Home Tin Tức Thời Sự Lý lẽ của người Israel và Palestine

Lý lẽ của người Israel và Palestine PDF Print E-mail
Tác Giả: Michael Bowman | Washington-VOA   
Chúa Nhật, 25 Tháng 9 Năm 2011 20:03

Người Palestine nói các cuộc thương thuyết là vô ích.

Vào ngày trước khi Hội Đồng Bảo An theo dự kiến sẽ xét đơn của Palestine xin trở thành một quốc gia thành viên, các giới chức Israel và Palestine vẫn bế tắc trong vấn đề có nên tái tục các cuộc thương thuyết hay không, và nếu tái tục thì nên dựa trên những điều kiện gì.

 Người Israel và người Palestine đã trình bày lý lẽ của họ trước nhân dân Mỹ trong nỗ lực giải thích lập trường của họ.


Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas giơ cao lá thư yêu cầu công nhận 1 quốc gia của người Palestine tại cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Thứ Sáu, 23/9/2011

Tối thiểu, hành động của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong tuần qua đã khiến cho cả thế giới phải chú ý trở lại đến cuộc xung đột giữa người Isael và người Palestine từ mấy chục năm nay, chiếm trọn sự chú ý tại cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và làm phát sinh một loạt những hoạt động ngoại giao giữa các đối tác của bộ tứ tìm hòa bình cho Trung Đông, gồm Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Nga.

Từ New York trở về bờ Tây sông Jordan, Ông Abbas nói trước những đám đông phấn khởi rằng "Mùa Xuân Palestine" đã bắt đầu với việc xin trở thành quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc.

Hoa Kỳ đã đe sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An để chặn đứng đơn xin cuả người Palestine trở thành nước hội viên.

Xuất hiện trên truyền hình, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục đả kích đơn xin trở thành nước hội viên Liên Hiệp Quốc của người Palestine.

Ông nói: "Người Palestine muốn trở thành một quốc gia, nhưng đổi lại họ phải cho hòa bình. Điều mà họ đang cố tìm cách vận động tại Liên Hiệp Quốc vào lúc này là thành lập một quốc gia cho họ mà không chịu để cho Israel được sống trong an ninh và hòa bình, theo tôi như vậy là sai, và sẽ không thành công."

Ông Netanyahu đã lên tiếng trong chương trình Meet the Press của đài NBC. Ông nhắc lại lời kêu gọi mở lại ngay các cuộc hòa đàm.

Người Palestine nói các cuộc thương thuyết là vô ích.

Nhà lập pháp Palestine Hanan Ashrawi xuất hiện trong chương trình This Week của đài truyền hình ABC. Bà nói: "Trong 20 năm qua, chúng tôi đã thương thuyết chán chê rồi, với một tiến trình chẳng đem lại kết quả thực tế nào cả."

Bà Ashrawi nói người Palestine sẽ không thương thuyết nữa khi mà Israel tiếp tục xây các khu định cư cho người Do Thái và từ chối không tôn trọng các đường biên giới đã hiện hữu trước khi Israel chiếm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của người Palestine trong cuộc chiến Ả Rập- Israel năm 1967.

Nhưng Thủ tướng Netanyahu đoan quyết có thể có những cuộc thảo luận hữu ích.

 Ông nói: "Chuyện đó có thể đạt được nếu quí vị nhấn mạnh tới việc để cho một quốc gia Do Thái tồn tại, và để cho hòa bình có thể hiện hữu. Cốt lõi của vấn đề là người Palestine nhất định từ chối không công nhận sự hiện hữu của một quốc gia Israel trong bất cứ một lãnh thổ nào. Một nền hòa bình dựa trên dối trá sẽ sụp đổ. Tôi chịu trách nhiệm cho số phận của một quốc gia Do Thái duy nhất, và tôi sẽ không bất cẩn nhượng bộ thêm đất đai cho con cá sấu Hồi giáo bạo động nuốt chửng bao nhiêu đất cũng không vừa lòng."

Bà Hanan Ashrawi nói chính sự thiếu nhượng bộ của Israel từ lâu mới là trở ngại cho tiến trình hòa bình.

 Bà nói: "Israel đã đặt ra không biết bao nhiêu điều kiện tiên quyết. Họ muốn sáp nhập Jerusalem. Họ muốn loại bỏ những người Palestine tỵ nạn ra khỏi chương trình nghị sự. Họ muốn cho binh sỹ của họ cứ trấn đóng tại thung lũng sông Jordan. Họ muốn đủ mọi thứ, song lại nói: "Nào chúng ta hãy thảo luận đi!" Không, đây không phải là những điều kiện tiên quyết có thể chấp nhận được. Hoặc là người ta thảo luận với sự thành tâm tin tưởng rồi theo đó mà hành động để đạt tới giải pháp hai quốc gia, bằng không thì sự chọn lựa giải pháp thương thuyết sẽ không hiện hữu nữa, nhất là khi xét đến phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Bây giờ là một giai đoạn mới, một cuộc chơi mới."

Lời đe dọa của Hội Đồng Bảo An sẽ phủ quyết dường như không làm giảm niềm hăng hái của người Palestine hoặc sự mong đợi trong đơn xin Liên Hiệp Quốc công nhận họ là một quốc gia hội viên, mà cũng không giúp các giới chức Palestine đi đến việc chấp nhận lời kêu gọi của nhóm bộ tứ tìm hòa bình cho Trung đông để nối tiếp lại các cuộc thảo luận Israel-Palestine.

Vào thứ Hai, nghị trình chính thức của Hội Đồng Bảo An đầy kín những cuộc hội họp vào buổi sáng và tham khảo liên quan đến Libya.

Tham khảo về việc chấp nhận các nước thành viên mới sẽ diễn ra vào buổi chiều, giờ New York, miền đông Hoa Kỳ.