Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 5-11-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 5-11-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 05 Tháng 11 Năm 2011 08:50

Nước Ý dưới sự giám sát của IMF và Châu Âu

 
Thủ tướng Ý Berlusconi và Chủ tịch ủy ban châu Âu Barroso (Reuters)

Nước Ý bị đặt dưới sự kiểm soát của IMF và Ủy ban Châu Âu do suy sụp vì nợ là đề tài được báo chí Pháp hôm nay quan tâm đến.

Hầu hết các báo đều cho rằng hậu quả của việc này là kể từ nay Roma phải vay với mức lãi suất cao, gần 6,4% (cao gấp ba lần so với Đức). Mức lãi suất này khiến cho việc tài trợ số nợ công khổng lồ 120% GDP (khoảng 1900 tỷ euro) càng trở nên khó khăn hơn.

 
Tuy nhiên, các báo đều nhận xét, không giống với Hy Lạp, nước Ý vẫn có trong tay nhiều con chủ bài quan trọng cho phép phục hồi nền kinh tế.

Theo các báo Pháp, IMF và Ủy ban Châu Âu buộc phải giám sát chặt chẽ ngân sách Ý chỉ nhằm mục đích buộc chính quyền Roma, đặc biệt là thủ tướng Ý Silvio Berlusconi phải thực hiện các cam kết của mình. Các báo Pháp đều cùng quan điểm cho rằng chính bản thân các biện pháp của Berlusconi không có vấn đề gì phải tranh cãi, nhưng việc áp dụng các biện pháp này trong bối cảnh mà uy tín của thủ tướng Ý đang bị tụt giảm nghiêm trọng mới chính là điều đáng lo.
 
Theo Libération, « Châu Âu đang cố sức xây dựng một bờ đê bao quanh nước Ý », hòng ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Bởi vì, nếu Ý sụp đổ thì sẽ đến lượt Pháp là nước kế tiếp và sau đó là toàn khu vực đồng euro.
 
Mặt khác, qua việc đặt Ý nằm dưới sự giám sát của hai tổ chức quốc tế có uy tín, Bruxelles hy vọng rằng sẽ trấn an được các nhà đầu tư, theo như lời nhận xét trên Le Figaro.
 
Nhật báo Le Monde nhận định rằng, khủng hoảng tại Ý không chỉ là chuyện riêng của Châu Âu nữa, mà nó còn gây quan ngại cho tất cả các nước lớn trên toàn cầu.
 
Theo Le Monde, Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn thấy Châu Âu sụp đổ.

 Cần phải thiết lập « Vành đai bảo vệ » hay « bức tường lửa » để ngăn chặn khủng hoảng. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng « IMF phải có một vai trò hỗ trợ quan trọng ». Châu Âu muốn phải tăng cường Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu (FESF) nhằm ứng cứu cho các quốc gia đang gặp khó khăn.

 Như vậy, FESF cần huy động thêm vốn từ mức hiện có là 440 tỷ euro lên 1000 tỷ euro. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là huy động từ đâu ?
 
Theo đề nghị của Pháp là nên dựa vào Ngân hàng Trung ương Châu Âu để có thể cấp cho FESF các công cụ tài chính không giới hạn. Tuy nhiên, biện pháp này có thể gây ảnh hưởng xấu đến các thị trường tài chính. Và bản thân Đức là nước đóng góp chính cũng không tán thành chủ trương này.
 
Còn nếu Châu Âu muốn dựa vào quyền rút vốn đặc biệt tại Quỹ tiền tệ quốc tế để tăng vốn cho FESF, thì Mỹ lại không đồng tình, do e ngại việc này sẽ làm cho các nước mới trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc sẽ có cơ hội gia tăng thêm sức mạnh tại IMF.
 
Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới

Cũng liên quan đến vấn đề kinh tế, báo Le Monde hôm nay cho biết ngày 15/12 sắp tới nước Nga sẽ chính thức được gia nhập vào Tổ chức thương mại Thế giới. Theo bài viết, với sự kiện này, nước Nga hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.
 
Sau 18 năm chờ đợi, giờ đây cánh cửa Tổ chức Thương mại Thế giới sắp được mở ra cho nước Nga. Rào cản cuối cùng cũng đã được dỡ bỏ vào hôm thứ năm 03/11 vừa qua sau khi đã đạt được một thỏa thuận với Gruzia.
 
Theo Le Monde, Gruzia - thành viên của WTO từ năm 2000 – đã ngăn chặn Nga tham gia vào tổ chức này. Hai nước cũng đã ngừng bang giao kể từ sau cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008 về việc nắm quyền kiểm soát vùng đất ly khai Nam Ossetia và Abkhazia.
 
Tuy nhiên, qua trung gian Thụy Sĩ, cả hai nước đã đạt một thỏa thuận, theo đó, một tập đoàn tư nhân sẽ giám sát các hoạt động nhập và xuất khẩu hàng hóa vào hai khu vực này và sẽ đóng vai trò trung gian giữa hải quan hai nước.
 
Le Monde nhận định việc Nga gia nhập WTO có tính chất rất quan trọng cho hình ảnh của nước Nga, vốn dĩ được xem là một trong những nước mới trỗi dậy nhưng lại nằm ngoài WTO. Đối với cặp đôi quyền lực Medvedev – Putin, thật là khó chịu khi nhìn thấy các nước xung quanh, như Moldavia và Ukraina đều trở thành thành viên của WTO.
 
Mặt khác, việc gia nhập WTO còn cho thấy nhiều hứa hẹn cho tăng trưởng kinh tế.

 Ngân hàng thế giới dự đoán trong trung hạn, tăng trưởng sẽ đạt 3%. Bầu không khí đầu tư cũng sẽ được cải thiện hơn. Ngoài việc Nga phải tuân theo những ràng buộc của WTO, các nhà đầu tư Nga và nước ngoài có thể giải quyết các tranh chấp thông qua WTO.
 
Theo Le Monde, tuy nước Nga sở hữu nguồn dầu khí dồi dào, nhưng để duy trì vị trí nhà cung cấp dầu khí hàng đầu, trước các nước Ả Rập Xê Út, Nga cần phải thăm dò nhiều mỏ dầu mới, nhất là các mỏ dầu ngoài khơi. Đây chính là một thách thức cho Nga nếu không có kỹ thuật và đầu tư của phương Tây. Chính vì thế, Kremlin vẫn luôn tìm cách thu hút các nhà đầu tư.
 
Một vấn đề khác đặt ra cho chính bản thân nước Nga.

Nếu nước Nga gia nhập WTO, Kremlin buộc phải giảm thuế xuất nhập khẩu. Vấn đề đặt ra là hiện nay hơn 70% hàng tiêu thụ trong nước không phải sản xuất tại chỗ. Như vậy, một khi thuế xuất nhập khẩu giảm, thị trường trong nước có nguy cơ tràn ngập các loại hàng nhập khẩu, ngăn chặn việc đa dạng hóa như là Kremlin mong muốn.
 
Libya thiếu nhân tài  : chính phủ mới phải tuyển người cũ 

Nhìn sang Châu Phi, chiến sự tại Libya xem như là đã chấm dứt.

 Giờ đây việc quan trọng là làm thế nào tái thiết đất nước. Trước mắt, do thiếu người có năng lực, chính phủ Libya mới buộc phải tận dụng lại số quan chức cũ dưới thời Kadhafi. Một đề tài gây bất bình cho những người tham gia nổi dậy chống Kadhafi. Liên quan đến đề tài này, Libération hôm nay có bài phóng sự đề tựa « Nước Libya mới gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công chức ».
 
Libération cho biết nhiều người đã nổi giận khi nhìn thấy nhiều cựu quan chức cũ thuộc tập đoàn dầu khí tại Syrte vẫn tại vị. Đối với họ, « cách mạng sẽ chưa kết thúc chừng nào số người tham nhũng này vẫn còn hiện diện ở đây và cuộc cách mạng sẽ không còn ý nghĩa gì nữa ».
 
Theo Libération, ngay sau khi ông Kadhafi bị giết chết, nhà nước Libya mới tỏ ra do dự giữa mong muốn thanh lọc toàn bộ số công chức cũ và đòi hỏi cấp bách sự ổn định. Nếu như phần đông các vị bộ trưởng và quan chức cao cấp đã bỏ trốn hay bị bắt, thì đại đa số nhân viên chính phủ vẫn tại vị.
 
Một quan chức của tập đoàn dầu khí quốc gia (CNP) giải thích với Libération rằng cần phải có thời gian để tổ chức một hệ thống mới. Và cũng cần phải có bằng chứng cụ thể cho thấy đấy là những kẻ tham nhũng thật sự.
 
Nhiều người nhận định rằng việc chính quyền Libya mới không muốn sàng lọc lại số công chức cũ có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề. Nhiều viên chức hạ cấp từ chối làm việc với lý do là thủ trưởng của họ là người ủng hộ chế độ cũ. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện trong các công sở mà ngay cả trong lãnh vực tư nhân, khi các ông chủ doanh nghiệp dưới chế độ mới lại chính là những người trước khi Tripoli bị quân nổi dậy chiếm đóng.
 
Mặt khác, nhà nước Libya mới cũng nhìn nhận rằng họ đang thiếu công chức và cán bộ cao cấp để vận hành bộ máy nhà nước mới.

Theo lời giải thích một quan chức làm việc tại Bộ Ngoại giao, tuy rằng không có sự sàng lọc công chức công khai, nhưng cơ quan này trước mắt chưa dám tuyển dụng lại số quan chức cũ. Ông này cho rằng với ngần ấy năm cai trị của Kadhafi, ít hay nhiều họ cũng phải tuân theo ý tưởng của ông ta để thăng tiến sự nghiệp. Vì vậy, nhà nước mới không thể nào vận hành bộ máy mà không cần tuyển dụng đến số công chức cũ.
 
Trẻ không nên mút tay và ngậm núm vú giả quá lâu
 
Liên quan đến sức khỏe trẻ em, Le Figaro có bài viết « Khoa chỉnh hình răng : chấm dứt mút tay và ngậm núm vú giả ». Theo bài báo, cần phải ngưng hiện tượng này ngay từ khi trẻ được 3 tuổi nhằm hạn chế sự biến dạng răng.
 
Các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình răng tại Pháp tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy ngày nay trẻ mút tay và ngậm núm vú giả cho đến 5, 6 tuổi thậm chí đến 8 tuổi. Theo các chuyên gia này, trẻ càng mút tay và núm vú giả càng lâu, càng sẽ làm cho vòm họng bị hẹp, hõm sâu, hàm răng sẽ bị hẹp, như vậy chắc chắn là răng sẽ mọc không đều và sẽ bị hô.
 
Họ khuyên các bậc cha mẹ nên tập cho trẻ từ bỏ thói quen xấu này lúc trẻ được 2-3 tuổi. « Đây là giai đoạn trẻ phát triển nhiều kỹ năng khác nhau: tập đi, tập nói, đi học và tiếp xúc với người khác. Việc chấm dứt mút tay hay ngậm núm vú giả sẽ tạo điều kiện để phát triển những khả năng này ». Mặt khác, biến dạng về răng ở độ tuổi này có thể được đẩy lùi.
 
Để giúp trẻ từ bỏ thói quen xấu này, các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình đề nghị, trước tiên, các bậc phụ huynh nên bắt đầu giúp trẻ từ bỏ mút tay hay ngậm núm vú giả vào ban ngày trước. Cho trẻ một miếng trái cây như táo chẳng hạn để cho trẻ gặm nhấm. Một khi trẻ đã dừng hẳn mút tay ban ngày, khi đó sẽ bắt đầu giúp trẻ từ bỏ mút tay đêm.
 
Các chuyên gia tư vấn, để thực hiện giai đoạn này, các bậc cha mẹ nên ở lại với trẻ một chút trước khi cho trẻ ngủ, đọc cho trẻ nghe một mẩu chuyện nhỏ, nhằm giúp trẻ đi ngủ mà không cần phải mút tay. Theo họ, « điều chủ yếu là phải thay thế sở thích xấu này bằng một cái gì khác dễ chịu hơn ».

Cuối cùng, các vị chuyên gia cũng cũng khuyên rằng các bậc cha mẹ cũng nên kiên nhẫn và không nên la rầy trẻ. Trong trường hợp thất bại, các bậc cha mẹ có thể tạm dừng một thời gian và cố thử lại sáu tháng sau đó.