Home Tin Tức Thời Sự Nga quay lại chính sách đối ngoại cứng rắn trong hồ sơ Syria

Nga quay lại chính sách đối ngoại cứng rắn trong hồ sơ Syria PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 23 Tháng 11 Năm 2011 11:02

Sự ủng hộ của Matxcơva đối với các chế độ độc tài, toàn trị còn nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế 

 

Nga không còn dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn nghị quyết của Hội Đồng Bảo An : Syria ngày càng bị cô lập (REUTERS)


Nhằm ngăn chặn chính quyền Syria thẳng tay trấn áp những người biểu tình, trong tháng 10/2011, phương Tây đã trình lên Hội Đồng Bảo An LHQ một dự thảo nghị quyết lên án Damas và đề ra biện pháp trừng phạt, mang tính cưỡng chế, nhưng Nga và Trung Quốc, trong tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, đã sử dụng quyền phủ quyết.

 
Giới phân tích cho rằng Matxcơva muốn bảo vệ các quyền lợi của mình trong khu vực và quay lại áp dụng chính sách đối ngoại cứng rắn như thời chiến tranh lạnh : Nga sẵn sàng nói «Không - Niet», bác bỏ mọi đề xuất của phương Tây nếu thấy không có lợi và qua đó, để khẳng định vị thế một siêu cường, 20 năm sau khi Liên Xô tan rã.
 
Vào lúc các vụ bạo lực ở Syria đã làm ít nhất 3500 người thiệt mạng, kể từ giữa tháng Ba đến nay, theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, thì tuần trước, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov vẫn tố cáo phe đối lập Syria thúc đẩy đất nước rơi vào nguy cơ « nội chiến ».
 
Trong chuyến công du nước Nga vào tuần trước, khi thủ tướng Pháp François Fillon kêu gọi quốc tế gia tăng sức ép đối với chính quyền Damas, thì thủ tướng Vladimir Putin, người hùng của nước Nga, đã khuyên đồng nhiệm Pháp nên có thái độ « kiềm chế ».
 
Nga cũng chống lại những biện pháp trừng phạt mới mà phương Tây muốn tăng cường nhắm vào Iran do nước này tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân đầy nghi ngờ. Những động thái này làm mọi người liên tưởng đến đường lối cứng rắn của Liên Xô và ông Andrei Gromyko, làm Ngoại trưởng liên tục trong ba thập niên, tù 1957 đến 1985 và được mệnh danh là « Monsieur Niet – Ông nói Không ».
 
Chuyên gia chính trị học Evgueni Volk, thuộc Hiệp hội Elsine, được AFP trích dẫn, khẳng định : « Cho dù có những thay đổi kinh tế và chính trị, nước Nga đã kế thừa chính sách đối ngoại và guồng máy ngoại giao của Liên Xô và trong rất nhiều trường hợp, nước Nga vẫn tiếp tục truyền thống của thời Stalin và Brejnev ».

Theo chuyên gia Volk, ngoại trừ thập niên 1990 với việc Liên Xô tan rã vào năm 1991, chính sách đối ngoại của Nga vẫn dựa trên tư tưởng « chống Mỹ » và tỏ thái độ thông cảm đối với các đồng minh cũ của Liên Xô như Cuba, Bắc Triều Tiên, Iran.
 
Dưới thời lãnh đạo của ông Putin, người đã đánh giá sự tan rã của Liên Xô là một « thảm họa địa chính trị lớn nhất » trong thế kỷ XX, nước Nga đã tìm cách khôi phục lại ảnh hưởng đã bị mất, thể hiện vai trò là một siêu cường, cạnh tranh với Hoa Kỳ.
 
Giới quan sát còn nêu ra yếu tố chính trị nội bộ Nga để giải thích sự cứng rắn của Matxcơva.

Đầu tháng 12 tới, Nga tổ chức bầu cử Quốc hội và sang tháng Ba 2012, thì có bầu cử tổng thống và chắc chắn là ông Putin sẽ quay lại làm tổng thống.
 
Ông Volk nhận định : « Nước Nga sẽ không bỏ rơi đồng minh của mình, nhất trước khi có các cuộc bầu cử trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc gia tăng ».
 
Thái độ của Nga trong hồ sơ Syria và Iran tương phản với quyết định của Matxcơva hồi tháng Ba vừa qua trong vấn đề Libya.

Đại diện Nga đã vắng mặt khi Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu nghị quyết cho phép quốc tế can thiệp vào Libya.

Quyết định này của Nga được coi như một sự nhượng bộ, đổi chác với phương Tây, thế nhưng, theo chuyên gia Viktor Kremeniouk, thuộc Học viện Mỹ-Canada, có trụ sở tại Matxcơva thì « các nước phương Tây muốn có sự ủng hộ của Nga nhưng Nga sẽ nhận được gì ?
 
Matxcơva đã không nhận được gì cả sau khi đã ủng hộ (phương Tây) trong vấn đề Libya ».

Nếu chế độ Kadhafi không sụp đổ thì Nga đã không bị mất nhiều hợp đồng béo bở ở Libya trong lĩnh vực bán vũ khí, xây dựng đường sắt, các dự án khai thác dầu khí… mà tổng giá trị có thể lên tới nhiều tỷ đô la.
 
Sự ủng hộ của Matxcơva đối với các chế độ độc tài, toàn trị còn nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế. Nga là đối tác quan trọng cung cấp vũ khí cho Syria, cho Iran. Nhà điện hạt nhân đầu tiên tại Iran cũng do Nga xây dựng.
 
Chuyên gia Kremeniouk nhấn mạnh : « Syria vẫn rất trung thành (với Nga) và được đánh giá cao. Matxcơva không có nhiều đồng minh như vậy trên thế giới ».