Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13 -11-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13 -11-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 13 Tháng 11 Năm 2011 21:29

Trung Quốc : Đầy rẫy tiêu cực trong nhà tù


Ảnh chụp tại một nhà tù ở Chu Khẩu, Hà Nam, Trung Quốc.
DR

*Gần đây, báo chí Trung Quốc đã bạo dạn phanh phui các tiêu cực của nhà cầm quyền và của xã hội : từ những bất cập trong hệ thống tàu hỏa đến sự vô cảm giữa người với người. Đến lượt mình, nhật báo Tin tức Bắc Kinh tìm hiểu về những góc khuất ở các trại giam của nước này. Bài viết được tuần san Courrier International trích dẫn.

 
Bài viết gây ấn tượng trước tiên bằng một bức biếm họa vẽ nhiều tù nhân đứng xếp hàng trước cửa một ca-bin điện thoại, mỗi người trên tay đang cầm một điện thoại di động áp sát tai.

 Đi sâu vào bài viết, bức tranh vừa nêu phản ảnh một hiện tượng phổ biến ở các nhà tù tại Trung Quốc : hiện tượng tù nhân thích xài điện thoại di động hơn là điện thoại công cộng được bố trí trong các trại giam.
 
Tại các trại giam, nếu sử dụng điện thoại công cộng do chính quyền bố trí thì phải chịu sự giám sát, tức mọi cuộc trao đổi qua điện thoại đều được thực hiện trước sự chứng kiến của một nhân viên trại giam. Do đó, các tù nhân thích xài điện thoại di động hơn, để có thể tự do liên lạc với nhau và với thế giới bên ngoài.
 
Bài viết cho biết, trong khu vực xung quanh nhà tù, việc kinh doanh điện thoại di động rất phát đạt. Một chủ cửa hàng điện thoại còn cho biết, nếu không có nhà tù, thì các cửa hàng điện thoại không thể sống nổi.
 
Thế nhưng, các chủ cửa hàng không phải là người kiếm được nhiều lợi ích nhất, mà đó chính là những người bán lại điện thoại trực tiếp cho các tù nhân. Cụ thể là, bên ngoài nhà tù, một chiếc điện thoại di động trao tay được bán khoảng 50 nhân dân tệ (5,8 euro), và được bán lại trực tiếp cho các tù nhân với giá cao gấp 10 lần.
 
Thế thì ai là người mua đi bán lại ? Đó phải là những người có thể tự do ra vào nhà tù, tức đó là giám thị trại giam, nhân viên làm việc trong trại giam.

Tờ báo cho biết, đó là những người có ô dù, họ có thể đưa vào trại giam bất cứ thứ gì, điện thoại di động, tiền mặt, rượu hay cả chó và mèo.
 
Một tiêu cực khác đó là hiện tượng « ăn hoa hồng » của nhân viên trại giam. Do người thân các tù nhân bị cấm mang tiền mặt cho họ để đề phòng việc hối lộ vượt ngục, nên gia đình tù nhân thường chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của một viên gác ngục chẳng hạn, sau đó người này chuyển tiền lại cho tù nhân với mức hoa hồng là 10%. Sau đó, tù nhân có tiền để mua thức ăn, hay thậm chí để cá độ.
 
Liên quan đến chủ đề này, Courrier International dành mục Từ chọn của tuần cho từ « Vượt ngục » ( 越狱). Tờ báo bình luận : hệ thống nhà tù tại Trung Quốc ngày nay đã bị thương mại hóa, cái khát vọng muốn dùng nhà tù để cải hóa người lầm lạc đã bị thay thế bằng tham vọng trục lợi từ các tù nhân.
 
Tờ báo kết luận với giọng mỉa mai : « Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc cũng phát triển phồn thịnh ở các trại giam».
 
Lũ lụt và hiện tượng thay đổi khí hậu

Trong lĩnh vực môi trường, từ trận lũ lụt lịch sử đang hoành hành tại Thái Lan, tờ Los Angeles Times đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng gia tăng lũ lụt trong thời gian gần đây.

 Courrier International dẫn lại bài viết với hàng tựa : «Các vùng đô thị lớn và bệnh tim mạch ».
 
Bài viết mở đầu bằng cách ví von : khi một người đàn ông trung niên, béo phì, cố chạy theo xe buýt, bất chợt thấy khó thở và đột tử do nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân cái chết có rất nhiều : có thể ông ta hút thuốc nhiều, có thể ông ta bị bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp, có thể ông ta ăn quá mặn hay quá béo, hoặc do yếu tố di truyền…Trong vô vàn nguyên nhân đó, rất khó xác định nguyên nhân thật sự gây ra cái chết của ông ta, thế nhưng có một điều chắc chắn là, càng có nhiều nhân tố nguy hiểm, thì nguy cơ đe dọa càng cao.
 
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực môi trường, nhiều người thắc mắc liệu hiện tượng hạn hán hay mưa lũ có phải bắt nguồn từ việc nóng lên của trái đất ?

Các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, việc khí thải gây hiệu ứng nhà kính được thải vào thiên nhiên ngày càng nhiều không trực tiếp dẫn đến diễn biến bất thường của thời tiết. Thế nhưng, đó là một yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ.
 
Cụ thể tại Thái Lan, từ mùa hè rồi, nhiều trận mưa lớn đổ xuống các vùng cao nguyên dẫn đến việc mực nước các con sông sau đó cao lên, gây đe dọa cho cả Bangkok.

Đây rõ ràng là một hiện tượng thiên nhiên. Thế nhưng, không chỉ có thiên nhiên đe dọa các thành phố duyên hải như Bangkok.

Nên nhớ rằng, từ bao đời nay, châu Á đã sống chung với hiện tượng gió mùa và lũ lụt. Tuy nhiên, trước khi xuất hiện các thành phố lớn như Bangkok, Jakarta hay Calcutta, thì thiên tai chỉ ảnh hưởng rất ít người.

Trong khi đó, hiện tại, có quá nhiều khu đô thị đông dân cư, nhiều cao ốc nặng trĩu… khiến cho nhiều triệu người bị tai vạ. Như vậy, đô thị lớn giống như bệnh cao huyết áp, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người.
 
Bên cạnh đó, hiện tượng thay đổi khí hậu là một yếu tố nguy cơ khác. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều trận mưa lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng nóng lên của trái đất gắn liền với sinh hoạt của con người. Mực nước biển sẽ dâng cao, theo dự phóng, từ đây đến năm 2100 sẽ tăng thêm 1m. Vì thế, các con sông sẽ tháo lũ vào đại dương chậm hơn.
 
Một hậu quả khác của hiện tượng trái đất nóng lên, đó là giông bão ngày càng nhiều do lòng đại dương nóng dần. Tức là, bão ngoài khơi sẽ mạnh hơn, và sẽ làm cho nước tràn bờ. Theo kinh nghiệm thì thủy triều dâng còn nguy hại hơn là gió và mưa.
 
Tờ báo nhắc lại, vừa rồi tại bang Texas của Mỹ đã diễn ra một mùa hè nóng nhất từ trước đến nay. Rồi ở miền Trung Mỹ, mưa lũ hoành hành. Rõ ràng đấy là hiện tượng thiên nhiên, cũng giống như có nhiều người có lối sống quy củ mà vẫn bị nhồi máu cơ tim. Thế nhưng, hiện tượng trái đất nóng lên là một yếu tố nguy cơ bổ sung, mà hiện tượng này lại là do con người gây ra. Từ đó, nguy cơ thiên tai ngày càng cao.
 
Cuối cùng, tờ báo kết luận : nếu chúng ta cứ tiếp tục thải vào thiên nhiên khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì chúng ta sẽ tiếp tục bị mất mát.
 
Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Syria
 
Đến với tình hình bất ổn tại Syria, tuần san Le Nouvel Observateur có bài : « Khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp ».

Dù muộn màng, nhưng cuối cùng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng lên án « hành vi tàn bạo » của chế độ Assad.

 Từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu tại Syria, ông này luôn theo dõi sát sao tình hình. Suốt nhiều tháng, ông đã ra sức thuyết phục ông Assad tiến hành cải cách. Thế nhưng, mọi nỗ lực đều vô hiệu.
 
Thế rồi, đến cuối tháng 9, có lẽ nhận thấy chế độ Assad không còn trụ được lâu, ông Erdogan lập tức quyết định cắt hết quan hệ với chính quyền Damas và quay sang ủng hộ phe nổi dậy.
 
Theo tờ báo, sự trở mặt này xuất phát với chiến lược ngoại giao mới của ông Erdogan. Ông này muốn lợi dụng Mùa xuân Ả Rập để gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

 Với mục tiêu đó, ông đã công du đến Tunisia, Ai Cập và Libya. Rồi đến giữa tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao của ông đã tiếp chính thức Hội đồng Quốc gia Lâm thời Syria vừa được thành lập cách đó hai tuần tại Istanbul. Quân nổi dậy cũng chỉ đạo cuộc chiến chống Assad từ một căn cứ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, gần ranh giới với Syria. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ còn tổ chức phỏng vấn tướng chỉ huy của quân đội này.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không còn ngần ngại đề cập đến những biện pháp trừng phạt chính quyền Assad.
 
Như vậy, theo Le Nouvel Observateur, ông Erdogan vốn được xem là một trong những người bạn của Tổng thống Assad, giờ đây lại trở thành một trong những đối thủ chính trên trường quốc tế.
 
Israel và Iran đang bên bờ vực chiến tranh ?
 
« Những tiếng giày đinh mới », đó là tựa đề bài viết đăng trên tuần san Le Nouvel Observateur phân tích tin đồn xung quanh việc Israel sẽ tấn công Iran sau báo cáo của tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) nghi ngờ Iran đang tiến hành sản xuất vũ khí hạt nhân.
 
Báo chí Israel loan tải tin tức cho rằng Thủ tướng nước này là ông Benyamin Netanyahou và Bộ trưởng Quốc phòng Ehoud Barak đang ra sức thuyết phục chính phủ tiến hành oanh tạc các khu hạt nhân của Iran.
 
Nhiều dấu hiệu khác cũng cho thấy khả năng tấn công là rất có thể, như thông báo thử tên lửa tầm trung có khả năng bắn tới Teheran, hay việc tập trận chung với không quân Ý, rồi đến việc ông Shimon Peres, cha đẻ của bom nguyên tử Israel cũng đã lên tiếng ủng hộ giải pháp tấn công.

Về phần mình, tờ The Guardian của Anh khẳng định, quân đội Anh và Mỹ đang xem xét nhiều kế hoạch ủng hộ Israel trong trường hợp tấn công.

 Trong khi đó, theo một vài chuyên gia, ông Netanyahou muốn lợi dụng báo cáo của AIEA để tấn công Iran.
 
Tuy nhiên, Le Nouvel Observateur cho biết, đa số các nhà quan sát cho rằng, những tin đồn tấn công trên chỉ là chiến thuật tung hỏa mù nhằm thuyết phục Nga và Trung Quốc bỏ phiếu thông qua biện pháp trừng phạt mới đối với Iran tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
 
« Những người phẫn nộ »: Từ khủng hoảng kinh tế sang khủng hoảng xã hội
 
Bắt đầu từ ngày 15/5 tại Tây Ban Nha, hiện nay phong trào « Những người phẫn nộ » đã lan đến nhiều nước, chủ đề đấu tranh không còn chỉ hạn chế trong vấn đề kinh tế. Tuần san L’Express phân tích nội dung này qua bài viết : « Những người phẫn nộ ở tất cả các quốc gia ».
 
Từ Wall Street đến Israel, từ Chilê đến Thụy Sỹ, từ Đức đến Úc, phong trào Những người phẫn nộ đã đi vòng quanh thế giới. Ngày 15/10 này, gần 900 thành phố trên khắp hành tinh đã cùng « xuống đường » ủng hộ phong trào, với đủ thành phần tham gia : thanh niên có bằng cấp, các cặp vợ chồng, người hưu trí…
 
Buổi đầu, chủ đề đấu tranh là lên án giới tài chính hay than phiền về cuộc sống đắt đỏ, thì đến hiện tại, đã đi đến đấu tranh đòi công lý và bình đẳng.

 Một nhà xã hội học nhận định : « Họ muốn có một xã hội đàng hoàng, đảm bảo tốt những quyền cơ bản của con người, như quyền làm việc, quyền có nhà ở, quyền lợi y tế… ngang bằng với các thế hệ trước ».
 
Khởi nguồn, đây là một phong trào ôn hòa, không lãnh đạo, không kế hoạch chính trị. Một câu hỏi đặt ra là phong trào này có ảnh hưởng dài lâu hay không ?
 
Một nhà phân tích chính trị nhận xét, tuổi trẻ đang kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng đạo đức dựa trên các quyền cơ bản của một chế độ dân chủ, tức là chế độ « của dân, do dân và vì dân ».

Vì thế, theo chuyên gia này, phong trào này có sức ảnh hưởng lớn và lâu dài. Ông cũng nhắc lại phong trào nổi dậy của tuổi trẻ Pháp hồi năm 1968, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc từ chức của Tổng thống Charles De Gaulle. Qua phong trào 1968 ta thấy rằng, xã hội phản ứng trước, chính trị thay đổi sau.