Home Tin Tức Thời Sự Chi phí vay nợ của Ý tăng cao kỷ lục

Chi phí vay nợ của Ý tăng cao kỷ lục PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 07 Tháng 11 Năm 2011 11:09

Ông Berlusconi đang đứng trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Chi phí vay nợ của chính phủ Ý tăng lên do mối lo ngại ngày càng tăng quanh tình trạng bất ổn chính trị ở Rome.

Lợi tức trái phiếu 10 năm của chính phủ Ý tăng từ 6,37% lên tới mức kỷ lục thời đồng euro, 6,64%, trước khi hạ xuống mức 6,53%.

Người ta lo ngại rằng Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu - eurozone, có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ.

Thủ tướng Silvio Berlusconi hiện đang phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu về cuộc khủng hoảng tài chính công vào hôm thứ Ba.

Các thị trường chứng khoán ở London, Paris và Madrid cũng đang sụt điểm.

Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán chính tại Ý, FTSE MIB, đã phục hồi trở lại so với những phiên mất giá trước đó sau khi tin cho hay ông Berlusconi có thể từ chức "trong vòng vài giờ " - dẫu cho tin này đã bị ông thủ tướng bác bỏ, hãng tin ANSA loan tin.

Vào buổi trưa, chỉ số FTSE MIB tăng 1,5%.

Những lo lắng về tình hình Ý đang phủ bóng đen lên những diễn tiến tại Hy Lạp, nơi Thủ tướng George Papandreou đã Bấm đồng ý từ chức.

Ông Papandreou mới đạt thỏa thuận với phe đối lập nhằm thành lập chính phủ liên minh mới để phê duyệt gói cứu trợ từ Liên hiệp Âu châu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Việc bỏ phiếu chuẩn thuận sẽ mở đường cho Hy Lạp nhận được 8 tỷ euro tiếp theo từ các khoản vay cứu trợ.

Thỏa thuận mới đã được các nhà đầu tư chào đón, với chỉ số chứng khoán chính tại Athens tăng 2% nhờ giá cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh. Cổ phiếu ngân hàng Alpha Bank tăng 7,8% trong khi của ngân hàng Hellenic Postbank tăng 11,4%.

"Khởi đầu cho sự kết thúc"Các thị trường đang tỏ ra nghi ngờ khả năng trả nợ của Ý.

Richard Hunter, người đứng đầu bộ phận cổ phần tại hãng môi giới chứng khoán Hargreaves Lansdown ở London, nói những lo lắng về nước Ý không phải là lo về nền kinh tế mà chính là lo về tình trạng chính trị ở nước này.

"Điều này có thể sẽ khởi đầu cho sự kết thúc của ông Berlusconi," ông nói với BBC.

"Chúng ta đang nói về một chuyện hoàn toàn khác, khi nói đến Ý [so với Hy Lạp].

"Hy Lạp chịu trách nhiệm về 2% tổng GDP [của khối eurozone] trong khi Ý là nền kinh tế lớn thứ ba, chỉ sau Đức và Pháp."

Áp lực ngày càng tăng lên ông Berlusconi, với việc phe đối lập cũng đang chuẩn bị một cuộc bỏ phiếu có thể coi là bất tín nhiệm đối với ông thủ tướng.

Các bộ trưởng tài chính khối eurozone đang chuẩn bị họp, với dự kiến sẽ thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Hy Lạp và cơ chế tăng vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF).

Các nhà lãnh đạo đã đồng ý về mặt nguyên tắc là sẽ tăng EFSF từ mức 440 tỷ euro hiện nay lên 1 nghìn tỷ euro nhằm đối phó với tình trạng nợ của Ý và Tây Ban Nha.

Hôm thứ Ba, các bộ trưởng tài chính từ toàn bộ các thành viên trong Liên hiệp châu Âu sẽ họp mặt.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới từ khối G20 đã đồng ý tăng cường nguồn lực cho IMF, nhưng chưa đưa ra các kế hoạch chi tiết cho khối eurozone.

Các đại diện từ Ủy hội châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF đang có mặt tại tại Lisbon trong ngày thứ Hai để có những đánh giá mới nhất về việc Bồ Đào Nha đang triển khai gói cứu trợ ra sao.