Home Tin Tức Thời Sự Người Đức thờ ơ với chuyến công du của Giáo hoàng Benedicto 16

Người Đức thờ ơ với chuyến công du của Giáo hoàng Benedicto 16 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 22 Tháng 9 Năm 2011 15:10

86% người Đức cho rằng chuyến công du này không quan trọng


Giáo Hoàng Benedicto XVI và Tổng thống Đức Christian Wulff tại Berlin ngày 22/9/ 2011.
REUTERS/Max Rossi

Ngày hôm nay 22/9/2011, Giáo hoàng Benedicto 16 tới Đức trong chuyến công du bốn ngày. Tuy nhiên, khác hẳn với thời điểm hồng y Joseph Ratzinger mới đắc cử vào chức vụ giáo hoàng năm 2005, chuyến đi trở về quê hương của Giáo hoàng Benedicto 16 được dân chúng Đức đón nhận khá hờ hững.


Một điều tra dư luận cho biết, 86% người Đức cho rằng chuyến công du này không quan trọng. Thái độ hờ hững, thậm chí còn hoài nghi này của người Đức đối với Giáo hoàng gắn liền với nhiều chỉ trích hiện nay trong nội bộ giáo hội Công giáo, cũng như các hoạt động ngoài đời của giáo hội.
 
Theo thông tín viên của RFI tại Berlin, các điều tra dư luận mới đây cho thấy, gần 9/10 người Đức muốn giáo hội xem xét lại chế độ độc thân của các linh mục, việc cấm bổ nhiệm phụ nữ vào các hàng giáo phẩm hay việc giáo hội coi quan hệ đồng tính là một tội lỗi.
 
Một số nhà chính trị Đức là tín đồ Công giáo, chờ đợi Giáo hoàng Benedicto 16 sẽ đưa ra các tuyên bố quan trọng, ví dụ như chấm dứt chế độ độc thân của các linh mục, bỏ lệnh cấm linh mục làm lễ cho các đám cưới của những người đã ly hôn hay từ bỏ việc rút phép thông công đối với những người Công giáo theo chủ trương cực đoan.
 
Bên cạnh các chỉ trích đối những vấn đề nền tảng của giáo hội Công giáo, ba phần tư người Đức bất bình với phản ứng chưa đúng tầm của giáo hội đối với các vụ xâm phạm tình dục trẻ em của một số linh mục.

Giáo hội Công giáo tại Đức đã nhận gần 600 đơn đòi bồi thường từ các nạn nhân. Các vụ bê bối này là nguyên nhân của việc có rất nhiều người Đức từ bỏ giáo hội Công giáo.

Reuters dẫn số liệu chính thức của Đức cho biết, năm ngoái có 181.000 tín đồ Công giáo từ bỏ giáo hội. Đây là lần đầu tiên số lượng này vượt quá số người từ bỏ các chi phái Tin Lành hay số trẻ em được rửa tội theo Công giáo.

Tại Đức, Vatican còn phải đối mặt với phong trào Công giáo theo chủ trương thế tục mang tên « Wir sind Kirch » (Chúng tôi là Giáo hội). Phong trào này lên án hệ thống tổ chức rất thiếu dân chủ của Vatican.