Home Tin Tức Thời Sự Putin tái tranh cử "không vì cá nhân"

Putin tái tranh cử "không vì cá nhân" PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 12 Tháng 11 Năm 2011 11:00

Ông Putin tin rằng mình là nhà lãnh đạo duy nhất có thể giữ vững đất nước.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói ông ra tái tranh cử chức Tổng thống là vì một "nước Nga mạnh."

 

Thủ tướng Nga Vladimir Putin tiếp tục bảo vệ quyết định của ông đứng ra tái tranh cử chức tổng thống vào năm tới.

Thế nhưng ông phủ nhận đây là một nhiệm vụ nhằm duy trì quyền lực cá nhân, mà nhấn mạnh rằng ông cần nhiều thời gian hơn để nâng cao mức sống và làm cho nước Nga mạnh mẽ hơn, theo phái viên của BBC News từ Moscow, Bridget Kendall.

 Hiện ông được cho là ứng viên được ưa thích một cách "áp đảo" trong việc trở lại vị trí mà ông đảm trách lần đầu cách đây 12 năm.

Một số ý kiến từ giới quan sát và chỉ trích cho rằng ảnh hưởng chính trị của ông là một thế lực ngày một mang tính "phá hoại".

Tuy nhiên, tại một bữa ăn tối mới đây ở Moscow với các chuyên gia nước ngoài ở Nga, ông Putin mạnh mẽ bảo vệ quyết định của bản thân.

Một cuộc gặp mặt thường niên giữa ông Putin và các chuyên gia đã trở thành một truyền thống.

Tại đây, các chuyên gia nước ngoài là khách mời của chính phủ Nga đã thảo luận về tình hình nền chính trị Nga như là một phần nội dung sinh hoạt tại một câu lạc bộ mang tên Valdai.

Đôi khi ông Putin triệu tập các chuyên gia nước ngoài đến gặp mặt ông tại biệt thự của ông ở Sochi, Biển Đen. Đôi khi cuộc gặp diễn ra ở một nhà khách chính phủ bên ngoài Moscow.

'Ấm cúng'


Liên danh Medvedev - Putin ở cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2008 đưa cựu Tổng thống Putin vào ghế Thủ tướng Nga.

 

Năm nay, có sự thay đổi, họ đã được đưa mời đến một địa điểm nằm ở một vùng thôn trang bên ngoài Moscow, nơi Thủ tướng Putin có các tàu giữ ngựa của mình.

"Chúng tôi nghĩ rằng cuộc gặp ở đây sẽ được ấm cúng hơn," một trong các phụ tá của Thủ tướng nói,

"Nó ít chính thức hơn là tổ chức ở một nhà khách của Chính phủ."

Sau ba tiếng rưỡi đồng hồ, ông Putin xuất hiện.

Phụ tá của ông đưa ra lý do rằng ông thích chờ đợi cho đến buổi tối ngày thứ Sáu, khi giao thông giờ cao điểm đã giảm bớt.

Bởi vì nhiều người lái xe hơi ở Moscow bị ngập trong ùn tắc giao thông có thể "bị khích động" khi nhìn thấy đoàn xe chính phủ cùng tùy tùng của ông, với cảnh sát hộ tống, dọn đường vượt qua trước mũi xe của họ.

Sau ba giờ rưỡi chờ đợi, cuối cùng ông Putin tới.

Ông bắt tay tất cả mọi người. Tại bàn tiệc, như thường lệ, ông uống trà và bỏ qua thực phẩm, chủ động thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên một loạt các chủ đề rộng đặt ra.

Nhưng ưu tiên hàng đầu đối với nhiều vị khách hiện diện là những tin tức gần đây nói ông có kế hoạch trở lại làm Tổng thống.

Nếu thắng cử vào năm tới như dự kiến, về lý thuyết, ông Putin có thể ngồi ghế Tổng thống Nga đến năm 2024 - hay nói cách khác, nắm quyền trong gần một phần tư thế kỷ.

Ổn định

Nhiều cựu ủng hộ viên của ông Putin dường như kinh ngạc trước triển vọng người đàn ông vốn từng cai trị họ trong 12 năm, sẽ tiếp tục trở lại ghế tổng thống, theo phái viên BBC Bridget Kendall.

Đã có nhiều bàn luận trong xã hội về tình trạng trì trệ, tham nhũng tràn lan, và đặc biệt một "quán tính chính trị nguy hiểm" về cách thức cầm quyền lực mà một số nghĩ rằng có thể cuối cùng dẫn đến bùng nổ xã hội.

Các cuộc thăm dò dư luận phản ánh một tình trạng bất ổn ngày càng tăng và các khoảng cách nới rộng giữa các trọc phú và người nghèo.

Nhưng tất cả những điều này đã bị ông Putin bác bỏ tại cuộc gặp.

Ông hăng hái bảo vệ kế hoạch trao đổi vị trí lãnh đạo với ông Dmitry Medvedev.

"Đây không phải là vấn đề bám quyền lực," ông nói, "Mà tất cả là vì tình trạng còn yếu kém của một số định chế ở nước Nga."

"Chúng tôi muốn có được nhiều hơn sự phục hồi, để rồi chúng tôi có thể bàn giao quyền lực cho một hệ thống chính trị trưởng thành hơn."

"Nhưng điều này không phải là dễ dàng và phải mất thời gian," ông nói.

"Chúng tôi không tách rời, Tổng thống Medvedev và tôi, khi cách đây bốn năm, chúng tôi đã nói với nhau rằng những gì xảy ra tiếp theo sau này sẽ phụ thuộc vào tình hình chính trị cụ thể là gì."

"Cả hai chúng tôi đều không theo đuổi quyền lực cá nhân, chúng tôi chỉ muốn xây dựng một thể chế mạnh mẽ hơn mà thôi."

Có vẻ như ông Putin ưu tiên hàng đầu tới điều gọi là tính ổn định.

Điều đó có nghĩa là để bảo vệ chính mình, bảo vệ đất nước và trước kẻ thù ngoại bang, vẫn theo lời Thủ tướng Nga.

Và đó là chìa khóa cho sự thịnh vượng trong tương lai, ông Putin nói.

Có vẻ như lập luận của ông Putin được dựa trên "hồ sơ thành tích" của nước Nga trong vòng 12 năm qua.

Theo đó, vị Thủ tướng cho biết mức sống tăng gấp đôi, nguy cơ "nội chiến" ở vùng Caucasus đã kết thúc và nền kinh tế của Nga đã được cứu thoát khỏi sự sụp đổ.

Lãnh đạo


Ông Putin (phải) tiếp đón Thủ tướng Ý, Silvio Berlusconi ở Sochi năm 2005.

Một số người tại cuộc gặp mặt đề cập một vận may về thay đổi giá dầu như một phần của chương trình kinh tế Nga.

Ông Putin tỏ ra thích xem nó như là kết quả từ công việc của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có kỹ năng lèo lái, tạo ra thay đổi từ trên cao. Ông còn lấy ví dụ về người bạn thân của ông, chính trị gia, Thủ tướng sắp từ chức, Silvio Berlusconi của Ý.

Trong mắt của Putin, việc ông Berlusconi phải từ chức Thủ tướng Ý là một điều đáng tiếc.

Ông Putin gọi chính khách của Ý là "một trong những chính trị gia vĩ đại nhất của châu Âu," người có nhiều năm nắm quyền tương tự như chính ông đã đang năm giữ ở Nga.

Và nếu sự nghiệp của ông Berlusconi có bị cản trở bởi các vụ bê bối tình dục, thì tốt thôi, đó là sự cố ý - mà ông Berlusconi tạo ra để thu hút sự chú ý với chính mình, Thủ tướng Nga cho hay.

Ông Putin còn lập luận rằng một trong những vấn đề ở Ý, cũng như ở Nga, là việc tìm kiếm ứng viên phù hợp có khả năng tiếp quản vị trí lãnh đạo đất nước.

"Quý vị nghe đây, chẳng hạn Berlusconi từ chức ở Ý. Liệu có nhiều chính trị gia nào ở Ý có tầm vóc như ông ấy? Hãy cho tôi một cái tên."

"Hoặc sang Hoa Kỳ, sắp có cuộc bầu cử. Nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng, có thể, nhưng nhà lãnh đạo của họ đâu? Cả hệ thống ở Mỹ cần thay đổi."

Ông Putin có vẻ rất tự tin về bản thân mình. Ông dường như tin rằng mình là nhà lãnh đạo duy nhất có thể giữ vững đất nước.

Trước một số ý kiến tranh luận cho rằng xã hội Nga thì năng động, nhưng nền chính trị thì trì trệ đáng tiếc, ông Putin phủ nhận.

"Mô hình chính trị của Nga có thể không được hoàn hảo," ông lập luận. "Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ dẫn đến một kỷ nguyên kiểu Brezhnev với tình trạng trì trệ."