Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18 tháng 9 năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18 tháng 9 năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 18 Tháng 9 Năm 2011 19:52

Nhật Bản : Lợi ích đảng phái chi phối lợi ích người dân

 

Biểu tình phản đối rủi ro hạt nhân trước trụ sở bộ Kinh tế Nhật Bản, Tokyo, 11/09/2011  / REUTERS

Sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân ở Fukushima, người Nhật bắt đầu dấy lên tâm lí chống hạt nhân, và bắt đầu lên án sự dối trá của các tập đoàn kinh tế và nhà cầm quyền.

 Nội dung này được Le Nouvel Obeservateur phản ánh trong bài viết đề tựa : « Nhật Bản : Hãy tấn công giới quan chức và các nhân vật có ảnh hưởng ».

 Vừa rồi, WikiLeaks tiết lộ về những cuộc trao đổi bí mật giữa các quan chức cao cấp Nhật Bản và các nhà ngoại giao Mỹ tại đảo quốc này.

Cụ thể là hồi cuối năm 2009, nhiều quan chức thuộc hàng cao cấp của Nhật Bản đã bí mật tìm đến tòa đại sứ Mỹ tại Tokyo để than phiền và kêu gọi sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Họ không than phiền về hành động lấn lướt của Trung Quốc tại đảo Senkaku hay về mối nguy đến từ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà lại phiền về một nhân vật mà họ cho là "yếu đuối, không lập trường". Đó chính là ông Yukio Hatoyama, khi ấy là thủ tướng.

 Họ khuyên người Mỹ nên cứng rắn với ông Hatoyama, nếu không ông này sẽ có thể thực hiện được lời hứa với cử tri khi tranh cử, là sẽ cho đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa, điều mà người dân bản địa mong muốn từ hằng thập kỷ nay.
 
Le Nouvel Obeservateur nhắc lại, đảng Tự do dân chủ (PLD) đã cầm quyền từ hơn 50 năm, đến năm 2009 mới bị đảng Dân chủ Nhật Bản (PDJ) đánh bại.

Sự « giàn xếp giữa bạn bè » suốt hơn nữa thế kỷ đã tạo ra trong đời sống chính trị Nhật Bản một « tam giác sắt », đó là một giai tầng xã hội bao gồm công chức nhà nước, các chính trị gia và giới doanh nhân.

Trong giai tầng này, tiền của người này dùng để vận động cho người khác được đắc cử đổi lại bằng các hợp đồng béo bở. Đảng PDJ muốn chuyển quyền lực từ các quan chức nhà nước sang các dân biểu. Thế nhưng, ý muốn đó gây phẩn nộ đối với các quan chức. Họ gắn bó với quyền lợi của Mỹ, thậm chí xem thường nguyện vọng của người dân.

Người dân thì dần khám phá ra rằng, những người mà họ tin tưởng phó thác điều hành xã hội đã nhẫn tâm cướp quyền làm chủ của người dân để phục vụ cho lợi ích của họ và của giới doanh nhân.
 
Vừa rồi, tập đoàn Tepco đã nói dối về thực trạng của các lò phản ứng hạt nhân nhằm mục đích để các lò này có thể tiếp tục hoạt động, bất chấp sự an toàn và tính mệnh của người dân trong khu vực.

Hậu quả là lòng tin của người dân đối với nhà cầm quyền bị giảm xúc trầm trọng, nền dân chủ Nhật Bản bị đe dọa.

Triết gia Yasuo Kobayashi nhận định : « Nền dân chủ của chúng ta không phải là kết quả của quá trình đấu tranh chính trị hay xã hội, mà là được người Mỹ ban tặng. Kết quả là : kể từ khi triệt tiêu các phong trào phản kháng công đoàn hồi những năm 1970 và chuyển hướng sang mục tiêu tối thượng dành cho kinh tế, thì tại Nhật Bản, không còn đấu tranh nữa, mà chỉ có cạnh tranh trên mọi mặt trận ».

Chia sẽ quan điểm này, giáo sư Osamu Nishitani tại Tokyo cho rằng : « Ở Nhật Bản, chỉ có những sự đối đầu chính trị và các hành động bỉ ổi mà nhiều người không muốn bị vướng vào».
 
Le Nouvel Obeservateur nhận định, chỉ cần đặt vấn đề này với bất cứ người Nhật nào cũng có thể thấy được sự bất bình và mất lòng tin đối với các nhà chính trị.

Sự ngán ngẩm của người dân lên đỉnh điểm sau thảm họa 11/3. Trong khi đất nước bị tổn thất nghiêm trọng kể từ sau thảm họa Hiroshima, thế mà đảng đối lập PLD lại đặt hết tâm trí vào việc lợi dụng thảm họa để tấn công nhằm lật đổ thủ tướng Naoto Kan.
 
Liên quan đến quan hệ Nhật-Mỹ, nhà nhật bản học người Hà Lan ông Karel van Wolferen nhận xét, Mỹ vẫn tiếp tục giữ ảnh hưởng đối với những nước thua cuộc hồi thế chiến thứ hai, Nhật Bản luôn bị yêu cầu phải theo đúng lợi ích của Mỹ trong tất cả các vấn đề, từ chính trị, quân sự đến kinh tế.
 
Kể từ khi lên nắm quyền từ hai năm nay, đảng PDJ luôn bị ám ảnh bởi sự bất ổn với việc liên tục thay đổi thủ tướng.

Le Nouvel Obeservateur cho rằng, hiện tại không có gì đảm bảo rằng đương kiêm thủ tướng Noda sẽ có thể thoát được các đợt tấn công của đảng đối lập.

Chuyên gia chính trị Hidetaka Ishida cho rằng, kể từ khi đảng PDJ lên thay đảng PLD hồi năm 2009, nền chính trị Nhật Bản đã lâm vào bế tắc toàn diện, PDJ đã thất bại trong việc triệt tiêu nạn quan liêu, một tệ nạn đang làm chao đảo mọi hoạt động của chính phủ.

Trong bối cảnh đó, thảm họa 11/3 lại ập đến. Đến mức mà chuyên gia này cảnh báo hiện tượng đi lên của phong trào cực hữu tại Nhật Bản. Ông kêu gọi : « Chúng ta phải nhanh chóng tái tạo lại nền chính trị Nhật Bản ».
 
Tầng lớp trung tại các nước đang trỗi dậy

 
Cũng liên quan đến phong trào đấu tranh dân chủ, Courrier International dẫn lại bài của tờ The Economist tại Luân Đôn với dòng tựa « Khi tầng lớp trung lưu nổi dậy ». Bài viết cho biết, ở Ấn Độ, Brazil hay Trung Quốc, người nổi dậy chống đối chính là dân thành thị, họ nổi dậy để đòi quyền tự do.
 
Tờ báo cho biết, năm nay, dù kinh tế vẫn phát triển tốt đẹp, thế nhưng Trung Quốc, Ấn Độ, Indonésia, Brazil phải đối mặt với hiện tượng bất mãn xã hội cũng trầm trọng như ở các nước phương Tây.
 
Tại những nước giàu, phong trào phản đối chủ yếu đến từ nguyên nhân do sự trì trệ của nền kinh tế. Thế nhưng, ở những nước mới trỗi dậy, mục tiêu lại hoàn toàn khác. Ở những nước này, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, các tầng lớp được xếp trung lưu ngày càng lớn mạng và bắt đầu có đòi hỏi về chính trị.
 
Tầng lớp trung lưu tức là những người có thu nhập từ 2 đến 13 đô la/ngày . Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 1990-2005, tầng lớp trung lưu tại châu Á đã tăng gấp 3 lần, lên đến 1,5 tỷ người. Trong khi đó, cũng cũng thời điểm này, tại châu Mỹ La tinh chỉ tăng từ 277 triệu lên 362 triệu, và ở châu Phi nam Sahara cũng chỉ từ 117 triệu lên 197 triệu.
 
Theo điều tra tại 13 nước mới trỗi dậy, tầng lớp trung lưu quan tâm nhiều đến quyền tự do ngôn luận và bầu cử tự do, trong khi đó những người nghèo khổ nếu có nổi dậy thì mục đích chính vẫn là cơm áo gạo tiền.
 
Cụ thể nhìn về Ấn Độ và Trung Quốc, ta thấy tầng lớp trung lưu ngày càng có tiếng nói. Ở Ấn Độ, trong số những người biểu tình, có cả các doanh nhân và những nghệ sỹ đến từ Bollywood.

Còn ở Trung Quốc, vừa qua đã diễn ra cuộc biểu tình được xem là qui mô nhất kể từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989, tại cảng Đại Liên để phản đối một nhà máy gây ô nhiễm. Đây là một thành phố cảng rất phát triển và gắn liền với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu.
 
Ngược lại với các nước Trung Đông, phong trào phản kháng của giới trung lưu Trung Quốc và Ấn Độ không đặt mục tiêu lật đổ chế độ, mà chỉ là đấu tranh chống tham nhũng và bất công xã hội và đòi thực hiện cải cách dân chủ.

Thế nhưng, sự việc có thể thay đổi, các cuộc biểu tình chống tham nhũng có thể sẽ thay đổi về hình thức và qui mô. Các-Mác đã từng tuyên bố trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản rằng : « Trong lịch sử ở châu Âu, giai cấp tư sản đã giữ một vai trò cách mạng ưu việt ».

Tại nhiều nước có thu nhập trung bình, tham nhũng không chỉ đơn giản là « một vấn đề phạm tội » mà còn là sản phảm của một phương cách làm chính trị xưa cũ, xem thường các giá trị dân chủ.
 
Cuối cùng, tờ báo kết luận : « Ở những quốc gia mới trỗi dậy, cách mạng hình như không còn xa nữa ».
 
Miến Điện và cải cách
 
Đến với Miến Điện, tạp chí L’Express đăng bài phỏng vấn thủ lãnh phe đối lập, Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi với dòng tít : « Công lý không phải là sự trả thù ».
 
Ở tuổi 66 với hơn hai thập niên lãnh đạo đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi liên tiếp bị giam giữ. Bà được trả tự do hồi cuối năm ngoái. Từ đó, bà liên tiếp có các cuộc tiếp kiến với quan chức chính phủ Miến Điện, ngay cả với tổng thống Thein Sein để thúc đẩy tiến trình cải cách tại nước này, một nước mà theo L’Express, trên phương diện chính thức đã trở thành dân sự, nhưng thực chất thì quân đội vẫn nắm quyền, một phần tư số ghế trong Quốc hội vẫn được dành cho giới quân đội, tù chính trị thì hiện còn hơn 2 ngàn người.
 
Trả lời cho L’Express, bà San Suu Kyi khẳng định hiện tại bà hoàn toàn tự do.

 Bà cho biết, trong các buổi tiếp xúc với chính phủ, nội dung thảo luận bàn về cải cách dân chủ và nâng cao điều kiện sống cho người dân. Tuy vậy, bà từ chối không tiết lộ chi tiết các cuộc thảo luận này. Bà cũng khẳng định là có lòng tin đối với chính phủ hiện tại. Bà nhấn mạnh, chính phủ hiện tại và tổng thống Thein Sein đang nỗ lực cải thiện tình hình.
 
Trả lời cho câu hỏi có phải bà chọn cách đối thoại vì sợ không có cơ may chiến thắng trong phong trào đấu tranh nhân dân, bà San Suu Kyi cho biết : « Con đường tốt nhất để cái cách là đối thoại và đàm phán ». Bà nhấn mạnh : « Tại sao phải tin rằng nổi dậy là cách duy nhất để đấu tranh ? ».
 
Bà cũng cho biết, tình hình hiện tại ở Miến Điện đã có nhiều tiến triển. Các bài viết phê bình của đảng bà và ngay cả của bà đã không còn bị cấm đoán.

Các nhà báo có thể viết về bà và đảng của bà. Các phương tiện báo đài ở Miến Điện hiện có nhiều phạm vi hoạt động hơn, Internet cũng dể dàng tiếp cận hơn.
 
Liên quan đến vấn đề liệu các cải cách hiện tại có thể dẫn đến một chế độ tôn trọng nhân quyền và một bản Hiến pháp tách quân đội khỏi hành chính hay không ? bà San Suu Kyi cho biết đó là mục tiêu của cả hai phía. Thế nhưng theo bà, thay đổi không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là chuyện lâu dài.
 
Liên quan đến vai trò của tư pháp trong tiến trình hòa giải dân tộc, lãnh tựu phe đối lập khẳng định, tư pháp không nên dùng làm phương tiện để trả thù.

Theo bà, một nhà nước pháp quyền phải dựa trên công bằng và không khuyến khích sự trả thù. Bà cho biết, đảng bà đấu tranh không phải để giành ghế tổng thống, mà chỉ để đặt nền móng cho một chế độ dân chủ thật sự.
 
Syria ngày càng bị cô lập

 
Sáu tháng kể từ khi bắt đầu các vụ biểu tình đòi tự do dân chủ tại Syria, chính phủ Damas vẫn tiếp tục mạnh tay với người dân. Le Nouvel Observateur có bài tổng hợp và phân tích mang tên : « Ông Bachar bị các nước láng giềng bỏ rơi ».
 
Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đã chính thức kêu gọi ông Assad ra đi kèm theo những biện pháp trừng phạt kinh tế.

Các nước láng giềng của Syria cuối cùng cũng đã phải lên tiếng. Do lo ngại cuộc khủng hoảng tại Syria ảnh hưởng đến sự ổn định khu vực và do bị sức ép của dư luận trong nước, các chính phủ ở Trung Đông đã công khai giữ khoảng cách với Damas.

 Thổ Nhĩ Kỳ mới đầu định làm trung gian, nhưng sau thất bại, đã kêu gọi ông Assad tiến hành cải tổ. Barein, Koweit và Ả Rập Xê Út đã cho triệu hồi đại sứ tại Syria về để hỏi tình hình. Jordani, Hội đồng hợp tác vùng vịnh, Liên đoàn Ả Rập đã lên tiếng kêu gọi « chấm dứt đổ máu ».
 
Tại thủ đô Cairo của Ai Cập, thủ lĩnh hồi giáo dòng Sunnit đã tuyên bố tình hình tại Syria là « không thể chấp nhận được ».

 Ngay cả Iran, nước cung cấp chuyên gia đàn áp cho chính quyền Assad, cũng đã kêu gọi Damas nên « kiên nhẫn với nhân dân » và « tôn trọng những yêu cầu chính đáng của họ ».
 
Trong khi đó thì, theo Le Nouvel Obeservateur, mọi thứ đang diễn ra như thể ông Assad đang đánh cược cho một viễn cảnh xấu nhất và đang hy vọng sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột thay vì chấp nhận sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
 
Giai đoạn Hậu Hoa Kỳ đã bắt đầu

 
Trên trang tranh luận, tuần san Le Nouvel Obervateur nhìn về nước Mỹ với bài phỏng vấn chiến lược gia Olivier Zajec, thuộc Công Ty Châu Âu nghiên cứu tình báo chiến lược (CEIS) tại Paris với bài chạy tựa ấn tượng : « Sự bất lực của nước Mỹ ».
 
Theo chuyên gia này, trong giai đoạn 2001-2011, nước Mỹ đã có bước lùi đáng kể. Nào là vụ Irak, Afghanistan, rồi đến khủng hoảng tài chính, thâm thủng ngân sách, nguy cơ vỡ nợ, và sự lớn mạnh của các nước, Hoa Kỳ đã bị tụt hạng từ «đại siêu cường thế giới » xuống còn « cường quốc khu vực ». Một sự phục hồi để lấy lại vị thế thống trị trong quan hệ quốc tế đối với nước này là rất khó.
 
Ông này khẳng định, có thể còn là đệ nhất cường quốc quân sự, nhưng Mỹ sẽ không còn được lắng nghe mọi cách trân trọng khi thuyết giảng về các giá trị, tương lai, và văn hóa của thế giới. Nước Mỹ chưa mất thế đứng đầu, nhưng đã mất đi tiếng nói, mất đi một vai trò.
 
Bàn về một thế giới mà ở đó Mỹ không còn vài trò thống lãnh, ông Zajec cho rằng, quá trình toàn cầu quá thế hệ « 2.0 » sẽ không còn bị chi phối bởi học thuyết của Mỹ, mà sẽ trở thành một hệ thống mà ở đó nhiều quốc gia có vai trò.

Trung Quốc sẽ tham gia với một vị trí quan trọng. Châu Âu thì có lợi thế là có mô hình dung hòa tự do và sự đoàn kết, cũng có thể có vai trò trọng yếu, nhưng với điều kiện là phải bỏ đi hình ảnh quá anglo-saxon, mà phải tập trung trở lại trục Pháp-Đức. Ấn Độ, Nga, và Brazil cũng có phần quan trọng.
 
Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ sẽ có mặt với nhiều ưu thế, nhưng sẽ không có đặc quyền quan trọng nào, tức là quyền cũng giảm theo sức mạnh.

Nói tóm lại, đó là một thế giới « Một quốc gia một lá phiếu », các nước đồng minh của Mỹ sẽ phải tự lo và sẽ phải học cách xem Mỹ không phải là « một sự đảm bảo chống mọi nguy cơ » mà là « một yếu tố bổ sung khả dĩ » cho chiến lược phòng thủ và hợp tác của họ.