính cho thị trường lồng đèn Trung Thu. Thông thường người sản xuất sẽ mang hàng tới tận nơi bỏ mối cho chỗ bán sỉ quen ở chợ Kim Biên, Bình Tây... và bạn hàng cũng đến đây mua về bán lẻ. Sở dĩ người bán lẻ không đến mua thẳng ở nơi sản xuất vì nơi đó phần lớn là hàng Việt Nam. Ngoài ra, mỗi nhà sản xuất một mặt hàng khác nhau nên muốn mua nhiều mặt hàng phải đi gom từ nhiều nhà. Chỗ bán sỉ tập trung hàng từ nhiều nguồn khắp nơi nên mặt hàng phong phú, dễ chọn lựa hơn. Khi hết mùa Trung Thu, người bán không hết có thể trả lại hàng.
 

                       Lồng đèn Việt Nam. (Hình: Hàm Anh)

Lồng đèn bán sỉ nhiều nhất ở đường Lương Nhữ Học nên đây được coi là đường lồng đèn. Gần đây do mặt hàng này tiêu thụ ít, không có nhiều hàng bán lồng đèn trong thành phố nên khách hàng cũng tìm đến đây mua lẻ.

Mặc dù lồng đèn treo đầy nhưng nhìn vào cả rừng lồng đèn vẫn dễ dàng nhận ra những lồng đèn quen thuộc của Việt Nam là đèn xếp giấy và đèn giấy bóng kiếng đỏ làm theo hình ngôi sao, con thỏ, cá chép, tàu thủy, máy bay...

Tuy có vài thêm thắt như con bướm, con rồng... viền thêm lông nhuộm màu hoặc sơn óng ánh kim tuyến nhìn có vẻ lộng lẫy hơn xưa, nhưng nói chung lồng đèn Việt Nam hàng mấy chục năm nay không thay đổi kiểu dáng nguyên thủy.

Trước kia lồng đèn bóng kiếng có nhiều màu. Nhiều nhất là màu đỏ, bên cạnh có thêm màu vàng, xanh dương, xanh lá. Hiện nay chỉ còn toàn màu đỏ thôi. Cách dựng lồng đèn vẫn vậy. Vẫn là khung tre dán giấy bóng kiếng, trên đó là những vệt sơn màu trắng, vàng, xanh... làm rõ nét cho cánh gà, cánh sen...

Thật ra bên cạnh hình thú thì cũng có một số tạo hình mới sau này như lồng đèn cá mập, mặt trời, Tôn Ngộ Không, con mèo Doremon, siêu nhân... rất gần gũi với trẻ em. Phim Tôn Ngộ Không của Tàu và truyện tranh Doremon của Nhật làm mưa làm gió một thời gian dài khiến trẻ con phát sốt. Vì thế những hình tượng này mau chóng nhảy vào lồng đèn và đến nay tuy đã qua thời hoàng kim nhưng hình ảnh hai nhân vật này vẫn còn tồn tại. Phim hoạt hình siêu nhân tiếp nối Tôn Ngộ Không và mèo Doremon chiếm lĩnh thế giới thiếu nhi. Lồng đèn siêu nhân tuy có mặt nhưng rải rác như hai lồng đèn trên. Trẻ em không còn thích chơi lồng đèn nữa nên mấy năm nay không thấy xuất hiện những kiểu hình mới.
 

                   Lồng đèn Trung Quốc. (Hình: Hàm Anh)

 
Thời vụ làm đèn bắt đầu từ sau Tết. Ăn Tết xong là lúc thợ mua tre về vót nan làm khung, đầu hè bắt đầu dán giấy, vẽ đèn kịp đến đầu khai giảng cũng là mùa Trung Thu thì tung ra. Họ xem thị trường thiếu nhi rộ lên những phim ảnh, truyện tranh nào với những nhân vật được ưa thích thì bắt lấy ngay những hình ảnh đó mang vào lồng đèn. Cho nên nhìn vào lồng đèn có thể biết ngay sở thích hiện tại của trẻ em.

Cũng có một số lồng đèn cải tiến làm bằng khung kẽm phất giấy dán thêm hình đầu dê chó mèo giá thành rẻ hơn tre và đỡ tốn công sức hơn nan vì dễ uốn. Nhưng khách hàng nếu không mua lồng đèn khung nan thì thôi chứ ít ai thú vị lồng đèn khung kẽm, nhìn có vẻ “sắt thép” quá và đầu thú nhìn giống đầu lân hơn lồng đèn.

Cũng như mọi lĩnh vực hàng hóa khác, lồng đèn Trung Thu cũng tràn ngập hàng Trung Quốc. Hàng Trung Quốc thống lĩnh thị trường nhờ nhiều ưu điểm. Thứ nhất màu sắc rất sặc sỡ và kiểu dáng vô cùng phong phú. Thêm nữa đủ loại hình dáng, kích cỡ, giá tiền... Ngoài thú vật còn có công chúa, búp bê lắc vòng, tàu thủy phun khói... phù hợp cho bé trai, bé gái đủ mọi loại tuổi.

Nổi trội của lồng đèn Trung Quốc là được chế tạo bằng nhựa và phát ánh sáng do pin. Vì thế em bé tha hồ chơi mà không sợ lửa bỏng, những chiếc lồng đèn kiểu cũ quá mỏng manh và cồng kềnh, khi thắp nến rất dễ bị cháy nên khi con cái chơi, cha mẹ phải mất công trông chừng. Với chiếc lồng đèn nhựa chạy pin, trẻ có thể chơi một mình không cần ai trông nom.

Nhìn vào hàng lồng đèn, không cần hỏi chủ tiệm, có thể biết ngay đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng Trung Quốc. Cùng là đèn xếp giấy nhưng lồng đèn Việt Nam màu trơn hồng, xanh nhạt, tím nhạt... Khi thắp nến lên chỉ tỏa ra màu sáng trắng trong khi đèn giấy Trung Quốc màu đỏ sậm có chữ Tàu và nhiều hình in rực rỡ.

Ðể vừa túi tiền người bình dân có con gà giấy kiếng bé trong lòng bàn tay để ngắm chơi không thắp nến được giá 15 ngàn. Con bướm cỡ trung bằng quyển vở giá 35 ngàn, lớn bằng quyển lịch tháng có lông trắng tua rua 60 ngàn. Ðèn xếp giấy tùy to nhỏ có giá từ 8 đến 20 ngàn.

Ðèn xếp Trung Quốc giấy hoa đủ màu gắn thêm hình đầu búp bê, con mèo, con khỉ... giá khoảng 15 ngàn. Lồng đèn bằng nhựa hình búp bê lắc vòng, tàu thủy, xe tăng... gắn pin, phát ánh sáng và cử động có giá từ 50 đến 60 ngàn.

Nói chung nếu cùng giá tiền thì hàng Trung Quốc nhiều chức năng hơn như búp bê biết khóc cười, xe tăng khạc lửa, con chim vỗ cánh...

Nếu cùng kích cỡ thì hàng Trung Quốc vẫn rẻ hơn một nửa. Chủ tiệm cho biết do Việt Nam làm thủ công nên giá thành cao. Hàng Trung Quốc là hàng công nghiệp (bằng nhựa) sản xuất hàng loạt, lại sản xuất số lượng lớn do thị trường nội địa của họ thôi đã rất rộng lớn, nên đương nhiên giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Thật ra lồng đèn xếp bằng giấy của Việt Nam cũng có nhiều cải tiến với hình dạng tròn vuông... in nhiều họa tiết... Nhưng những loại này, giống như lồng đèn Hội An, lại được xem là đèn trang trí chứ không phải dành cho trẻ em chơi vào dịp Tết Trung Thu. Một số lồng đèn lắp ghép có thể tháo ra xếp vào được nhưng vẫn không bắt mắt, ăn khách.

Dù sao cũng thấy rõ ràng đến Tết Trung Thu, nếu không vào Chợ Lớn khu bán sỉ thì ít thấy lồng đèn khắp nơi như trước kia.

Khi xưa, lồng đèn thường bán chung với bánh ở các hàng bán bánh Trung Thu, nhưng hiện nay ở các quầy bán bánh ngoài vỉa hè, một ít lồng đèn nhựa treo lên chỉ nhằm mục đích trang trí chứ không bán hoặc bán chơi chút ít cho vui cửa hàng do không có lời nhiều như bánh.

Lý do chính là càng ngày trẻ em càng ít chơi lồng đèn. Thứ đồ chơi này bây giờ thường được mua với số lượng lớn để phát cho trại mồ côi hoặc trẻ em nghèo vùng xa. Trong buổi lễ phát quà nhân dịp Trung Thu bao giờ cũng có tập vở, cặp sách hay đôi khi chiếc xe đạp vì trùng với dịp khai trường, đi cùng là bánh kẹo, mì gói và lồng đèn nhưng xem chừng đa số trẻ em thích quà bánh hơn lồng đèn. Khi xưa vào mùa Trung Thu, các tiệm tạp hóa đều bán nến nhỏ để gắn vào lồng đèn. Ðang chơi nếu hết nến chạy ra tiệm tạp hóa mua ngay nhưng nay do ít người chơi nên tạp hóa không buôn mặt hàng này nữa. Khi mua lồng đèn ở đâu phải mua nến ở đó hoặc vào tiệm sách mới có. Vì thế đang chơi mà hết nến là dẹp lồng đèn luôn.

Rước đèn là một thú vui cần tới sự đông đảo. Trò rước đèn bao giờ cũng ở ngoài trời, ngoài đường, ngoài hẻm... chơi với hàng xóm hay bạn bè. Trẻ em không thể cầm chiếc lồng đèn chơi một mình. Chơi với cha mẹ hay anh chị trong nhà cũng không vui.