Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới

Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Hai, 19 Tháng 9 Năm 2011 09:23

Thái Lan và Việt Nam hiện kiểm soát khoảng phân nửa lượng gạo mua bán trên thế giới

 

Một cánh đồng lúa ở ngoại ô Hà Nội. Nhờ Thái Lan, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng?  Reuters

Trong thời gian vận động tranh cử, để lôi kéo cử tri vùng nông thôn, đảng Puea Thai đã cam kết sẽ mua gạo của nông dân với giá lên tới 15 ngàn baht/tấn, tương đương với 497 đôla, trong khi giá hiện nay ở thị trường là khoảng 8 ngàn baht/tấn.

 Phần lớn nhờ vào lời hứa hẹn nói trên mà đảng Puea Thai đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 3/7 vừa qua và bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu Thủ tướng hiện sống lưu vong Thaksin, lên nắm quyền. Kế hoạch mua gạo với giá cao hơn thị trường trên nguyên tắc sẽ được thực hiện kể từ ngày 7/10 tới.
 
Nếu như kế hoạch này sẽ có lợi cho nông dân Thái Lan, thì ngược lại nó sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Thái Lan, vì theo dự báo, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể vượt qua mức 750 đôla/ tấn.

Sẽ không có ai mua gạo của Thái Lan với giá cao hơn 200 đôla/tấn so với gạo của Việt Nam hay của Ấn Độ ( quốc gia mà sau ba năm ngưng xuất khẩu, nay đã quay trở lại thị trường gạo thế giới).
 
Bộ Nông nghiệp Mỹ gần đây đã nhận định là kế hoạch mua gạo với giá cao của Thái Lan sẽ khiến khối lượng xuất khẩu gạo của nước này sụt giảm 20% xuống còn 8 triệu tấn trong năm 2012 và như vậy Thái Lan có thể sẽ để lọt vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới vào tay Việt Nam.

Do lượng gạo xuất khẩu từ Thái Lan giảm đi, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ leo thang. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng 5% tấm có thể lên tới 830 đôla/tấn so với mức hiện nay là 613 đôla.
 
Chưa gì, lời hứa của chính phủ Thái đã khiến giá gạo của Việt Nam tăng lên, cho dù khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm nay theo dự kiến sẽ lên tới 7,5 triệu tấn, mức cao nhất từ 10 năm qua.
 
Thái Lan và Việt Nam hiện kiểm soát khoảng phân nửa lượng gạo mua bán trên thế giới, với khối lượng trong năm 2012 là 31,85 triệu tấn, theo nhận định của Bộ Nông nghiệp Việt Nam.
 
Từ năm 2007 đến nay, Thái Lan vẫn đề nghị thành lập liên minh xuất khẩu gạo với Việt Nam theo kiểu OPEC, nhưng phía Việt Nam chưa đáng ứng.

 Tuy vậy, từ năm 2006 Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn trao đổi những thông tin về sản lượng, khối lượng xuất khẩu và giá bán mỗi tuần. Ngày 16/9 vừa qua, hai hiệp hội này đã họp thường niên tại Chiang Mai để bàn về chiến lược giá gạo. Dĩ nhiên là hai bên đã bàn về những tác động của kế hoạch Thái Lan thu mua gạo với giá cao.
 
Theo tờ nhật báo The Nation số ra ngày 17/9, một nhà kinh doanh gạo của Thái Lan cho rằng:” Với tư cách là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai, Việt Nam sẽ không chỉ tăng thu nhập xuất khẩu nhờ giá gạo trên thị trường tăng lên, mà còn tăng luôn cả khối lượng xuất khẩu, vì giá gạo của Việt Nam sẽ thấp hơn giá gạo Thái”.
 
Tuy nhiên, theo bà Korbsook Iamsuri, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, Hà Nội cũng đã cam kết không tăng khối lượng xuất khẩu quá nhiều, vì sợ ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước và tình hình lạm phát.
 
Trên tờ The Nation, bà Korbsook cho biết là sau cuộc họp ở Chiang Mai, Thái Lan và Việt Nam đã đồng ý sẽ trao đổi thông tin để ngăn ngừa tình trạng sụt giá và để phát triển sản xuất gạo. Hai nước cũng đồng ý tăng cường hợp tác với các nước thành viên khác trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan khẳng định: “ Thỏa thuận này sẽ bảo đảm tăng trưởng bền vững về xuất khẩu gạo, vì Thái Lan và Việt Nam là nguồn cung cấp gạo nhiều nhất thế giới. Giá gạo sẽ ổn định hơn vì mỗi nước sẽ ngăn chận tình trạng sụt giá”.
 
Chưa biết là chính phủ và các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ ứng phó ra sao với kế hoạch của Thái Lan? Và liệu Việt Nam có đủ khả năng để giữ lâu dài ngôi vị quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hay không?