Home Tin Tức Thời Sự Đại sứ Trung Quốc gặp Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam

Đại sứ Trung Quốc gặp Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 08 Tháng 11 Năm 2011 11:04

Cuộc gặp mặt diễn ra tại Tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội. 

HÀ NỘI (NV) -  Hôm Chủ Nhật, nhà báo Bùi Tín phổ biến một tấm hình do một thân hữu ở Hà Nội gửi cho ông về việc đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Khổng Huyền Hựu, gặp đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và trung tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào ngày 2-11-2011.
  

 Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Khổng Huyền Hựu (phải) và  Đại tướng Phùng Quang Thanh (trái) Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam trong buổi nói chuyện. (Hình do nhà báo Bùi Tín nhận được từ Hà Nội)

Cuộc gặp mặt diễn ra tại Tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội.
 
Lời nhắn của người gửi hình là “Đại sứ Khổng Huyễn Hựu gặp đại tướng Phùng Quang Thanh và trung tướng Ngô Xuân Lịch - chủ nhiệm Tổng cục chính trị, bàn về thực hiện thỏa thuận Trung -Việt sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh, để thực hiện nội dung, 'coi trọng Đại cục hữu nghị, tăng cường quan hệ chiến lược mọi mặt ...”
 
Hiện đang có nghi vấn có thể buổi gặp mặt này liên quan tới vụ đụng tàu vừa được tung hình ảnh lên mạng.

Đâm tàu hải giám Trung Quốc

Ba video clips phổ biến trên youtube với thời lượng khác nhau nhiều phần là cùng một vụ việc tàu tuần Việt Nam đâm tàu hải giám của Trung Quốc đang được những người quan tâm đến thời sự Việt Nam phổ biến và truyền nhau rộng rãi trên internet.
 
Một đoạn video clip có tựa là “Tàu Việt Nam đâm vào tàu hải giám Trung Quốc”. Một video clip khác có tựa là “Đuổi chó”. Video clip dài nhất là 6 phút 25 giây, cái trung bình là 3 phút 44 giây và cái ngắn nhất là 2 phút 42 giây.
 
Đây là hình ảnh hiếm hoi diễn tả cụ thể phần nào các căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Trong một đoạn video clip, người ta nghe thấy những người trên tàu của Việt Nam nhắc nhở nhau trước khi tàu Việt Nam đâm vào mạn trái tàu hải giám của Trung Quốc: “Bám chặt vào”, “Mặc quần áo vào”…Rồi có tiếng va chạm lớn và hai tàu sát vào nhau. Không thấy có tiếng súng hay tiếng la hét. Cũng không thấy cảnh người từ tàu này nhãy sang tàu kia. Và cũng không biết có phải tàu Trung Quốc đang ở trong phạm vi hải phận Việt Nam hay không.
 
Trước đó, những người trên tàu Việt Nam nói với nhau, “Nó có cả con gái nữa…Nó quay (video) mình. Mình quay (video) nó.”
 
Khúc đầu thấy có một số người lố nhố trên tàu hải giám Trung Quốc nhưng khi hai tàu tiến sát đến nhau thì những người trên tàu Trung Quốc rút vào trong.
 
Không thấy máy quay phim hay video cỡ lớn mà chỉ thấy một người đứng trên tàu của Việt Nam ghi hình bằng máy điện thoại di động.
 
Các đoạn video nói trên không ghi ngày tháng nên không biết vụ việc xảy ra vào ngày nào, lúc nào cũng như tọa độ, thuộc vùng biển nào của Việt Nam.

Chỉ có thể ước đoán khu vực có thể ở miền Trung và gần với quần đảo Hoàng Sa, nơi hay xảy ra các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Việt Nam đánh cá. Hoặc tàu Trung Quốc bắt giữ hay đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.
 
Cho tới nay, chưa thấy phía Hà Nội hoặc Bắc Kinh lên tiếng gì.
 

  Tàu Việt Nam đuổi tàu hải giám Trung Quốc trước khi đâm vào nhau. (Hình: Chụp lại từ Yutube)

Chênh lệch về sức mạnh

 Theo một số tài liệu, đụng độ giữa tàu của Việt Nam và tàu Trung quốc cũng đã xảy ra nhiều lần nhưng không được phổ biến tin tức.
 
Hai vụ tàu Trung quốc cắt cáp tàu thăm dò đầu khí của Việt Nam hồi cuối Tháng 5 và đầu Tháng 6 vừa qua là được tiết lộ cho báo chí. Trước đó từng xảy ra như vậy nhưng Hà Nội vẫn không để lộ ra trên mặt báo.
 
Việt Nam chỉ có một vài tàu cỡ nhỏ gọi là “cảnh sát biển”. Từ năm 2007 đến nay, đóng tại công ty đóng tàu Sông Thu ở Đà Nẵng, 3 tàu cho Cảnh sát Biển mang danh số CSB 9001, CSB 9002 và CSB 9003 mỗi chiếc trọng tải 1,500 tấn thuộc loại khá tân tiến với kỹ thuật của Hòa Lan (công ty Damen mà Việt Nam dự tính mua 4 chiếc hộ tống hạm trang bị hỏa tiễn lớp Sigma).

Trong khi đó lực lượng Hải giám của Trung Quốc có tới 91 tàu, nhiều tàu cỡ lớn trên dưới 2 ngàn tấn hoạt động thường trực trên biển Đông để uy hiếp Việt Nam.
 
Hiện Trung Quốc, ngoài lực lượng hải quân hùng hậu, còn có các tàu bán quân sự thuộc 8 cơ quan khác nhau từ Cục Thủy Sản, Bộ Nông Nghiệp, Cơ quan giám sát hàng hải nhà nước gọi tắt là hải giám, Cảnh sát biển Trung quốc, Cục an toàn hàng hải, cơ quan thi hành luật thủy sản v.v…

Cộng chung số tàu này lại, tuy không trang bị dữ dằn như hải quân, cũng có thể gọi là một hạm đội thứ tư ngoài 3 hạm đội chính thức của Hải quân Trung Quốc Hạm Đội Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải. (TN)