Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-11-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-11-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Tư, 16 Tháng 11 Năm 2011 10:38

Người tỵ nạn Bắc Triều Tiên không dễ hội nhập vào xã hội Hàn Quốc

 
Một lớp học tại trung tâm Hanawon tại Hàn Quốc (DR)

 

''Hàn Quốc : Tự do, cách sử dụng '', dưới tựa đề xem qua khá lạ lùng này, Libération đưa đọc giả đến một trung tâm đón người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, vừa đặt chận đến Hàn Quốc, trung tâm Hanawon.

Tại đây họ theo một khóa học về cách hành vi ứng xử trên một đất nước mới đã tiếp đón họ.

Libération hóm hỉnh gọi đây là một cuộc "cải tạo" trong 3 tháng.

 
Đến viếng Trung tâm Hanawon, đặc phái viên Libération, Arnaud Vaulerin, mô tả cảnh đầu tiên đập mắt : 3 phụ nữ bé nhỏ mặc toàn một màu đỏ, dáng vẻ khiếm tốn nhẹ nhàng lướt đến phòng ăn.

 Thoạt nhìn, người ta tưởng đây là 3 thiếu nữ vị thành niên cao độ 1,40 thước, nếu dáng người không khom khom và không có những nét nhăn trên mặt. Ba người này đã chạy khỏi Bắc Triều Tiên và theo khoá thích nghi đời sống Hàn Quốc ở Hanawon.
 
Trung tâm khai mở cách nay khoảng 12 năm, vào năm 1999, nằm cách Seoul 90 cây số, với những bức tường cao, đầy dây kẽm gai bên trên, tại một nơi hẻo lánh, ít người biết đến. Không có bản chỉ dẫn. Theo tác giả bài báo người lái taxi đã đi nhằm đường đến 5 lần, trước đến trung tâm nằm sau những rặng cây và chốt kiểm soát.
 
Trung tâm có chức năng thích nghi những người mới đến với cuộc sống tại chỗ, từ hành vi cho đến cả tư tưởng, cách suy nghĩ.

Tổng giám đốc trung tâm, bà Youn Miryang giải thích : "trong 3 tháng, trung tâm chuẩn bị cho những người tỵ nạn từ Bắc Triều Tiên để họ thành công trong việc định cư ở Hàn Quốc. Phải nhìn Hanawon như một đơn vị thử nghiệm cho việc thống nhất hai nước Triều Tiên.''
 
Cũng dể hiểu tại sao Hanawon được đặt ở một nơi chốn khó tìm thấy. Theo giới điều hành Hanawon, những trung tâm này có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, và phải bảo vệ những người tỵ nạn. Ngày tác giả bài báo đến đây vào cuối tháng 10, trung tâm tổ chức một cuộc thao diễn nhằm chống trả một vụ tấn công của Bắc Triều Tiên : binh lính, nhân viên cứu hoả, cảnh sát đặt trên nóc nhà, tuần tra giữa những người tỵ nạn kinh ngạc.
 
Vào bên trong trung tâm, cảm nhận đầu tiên người đến viếng thì nó không khác gì một trường nội trú với những dải phòng ngủ dài, những bản quy định, với giám thị và giảng viên, nhân viên hành chính. Nhưng cái khác là những giám thị là nhân viên an ninh có vũ trang, và học sinh rất là ngoan ngoãn.
 
Ngoại trừ một số ít các quan chức Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc, được ưu đãi, tất cả những người tỵ nạn đều phải qua một khóa "cải tạo" ba tháng.

 Khi họ vừa đặt chân đến Hàn Quốc, một êkíp tình báo, quân đội và cảnh sát thẩm vấn họ rất lâu, và như một viên chức bộ Thống nhất giải thích đó là để kiểm tra lai lịch từng người, tránh gián điệp trà trộn.
 
Sau đó họ trở thành công dân Hàn Quốc nhưng bắt buộc phải qua khóa học ngôn ngữ, vi tính, học nghề và nhất là khóa học dạy họ hiểu biết về xã hội Hàn Quốc, về những điểm khác biệt văn hóa xã hội. Tại Hanawon, các giờ học là từ 7 giờ sáng đến 17 giờ.
 
Hiện nay theo tác giả bài báo, Hanawon đón nhận phụ nữ còn nam giới thì được đưa đến một trung tâm khác ở Yangju, phiá Bắc Seoul. Phân chia này là vì người đến càng ngày càng đông.

Khi thành lập, Hanawon chỉ đón 100 người tỵ nạn hàng năm. Năm 2005 trung tâm đón đến 1300, và năm nay dự kiến đón đến 3000 người trong lúc mà khả năng tối đa của trung tâm là 750 chỗ.
 
Nhìn những người học ở trung tâm Hanawon, tác giả bài báo nhận thấy họ người bé choắc, dáng vẻ khiêm tốn phục tùng, lạc lỏng. Phần đông đến từ các vùng Ryanggang , Hamgyong sát biên giới Trung Quốc. Họ đến được Hàn Quốc là sau một hành trình dài gian nan đói khổ, nhiều người bị bệnh. Cho nên Hanawon có một bệnh xá, với 7 bác sĩ, y tá, một nha sĩ và có cả một nhà tâm lý học. Dĩ nhiên là nhà báo đã không được tiếp xúc với những người tỵ nạn trong trung tâm.
 
Kết quả của việc "cải tạo" này ra sao ?

 Đặc phái viên Libération đã tìm đến những người từng được đưa đến Hanawon như ông Kim Tae Jin, hiện là chủ tịch hiệp hội NK Gulag. Ông cho là Hanawon cần thiết để hiểu về cuộc sống ở Hàn Quốc, nhưng thời gian 3 tháng quá ngắn. Sau khoá này, ông đã biết làm những việc cần thiết trong đời sống hàng ngày như mở một tài khoản ngân hàng, thuê một chỗ ở v .v .
 
Trên nguyên tắc, ra khỏi trung tâm là phải tự sống, hội nhập được vào xã hội nhưng ông đã phải mất nhiều thời gian để hiểu được xã hội mà ông thâm nhập.

Có hai điều làm ông Kim bất bình là tình trạnh như bị nhốt ở trung tâm và điều thứ hai, là vấn đề "giáo huấn tư tưởng". Ông đã sững sốt khi nghe căn dặn ở trong lớp học là không nên tham gia các cuộc biểu tình. Đối với ông, một người từng tố cáo những trại cải huấn chính trị, biểu tình là điều phải làm.
 
Hiện nay, theo Libération những người được xem là thành đạt nhất, đều công nhận những khó khăn, tủi nhục trong cuộc sống ở Hàn Quốc, họ rất dễ trở nên công dân hạng hai trong xã hội, cho dù họ được tài trợ, nhận hàng triệu won khi ra khỏi trung tâm, hoặc được giúp đỡ qua chương trình vi tín dụng của các tập đoàn Hàn Quốc, nhưng họ vẫn không hội nhập dễ dàng, vẫn cảm thấy cách đối xử khác biệt.
 
Chủ tịch hiệp hội người tỵ nạn Bắc Triều Tiên ông H.Y. Lee, cho là ông đã phải mất 10 năm để hội nhập, và đó là nhờ vợ ông, vì khi ông đến Hàn Quốc năm 1996, thì chưa có trung tâm Hanawon. Ông nhắc lại những nổi khổ, những công việc nặng nhọc, dơ bẩn, nguy hiểm thường dành cho những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, thường bị khinh miệt. Bà giám đốc Hanawon, xác nhận một điều là "người Hàn Quốc cũng cần được học để hiểu là người Bắc Triều Tiên rất khác sau 60 năm xa cách".

Khủng hoảng tài chính đe dọa Trung Quốc

Nhìn về châu Á hôm nay, báo Les Echos, chú ý đến lời cảnh báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế FMI : Trung Quốc không chắc tránh được khủng hoảng tài chính đe dọa. Mối hiểm nguy đến từ nhiều phiá đối với hệ thống tài chính Trung Quốc, trong đó hai yếu tố đáng lưu ý, đó là bong bóng điạ ốc : giá thị trường địa ốc lên cao, khiến xác suất tuột giảm cũng cao. Kế đến là lượng tín dụng cung cấp tăng rất mạnh.
 
Les Echos nhìn lại trong bối cảnh này nợ các điạ phương ngày càng gây lo ngại.

 Theo một nghiên cứu độc lập, khoản nợ các điạ phương được cơ quan thẩm định Trung Quốc (NAO) nêu lên là 10 700 tỷ yuan, là thấp hơn nhiều so với thực tế. Trong tính toán của họ, cơ quan thẩm định đã không kể đến nợ của những đơn vị hành chính cấp thấp và như vậy đã quên đi một khoảng không nhỏ có thể đến 3000 tỷ yuan. Số tiền này càng quan trọng khi mà ,theo Les Echos, phải tính đến 23% nợ địa phương là nợ xấu, mà họ sẽ không bao giờ hoàn trả lại được.
 
Về châu Á hôm nay tờ La Croix chú ý đến Thái lan. Tờ báo nhìn thấy Bangkok sẽ còn phải chiụ đựng nạn lụt cho đến năm 2012. Bên cạnh đó tờ báo công giáo phân tích thông báo của tân bí thư vùng tự trị Tây Tạng, Trần Toàn Quốc, hôm qua, theo đó các tu sĩ sẽ được bảo hiểm xã hội, được một số khoản tài trợ v.v..
 
Bắc Kinh dùng tiền để đổi lấy "hòa bình tôn giáo" ở Tây Tạng
 
Thông báo của tân bí thư vùng tự trị Tây Tạng, Trần Toàn Quốc được đưa ra sau các vụ tự thiêu trong những ngày qua.

 Vị lãnh đạo mới đã cho biết chi tiết kế hoạch sẽ được áp dụng kể từ cuối năm nay mà gần 50 000 người Tãy tạng sẽ được hưởng : '' bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng cho các tu viện . Chính quyền còn đảm bảo các tiện nghi điện, nước , điện thoại ... truyền thanh truyền hình cho các tu viện.''
 
Bài báo nhắc lại cho đến giờ các tu viện sống nhờ vào hoạt động của chính mình và sự giúp đỡ của quần chúng. Thông báo hôm qua là câu trả lời thẳng thắn, cụ thể trước nỗi bất bình ngày càng lớn của các tu sĩ Tây Tạng.
 
Một mặt chính quyền vẫn đàn áp mạnh mẽ, quân đội công an vẫn hiện diện hùng hậu ở Tây Tạng. Mặt khác, Bắc Kinh phân phát tiền cho những cơ cấu tôn giáo chính thức, như họ đã làm với những tôn giáo khác, thiên chúa giáo, hồi giáo, phật giáo, để có sự hậu thuẫn của các lãnh đạo tôn giáo chính thức và bảo đảm ổn định.

 La Croix kết luận đây đây là một phương thức đến giờ có hiệu quả để mua hoà bình tôn giáo ở khắp Trung Quốc.
 
Trang nhất các báo Pháp

Hồ sơ được báo giới Pháp nêu bật trang nhất hôm nay liên quan đến chính trường Pháp với thoả thuận giữa đảng Xã Hội và đảng xanh trên hồ sơ hạt nhân Pháp, kế đến là lời công kích của tổng thống Pháp đối với những hành vi gian lận làm thất thu công quỹ, mà báo giới cánh tả như Libération nhìn thấy là ông Sarkozy đang cho thấy chủ đề tranh cử của ông.
 
Bên cạnh chủ đề vừa mang tính chất chính trị và xã hội này, Libération trích bản báo cáo hàng năm của viện thống kê Insee nêu bật tình hình nước Pháp : một xã hội ngày càng có nhiều bất bình đẳng, đông dân hơn nhưng lại có vẻ hạnh phúc.
 
Trong báo cáo cho năm 2011 này, viện Insee nhìn thấy sự bất bình đẳng trong xã hội cao hơn được thể hiện trước tiên qua thu nhập. Nguyên nhân là do thời gian làm việc ít nhiều khác nhau.
 
Điểm khác là nước Pháp đông dân hơn các láng giềng.

 Giữa 1981 và 2011, dân số Pháp từ 55 triệu đã tăng lên 65 triệu. Tăng hơn Đức như thế là 3 triệu và hơn Ý 4 triệu.

Nguyên nhân một phần lớn do tỷ lệ sinh sản cao ở Pháp hơn các nước láng giềng nhưng cũng có phần tuổi thọ dài hơn. Dân số tăng lên là cũng do vấn đề nhập cư. Năm 2010, 16% trẻ sinh ra năm này có mẹ là người nhập cư.
 
Nhưng nhìn chung điểm lạc quan mà báo cáo Insee nêu bật là người Pháp tỏ vẻ hài lòng về điều kiện / chất lượng sống của họ. Trên vấn đề này, điểm trung bình mà người Pháp đã cho là 7,3 trên một thang điểm từ 1 đến 10.