Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-11-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-11-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Hai, 28 Tháng 11 Năm 2011 12:55

Tại sao giới trẻ Nga lại ủng hộ Putin ?

 
Thủ tướng Nga Putin trong cuộc họp về đầu tư nước ngoài tại Matxcơv, ngày 28/11/2011
Reuters

« Tại sao giới trẻ Nga lại bỏ phiếu cho Putin ? ». Đây là chủ đề hồ sơ về chính trị nước Nga trên Le Monde hôm nay.

Sự ủng hộ mà giới trẻ Nga đối với đảng của ông Putin, theo phân tích của Le Monde, mang tính cơ hội nhiều hơn là xuất phát từ lòng nhiệt thành.

 Tờ báo nhận định : 20 năm khi chế độ Liên Xô sụp đổ, thế hệ đầu tiên gần như không biết đến chủ nghĩa cộng sản này sẵn sàng ủng hộ đảng Nước Nga thống nhất của đương kim thủ tướng Putin, trong đợt bầu cử Quốc hội sắp tới. Sự ủng hộ mà giới trẻ Nga đối với đảng của ông Putin, theo phân tích của Le Monde, mang tính cơ hội, nhiều hơn là xuất phát từ lòng nhiệt thành.
 
Phóng sự của đặc phái viên Le Monde được thực hiện tại hai đô thị, Vorojnei, một thành phố lớn, trung tâm của một khu vực nằm về phía Nam của thủ đô Matxcơva và địa điểm thứ hai là Borisoglebsk, một thị xã lớn hàng đầu cũng thuộc khu vực này, nơi có 1/3 trên tổng số hơn 65.000 dân cư Borisoglebsk là học sinh, sinh viên.
 
Mở đầu bài phóng sự, phóng viên Le Monde giới thiệu không khí hội hè vui vẻ tại một trường trung học tại Borisoglebsk trong một hoạt động được gọi tên là « Làm những điều tốt lành xung quanh bạn ». Tiếng kêu la, tiếng cười nói vang động trong gian phòng hội hè của trường học, với công chúng là các em nhỏ 10 tuổi cho đến các thanh niên học sinh 18 tuổi.
 
Đối với Elena Soukhoroukova, một phụ nữ 37 tuổi, phụ trách chương trình « Giới trẻ » của tòa thị chính, đồng thời là thành viên tích cực của đảng Nước Nga Thống nhất, hoạt động hội hè này là một ngày quan trọng. Hoạt động này cho phép cô nối lại quan hệ với lực lượng đoàn thanh niên của đảng Nước Nga Thống nhất.

Trong ngày hội vui này, theo sáng kiến của người phụ trách của tòa thị chính, giới trẻ thị xã Borisoglebsk có cơ hội để học cách sống tích cực, chú ý đến những bất hạnh của người khác, tránh xa những tệ nạn, như ẩu đả, ma túy hay rượu chè, … Điều đặc biệt đáng chú ý : ngày hội này là dịp đại diện của đoàn thanh niên Nước Nga Thống nhất đến thị xã xa xôi này tuyển chọn các đoàn viên mới.
 
Tại Nga, trường học là các trung tâm tuyên truyền quan trọng của đảng nắm quyền.

Trong số 7 đảng có ứng cử viên tranh cử vào Quốc hội vào ngày 4/12 tới, chỉ có duy nhất đảng Nước Nga Thống nhất là được dán các khẩu hiệu và áp phích để quảng bá cho đảng mình trong trường học. Lý do rất đơn giản là, vị trí và lương bổng của các giáo viên phụ thuộc vào đảng nắm quyền tại Kremlin. Mệnh lệnh từ trung ương ban xuống là, đảng Nước Nga Thống nhất phải có được 65% phiếu bầu.
 
Điểm đến thứ hai của phóng sự điều tra là thành phố Voronej, với một triệu dân. Được chính quyền trung ương hỗ trợ rất nhiều, đoàn thanh niên đảng Nước Nga Thống nhất, tọa lạc tại khu phố mới đang phát triển ở trung tâm thành phố, thu hút tới 2.000 đoàn viên trong khu vực.

Gia nhập đoàn Thanh niên Nước Nga Thống nhất đồng nghĩa với tăng khả năng thăng tiến trong xã hội.
 
Đằng sau vẻ ngoài thắng thế của đảng Nước Nga Thống nhất, phóng sự của Le Monde cho thấy sự thất vọng của nhiều cử tri trẻ, không tin tưởng vào giới chính trị hiện nay, nên quyết định bỏ phiếu cho đảng Cộng sản, mặc dù cũng không tin gì vào đảng này.

 Trong khi đó, đại diện của đoàn thanh niên đảng Cộng sản Nga tại địa phương này, thì chìm đắm trong sự tôn thờ những thần tượng của quá khứ, như Staline hay cựu lãnh đạo Kadhafi Kadhafi. Thậm chí, đại diện của đoàn thanh niên, trả lời phỏng vấn Le Monde, còn cho rằng cựu lãnh đạo Kadhafi chưa chết, mà vụ giết chóc vừa qua chỉ là một âm mưu tuyên truyền của những người thân Phương Tây.
 
Cũng liên quan đến bầu cử tại Nga, Le Monde có bài «Tất cả các đảng phái đều bình đẳng, tuy nhiên đảng của điện Kremlin thì được bình đẳng hơn các đảng khác ».

 Bài viết vạch ra nhiều thủ đoạn của đảng Nước Nga Thống nhất, từ việc cấm biểu tình, từ chối cho các ứng viên đăng ký,… đến việc phổ biến các xuất bản giả mạo nhằm làm mất uy tín đối thủ, hay giành thế thắng cho mình.

 Thậm chí, mới đây còn có thị trưởng, đảng viên đảng Nước Nga Thống nhất hứa trả tiền « bồi dưỡng » cho các hội cựu chiến binh, để mua phiếu bầu. Ủy ban Bầu cử Nga thậm chí còn in ra 2,6 triệu phiếu bầu di động, để phục vụ cho các cử tri bầu ở bất cứ đâu, và bầu làm nhiều lần.

Theo Ủy ban Bầu cư Nga, điều này là hợp lý, vì sẽ có khoảng 1 triệu cử tri ở trên tàu, trong ngày 4/12 tới. Các biên pháp được đưa ra bất chấp luật lệ của Ủy ban Bầu cử Nga là khá dễ hiểu, nếu như chúng ta biết rằng, chủ tịch của Ủy ban này là người thân cận của thủ tướng Putin.

 Đây là nhân vật nổi tiếng với câu nói : « Vladimir Putin luôn luôn có lý, ngay cả khi ông ấy sai lầm. »
 
Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các đầu tư phát triển

Trong bối cảnh khủng hoảng, phụ trương kinh tế của Les Echos quan tâm đến việc nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư.

 Cơ quan phát triển Pháp (AFD) là đối tác song phương thứ ba của Việt Nam, sau Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó, Việt Nam là đối tác thứ ba của AFD, sau Tunisia và Maroc.
 
Hơn một tỷ đô la đầu tư, từ đây đến năm 2013, dưới nhiều hình thức cho vay lãi suất thấp khác nhau, được tập trung vào một số lĩnh vực, như : giao thông, năng lượng, quy hoạch đô thị, hỗ trợ nông nghiệp.

 Theo giám đốc của AFD, mục tiêu của cơ quan phát triển Pháp là đa dạng hóa các phương thức hoạt động. Chủ tương của AFD là đưa vốn đầu tư trực tiếp đến các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam.
 
Trung Quốc : cơn giận mới trong xã hội

Về Trung Quốc, tờ Libération có bài « Trung Quốc phát hiện sự phẫn nộ xã hội ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Libération cho biết, tình hình kinh tế suy thoái khiến các doanh nghịêp gia tăng áp lực đối với các công nhân.
 
Trong hai tuần gần đây, có hơn 10.000 công nhân đã bãi công để chống lại việc giảm lương và các quyết định sa thải. Tác động của đợt suy thoái mới đối với Trung Quốc là nghiêm trọng.
 
Theo dự báo của Liên hiệp các ngành công nghiệp Hồng Kông, khoảng 1/3 trong số 50.000 xí nghiệp Trung Quốc, là chi nhánh của các doanh nghiệp Hồng Kông, sẽ phải đóng cửa hoặc sa thải hàng loạt công nhân từ đây cho đến tháng Giêng 2012. Ví dụ như tại Quảng Đông, xuất khẩu sụt giảm 9%.
 
Libération nhắc lại là, năm 2008, gần 20 triệu công nhân Trung Quốc bị sa thải. Một kế hoạch chấn hưng kinh tế trị giá 400 tỷ euro đã được Bắc Kinh đưa ra, để kích thích tiêu thụ nội địa, nhưng kế hoạch này đã gây ra nhiều hậu quả tai quái. Đó là việc khu vực kinh tế Nhà nước trở nên thịnh vượng, nhưng khu vực tư nhân lại chịu nhiều thiệt hại ; lạm phát gia tăng, nợ xấu của các ngân hàng nở rộ …
 
Khí hậu : Hội nghị Durban – cơ hội cuối cùng đối với Trái Đất

Các đàm phán tại Durban (Nam Phi) về hạn chế biến đổi khí hậu khai mạc hôm nay 28/11 là chủ đề được Les Echos và Libération đặc biệt chú ý. « Khí hậu bị hâm nóng : tương lai của nghị định thư Kyoto sẽ diễn ra tại Durban » là hồ sơ chính của Les Echos.
 
Các nhà khoa học thuôc GIEC, tổ chức chuyên gia liên chính phủ chuyên môn theo dõi tác động của các con người đến khí hậu, cảnh báo : Các quốc gia cần hành động khẩn trương. GIEC dự báo trong tương lai gần, mưa sẽ nhiều hơn và các đợt nóng sẽ nghiêm trọng hơn.
 
« Hậu-Kyoto trong không khí thờ ơ » là bài viết trên Libération về chủ đề này. Tờ báo cho biết, hội nghị Durban có khả năng thất bại. Nếu các đàm phán tại Durban không đạt được kết quả, theo Les Echos, các nước đang phát triển và các đảo quốc sẽ là những nước bị đe dọa nhiều nhất.
 
Lập trường của Liên Hiệp Châu Âu là các nền kinh tế lớn cần nỗ lực tham gia vào một lộ trình hành động, tuy với các mục tiêu khác biệt, nhưng sẽ phải gặp nhau trong một khuôn khổ hành động mang tính định chế toàn cầu, được xác lập chậm nhất là vào năm 2015.

Hiện tại, Úc và Na Uy cũng ủng hộ quan điểm này. Libération dẫn lời tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, khẳng định trách nhiệm của các nước giàu trong việc tích cực hành động để hạn chế biến đổi khí hậu.

 Theo Les Echos, mục tiêu chính của các đàm phán với hơn 190 quốc gia tham gia tại hội nghị Durban lần này là bước đầu đạt được các cam kết hành động cụ thể từ phía các quốc gia gây nhiều ô nhiễm nhất, đứng đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
 
Chủ đề thời sự trang nhất ...

Về thời sự quốc tế hôm nay, nhiều nhật báo Pháp quan tâm đến cuộc bầu cử đang diễn ra tại Ai Cập trong bầu không khí rất căng thẳng với các hoạt động biểu tình phản đối. Libération chạy tựa : « Bầu cử tại Ai Cập. Cuộc cách mạng trong thử thách ».

 Còn La Croix thì chạy tít « Tại Ai Cập, bầu cử trong không khí lẫn lộn ».
 
Le Figaro hướng đến cuộc bầu cử tại « Maroc : chiến thắng của đảng Hồi giáo ôn hòa », bên cạnh đó là các nỗ lực của hai tổng thống Sarkozy và Merkel chuẩn bị một chương trình » nhằm cứu vãn đồng euro.
 
« Ý, một trắc nghiệm quan trọng đối với tương lai của đồng euro » là tựa đề chính của Le Monde trên trang nhẩt. Bên cạnh đó tờ báo chú ý tới hội nghị toàn cầu về khí hậu : « Vấn đề khí hậu : hội nghị Durban, cơ hội cuối cùng cho hành tinh ».
 
Về thời sự nước Pháp, l’Humanité cảnh báo « Tổng thống Sarkozy bắt ngành điện hạt nhân làm con tin » (chủ đề tranh luận lớn hiện nay trên chính trường Pháp), trong khi đó, Le Monde thì chú ý tới diễn biến mới đây liên quan đến vụ án DSK, tức ông Dominique Strauss-Kahn, người từng có hy vọng ra tranh cử tổng thống với tư cách đại diện cho đảng Xã hội, với hồ sơ « Từ New York đến Lille, các biến cố gây ngạc nhiên của câu chuyện dài nhiều tập DSK ».