Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Tư, 28 Tháng 9 Năm 2011 12:32

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il mở cửa kinh tế để củng cố chế độ


Tổng thống Dmitry Medvedev gặp lãnh đạo Kim Jong-il (trái) tại căn cứ "Sosnovyi Bor" ở vùng Buryatia Siberi, 24/08/2011
REUTERS/Dmitry Astakhov/RIA Novosti/Kremlin

Ở tuổi thất tuần, lại mang bệnh trong người, mấy năm gần đây chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-il ráo riết chuẩn bị việc « truyền ngôi » cho người con trai út Kim Jong-un.

 Trước khi giao chuyển quyền lực, ông Kim đã tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh, đồng thời cũng ra sức vực dậy nền kinh tế èo ọt của mình.

Đó là nhận định của tờ Le Figaro trong bài viết đề tựa : « Kim Jong-il toan đánh cược sự mở cửa ».

 
Mấy tháng nay, ông Kim đã ra sức tìm kiếm ủng hộ của hai nước anh em là Trung Quốc và Nga. Mục đích là để bảo đảm sự chuyển giao quyền lực cho người con trai út và để vực dậy nền kinh tế vốn gặp lắm khó khăn do bị bao vây kinh tế.
 
Để thực hiện điều đó, ông Kim tập trung vào ba dự án kinh tế xuyên quốc gia, mà theo đánh giá của Le Figaro là « những dự án có thể làm thay đổi bàn cờ khu vực ».
 
Dự án thứ nhất đó là đường ống dẫn khí đốt dài 1 700 km, chuyển khí đốt từ Nga đến Hàn Quốc trung chuyển qua lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

Hồi cuối tháng 8 rồi, bất chấp bệnh tình, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đến tận Nga để bật đèn xanh cho tổng thống Medvedev về ống dẫn này.

Le Figaro đánh giá, đường ống của Nga là sự hiện diện nước ngoài đầu tiên trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, vì bấy lâu nay đối với nước này, mọi sự hiện diện nước ngoài đều bị xem mối đe dọa cho chế độ.
 
Một nhà ngoại giao Hàn Quốc đánh giá, miền Bắc làm vậy vì đang ở trong thế chẳng đặng đừng.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thì không dấu sự hoan hỉ và còn dự đoán mọi việc sẽ tiến triển nhanh hơn dự kiến. Theo Le Figaro, từ khi đắc cử năm 2008, ông Lee theo đuổi đường lối cứng rắn với Bắc Triều Tiên, nhưng giờ đây ông muốn đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của mình bằng việc xích lại gần hơn với miền bắc.
 
Lợi ích của dự án là rất lớn cho tất cả các bên tham gia.

Đối với Hàn Quốc, nước phải nhập khẩu đến 97% nhu cầu năng lượng, đường ống có thể giúp giảm đến 30% chi phí dành cho khí đốt.

Nga cũng nhờ đó mà có thể thâm nhập vào thị trường khí đốt ở Châu Á Thái Bình Dương. Còn đối với Bắc Triều Tiên, đường ống sẽ mang đến cho nước này 100 triệu đô la mỗi năm, một số tiền không phải là nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhất là đối với nền kinh tế vô cùng yếu ớt của Bắc Triều Tiên.
 
Hiện tại, chỉ còn một chướng ngại duy nhất, đó là vấn đề địa lí chiến lược. Với đường ống này, Hàn Quốc sẽ phải sống tùy vào sự vui buồn của Bắc Triều Tiên. Hiểu được điều đó, Hàn Quốc đã yêu cầu Nga phải bảo đảm tính an toàn của đường ống.
 
Thực hiện đề án trên là tập đoàn Gazprom của Nga. Đến hiện tại, Bình Nhưỡng vẫn chưa chấp nhận nhượng hẳn chủ quyền cho công ty này.Theo Le Figaro, chế độ nhà họ Kim xem sự ảnh hưởng của nước ngoài nguy hiểm như bệnh dịch hạch.
 
Như vậy, Bình Nhưỡng đang đứng trước ngã ba đường, giữa lợi ích kinh tế và lí tưởng chính trị của riêng mình. Một giáo sư Hàn Quốc nhận xét: Bình Nhưỡng không muốn cải cách kinh tế, nhưng lại đang cần « một con bò sữa » để trục lợi.
 
Khó khăn tài chính cũng khiến Bình Nhưỡng thực hiện hai dự án khác. Đó là hai đặc khu kinh tế vừa mới được thành lập gần đây, tọa lạc ở ranh giới với Trung Quốc và Nga. Đây là mô hình mô phỏng theo kiểu Trung Quốc. Tại cảng Rajin của đặc khu này, việc giao dịch bằng ngoại tệ đã được cho phép, Nga và Trung Quốc cũng đã ký được hợp đồng khai thác dài hạn ở đó.
 
Tuy nhiên kết quả có vẻ chưa được như mong đợi. Doanh nhân Trung Quốc và Nga vẫn còn lo ngại về thực tâm mở cửa của Bình Nhưỡng.
 
Liên minh Bắc Triều Tiên-Trung Quốc có phải bắt đầu rạn nứt ?
 
Nhìn vào quan hệ Bắc Triều Tiên-Trung Quốc, Le Figaro nhận định, tình đồng minh Bắc Kinh-Bình Nhưỡng có lẻ đang bị bào mòn theo thời gian, và không kịp thích ứng với thay đổi quá mau chóng của tình hình địa chính trị thế giới.
 
Theo tờ báo, nhìn bề ngoài, trục Bắc Kinh-Bình Nhưỡng có vẻ rất chắc chắn, thế nhưng một sự rạn nứt đã xuất hiện từ bên trong. Một bức điện ngoại giao của Mỹ do Wikileaks công bố vừa rồi cho biết, ông Kim Jong-il không còn tin tưởng Trung Quốc.
 
Sự nghi kỵ này chủ yếu là do việc Bắc Kinh ngày càng hạn chế giúp đỡ kinh tế Bình Nhưỡng. Sự việc là do Bắc Triều Tiền cứ liên tiếp thử vũ khí hạt nhân hồi năm 2006 và 2009, một động thái góp phần kéo theo sự trở lại vùng đông bắc Á của quân đội Hoa Kỳ.

 Theo báo cáo bí mật của các chuyên gia nhân đạo châu Âu, tình hình thiếu lương thực trong một số vùng ở Bắc Triều Tiên là do nguồn lương thực đến từ Trung Quốc đã bị giảm đi đáng kể.
 
Trong lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc cũng hạn chế lại, và ra điều kiện ép Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân. Đối với cảng Rajin bên bờ sông Áp Lục, Trung Quốc muốn tận dụng cảng này để làm lối vào Thái Bình Dương.
 
Quan điểm thực dụng đó không làm hài lòng Bình Nhưỡng. Vì thế, ông Kim đã tăng cường quan hệ với Nga. Tháng Tám rồi ông Kim đã đến thăm Nga, chuyến thăm đầu tiên kể từ 9 năm nay. Và trong năm nay, hải quân hai nước sẽ tiến hành tập trận chung. Đây là lần tập trận chung trên biển đầu tiên kể từ chiến tranh lạnh.
 
Thế nhưng, theo Le Figaro, trong bối cảnh đó, liên minh Bắc Kinh-Bình Nhưỡng vẫn là trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước.

Sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng vẫn là ưu tiên địa chiến lược đối với các nhà chiến lược Trung Quốc. Họ cố bằng mọi cách không để xảy ra hỗn loạn hay bùng nổ cách mạng ở miền ranh giới đông bắc, nhất là do lo ngại làn sóng tản cư khi có bất ổn hay xung đột.
 
Tờ báo kết luận : Chắn chắn rằng dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc được thành lập vào năm tới sẽ tiếp tục tái khẳng định quyết tâm duy trì liên minh với Bắc Triều Tiên, còn hiện tại, trong hậu trường, áp lực đang đổ dồn lên chế độ nhà họ Kim.
 
Khủng hoảng nợ công : Hoa Kỳ và châu Âu chỉ trích lẫn nhau
 
Trong lĩnh vực kinh tế, báo chí Pháp tiếp tục thông tin về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và Mỹ. Nhật báo La Croix có bài viết : « Hoa Kỳ thúc giụcchâu Âu giải quyết khó khăn ».
 
Tờ báo cho biết, hai bên không ngừng lên tiếng chỉ trích lẫn nhau về biện pháp chống khủng hoảng.
 
Tối thứ hai rồi, tổng thống Mỹ Barack Obama lại một lần nữa phê phán sự bất lực của khu vực đồng euro trong việc ngăn chặn lây lan khủng hoảng nợ công.

Theo ông Obama, đấy là một cuộc khủng hoảng « gây kinh hoàng cho toàn thế giới ». Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Wolfgang Schauble phản ứng mạnh mẽ khi cho rằng : « Các vấn đề tại châu Âu không phải là nguyên nhân của những khó khăn đang tồn tại ở Mỹ ».

 Hiện tại, Hoa Kỳ lo ngại chính sách thắt lưng buộc bụng của mà các nước châu Âu đang theo đuổi sẽ bóp nghẹt tăng trưởng.
 
Cách đây 10 ngày, tại hội nghị bộ trưởng Tài chính châu Âu ở Ba Lan, người đứng đầu ngành tài chính Mỹ, ông Timothy Geithner đã kêu gọi nhanh chóng tăng cường Quỹ hỗ trợ các nước gặp khó khăn của châu Âu, mà theo ông, nguồn vốn hiện tại không đủ để bảo vệ các nước như Ý hay Tây Ban Nha, và không đủ để cứu các ngân hàng gặp khó khăn. Ông cũng kêu gọi châu Âu nên thiết lập một cơ chế mà các ngân hành của Mỹ đã sử dụng hồi năm 2008-2009.
 
Lập tức, ông Wolfgang Schauble cho rằng đây là « một ý tưởng ngu ngốc ». Pháp và Đức lo ngại một cơ chế như đề nghị trên sẽ làm họ mất điểm tín nhiệm tài chính tối ưu AAA.
 
Trong khi đó, tại châu Âu, mọi ánh mắt đang đổ dồn về Đức vì ngày mai Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận châu Âu ngày 21/7 về việc ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Theo hãng AFP, sau cuộc bỏ phiếu này, Pháp sẽ xem xét « các quyết định mạnh » về việc cứu Hy Lạp và các ngân hàng.
 
Các nước châu Á dẫn đầu về ô nhiễm không khí tại các khu đô thị
 
Đến với lĩnh vực môi trường, trong bài "Báo động mới của Tổ chức Y tế Thế giới về ô nhiễm không khí", Le Monde quan tâm đến hiện tượng ô nhiễm không khí ở các đô thị trên thế giới.
 
Công trình được thực hiện ở 1 100 thành phố của 91 quốc gia, tập trung trong lĩnh vực ô nhiễm không khí. Số liệu đo hàm lượng bụi trong không khí tập trung trong giai đoạn 2003-2010.
 
Trên 91 nước tham gia, có đến 80 nước vượt ngưỡng qui định của WTO về hàm lượng phân tử độc hại PM10 trong không khí. Mức cho phép là 20 microgam/m3 mỗi năm.
 
Các thành phố bị ảnh hưởng nạng nề nhất tọa lạc ở châu Á tại các quốc gia mới phát triển là Ấn Độ, Iran, Pakistan và Mông Cổ. Kỷ lục thuộc về thành phố Ahvaz của Iran, với 850 000 dân, hàm lượng PM10 đo được tại đây lên đến 372 microgam/m3/năm.
 
Nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí đến từ các phương tiện giao thông gắn máy, các hoạt động công nghiệp, việc sử dụng than hoặc củi để nấu ăn hay sưởi ấm, và từ các nhà máy điện hoạt động bằng than.
 
Với kích thước dưới 10 phần triệu mét, PM10 có thể len lỏi vào phổi hoặc máu và gây ra các bệnh tim mạch, hen suyển, viên hô hấp, hay thậm chí là bệnh ung thư phổi. Theo nghiên cứu nói trên, mỗi năm có đến 2 triệu người chết ho hít phải PM10.
 
Giáo viên Pháp đình công phản đối chính sách của chính phủ
 
Đến với thời sự nước Pháp, một sự kiện thu hút báo giới đó là cuộc đình công và tuần hành hôm qua của giới giáo chức Pháp. Đặc biệt lần này có sự tham gia của các trường tư thục, một việc được xem là lần đầu tiên kể từ năm 1984. Libération đăng bài có hàng tựa khá độc đáo : « Ngành giáo dục : công và tư cùng nhau xuống đường ».
 
Theo lịch trình, hôm nay, Hội đồng bộ trưởng Pháp sẽ nhóm họp để thảo luận về dự án ngân sách giáo dục 2012. Dự kiến, năm học tới, trong ngành giáo dục Pháp sẽ có thêm 14 000 người bị giảm biên chế.

Theo kế hoạch, trong nhiệm kỳ 5 năm (2007-2012) của tổng thống Nicolas Sarkozy, sẽ có 80 000 trường hợp giảm biên chế được thực hiện trên tổng số 850 000 giáo viên trong cả nước.
 
Để gây sức ép lên các nhà quyết định chính sách, giáo chức Pháp đã chọn ngày hôm qua để đình công và tuần hành trên đường phố. Theo số liệu từ phía nghiệp đoàn, số người tham gia ở khối tiểu học là 54%, khối trung học là 46%., trong khi đó theo chính quyền thì các con số trên lần lượt là 29% và 22,3%.
 
Với số liệu đó, bộ trưởng Giáo dục Pháp ông Luc Chatel đã hoan hỉ : « Sự kiện này không có gì mang tính lịch sử cả, vì trên 4 giáo viên thì có đến 3 người vẫn đến lớp ».
 
Tuy vậy, Libération nhận định, hôm qua là một « bước ngoặt lịch sử » vì có sự tham gia của các trường tư thục, mà đặc biệt là cùng chung với giới công lập. Đây là hiện tượng hiếm hoi, bởi lần xuống đường gần đây nhất của giới tư thục cũng phải vào năm 1984.
 
Libération tiến xa hơn nữa khi đánh giá rằng sự kiện trên ảnh hưởng đến chính trường tại Pháp. Nhiều nhân vật cộm cán đã tham gia tuần hành hôm qua tại Paris, trong đó có bà Martine Aubry, lãnh đạo và là ứng viên vòng sơ tuyển chọn người đại diện đảng Xã Hội Pháp ra tranh cử tổng thống trong năm tới, ông Jean-Luc Mélenchon, ứng viên tổng thống của đảng Mặt trận cánh tả.
 
Như vậy, chính sách giáo dục của tổng thống Sarkozy đang bị tranh cãi mạnh mẽ, chủ đề này có sẽ là một trong những điểm nhấn của các chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới.