Home Tin Tức Thời Sự Phát triển kinh tế ở Trung Quốc không đưa đến dân chủ

Phát triển kinh tế ở Trung Quốc không đưa đến dân chủ PDF Print E-mail
Tác Giả: Tom Lasseter/McClatchy Newspapers   
Thứ Hai, 14 Tháng 11 Năm 2011 22:46

đảng Cộng Sản luôn kiểm soát chặt chẽ mọi phương diện đời sống người dân trong nước.

BẮC KINH (McClatchy) - Ông Lu Weixing năm nay quyết định sẽ ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập vào một hội đồng địa phương ở Bắc Kinh.
 


Cảnh sát Trung Quốc ngăn chặn người dân biểu tình bên ngoài khu mua sắm của Nhật tại Bắc Kinh. Nhiều quan sát viên nhận xét rằng sự phát triển kinh tế tại Trung Quốc không dẫn tới dân chủ hóa tại đây. (Hình: China Photos/Getty Images)

 

Rồi sau đó chuyện gì xảy ra? Ông Lu ngần ngừ không biết nói sao, chỉ thò tay vào túi lấy ra một ống thuốc bổ, nghiêng ống thuốc cho đến khi một cái răng rớt ra ngoài.
 
“Họ đánh tôi và sau đó tôi mất cái răng,” ông Lu cho hay mới đây.
 
Cuộc bỏ phiếu cho các hội đồng chẳng có thực quyền này diễn ra hôm Thứ Ba tuần trước. Tên ông Lu không nằm trong danh sách ứng viên.
 
Ngày sau đó, giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, bà Christine Lagarde, bay tới Bắc Kinh để thảo luận về việc Trung Quốc trợ giúp tài chánh cho nền kinh tế đang trên đà suy thoái của khối Liên Âu (EU).
 
Ðặt hai sự kiện tương phản này cạnh nhau, một cuộc bầu cử do nhà nước xếp đặt với các hành vi côn đồ nhắm vào người chống đối, và người đứng đầu cơ quan cấp nợ Tây Phương đến để vận động tiền mặt, là một sự nhắc nhở về câu hỏi liên quan đến sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế: Ðiều gì sẽ xảy ra khi một chế độ độc tài có sức mạnh lớn lao như vậy đối với quốc tế?
 
Sự kiện không có một câu trả lời rõ ràng đã tạo ra tình huống lo ngại cho thành phần chống đối chính quyền trong nước.
 
Phần lớn người dân Trung Quốc, hài lòng vì những thành đạt về mặt kinh tế trong vài thập niên trở lại đây, không muốn can dự vào các vấn đề chính trị.

Nhưng nếu có ai công khai chống đối hay thách đố sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, các hậu quả xảy tới có thể rất trầm trọng.
 
Ðảng Cộng Sản ngày nay đang chỉ huy nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới và ngày càng ở thế chủ động hơn khi các quốc gia Tây Phương đến thăm hỏi.
 
Vài tuần trước chuyến đi của bà Lagarde, người đứng đầu quỹ cứu nợ EU cũng có một chuyến đi tương tự tại Bắc Kinh.
 
Ðã có lúc các nhà phân tích ở Washington bày tỏ sự hy vọng là sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc sẽ đưa đến việc mở rộng các quyền tự do của người dân trong nước.
 
Cộng tác làm ăn với Trung Quốc, theo các nhà phân tích này, sẽ giúp chế độ giảm bớt sự cứng rắn.
 
Mấy thập niên sau đó, điều này vẫn chưa xảy ra.
 
Thay vào đó, Trung Quốc vẫn được cai trị bởi một hệ thống mà trong cốt lõi chẳng khác gì chế độ của Vladimir Lenin vào lúc Liên Xô được thành lập 94 năm trước: đó là một nhóm quyền lực gồm 9 người gọi là Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, và đảng Cộng Sản luôn kiểm soát chặt chẽ mọi phương diện đời sống người dân trong nước.
 
Tuy nhiên, phần đầu của giả thuyết này đã tốt đẹp hơn là sự dự tưởng của nhiều người khi Trung Quốc khởi sự tiến trình “Cải Cách và Cởi Mở” vào cuối thập niên 70.
 
Mức trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lên tới khoảng $457 tỉ hồi năm ngoái. Ðược đẩy mạnh bởi các chuyến hàng xuất cảng coi như vô tận, Bắc Kinh nay giữ hơn $1.1 ngàn tỉ số tiền nợ của Ngân Khố Mỹ.
 
Cùng lúc đó, một ủy ban do Quốc Hội Mỹ thành lập năm 2000 nhằm theo dõi tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, có tên U.S. Congressional-Executive Commission on China, hồi tháng qua cho hay: “Các lời tuyên bố của chính quyền không đúng sự thật, nhân quyền và luật lệ Trung Quốc không được cải thiện... một chiều hướng đáng lo ngại đang thấy là chế độ ngày càng sẵn sàng vi phạm luật pháp nếu cần để làm im tiếng thành phần chống đối.”
 
Và như ông Lu nhận ra sau khi trở về Trung Quốc hồi năm ngoái sau một thập niên sống ở Pháp, rằng điều này đúng ngay cả trong các cuộc bầu cử khu xóm coi như tầm thường nhất.
 
Ông Lu khởi sự cuộc tranh cử không được chính quyền chính thức cho phép của mình bằng cách đội một cái nón với bím tóc giống như ở thời Mãn Thanh.

Ðây là để nhắc nhở rằng gần 100 năm đã đi qua từ khi triều đình Mãn Thanh sụp đổ, chính quyền trung ương Trung Quốc vẫn được điều hành bởi do các giới chức không do dân chúng bầu lên.
 
Ông Lu nói rằng một buổi trưa Tháng Chín, một nhóm công an chìm mặc thường phục ra lệnh cho ông phải chấm dứt việc đi vận động.

Khi ông từ chối, những người này kéo ông vào gốc cây bên lề đường và đá vào mặt ông. Công an sắc phục được gọi tới và cuộc hành hung chấm dứt, nhưng ông Lu đã bị trận đòn.
 
Ngày hôm sau, khi đang ăn trưa, ông Lu nói cảm thấy răng mình muốn rụng, và khi ông lấy ngón tay sờ thử, chiếc răng rơi ra.
 
Ông Lu nói văn phòng bầu cử địa phương từ chối không đưa cho ông tờ đơn cần có để đi xin chữ ký của những người ủng hộ chứng nhận ông là ứng cử viên. Khi các bạn bè nộp đơn này thay cho ông, ông Lu nói đơn bị từ chối.
 
“Theo luật chúng tôi đều có quyền ra tranh cử,” ông Lu nói, ngưng nửa chừng vì chẳng biết nói thêm như thế nào.
 
Hôm Thứ Năm tuần trước, tổ chức tranh đấu nhân quyền Human Rights Watch cho hay nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện đang chuẩn bị hợp thức hóa việc quản thúc tại gia nhắm vào các nhà tranh đấu cũng như luật sư biện hộ cho các vụ án nhân quyền ở Trung Quốc như đang xảy ra cho Chen Guangchen, nhà tranh đấu khiếm thị hiện bị án 51 tháng quản thúc.
 
Sau cuộc họp với thành phần lãnh đạo Trung Quốc, Giám Ðốc IMF Lagarde nói với các ký giả rằng có sự “xác nhận rõ ràng” là đồng quan Trung Quốc trong tương lai sẽ được đưa vào danh sách các loại tiền đang dùng trong việc trao đổi thương mại trên thế giới.
 
Và trong khi đó hàm dưới của ông Lu Weixing vẫn còn thiếu cái răng.


Chuyển ngữ: Văn Giang/Người Việt