Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 15 Tháng 9 Năm 2011 09:59

Trung Quốc muốn luật hóa việc bí mật bắt người


Nghệ sĩ ly khai Ngải Vị Vị một nạn nhân của những vụ bắt bớ bí mật ở Trung Quốc
REUTERS/David Gray/Files

Thời gian gần đây, báo giới vẫn đưa tin, tại Trung Quốc thường xuyên xảy ra hiện tượng chính quyền bắt bớ những người li khai một cách bí mật.

 Thế nhưng, tình hình càng trầm trọng thêm khi trên trang mạng của Quốc vụ viện Trung Quốc đang phát động cuộc thảo luận về dự luật cho phép chính thức hóa các kiểu bắt bớ nói trên. Le Figaro phân tích sự việc qua bài viết : « Bắc Kinh muốn luật hóa các vụ bắt giữ bí mật ».

Tờ báo cho biết, nhà cầm quyền Trung Quốc vừa công bố dự thảo sửa đổi luật giam giữ, theo đó, nếu được thông qua, luật mới cho phép tạm giam một người tình nghi không cần qua xét xử tại tòa án. Thời hạn tạm giam có thể lên đến 6 tháng với nơi giam giữ bí mật không phải là tại đồn cảnh sát hay các nhà tù.
 
Theo thông tin trên trang mạng của Quốc vụ viện Trung Quốc, dự thảo sửa đổi này liên quan đến những người bị nghi ngờ « xâm hại đến an ninh quốc gia », đến « các hoạt động khủng bố » hay « hành vi tham nhũng nghiêm trọng ».

Quốc vụ viện kêu gọi mọi người tham gia thảo luận dự thảo cho đến cuối tháng này. Dự thảo có thể sẽ được thông qua tại kỳ họp của quốc hội vào mùa xuân năm 2012.

Dự thảo cũng sẽ chính thức hóa việc « quản thúc tại gia », một biện pháp phổ biến được chính quyền sử dụng chống giới li khai mà công an nước này gọi là « sự giam giữ ngọt ngào».
 
Le Figaro cảnh báo về tính nguy hiểm của dự thảo này. Dẫu biết rằng hiện tượng bắt bớ thiếu minh bạch kể trên là phổ biến tại Trung Quốc, nhưng nó chưa thành luật.

Nếu nay nó chính thức được đưa vào luật, thì các lực lượng an ninh sẽ không còn gì phải e dè, từ đó hiện tượng « mất tích bí ẩn » sẽ còn nhiều hơn nữa.

 Giám đốc tổ chức Human Rigth Watch tại Trung Quốc, bà Sophie Richardson nhận định : « Dự luật mới mà chính phủ Trung Quốc đề xướng sẽ cung cấp cho bộ máy an ninh quyền tự do để thực hiện các vụ giam giữ bí mật một cách hợp pháp và sẽ khiến người bị giam giữ có nhiều nguy cơ bị tra tấn và ngược đãi hơn».
 
Le Figaro nhắc lại, mấy năm nay, hiện tượng người li khai tại Trung Quốc bị bắt theo kiểu mất tích ngày càng tăng, nhất là trong mùa xuân rồi khi trên trang mạng nước này xuất hiện nhiều lời kêu gọi tập hợp đấu tranh theo kiểu cách mạng Hoa Lài tại các nước Ả Rập.

 Nhiều luật sư, trí thức và người đấu tranh cho nhân quyền đã bị mất tích trong một khoảng thời gian. Trong số đó, nghệ sỹ Ngãi Vị Vị đã bị giam giữ đến 80 ngày ở nơi bí mật, ngay cả gia đình cũng không có tin tức. Ông này kể lại là đã bị giam trong một căn phòng rất nhỏ, luôn bị hai nhân viên trại giam giám sát ngay cả khi tắm.

 Nobel Hòa Bình 2010 Lưu Hiểu Ba cũng bị giam giữ bí mật nhiều tháng liền trước khi bị kết án chính thức 11 năm tù.
 
Mấy ngày nay, báo chí chính thức Trung Quốc ra sức trấn an rằng dự thảo nhằm cải thiện hoạt động bảo vệ nhân quyền, và việc bắt giữ theo kiểu bí mật sẽ được nhà nước kiểm soát chặt chẻ và chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt.

Một chuyên gia nước ngoài nhận định : « Mọi người điều thấy rõ, khi tình hình căng thẳng, như đầu năm nay trong làn sóng cách mạng Hoa Lài, bộ máy an ninh Trung Quốc đã nhún tay vào mọi thứ và đã vượt mọi sự kiểm soát.

Trong khi đó, hệ thống tư pháp lại nằm dưới sự chỉ đạo của đảng nên việc giám sát luôn bị hạn chế ».

Để kết thúc, Le Figaro nhắc lại, hồi tháng tư rồi, Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng bày tỏ ra quan ngại về tình hình tại Trung Quốc và khẳng định « các vụ mất tích theo kiểu cưỡng chế là một tội ác theo luật pháp quốc tế».
 
Hoa Kỳ : Số người nghèo tăng kỷ lục

 
Liên quan đến Hoa Kỳ trong thời khủng hoảng, nhật báo kinh tế Les Echos co bài viết cho hay :

« Obama đương đầu với tình trạng có đến 46 triệu người Mỹ thuộc diện nghèo ».

Theo điều tra thường niên vừa được công bố hôm 13/9 của phòng thống kê dân số Hoa Kỳ (Census Bureau), tỷ lệ nghèo tại Mỹ đã đạt kỷ lục vào năm 2010 với 15,1% người sống dưới ngưởng qui định, tức mức cao nhất kể từ năm 1993. Cụ thể là số người sống dưới ngưởng nghèo đã lên đến 46,2 triệu người.
 
Bên cạnh việc tăng số lượng người nghèo khổ, tình trạng thu nhập bị giảm cũng đáng báo động. Theo thống kê trên, ở Mỹ, đã ba năm liên tiếp, thu nhập bình quân đầu người/năm đã liên tục giảm. Năm 2010, mức thu nhập này là 49 445 đô la, tức giảm đến 7% so với năm 1999.
 
Theo Les Echos, các con số trên còn đáng quan ngại hơn đối với Hoa Kỳ vì ngưởng nghèo qui định tại nước này luôn thấp hơn nhiều so với ngưởng tại Pháp. Ngưởng nghèo tại Mỹ qui định ở mức 1 360 euro/tháng cho hộ có hai con, trong khi ở Pháp lên đến 2 000 euro/tháng. Nói về tỉ lệ người nghèo, thì tại Pháp hiện có 8,2 triệu người, chiếm 13% dân số.
 
Nhìn vào thành phần xã hội, thì tại Mỹ, tình trạng thất nghiệp ảnh hưởng nặng nề nhất đối với người thiểu số da đen và người Mỹ gốc Tây Ban Nha. Ở hai bộ phận người này, tỷ lệ thất nghiệp dao động từ 25% đến 27%, trong khi đối với người da trắng chỉ có 9,9%.
 
Theo thống kê của Census Bureau, 48 triệu người Mỹ tuổi từ 18 đến 64 không làm việc nhiều hơn một tuần vào năm 2010. Số người Mỹ không bảo hiểm y tế cũng tăng lên đến 49,9 triệu người trong năm 2010, chiếm 16,3% dân số, trong khi năm 2009 con số này là 49 triệu người.
 
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Brookings Institution Hoa Kỳ, với tốc độ hiện tại, cuộc khủng hoảng vừa qua có thể sẽ đẩy thêm 10 triệu người vào cảnh nghèo khổ từ đây đến năm 2015.
 
An toàn hạt nhân trên thế giới vẫn còn mong manh

 
Sáu tháng sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, hôm qua Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông qua kế hoạch hành động nhằm tăng cường an toàn tại 432 nhà máy phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên thế giới. Tuy nhiên, Le Monde nhận định : « IAEA thất bại trong việc áp đặt cho các nước những qui định có tính chế tài về an toàn hạt nhân».
 
Kế hoạch do Hội đồng thống đốc, cơ quan quyết định của IAEA, thông qua hôm 13/9 chưa đáp ứng được mong đợi của những nước ủng hộ việc thành lập một cơ quan siêu quốc gia trong lĩnh vực an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt, kế hoạch này không mang tính chế tài, không qui định thời gian cụ thể và tùy thuộc vào « sự tình nguyện » của chính phủ các nước.
 
Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano cho rằng, so với những qui định trước thảm họa Fukushima, thì đây là một bước tiến đáng kể, nó kêu gọi 151 nước thành viên luôn cẩn trọng và phải có cam kết mạnh mẽ để cải thiện sự an toàn tại các nhà máy hạt nhân và để cũng cố lại lòng tin hạt nhân của mọi người.
 
Tuy vậy, nhiều nước đã bày tỏ thất vọng, trong đó có Đức, Pháp, Đan Mạch, Canada và Singapore.

Thụy Sỹ còn cho rằng đấy là một bước thụt lùi so với hội nghị bộ trưởng về an toàn hạt nhân tại Vienna hồi tháng 6 rồi.
 Ông Amano đã đề nghị cho phép IAEA tự chọn và kiểm tra trong 3 năm tới 10% các lò phản ứng trên thế giới. Theo ông, với cơ chế này, người ta không cần phải thay đổi luật lệ gì cả, mà chỉ cần các nước cháp nhận việc cho các chuyên gia quốc tế đến kiểm tra định kỳ.

Hiện tại, việc kiểm tra này được thực hiện theo yêu cầu của các nước, và nước này chịu phí tổn. Thông tin thì nước yêu cầu có quyền chọn lựa để cung cấp. Với cơ chế này, rõ ràng là có nhiều nhược điểm.
 
Yêu cầu của ông Amano được Nga, Anh và Pháp ủng hộ, thế nhưng, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các cường quốc hạt nhân khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, và đặc biệt là Mỹ. Chính quyền Washington luôn phản đối mọi sự can thiệp bên ngoài vào luật pháp của Mỹ.
 
Chính phủ Pakistan lại bị chỉ trích về công tác đối phó thiên tai

« Pakistan lại chìm trong nước », đó là tựa đề bài viết đăng trên Le Monde phản ánh tình hình lũ lụt tại quốc gia nam Á này, nơi mà mới năm ngoái đã từng bị lũ lụt hoành hành.
 Le Monde cho hay, hôm thứ ba, ngày 13/9, thành phố Karachi hoàn toàn bị tê liệt sau khi hứng chịu nhiều trận mưa từ một tháng nay. Karachi thủ phủ cua tỉnh Sind, được xem là trung tâm kinh tế của Pakistan với 18 triệu dân, cung cấp 25% GDP cả nước, và 75% nguồn thu thuế cho ngân sách quốc gia.
 
Theo thống kê chính thức, hiện tại đã có 22/23 huyện của tỉnh Sind bị lũ lụt, đã có 220 người chết, 465 người bị thương, 64 000 gia sút bị chết, 680 000 héc ta mùa màng bị tàn phá, 5 triệu người bị ảnh hưởng, 230 000 người phải di tản đến các trại tị nạn.
 
Tổng thống Asif Ali Zardari và thủ tướng Youssouf Gilani hồi đầu tuần đã chính thức kêu gọi quốc tế cứu giúp. Theo Le Monde, đã nhiều tuần chính quyền cố tình đánh giá thấp tình hình khi vẫn khăn khăn tuyên bố « tình hình luôn trong vòng kiểm soát ». Họ lên tiếng kêu gọi khi tình hình ngày càng tồi tệ, và do sức ép từ trong nước.
 
Năm ngoái chính phủ Pakistan cũng từng bị chỉ trích do điều hành chống thiên tai kém hiệu quả. Năm nay tình hình cũng chẳng có gì thay đổi.

Trong bài xã luận của mình, một tờ nhật báo của nước này bức xúc : « Thật đáng buồn bởi lại một lần nữa Pakistan phải nhờ vào sự cứu giúp của bên ngoài để cứu dân mình khỏi thiên tai. Đã có một tiền lệ rồi, mới năm rồi thôi, thế mà chính phủ không biết rút kinh nghiệm để chuẩn bị đối phó một thảm họa».
 
Tổng thống Pháp và thủ tướng Anh bất ngờ thăm Libya

 
Le Figaro cho hay, theo dự kiến, hôm nay, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và sẽ đến Libya trong một chuyến thăm mà tờ báo cho là « bất ngờ ». Tháp tùng tổng thống Pháp có thủ tướng Anh David Cameron và nhà triết gia Pháp ông Bernard Henry Lévy, người mà báo giới cho là có nhiều ảnh hưởng trong quyết định tham chiến Libya của ông Sarkozy.
 
Theo chương trình, họ sẽ đến thủ đô Tripoli đế thăm một bệnh viện và hội kiến với hai nhà lãnh đạo Hội đồng quốc gia chuyển tiếp Libya, ông Moustapha Abdeljalil và Mahmoud Djibril. Sau đó, họ sẽ đến thành phố Benghazi, thủ phủ quân nổi dậy, và sẽ có bài phát biểu quan trọng tại quảng trường Tự Do.
Trước đó, điện L’Elysée có ý chờ đến khi tình hình tại Libya thật sự ổn định thì tổng thống Sarkozy mới đến Libya. Thế nhưng, lịch trình đã được thay đổi.
 
Le Figaro đánh giá, ông Sarkozy sẽ được người Libya đón tiếp như một ân nhân, và vị tổng thống Pháp không muốn bỏ qua mỹ cảnh này.

Hơn nữa, có lẽ chuyến thăm bất ngờ này cũng nhằm ý đánh lạc hướng dư luận bởi tối nay trên truyền hình Pháp, sẽ diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên của 6 ửng viên giành quyền đại diện đảng ra tranh cử tổng thống của Đảng Xã Hội, đảng đối lập chính của đảng UMP thuộc tổng thống.
 
Tuần tới, ông Sarkozy cũng sẽ thu hút dư luận khi đến New York để dự thượng đỉnh lần hai các nước ủng hộ Libya dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc và sự tham dự của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
 
Ứng viên tổng thống của Đảng Xã hội Pháp tranh luận trên truyền hình

 
Cuộc tranh luận của sáu ứng viên trong cuộc sơ tuyển ứng viên tranh cử  tổng thống của  đảng xã Hội Pháp trên truyền hình tối nay là chủ đề thu hút nhiều sự chú ý của báo Pháp. Các tờ Le Monde, La Croix, Les Echos, Le Figaro đều có bài phản ánh sự kiện này.

Đặc biệt, nhật báo Libération dành một bài xã luận và 4 bài viết để thông tin và phân tích.
 
Tờ báo cho biết, lần này để chọn người đại diện ra tranh cử tổng thống năm 2012, Đảng Xã Hội Pháp chọn cách cho bỏ phiếu đại trà cho tất cả những ai đã đăng ký vào ngày 31/12/2010 với việc đóng 1 euro và ký bản cam kết ủng hộ các giá trị thuộc về cánh tả. Hiện tại, đảng này đã có 6 người ứng cử cho vòng lựa chọn này.

Tối nay, là buổi tranh luận đầu tiên trên truyền hình của họ để cử tri theo dỏi và chọn lựa.
 
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây liên tiếp được công bố. Hai nhân vật dẫn đầu là ông François Hollande, và bà Martine Aubry, một là cựu và một là đương kiêm lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp.

Trong các cuộc thăm dò, có một điều mà các tờ báo lưu ý, đó là ý định cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu người đại diện đảng ra tranh cử tổng thống gắn liền với ý định mau chóng thoát khỏi thời của Sarkozy, tức cử tri tìm người có thể đánh bại Sarkozy.

 Nói về các cuộc thăm dò dư luận, Libération cho hay, sáu ứng viên nói trên đều lên án sự ảnh hưởng tiêu cực của các cuộc thăm dò, ngay cả người đang dẫn đầu là ông Hollande. Đến mức mà Libération dành hẳn một bài chạy tựa lớn « Một vòng sơ tuyển bị ô nhiễm bởi các cuộc thăm dò dư luận ».