Home Tin Tức Thời Sự Ông Obama có thể mất phiếu của cộng đồng da đen

Ông Obama có thể mất phiếu của cộng đồng da đen PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh   
Thứ Sáu, 30 Tháng 9 Năm 2011 10:10

Hôm đó, Tổng Thống Obama đọc một bài diễn văn được người nghe công nhận là nẩy lửa, nhưng chưa hẳn những gì ông nói đã làm hài lòng cử tọa.

Thứ Bảy tuần trước, 24 Tháng Chín 2011, lúc Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama bước lên diễn đàn để đọc bài diễn văn hàng năm trước Hiệp Hội Dân Cử Da Ðen (the Congressional Black Caucus Foundation), gần 2,000 người đứng lên vỗ tay chào đón vị nguyên thủ cùng một mầu da với họ.

Tổng Thống Barack Obama nói chuyện với các dân biểu trong nhóm
Congressional Black Caucus, tại Washington, DC, mới đây.
(Hình: Chris Kleponis-Pool/Getty Images)

Không khí trong phòng sôi động chẳng kém gì hồi 2009 khi ông Obama nhận lời đọc bài diễn văn đầu tiên, nhưng nét lo âu cũng bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt của những người từng hết lòng ủng hộ ông và hãnh diện đứng xếp hàng trước cửa đón ông khi ông vừa đặt chân vào Tòa Bạch Ốc.

Trong số khách mời danh dự và được chọn ngồi chung bàn với Tổng Thống có bà Dân Biểu Maxine Waters của tiểu bang California, một trong số khá hiếm các vị dân cử da đen của đảng Dân Chủ công khai lên tiếng phê bình tổng thống “dường như không đếm xỉa gì đến những khó khăn mà cộng đồng người da đen đang phải gánh chịu, đặc biệt trong thời điểm tỷ lệ người da đen bị thất nghiệp tăng quá nhanh và cao hơn tỷ lệ người thất nghiệp của những sắc dân thiểu số khác.”

Hôm đó, Tổng Thống Obama đọc một bài diễn văn được người nghe công nhận là nẩy lửa, nhưng chưa hẳn những gì ông nói đã làm hài lòng cử tọa. Ông bảo đừng ngồi một chỗ càm ràm, than khóc nữa “mà hãy hành động,” đừng ru rú trong phòng ngủ nữa “mà hãy xỏ giầy đi ra đường làm việc.” Có lẽ ý ông muốn nói cho những người trong cộng đồng hiểu đừng nghĩ là vị tổng thống cùng mầu da với họ phải có những sách lược riêng cho cộng đồng hay phải đặc biệt chú ý đến cộng đồng.

“Tôi phải nói rõ để mọi người hiểu là chúng tôi không bằng lòng với những gì tổng thống nói,” bà chủ tịch Ủy Ban Soạn Thảo Kế Hoạch Tìm Việc Làm Cho Người Da Mầu của Hiệp Hội Dân Cử Da Ðen vừa nghiêm mặt vừa trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo bỏ túi ngay buổi sáng hôm sau. “Người Mỹ da đen nào cũng hãnh diện về vị tổng thống da mầu đầu tiên của quốc gia, và họ bày tỏ niềm hãnh diện ấy bằng tất cả những gì họ có thể làm. Nhưng không nói thì các bạn cũng hiểu là tình hình bây giờ khác rồi, hãnh diện thì vẫn còn nhưng không cao như trước nữa vì cộng đồng người Mỹ da đen đang gặp quá nhiều khó khăn trong khi nhà lãnh đạo họ hết lòng ủng hộ lại không để ý tới mà lại đưa ra những lời lẽ mang tính chê bai.”

Bà kể lại trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở Detroit, “chính những người phụ nữ có mặt trong buổi hội thảo ngày hôm đó đều lên tiếng đồng ý với tôi là không thể yên lặng được nữa, phải nói cho tổng thống biết chúng ta trông đợi ở ông, phải nói cho tổng thống hiểu để ông sửa chữa đường hướng hoạt động cho đúng hơn, có lợi cho quốc gia và cho động đồng hơn.”

Những điểm bà Waters trình bày nói lên thực trạng hầu như không ai muốn nhắc tới: tỷ lệ cử tri da đen ủng hộ ông Obama không còn ở mức thật cao như trước đây và ngay trong hàng ngũ các chính trị gia da đen, đã bắt đầu thấy sầm xì những lời chê trách, hay ít nhất cũng là những lời lẽ bày tỏ sự âu lo, cho rằng sự thánh công hay thất bại của ông Obama trong chính trường Hoa Kỳ sẽ kéo theo cả tương lai của một tập thể mà ông là người đại diện.

Mười bốn tháng trước ngày cuộc bầu cử diễn ra, Tổng Thống Obama và dàn cố vấn của ông đều biết nếu muốn thành công “phải lấy lại được số phiếu cử tri da đen đã dành cho ông cách đây 3 năm,” theo nhà bình luận Mark Miller của thủ đô. Ðiều đó có nghĩa là ông phải xây dựng lại niềm tin “đã có và đang mất dần” từ những người đã hết lòng ủng hộ ông trước đây, “đặc biệt là thành phần chính trị gia, những người có uy tín trong cộng đồng.”

“Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ cho rằng lá phiếu của người da đen chưa đủ để đưa đưa bất cứ ai vào Tòa Bạch Ốc,” nhưng đừng quên nếu không có lá phiếu của họ, “chưa chắc chúng ta đã có Tổng Thống Barack Obama,” ông Miller nói trong cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh ở Atlanta.

Ông nhắc lại những bằng chứng như “hồi 2008, số phiếu của cử tri da mầu tăng từ 11% lên 14% trong tổng số cử tri toàn quốc, 98% cử tri da mầu nói họ bỏ phiếu cho ông Barack Obama, giúp ông đắc cử ở những tiểu bang quan trọng như Indiana, tăng thêm uy thế cho đảng Dân Chủ ở North Carolina và đắc thắng ngay tại Virginia.” Lần này “ông Obama đang gặp khó khăn và sẽ khó khăn hơn nữa nếu không được chính cộng đồng của ông ủng hộ hay bị giảm mức ủng hộ.”

Từng có lúc lên tiếng phê bình vị tổng thống cùng mầu da là “điều cấm kỵ” trong hàng ngũ chính trị gia và các nhà lãnh đạo các cộng đồng của người da mầu. Quy định bất thành văn này bây giờ vẫn đang được áp dụng “nhưng lỏng lẻo hơn trước rất nhiều,” theo ý kiến của một số độc giả được đăng tải trên tờ The Washington Post trong những số báo hồi gần đây.
Các mẩu ý kiến này được tờ báo chọn đăng sau cuộc thăm dò do chính tờ Post và hệ thống truyền hình ABC thực hiện, trong đó cho thấy “số người da đen sẵn sàng lên tiếng than phiền chính sách của ông Obama không dẫn quốc gia đi đúng đường ngày một nhiều” và “thiện cảm dành cho ông mỗi ngày một ít đi.”

Trong số những ý kiến được đăng tải, có cả những ý kiến nhắc lại điều hầu hết các thành viên cộng đồng người da đen đều biết: số người da đen thất nghiệp bây giờ đã tăng lên 15,9% (so với 11,5% lúc ông Obama mới lên nhậm chức) và tỷ lệ người da đen bị mất nhà vì không trả nổi tiền nợ là tỷ lệ cao nhất trong các cộng đồng thiểu số. Một cuộc thăm dò khác còn cho biết khoảng phân nửa người Mỹ da đen không có tài sản, hoặc nếu có thì cũng chẳng thấm tháp gì so với số tài sản của người da trắng hay của người gốc Châu Á.
Những viên chức đang điều khiển cuộc vận động tái tranh cử cho ông Obama không đồng ý với những lập luận vừa nêu.

Trong một thông cáo báo chí phổ biến hồi gần đây, Văn Phòng Ủy Ban Vận Ðộng Trung Ương ở Chicago cho hay bất kể đảng Cộng Hòa chọn ứng cử viên nào, “90% người da đen vẫn bỏ phiếu cho Tổng Thống Barack Obama,” xem đó là bằng chứng xác nhận niềm tin của tập thể thiểu số này với vị tổng thống đương nhiệm. Trả lời phỏng vấn của tờ The Chicago Sun-Times, ông Cố Vấn David Axelrod nói “không một chính trị gia nào của nước Mỹ thấu hiểu tâm trạng cử tri cho bằng ông Obama” vì ông xuất thân từ một gia đình bình thường chứ chẳng phải giầu có, mẹ ông từng có thời phải tính đến chuyện xin trợ cấp xã hội để nuôi con, và chính ông Obama cũng từng bị đối xử không công bằng chỉ vì màu da.

Lập luận của Ủy Ban Vận Ðộng Tái Tranh Cử Cho Tổng Thống Obama được sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Kasim Reed, thị trưởng thành phố Atlanta. Phát biểu với báo chí ngay sau khi nghe tổng thống đọc bài diễn văn, ông Reed đưa ra nhân định “rõ ràng là không công bằng khi cộng đồng của chúng ta đòi hỏi tổng thống phải đưa ra những kế hoạch giúp người da mầu mà quên đi những đòi hỏi này sẽ gây trở ngại cho ông khi tái ứng cử.” Ngưng vài giây đồng hồ, ông Reed nói tiếp, “chúng ta đừng quên ông được chọn làm tổng thống cho cả nước, chứ chẳng phải chỉ cho một sắc dân.”