Home Tin Tức Thời Sự Nhiều đồ giả trong võ khí Mỹ đến từ Trung Quốc

Nhiều đồ giả trong võ khí Mỹ đến từ Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Tư, 09 Tháng 11 Năm 2011 11:08

Các hàng giả mạo này được chuyển vào hệ thống tiếp liệu của quân đội Mỹ bằng nhiều ngả

WASHINGTON (NavyTimes) - Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện Mỹ hiện đang chuẩn bị các biện pháp để đối phó với tình trạng hàng điện tử giả tràn lan, đa số có xuất xứ từ Trung Quốc và đã thấy sử dụng trong các hệ thống võ khí của Mỹ.
 

 Thượng Nghị Sĩ Carl Levin (trái) và Thượng Nghị Sĩ John McCain trong một buổi điều trần tại Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện. (Hình: Tim Sloan/AFP/Getty Images)
 

Ủy ban, dưới sự lãnh đạo của Thượng Nghị Sĩ Carl Levin (Dân Chủ-Michigan) và Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng hôm Thứ Hai tuần này.

Trong cuộc điều tra, các nhân viên của ủy ban truy tìm ngược nguồn gốc của khoảng hơn 100 hàng điện tử giả mạo tìm thấy trong kho tiếp liệu của quân đội Mỹ và tìm thấy chừng 70% trong số này xuất phát từ Trung Quốc.
 
“Gần 20% còn lại có xuất xứ từ Anh và Canada, ở những nơi được biết là bán lại các hàng điện tử giả mạo xuất phát từ Trung Quốc,” theo một báo cáo của ủy ban.
 
Theo một bản báo cáo của Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra hồi Tháng Giêng, con số hàng điện tử giả mạo tìm thấy trong kỹ nghệ quốc phòng đang trên đà gia tăng. Trong năm 2005, số vụ khám phá hàng giả mạo là 3,868, so với con số 9,356 vụ trong năm 2008, bản báo cáo cho hay.
 
Hai ông Levin và McCain muốn Ngũ Giác Ðài siết chặt việc thi hành luật bảo vệ nguồn cung cấp tiếp liệu cho Bộ Quốc Phòng, nhưng cũng công nhận rằng luật lệ hiện hành không đủ chặt chẽ.
 
Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện dự tính sẽ đưa thêm các điều khoản mới vào đạo luật ngân sách quốc phòng năm 2012 để buộc các nhà thầu phải chịu trách nhiệm về chi phí thay thế một món hàng bị khám phá là đồ giả, theo Thượng Nghị Sĩ Levin.
 
Hiện nay, rất khó để buộc nhà thầu phải chịu chi phí thay thế nếu chính phủ không chứng minh được rằng nhà thầu cố ý mua đồ giả.

Do đó, chính phủ và người dân Mỹ trả thuế phải gánh chịu các chi phí lên tới nhiều triệu đô la, theo ông Levin.
 
Theo bản báo cáo của Thượng Viện Mỹ, con đường đi của các bộ phận điện tử giả rất ngoằn ngoèo, qua nhiều chặng. Thường con đường này khởi sự từ các nơi chứa hàng điện tử phế thải, ở Mỹ cũng như các nơi khác trên thế giới, trở về Hồng Kông, rồi sau đó vào lục địa Trung Quốc, nơi được tái chế thành “hàng mới.”

Thành phố Shenzhen là nơi được Thượng Nghị Sĩ Levin coi là trung tâm của hàng điện tử giả mạo.
 
Từ Trung Quốc, các hàng giả mạo này được chuyển vào hệ thống tiếp liệu của quân đội Mỹ bằng nhiều ngả, thường đi qua bốn hay năm nhà thầu phụ trước khi đến tay nhà thầu chính có nhiệm vụ đưa vào một hệ thống võ khí nào đó.
 
Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện nói rằng Bộ Quốc Phòng Mỹ đặc biệt dễ bị gặp hàng giả vì thời hạn sử dụng một hệ thống võ khí thường lâu hơn thời gian sản xuất của một bộ phận điện tử.
 
“Một bộ phận điện tử có thể chỉ sản xuất trong hai năm, trong khi một hệ thống võ khí có thể được dùng tới hai thập niên,” theo báo cáo của Ủy Ban.