Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Sáu, 23 Tháng 9 Năm 2011 10:30

Singapore, đảo quốc liên tục đối mặt với các thách thức

 


Singapore Reuters « Singapore, hòn đảo liên tục vận động » là tựa đề của L’Echos nói về những biến chuyển gần đây tại một trong những quốc gia năng động nhất hành tinh.

 

 Tờ báo nhận định, ra đời cách đây chưa đầy nửa thế kỷ, quốc gia chỉ lớn như thành phố New York, ngày nay đã có mức thu nhập trên đầu người ngang bằng với nước Pháp. Là cánh cửa mở vào toàn bộ khu vực Đông Nam Á, thế mạnh của Singapore là các ngành công nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao.
 
Bài viết của Les Echos giới thiệu những thay đổi của Singapore mới đây qua hình ảnh giải đua ô tô Công thức 1 lừng danh thế giới, đang diễn ra trong kỳ nghỉ cuối tuần này tại đảo quốc.

Tờ báo bình luận : Không phải yêu thích tiếng động cơ gầm rú mà Singapore chấp nhận tổ chức giải này. Hòn đảo được tiếng là thiên đường rất sạch sẽ chỉn chu, nhưng tẻ nhạt này, muốn xóa đi một hình ảnh như vậy để hấp dẫn thêm khách du lịch. Hai sòng bạc mới được mở ra vào năm 2010, bất chấp khủng hoảng kinh tế, đã thu được nhiều tiền hơn cả Las Vegas.

Để đạt được mục tiêu thu hút hơn một triệu du khách hàng tháng, đặc biệt là các nhà tài chính, doanh nhân, kỹ sư và giới nghiên cứu trên toàn thế giới, Singapore muốn xóa đi hình ảnh của một đất nước cấm kẹo cao su và trừng phạt mọi vi phạm giao thông dù hết sức nhỏ.
 
Les Echos giới thiệu ba nét lớn trong các thay đổi tại Singapore

Thứ nhất, đây là một đất nước thường xuyên kết hợp giữa thái độ thích nghi rất thực tế với những kế hoạch dài hạn. Sống bên cạnh một nước Trung Hoa khổng lồ, quốc gia tí hon gần 5 triệu dân vốn hoàn toàn không có tài nguyên đã biết cách để trở thành một nền kinh tế không phụ thuộc hoàn toàn vào các hoạt động cung cấp dịch vụ. Theo một chủ doanh nghiệp, công nghiệp chiếm từ 20 đến 30% tổng sản phẩm quốc nội của Singapore.

Một kiều dân Singapore cho biết, đảo quốc này đã biết phát triển các nền tảng có sẵn nơi đây từ thời còn là thuộc địa của Anh Quốc, như : tiếng Anh được sử dụng phổ biến, luật pháp được tôn trọng, không có tham nhũng, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ, thuế thấp, nền hành chính hết sức có hiệu quả …

Trong thời gian khủng hoảng kinh tế năm 1998, theo ông Pierre Verdière, đại diện của công ty Hermès và chủ tịch phòng thương mại Pháp tại Singapore, phần đóng góp của chủ vào tiền lương đã được hạ xuống từ 10-20%, điều này khiến cho đảo quốc tiếp tục là nơi thu hút đầu tư.

Tuy nhiên kinh nghiệm này không thể được áp dụng tại Pháp, theo nhận định của chủ tịch phòng thương mại Pháp. Một kinh nghiệm khác của Singapore là biết để cho các ngành công nghiệp không còn khả năng cạnh tranh nữa « xẹp xuống một cách từ từ » và biến mất, chứ không cố sức bảo vệ chúng.
 
Nét lớn thứ hai mà Les Echos muốn nhấn mạnh là Singapore đã tìm ra hướng đi trong việc nỗ lực trở thành nơi sản xuất và lắp ráp các sản phẩm tiên tiến nhất của thế giới.

Singapore muốn làm một điểm cân bằng giữa một nước Trung Hoa 1,3 tỷ dân, và phần còn lại của khu vực, với một Ấn Độ 1,1 tỷ cùng một Đông Nam Á 600 triệu dân. Hơn 10% vật liệu bán dẫn được sản xuất với nhãn hiệu Singapore. Nước này cũng phát triển được nền công nghiệp hóa dầu, hay đầu tư mạnh vào các phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển (R&D).

 Cách trung tâm thành phố chỉ chưa đầy nửa giờ là một khu khoa học công nghệ mới, được xây dựng từ vài năm gần đây, trong đó phát triển các nghiên cứu công nghệ có khả năng mang lại nhiều lợi nhuận, như công nghệ sinh học, trò chơi điện tử, hàng tiêu dùng đại chúng, …

Theo một chủ doanh nghiệp, mục tiêu của Singapore không phải là dẫn đầu trong nghiên cứu phát triển (R&D), mà là trở thành một địa chỉ được tin cậy trong lĩnh vực này.
 
Nét lớn thứ ba về Singapore được tờ báo ghi nhận là các yêu sách xã hội ngày càng tăng tại đảo quốc.

Trước hết, Singapore sẽ gặp phải các giới hạn về dân số và diện tích trong vòng hai, ba thập niên tới. Bộ trưởng Giáo dục Singapore Lawrence Wong thừa nhận nước này sẽ phải học cách sống được với một mức độ tăng trưởng thấp hơn trước.

 Một nhà nghiên cứu ghi nhận, từ khoảng hơn mười năm nay, khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm xã hội đã doãng ra nhiều hơn. Lần đầu tiên, thu nhập của nhóm 20% những người nghèo nhất đã bị chựng lại. Từ khoảng 5 năm nay, Singapore phải lập ra một hệ thống bảo hiểm để trợ giúp cho những người thu nhập thấp. Trong các cuộc bầu cử Quốc hội mới đây, đảng cầm quyền duy nhất tại Singapore đã phải đối mặt với nhiều phản đối của cử tri.
 
Các phản ứng của phủ tổng thống Pháp đối với vụ án « Karachi »

Báo chí Pháp ngày hôm nay có nhiều bài nói về phản ứng của phủ tổng thống Pháp đối với « vụ án Karachi », liên quan đến hai nhân vật thân cận với đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy bị tư pháp điều tra về các tội lạm dụng công quỹ, tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1995 của cựu thủ tướng Edouard Balladur. Vào thời đó, ông Sarkozy là bộ trưởng Ngân sách và là phát ngôn viên chiến dịch vận động tranh cử cho ông Balladur.
 
Để tiện theo dõi, báo chí Pháp nhắc lại một số sự kiện chính liên quan, nguồn gốc của cuộc điều tra : Tháng 9 năm 1994, Pháp ký hợp đồng bán 3 tàu ngầm cho Pakistan, trị giá 825 triệu euro trong đó có 83 triệu euro là tiền hoa hồng.

 Theo báo Liberation, đến tháng Chín năm 1995, tổng thống Jacques Chirac ra lệnh ngừng trả tiền hoa hồng cho môi giới. Xin nói thêm, ông Balladur và ông Chirac đều thuộc đảng Tập hợp Vì nền Cộng hòa RPR, tiền thân của đảng cầm quyền hiện nay UMP. Việc ông Balladur ra tranh cử tổng thống, cạnh tranh với ông Chirac đã gây ra chia rẽ nội bộ nghiêm trọng trong nội bộ đảng này.
 
Ngày 08/05/2002, một vụ khủng bố đã xẩy ra ở thành phố Karachi – Pakistan, làm 14 người thiệt mạng, trong đó có 11 nhân viên người Pháp thuộc Cục đóng tàu biển – DCN.

Đến tháng Chín năm 2002, một bản báo cáo kết quả điều tra của DCN cho biết vụ khủng bố Karachi dường như liên quan đến việc phía Pháp ngừng trả tiền hoa hồng cho các môi giới và một phần tiền hoa hồng trước đây đã được bí mật chuyển lại cho phía Pháp, và được chi cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Balladur năm 1995. Đây chính là lý do vì sao, báo giới Pháp gọi là « vụ án Karachi ».
 
Quay trở lại việc hai ông Nicolas Bazire và Thierry Gaubert bị tư pháp điều tra, trong bài « Vụ án Karachi : Các thẩm phán nhắm vào những cộng sự thân cận của ông Sarkozy », báo Le Monde nhận định là cuộc điều tra khía cạnh tài chính của vụ án đang nhích lại gần ông Sarkozy một cách nguy hiểm.

Luật sư của gia đình các nạn nhân vụ khủng bố Karachi nhận định rằng, các diễn biến mới trong vụ án này cho thấy có phần trách nhiệm của ông Sarkozy. Vào thời điểm giữa những năm 90, ông Sarkozy vừa là bộ trưởng Ngân sách – do vậy có vai trò trung tâm trong việc ký kết các hợp đồng bán tàu ngầm, vừa là phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Balladur.
 
Theo vị luật sư này, « nếu ông Nicolas Sarkozy hiện nay không phải là tổng thống, ông sẽ được các thẩm phán gọi đến chất vấn bởi vì các hướng điều tra đều dẫn đến trách nhiệm của ông ta ».
 
Tối hôm qua, phủ tổng thống Pháp ra thông cáo khẳng định lại là ông Sarkzyo không có dính dáng gì tới vấn đề tài chính trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Balladur. Do vậy, báo Le Figaro có bài « Vụ án Karachi : Cuộc phản công của điện Elysée ».

Tờ báo trích dẫn nội dung thông cáo, theo đó, tổng thống Sarkozy « chưa bao giờ chỉ đạo chiến dịch vận động tranh cử năm 1995 », « không hề có một trách nhiệm nào trong lĩnh vực tài chính của chiến dịch tranh cử » và « tên của tổng thống Pháp (Sarkozy) không hề xuất hiện trong bất kỳ vấn đề nào của hồ sơ này », « không một nhân chứng nào nêu tên tổng thống Pháp »…

Vẫn theo Le Figaro thì phe đa số cầm quyền tố cáo đây là một « âm mưu chống lại tổng thống Pháp ». Dân biểu Axel Poniatowski, thuộc đảng cầm quyền UMP nói « câu chuyện này kéo dài từ 16 năm qua và khi chỉ còn 6 tháng nữa thì có bầu cử tổng thống, những người thân cận của ông Nicolas Sarkozy lại bị điều tra. Tôi rất nghi ngờ ».
 
Trong khi đó, Liberation lại có cái nhìn khác về phản ứng của phủ tổng thống Pháp qua bài « Vấn đề tài chính trong chiến dịch tranh cử của ông Balladur : Điện Elysée trong tư thế phòng thủ ».
 
Sau khi nhắc lại những hoạt động của hai ông Nicolas Bazire và Thierry Gaubert trong việc gặp những người môi giới, chuẩn bị và dàn xếp việc ký kết các hợp đồng, báo Libération xoáy vào một câu trong bản thông cáo của phủ tổng thống Pháp viết rằng tên của ông Sarkozy không hề xuất hiện trong bất kỳ vấn đề nào của hồ sơ này.

Theo tờ báo, trong tư cách tổng thống, dường như ông Sarkozy đã được tiếp cận với hồ sơ điều tra và ông đã đọc quá vội. Bởi vì tên của ông Sarkozy xuất hiện nhiều lần. Vào thời điểm đó, tức là giữa những năm 1990, việc trả tiền hoa hồng trong các thương vụ, đặc biệt là trong các hợp đồng mua bán vũ khí, là hợp pháp và thậm chí còn được tính trừ thuế sau khi có sự chấp thuận của bộ Kinh tế, Tài chính. Như vậy, trên cương vị bộ trưởng Ngân sách, ông Sarkozy đã biết và chấp thuận những khoản chi hoa hồng.
 
Báo Liberation còn cho biết là theo bản báo cáo điều tra của Cục đóng tàu biển DCN thì ông Sarkozy còn đồng ý với việc lập một công ty offshore, nơi có ưu đãi về thuế, được đăng ký với quốc tịch Luxembourg, có tên là Heine, nhằm thu thập và phân bổ các nguồn tài chính mờ ám.

Thậm chí, một báo cáo điều tra của cảnh sát còn nhấn mạnh, công ty Heine được thành lập năm 1994 « với sự chấp thuận của bộ trưởng Nicolas Sarkozy và của ông Nicolas Bazire, vụ trưởng văn phòng ông Balladur ».
 
Đối với báo L’Humanité thì vụ án Karachi là một vụ việc ở tầm cỡ quốc gia và đang làm cho ông Sarkozy run sợ, trong khi đó tờ Les Echos tóm tắt thời sự chính trường Pháp như sau « Vụ án Karachi : đảng Xã hội tấn công, phe đa số lúng túng ».
 
Giáo hoàng Benedicto 16 tìm cách hòa giải với nước Đức

Chuyến công du của Giáo hoàng tại Đức, một nước mà một phần ba dân số theo Công giáo, được nhiều báo Pháp quan tâm.

 « Giáo hoàng Benedicto 16 tìm cách giải hòa với nước Đức » là tựa của Le Figaro. Ngày hôm qua, Giáo hoàng đã có bài phát biểu tại Quốc hội Đức. Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng phát biểu trước Quốc hội Đức và chuyến công du lần thứ ba của Giáo hoàng đến Đức – đất nước quê hương ông, từ khi ông nhậm chức.
 
Le Figaro nhận định, trước một công chúng không thiện cảm, với một cuộc biểu tình phản đối rất đông người đang đón đợi ông, Giáo hoàng Benedicto 16 ngay từ trong máy bay, khi chuyện trò với các nhà báo, đã lựa chọn chiến lược hòa giải. Giáo hoàng cho rằng, sự phản đối kể trên tại Đức là một điều « bình thường » và « tự nhiên », bởi thái độ này hoàn toàn nằm trong quyền tự do được thực thi trong một xã hội dân chủ, không có điều gì để bàn thêm, khi những phản đối đó được thể hiện một cách văn minh.
 
Điều thứ hai gây bất ngờ trong thái độ của Giáo hoàng, được Le Figaro ghi nhận, là sự thông cảm của người đứng đầu Giáo hội Công giáo trước các tín đồ Công giáo từ bỏ giáo hội, vì phẫn nộ đối với các vụ lạm dụng tình dục trẻ em của nhiều linh mục.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội Đức, Giáo hoàng trình bày quan điểm của ông về « các nền tảng của một Nhà nước pháp quyền tự do » và vai trò của tôn giáo và đạo lý trong xã hội hiện nay. Theo ông, vấn đề đạo lý và tôn giáo trong xã hội hiện nay đang ở trong một tình trạng « nghiêm trọng », cần khẩn cấp đưa ra bàn bạc và tranh luận công khai.
 
Tờ La Croix cho biết, Giáo hoàng Benedicto 16 khẳng định điểm khác biệt của đạo Thiên chúa so với nhiều tôn giáo lớn khác.

 Đạo Thiên chúa không áp đặt cho Nhà nước và xã hội một nền « luật pháp thần khải », mà ngược lại tôn giáo này dựa vào « tự nhiên » và « lý trí » như các nguồn gốc căn bản của luật pháp trong xã hội con người, dựa vào « sự hài hòa giữa trí tuệ con người về thế giới khách quan và trí tuệ nội tâm ».
 
Các quan chức Trung Quốc xài sang để chứng tỏ đẳng cấp

Về Trung Quốc, nhật báo Libération có bài « Các cán bộ Đảng thể hiện đồng hồ ».

Libération cho biết một hiện tượng đang chứng tỏ tham nhũng hoành hành nặng nề tại Trung Quốc, với việc một người dùng blog đưa lên mạng bài viết tố cáo việc ngày càng có nhiều quan chức Trung Quốc mang các đồng hồ sang trọng, như Rolex hay Jaeger, chủ yếu là các đồng hồ của Thụy Sĩ.
 
Ông Daniel Wu, trong khi xem xét tỉ mỉ các bức ảnh chụp những lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát hiện ra một hiện tượng quan trọng.

Giá trị của những chiếc đồng hồ mà các quan chức Trung Quốc đeo trên tay iá xấp xỉ 10.000 euro trở lên, vượt xa mức thu nhập hàng tháng khoảng 1.000 euro. Một điểm khác rất đánh chú ý là, giá trị của đồng hồ thường đi liền với cấp bậc của họ trong hệ thống chính quyền.

 Những viên chức cao cấp hơn thường mang các đồng hồ có giá trị cao hơn.
 
Trước khi trang blog này bị kiểm duyệt, tác giả bài viết đã nhận được những lời ca ngợi của một phóng viên Tân Hoa Xã.

 Phóng viên này đã kêu gọi các tổ chức chống tham nhũng tại Trung Quốc làm theo tấm gương Daniel Wu, bởi « một chiếc đồng hồ thôi có thể là dấu hiệu cho thấy có tham nhũng bên trong ».
 
Trang nhất các báo Pháp

« Vụ Karachi » thu hút sự chú ý của nhiều báo Pháp hôm nay. « Cuộc điều tra về vụ Karachi tiến gần đến ông Sarkozy » là hàng tựa chính trên trang nhất của Le Monde. Còn trang nhất Le Figaro có bài « Vụ Karachi. Điện Elysée lên án việc bóp méo thông tin ».

Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến nỗi lo chứng khoán với hàng tựa « Chứng khoán : sự thảm bại ».

Tờ báo cho biết, nỗi sợ nền kinh tế thế giới suy thoái đang dâng lên.

Chỉ số chứng khoán Pháp CAC 40 vừa tụt 5,25%, nâng tỷ lệ mất lên đến 28% trong vòng hai tháng. Các ngân hàng đang chao đảo nghiêm trọng.

Nhật báo L’Humanité có hàng tựa như tiếng kêu than : « Troy Davis. Họ đã giết anh ấy », với lời mô tả « người tù nhân Hoa Kỳ cho đến phút chót vẫn tuyên bố mình vô tội. Ngày hôm qua, anh ấy đã bị hành quyết tại nhà tù Jackson thuộc tiểu bang Georgie. Quyền con người để tang ».

Nhật báo La Croix thì ghi nhận hai sự kiện lớn. Thứ nhất là tại Pháp, cuộc bỏ phiếu Thượng viện vào chủ nhật tới, trong đó cánh tả có thể tạo nên bất ngờ với khả năng giành được đa số ghế. Sự kiện thứ hai là, nhà nước Palestine đang tìm kiếm một thỏa hiệp tại Liên Hiệp Quốc.