Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Sáu, 30 Tháng 9 Năm 2011 09:21

Tranh giành quyền lãnh đạo khối euro

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Barroso trong một buổi thảo luận tại Nghị viện châu Âu ngày 28/9 về tình hình Liên hiệp châu Âu.
Reuters

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công, các nước trong Liên Hiệp Châu Âu bất đồng về việc trợ giúp những quốc gia gặp khó khăn về tài chính, việc cải tổ một số định chế, cho phép châu Âu có thể hành động nhanh chóng, là cần thiết.

 Tuy nhiên, vấn đề chính là trong cuộc cải tổ này, vai trò lãnh đạo kinh tế, tài chính sẽ thuộc về ai? "Cuộc đấu trong Liên Hiệp Châu Âu để biết xem ai sẽ lãnh đạo khu vực đồng euro". Đó là bài đăng trên nhật báo Le Monde hôm nay.


Báo Le Monde cho biết là sự phối hợp giữa Đức và Pháp đối phó với cuộc khủng hoảng đã làm cho chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso lo ngại là Ủy ban sẽ mất vai trò. Do vậy, phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ngày 28/9/2011, ông Barroso đã bảo vệ vai trò của Ủy ban trong việc điều hành các hoạt động kinh tế của khối.

Ông nói, "một số xu hướng phối hợp liên chính phủ có thể dẫn đến cái chết của châu Âu thống nhất, mà chúng ta mong muốn".
 
Trước đề nghị của Paris và Berlin muốn xem xét, sửa đổi lại các hiệp định của châu Âu, chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố sẵn sàng ủng hộ việc này, nhưng ông lại không đưa ra một đề nghị cụ thể nào.
 
Phát biểu trước khi các nghị sĩ Châu Âu thông qua « Hiệp ước ổn định và tăng trưởng », ngày 28/9/2011, ông José Manuel Barroso khẳng định, Liên Hiệp Châu Âu không cần một định chế nào khác hơn là Ủy ban Châu Âu trong vai trò « chính phủ kinh tế của Liên Hiệp ».

Theo chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cần thận trọng với các dàn xếp trong nội bộ của khối đồng euro và cần ưu tiên cho các đàm phán với tất cả 27 thành viên của Liên hiệp, tức là không loại trừ các ứng cử viên vào khối euro và cả các quốc gia không muốn tham gia vào khối này.
 
Theo Le Monde, một trở ngại lớn của quá trình thay đổi định chế là do Anh Quốc, vì sợ bị cô lập tại Châu Âu, nên cản trở việc chuyển giao thêm quyền lực cho Bruxelles.
 
Đối với chủ tịch Ủy ban Châu Âu, nếu tiến hành sửa đổi các hiệp định, thì mục tiêu chính phải là thay đổi nguyên tắc đồng thuận toàn khu vực đồng euro.

Theo hướng này, Pháp muốn đi tới sự đồng bộ về thuế tại châu Âu, với việc tăng cường nguyên tắc biểu quyết theo một đa số đủ thẩm quyền. Đối với chủ tịch Ủy ban châu Âu thì cần phải cải cách trước tiên phương thức vận hành của Quỹ hỗ trợ tài chính mà khối euro đã lập ra.
 
Cho đến nay, các kế hoạch trợ giúp cần phải được Quốc hội các quốc gia thành viên thông qua. Chính nguyên tắc này đã ngăn cản khối euro thông qua các quyết định khẩn cấp, cụ thể như kế hoạch trợ giúp Hy Lạp được chấp thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh 21/07.

Ba tháng sau, kế hoạch này vẫn đang phải chờ Quốc hội một số nước thông qua. Thậm chí, tiến trình này có thể bị đình trệ, nếu nghị viện Slovakia và Hà Lan bỏ phiếu chống.
 
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng cho biết sẽ xem xét tính khả thi của việc phát hành công trái châu Âu, bất chấp sự dè dặt của thủ tướng Đức Angela Merkel.
 
Tuy nhiên, theo báo Le Monde, trước khi tiến hành cải cách các định chế, thì công việc phải làm trước mắt là phân bổ lại các vị trí lãnh đạo trong khu vực đồng euro.
 
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy có khả năng sẽ được bầu vào chức chủ tịch khối euro, theo đề nghị của tổng thống Pháp Sarkozy và thủ tướng Đức Merkel, thay cho đương kim chủ tịch Jean-Claude Juncker.

Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên không đồng tình với việc ông Herman Van Rompuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Một ứng cử viên khác được đề nghị vào chức vụ quan trọng này là chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Jean-Claude Trichet, sẽ nghỉ hưu từ đầu tháng 11.
 
Trong khi đó, người đứng đầu nhóm nghị sĩ dân chủ tự do của Quốc hội Châu Âu thì cho rằng, nên giao chức chủ tịch hhối euro cho « một siêu ủy viên kinh tế » phụ trách. Tuy nhiên, đương kim chủ tịch Ủy ban Châu Âu không muốn đưa ra các bình luận theo hướng này.
 
"Liên Hiệp Châu Âu, tài sản chung của nhân loại"
 
Cũng liên quan đến Châu Âu, Le Monde đặc biệt chú ý đến bài phát biểu trước các sinh viên Học viện Chính trị Paris của cựu tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silava, nhân dịp ông đến Pháp nhận bằng tiến sĩ danh dự của Học viện, ngày 27/9/2011, qua bài « Bài học về môn chính trị học, do một ngôi sao nhạc rock mang tên Lula trình bày ».

 Tờ báo mô tả không khí đón tiếp nồng nhiệt mà các sinh viên Học viện Chính trị Paris dành cho ông Lula.
 
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có các thương lượng để tìm ra lối thoát trong cuộc khủng hoảng tại Châu Âu hiện nay, cựu tổng thống Brazil bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông trước « thái độ minh triết » của các nhà lãnh đạo sáng lập Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là các nhà lãnh đạo Pháp và Đức.

Ông nhấn mạnh : « Châu Âu là một tài sản của toàn nhân loại, chứ không chỉ thuộc về người Châu Âu. Trên thế giới, mỗi lần nói đến vấn đề hội nhập, mọi người lại nhìn về Châu Âu ».

Cựu tổng thống Brazil đề nghị những người hoài nghi Châu Âu hãy cân nhắc giữa cái giá phải trả nếu Liên Hiệp phải giải thể, và công sức đầu tư khổng lồ để lập nên Liên Hiệp Châu Âu.
 
Nhân vật số hai cảnh sát tư pháp Lyon dính đến đường dây ma túy?
 
Về thời sự nước Pháp, các báo Le Figaro và Libération quan tâm đến sự kiện một lãnh đạo cảnh sát tư pháp tại thành phố Lyon bị tạm giữ vì bị tình nghi là có dính líu đến tham nhũng. « Mùi tham nhũng xung quanh viên cảnh sát siêu hạng của Lyon » là hàng tựa của Libération.

Le Figaro thì chạy tựa : « Nhân vật số hai cảnh sát tư pháp Lyon bị nghi ngờ tham nhũng ». Tờ báo ghi nhận, việc ông Michel Neyret, một lãnh đạo cảnh sát tư pháp của thành phố Lyon, bị tạm giam là một điều hy hữu tại Pháp.
 
Ông Neyret, 55 tuổi, bị bắt cùng với vợ tại nhà riêng ngày hôm qua, vì bị tình nghi có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy quốc tế, qua ngả Colombia. Vụ án này đã được điều tra từ sáu tháng nay. Khoảng 10 người đã bị câu lưu. Nguyên lãnh đạo cảnh sát Lyon Neyret vừa bị di lý về Paris để thẩm vấn.
 
Theo Le Figaro, có bằng chứng cho thấy, một số tài khoản ở Thụy Sĩ liên quan đến cựu lãnh đạo cảnh sát tư pháp Lyon, có dấu hiệu được nuôi bằng tiền buôn bán ma túy của đường dây.
 
Cấp trên trực tiếp của ông Neyret nói với Le Figaro rằng ông bị sốc trước biến cố này. Nhân vật số hai của cảnh sát tư pháp Lyon đã có công vì phanh phui được một số vụ buôn bán ma túy và vụ trộm đồ trang sức tại khu vực Lyon.

Trong nhiều năm, ông Michel Neyret là một lãnh đạo xuất sắc của BRI (đơn vị cảnh sát nghiên cứu và can thiệp) của Lyon.

Theo một nguồn tin công đoàn, nguyên lãnh đạo cảnh sát tư pháp Lyon bị tình nghi đã trả công những người cung cấp thông tin với các hàng ma túy phạm pháp bị tịch thu, thậm chí giúp những kẻ buôn lậu bán ma túy bằng chính tài khoản của mình.
 
Tư pháp Brazil yêu cầu ngưng xây đập thủy điện trên Amazon
 
Nhật báo La Croix hôm nay đưa độc giả đến với một biến cố rất đáng chú ý đối với giới bảo vệ môi trường, qua bài viết « Tư pháp Brazil chống lại việc xây đập thủy điện Belo Monto tại Amazon ». Dự án xây dựng con đập khổng lồ, bị phản đối từ ba thập kỷ nay, một lần nữa lại bị chặn lại.
 
Nếu được xây dựng, Bela Monto sẽ là đập lớn thứ ba thế giới, có công suất dự kiến 11 200 MW, đứng sau đập Tam Hiệp 18 000 MW (Trung Quốc) và đập Itaipu 14 000 MW (Brazil – Paragoay). Đập Belo Monte có thể đảm bảo được 11% tổng lượng điện của Brazil và hứa hẹn tạo ra hàng chục nghìn việc làm.
 
Tuy nhiên con đập này sẽ làm ngập từ 600 đến 1200 km², khiến khoảng 20 000 người phải sơ tán. Tác hại của đập đã dấy lên một phong trào phản kháng trong xã hội Brazil.

Quyết định của tòa án tiểu bang Para ra lệnh ngừng xây đập đã được công chúng vui mừng đón nhận. Tuy nhiên, La Croix cho biết, quyết định kể trên mới chỉ có thể coi là một thắng lợi tạm thời, chứ chưa phải là một thành công quyết định.
 
Trang nhất các báo Pháp
 
Báo chí Pháp hôm nay chú ý nhiều đến kinh tế Châu Âu. Le Figaro chạy tựa trên trang nhất « Đức bật đèn xanh cho việc cứu Hy Lạp ».

Cũng về sự kiện Quốc hội Đức thông qua, với đa số phiếu áp đảo, quyết định thành lập Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu (FESF), Les Echos chạy tít : « Berlin tiến một bước quyết định trong cuộc chiến euro ».
 
Về kinh tế Pháp, « Các ngân hàng trong cơn bối rối » là hàng tựa trên trang nhất báo Libération. Tờ báo ghi nhận, giới ngân hàng Pháp đang ở trong tình trạng mất phương hướng, sau khi bị hạ điểm trên sàn chứng khoán và lâm vào tình trạng bị mất lòng tin trầm trọng.
 
Le Monde thông báo trên trang nhất, có thêm 56 loại thuốc bị Cơ quan an toàn vệ sinh về các sản phẩm y tế đưa vào danh sách đen. Tờ L’Humanité thì chỉ trích việc công ty Eiffage, chủ thầu xây dựng bệnh viện CHSF, phía nam Paris đã thực hiện công việc vô cùng cẩu thả, với 8.000 sai sót.
 
Về thời sự quốc tế hôm nay, La Croix hướng về Bắc Phi với « Cuộc thử nghiệm dân chủ tại Tunisia ». Tờ báo cho biết, cách một tháng trước kỳ bầu cử đầu tiên của « mùa xuân Ả Rập », các lực lượng chính trị Tunisia bắt đầu vào cuộc.

Le Figaro thì chú ý đến sự kiện tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và vua Mohammed VI, đặt đá khởi công tuyến đường xe lửa cao tốc đầu tiên của Châu Phi, nối liền thành phố Tanger, đối diện với Tây Ban Nha, tới Casablanca, xuyên qua thủ đô Maroc, dự kiến hoàn thành vào năm 2

 

.