Home Tin Tức Thời Sự TQ vào thị trường quốc phòng Âu Mỹ

TQ vào thị trường quốc phòng Âu Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 31 Tháng 10 Năm 2011 13:24

"AVIC là một trong những cột trụ của ngành công nghiệp quốc phòng...''

 

Ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng Trung Quốc đang có đầu tư lớn

Tuần báo chuyên về quốc phòng Jane's Defence vừa có bài phân tích về những nỗ lực xâm nhập thị trường hàng không và quốc phòng phương Tây của các công ty Trung Quốc.

Trong số mới nhất ngày 26/10, phóng viên Jon Grevatt đánh giá nhờ mức đầu tư khổng lồ của các ngân hàng trong nước, Trung Quốc - dẫn đầu là Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) - đang có chiến dịch tham vọng xâm nhập thị trường phương Tây.

 Mục tiêu lớn của ngành công nghiệp Trung Quốc là dẫn đầu thế giới về công nghệ và giúp hiện đại hóa quân đội trong nước.

Thâu tóm công ty

Trong năm 2010 và 2011, các công ty của Trung Quốc tăng cường có mặt ở các hội chợ công nghiệp, bắt đầu xuất khẩu thiết bị quân sự sang châu Âu và Mỹ, và thúc đẩy việc mua các công ty nước ngoài.

Thương vụ mua lại công ty nước ngoài đầu tiên của AVIC là năm 2009 khi họ mua lại Fischer Advanced Composite Components của Áo.

Kể từ đó, tập đoàn nhà nước Trung Quốc đã mua thêm ba công ty của Mỹ (Continental Motors, Cirrus Industries và Epic Air), tất cả thuộc lĩnh vực hàng không thương mại.

Một nguồn tin của tạp chí Jane's nói AVIC cũng đang tìm mua các công ty tại Anh.

Khoảng 10 năm trước, Trung Quốc đề ra chiến lược hợp tác quân sự - dân sự, tìm kiếm nguồn công nghệ cho các chương trình quốc phòng thông qua biện pháp thương mại và ngược lại.

Theo ông Tai Ming Cheung, một nhà bình luận tại Viện Đại học California về Xung đột và Hợp tác Toàn cầu, những mục tiêu của AVIC gần như chắc chắn phải qua "nhiều sự phối hợp và tham vấn" giữa chính phủ và công ty trước khi họ chào giá.

Ông này cũng tin rằng ngoài AVIC, nhiều công ty quốc phòng khác có thể cũng đang chờ thời điểm, mặc dù không tiết lộ hoạt động.

"AVIC là một trong những cột trụ của ngành công nghiệp quốc phòng, và nếu họ mua một công ty nước ngoài - tức là công nghệ nước ngoài - thì dĩ nhiên nếu công nghệ có ích, chúng sẽ được áp dụng cho khu vực quốc phòng và dân sự."

Nhiều tiền


Một mẫu máy bay chiến đấu do AVIC thiết kế

Từ 2009, các ngân hàng nhà nước đã cho AVIC vay nhiều lần, tổng cộng hơn 60 tỷ đôla.

Mới tháng Chín năm nay, AVIC Capital, nhánh đầu tư của họ, cho hay dự định sẽ lên sàn chứng khoán nội địa để có tiền mua một công ty ở châu Âu - họ không tiết lộ tên công ty này.

Tiền cũng đến từ việc xuất khẩu. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nói từ 2005 đến 2010, Trung Quốc bán được 11 tỷ đôla vũ khí quy ước trên thế giới.

Trong đó, châu Á chiếm 50%, với Pakistan là khách hàng lớn nhất, theo sau là Trung Đông và Bắc Phi (tổng cộng 30%).

Nhưng Trung Quốc cũng có tham vọng bán hàng cho các thị trường đòi hỏi công nghệ cao hơn tại châu Âu và Mỹ.

Hồi tháng Giêng, theo tạp chí Jane's, AVIC xem xét khả năng chào thiết bị lắp ráp cho trực thăng AC-313 của hải quân Mỹ và máy bay L-15 cho không quân Mỹ.

Gần đây, Hy Lạp đã họp với công ty Norinco của Trung Quốc về khả năng hợp tác. Với kinh tế yếu kém hiện nay, Hy Lạp có thể quan tâm đến vũ khí Trung Quốc vì chi phí thấp hơn.

Nhạy cảm chính trị

Theo phóng viên Jon Grevatt, khó khăn kinh tế trong tương lai gần ở châu Âu và Mỹ sẽ là cơ hội cho các công ty Trung Quốc, nhắm mua những công ty nhỏ và cỡ vừa trong ngành hàng không dân dụng và có hoạt động về quốc phòng.

Tuy vậy, rào cản chính trị và chiến lược cũng sẽ khiến công ty Trung Quốc khó mua những đơn vị hoàn toàn làm về quốc phòng.

Ông Tai Ming Cheung nói: "Khả năng vô cùng thấp ở Mỹ và Tây Âu. Nga cũng không hứng thú việc bán tài sản quốc phòng cho Trung Quốc."

Theo ông, AVIC sẽ tìm cách tham gia các chương trình phát triển chung và hợp tác với công ty phương Tây, thay vì mua đứt công ty.

Điều này phần nào giải thích vì sao trong hai năm qua, AVIC đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với các hãng như Boeing, General Electric, Goodrich, Eurocopter.