Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4-12-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4-12-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 04 Tháng 12 Năm 2011 15:29

Gián điệp Bắc Triều Tiên hoành hành tại Hàn Quốc


Lính Bắc Triều Tiên đang quan sát khu vực Bàn Môn Điếm thuộc vùng phi quân sự, ngày 02/12/2011.
REUTERS/Lee Jae-Won


Mối quan hệ đầy sóng gió giữa hai miền Triều Tiên khiến những người dân hướng về nhau trăm phần khổ sở.

 Người phía Bắc do thiếu thốn tìm cách chạy về phương Nam để bị chính phủ Bình Nhưỡng cho là phản bội. Đến phương Nam sinh sống nhưng vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm bởi họ luôn bị đe dọa bởi mật thám đến từ phương Bắc.

Tờ Sisa Journal tại Seoul phản ánh vụ việc này, và được Courrier International trích dẫn qua bài viết chạy hàng tựa khá ấn tượng: “ Dưới sự đe dọa của các bóng đen đến từ Bình Nhưỡng”.

 Những người có nguy cơ bị mật thám sát hại là những người từng giữ chức vụ quan trọng ở Bắc Triều Tiên hay đang lãnh đạo một tổ chức những người “chạy nạn” từ phía Bắc. Họ luôn bị rình rập và nguy cơ bị sát hại là rất lớn. Theo tờ báo, hiện tại, con số ước tính những người thuộc diện này là 8 người.
 
Tờ báo nhắc lại trường hợp anh Yi Han Yong, cháu trai của một người vợ của nhà lãnh đạo Kim Jong Il, bà Song Hye Rim. Anh này đã đến học tiếng Pháp ở Thụy Sỹ và nhân đó đã “đào ngũ” vào năm 1982. Sau đó anh bắt đầu lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Bình Nhưỡng. Thế là vào tháng 1/1997, trước thang máy của chung cư nơi anh sinh sống gần thủ đô Seoul, hai người đàn ông lạ mặt đã nổ súng bắn chết anh.

Trước khi chết anh đã kịp nói từ “gián điệp”. Cộng thêm việc những viên đạn được tìm thấy tại hiện trường là loại thường được mật thám Bắc Triều Tiên sử dụng. Bởi thế, mối nghi ngờ anh bị giết bởi gián điệp miền bắc là rất lớn.
 
Một trường hợp nữa mà tờ báo dẫn ra đó là ông Hwang Jang Yop. Ông từng là Bí thư Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, chạy xuống miền Nam vào năm 1997 và trở thành lãnh tựu tinh thần cho người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc. Đến hiện tại, ông là quan chức cao nhất của phía Bắc “đào ngũ” xuống miền Nam. Ông từng nhiều lần bị mật thám ám sát hụt.

 Đến đầu năm 2010, hai mật thám phía Bắc đã bị cảnh sát miền Nam bắt giữ. Họ thâm nhập vào Hàn Quốc bằng cách giả dạng người tị nạn.
 
Hàn Quốc không đủ sức bảo vệ tất cả những người tị nạn

Người đến từ phía Bắc ngay càng đông, trong đó có không ít những người là gián điệp giả dạng, chính quyền Hàn Quốc không đủ sức lật tẩy hết cho được.

Hiện tại, chịu trách nhiệm bảo vệ người tị nạn miền Bắc không còn thuộc quyền của cơ quan mật thám miền Nam mà đã được chuyển cho cảnh sát.

Trong khi đó, lực lượng cảnh sát lại quá mỏng. Số lượng người tị nạn từ miền Bắc hiện tại lên đến 20 000 người, và tỉ lệ hiện tại là một cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ từ 50 đến 70 người. Vì thế, những người tị nạn trước hết phải dựa vào sức mình là chính.
 
Hàn Quốc kiểm soát những trang mạng « thân Bình Nhưỡng »

Trong khi nhiều người miền Bắc chạy về phía Nam, thì cũng có nhiều dân Nam hướng về miền Bắc.

Nhật báo Munhwa Ilbo nhận định, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là do cảm giác bất mãn đang ngày càng lan rộng trong xã hội Hàn Quốc.

Một giáo sư xã hội học thuộc trường đại học Seoul giải thích: “Do khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội ngày càng lớn, nên có người bắt đầu bị lôi cuốn bởi lý tưởng cộng sản của miền Bắc. Đó không đơn giản là ca ngợi miền Bắc, mà là biểu hiện sự bất mãn đối với xã hội miền Nam”.

Trước hiện tượng này, chính quyền miền Nam dự định tăng cường kiểm soát thông tin mà họ cho là thông tin tuyên truyền của chính quyền miền Bắc.

Một tờ nhật báo Hàn Quốc cho biết chính quyền sẽ tăng cường kiểm soát các trang mạng bị cho là thân Bình Nhưỡng. Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết: “Một vài dân mạng ở Hàn Quốc đã vượt quá giới hạn trong việc ca ngợi Bắc Triều Tiên”. Chỉ trong vòng hơn một năm, chính quyền miền nam đã thống kê được 120 e-mail thuộc loại vừa nêu. Ngoài ra chính quyền còn xếp 122 trang mạng vào diện “thân miền Bắc”.
 
Mười năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngày nay Trung Quốc có thể tự hào là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là chủ nợ lớn nhất của phương Tây.

 Trên đây là nhận định của tạp chí kinh tế Challenges của Pháp về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc nhân kỷ niệm đúng một thập niên nước này gia nhập WTO qua bài viết: “Trung Quốc đang tổ chức kinh tế thế giới theo ý mình”.

Mười năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc, dù trên bước đường đôi khi có nhiều bất đồng với phương Tây mà gần đây nhất là việc Trung Quốc bị phương Tây chỉ trích cố tình định giá thấp đồng nhân dân tệ.

Thế nhưng, dù sau đi nữa, kinh tế Trung Quốc cũng không ngừng phát triển, và sự phát triển này làm thay đổi mối tương quan quyền lực trên thế giới.

Chỉ trong vòng 10 năm, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, là chủ nợ lớn nhất của các nước phương Tây, bước lên vị trí đệ nhị cường quốc kinh tế sau khi “truất ngôi” Nhật Bản.
 
Đặc biệt, đối với tổ chức WTO, “sức nặng” của Trung Quốc trong tổ chức này ngày càng lớn.

Đến việc Trung Quốc gia nhập WTO cũng được cho là làm cho tổ chức này thêm lớn mạnh, như lời của ông Pascal Lemy, Tổng giám đốc WTO. Thậm chí ông Lemy còn cho rằng, việc Trung Quốc gia nhập WTO đã giúp “tăng cường uy tín của tổ chức” và khiến cho WTO “ trở thành một tổ chức mang tính toàn cầu thật sự”.
 
Năm 2001, Trung Quốc còn bị xem chỉ là “công xưởng của thế giới”. Thế mà nước này đã tăng lên gấp năm lần các hoạt động mua bán ở nước ngoài.

Báo chí Trung Quốc còn cho biết, nước này đã trở thành đối tác thứ hai của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, thứ nhất của Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Nam Phi.
 
Dẫn chứng cho niềm tự hào của giới kinh doanh Trung Quốc, những người mà tờ báo gọi là “các nhà tư bản mới biết tranh thủ kiếm lợi từ chính sách mở cửa của nhà nước”.

Tờ báo dẫn lại lời của nhà tỷ phú Mã Vân, một nhà kinh doanh trên mạng, ông này cho rằng, Trung Quốc đã thật sự trở thành một nơi quy tụ của các công ty đẳng cấp quốc tế. Ông cũng tự hào về việc Trung Quốc ngày càng làm chủ được công nghệ, như việc cách đây 10 năm, 90% chuyên gia mạng hay kinh doanh trên mạng đến từ phương Tây, còn bây giờ Trung Quốc đã có những đại gia kinh doanh mạng.
 
Tờ báo không tiết lời hoa mỹ ca ngợi thành công của Trung Quốc, như cho rằng đây là “một con rồng đang bắt đầu vươn móng vuốt”.

 Thế nhưng, bên cạnh đó, tờ báo cũng dành phần tương tự để liệt kê hàng loạt minh chứng cho việc “Trung Quốc đã tuyên bố mở cửa nhưng lại không tôn trọng luật chơi”.

Báo cáo thường niên năm nay của Phòng Thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh cho biết: “Công ty nước ngoài còn phải vất vả để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc do những đối xử bất bình đẳng trước pháp luật”, ý muốn đề cập đến việc báo chí thường phanh phui là tình trạng nhà cầm quyền Trung Quốc thường hay thiên vị cho công ty nội địa. Hay việc luật Trung Quốc buộc các tập đoàn sản xuất xe hơi nước ngoài lập công ty liên doanh với công ty ở địa phương. Hoặc việc các ngân hàng ngoại quốc chỉ được tham gia vốn tối đa 20% khi đầu tư vào hệ thống ngân hàng của Trung Quốc….
 
Đánh giá về sự việc này, một doanh nhân Bỉ cho rằng: “Sự phân biệt đối xử trên cần được chấm dứt. Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường Châu Âu thì phải biết nguyên tắc có qua có lại”.

Về phần mình, Challenges đánh giá: “Dù đã trở thành một siêu cường, nhưng Trung Quốc còn chưa biết thừa nhận khuyết điểm của mình, mà một trong những khuyết điểm đó chính là chính sách tự bảo hộ của chính phủ Bắc Kinh ».

Miến Điện buộc phải cải tổ

Miến Điện đã chính thức bước ra khỏi chế độ quân phiệt để bắt đầu một chính thể dân sự, hàng loạt cải cách đã được ghi nhận, quan hệ với phương Tây đã từng bước được cải thiện.

Vì sao nhà cầm quyền nước này lại chấp nhận cải tổ ? tạp chí L’Express đăng bài giải đáp của nhà chính trị học chuyên về Miến Điện, ông Renaud Egreteau. Bài viết chạy tựa : «Vì đâu Miến Điện thức tỉnh».
 
Tác giả nhắc lại, từ mấy tháng nay, các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc và phương Tây thay nhau đến Miến Điện để gặp bà Aung San Suu Kyi.

Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ năm 1955, một Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã đến nước này.

 Về phần mình, chính quyền dân sự Miến Điện cũng thực hiện nhiều chuyến viếng thăm đến các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, và những nước xa hơn như Nhật Bản hay Nga.

Năm 2014, Miến Điện sẽ nhận chức chủ tịch khối Asean, năm 2015 tham gia vào khu vực tự do mậu dịch Châu Á. Quyền đình công và biểu tình cũng đã được chấp nhận ở nước này…
 
Trước những đổi thay có vẻ quá mau chóng này, tác giả đặt câu hỏi : Có phải trời đất bị đảo ngược chăng ?
 
Câu trả lời, theo ông là không !

Ông cho biết, thật ra, từ lâu Miến Điện đã không còn sống cảnh bị cô lập như Bắc Triều Tiên. Trung Quốc đã biết thiết lập ảnh hưởng ở đó.

Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc đã phát triển quan hệ kinh tế rất mạnh với Miến Điện. Nga là nước cung cấp vũ khí và là một đối tác trọng yếu của nhà cầm quyền nước này. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã có thể hoạt động ở đó. Đặc biệt, hiện tại có khoảng 3 triệu người Miến Điện sống ở nước ngoài, trong đó bao gồm đủ mọi thành phần : dân di cư, nhà kinh doanh, sinh viên hay người tị nạn. Tất cả họ đều liên lạc được với trong nước. Như vậy, Miến Điện có độ mở ra thế giới lớn hơn mức mọi người thường nghĩ.
 
Theo tác giả, sự chuyển hướng dân sự vừa rồi cho thấy nhà cầm quyền Miến Điện ý thức được xu hướng phát triển nói trên và đang tìm cách xác định lại mối tương quan của họ với xã hội và xác định một cái nhìn thế giới mới. Đó là con đường quyết định sự sống còn của chế độ quân phiệt này.

 Miến Điện buộc phải mở cửa trước hết là để đảm bảo sự ổn định cho một quốc gia vốn ngày càng bị bào mòn bởi sự chia rẻ sắc tộc và nạn gia đình trị theo kiểu mafia. Chế độ quân phiệt trước đây đã không biết đưa đất nước tiến về phía trước.
 
Từ sau cơn bão kinh hoàng hồi năm 2008, nhiều lực lượng mới đã xuất hiện trong xã hội. Giới trí thức, người Miến Điện ở hải ngoại và giới trẻ thế hệ Internet bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng đến vấn đề chính trị và đến cả quân đội. Họ tranh thủ sự ủng hộ của một bộ phận lãnh đạo mà hiện tại một vài người đã chứng tỏ mình là nhà cải cách.
 
Tuy nhiên, tác giả nhận định, khó khăn vẫn còn nhiều trong bước đường cải cách dân chủ và hội nhập quốc tế. Các lệnh trừng phạt của phương tây hiện tại vẫn còn, để chấm dứt chúng cần phải trãi qua nhiều cuộc thương thảo gay go. Tuy vậy, việc Hoa Kỳ dịu giọng nhờ vào sự « hàn gắn » giữa tướng Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi hứa hẹn nhiều khả năng hợp tác.
 
Trên những cơ sở đó, tác giả kết luận : « Miến Điện không thể làm gì khác hơn là phải từng bước thận trọng bước ra ánh sáng ».
 
Lybia chưa yên tĩnh

Đến với tình hình hiện tại ở Libya, nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng này có bài cho biết, chính phủ mới được thành lập ít được người dân thừa nhận, việc xây dựng một nhà nước pháp quyền đang vấp phải những xung đột võ trang trong xã hội, một xã hội đang bị xâu xé bởi mâu thuẫn bộ tộc và tôn giáo, trong khi sự can thiệp của nước ngoài cũng tạo ra nhiều chướng ngại.

 Bài viết chạy dòng tựa khá thu hút : « Ai đã thắng cuộc chiến tại Libya ».
 
Mấy ngày qua, tại Tripoli, thường xảy ra xung động võ trang giữa người dân của một vài khu phố và các chiến binh đến từ thành phố Zintan.

 Xung đột có khi có cả vũ khí hạng nặng. Quân đội của Thành phố Zintan đã đóng vai trò quyết định trong việc đánh chiếm Tripoli bên cạnh lực lượng của Tripoli, của Misrata và của những thành phố miền tây đất nước. Hiện tại, với khoảng 1 200 người, quân đội Zintan đang là lực lượng mạnh nhất tại Tripoli. Họ được giao quản lí khu vực 25 km xung quanh sân bay quốc tế Tripoli.
 
Tờ báo cho biết, nhiều người Tripoli bất mãn đối với lính Zintan và yêu cầu họ trở về cố quán để sáp nhập vào quân đội quốc gia.

Thế nhưng, lính Zintan không chấp nhận, bởi họ cho rằng, họ là người chiến thắng trong cuộc chiến lật đổ Kadhafi, giờ đây họ không thể nào chịu hạ mình dưới trướng của các tướng lãnh từng một thời phục vụ cho Kadhafi. Họ cũng không chịu rời khỏi Tripoli vì cho rằng chỉ có họ mới đủ sức đảm bảo an ninh cho khu vực này. Thủ lĩnh của họ là ông Moukhtar Al-Akhdar cho biết sẽ sẵn sàng thương thảo về cấp bậc, lương, tiền công 8 tháng chiến đấu….cho lính của ông.

Tờ báo nhận định, ông này đang ra sức bảo vệ lợi ích của quân nhân và bộ tộc mình trong cuộc chạy đua tranh quyền lực, ảnh hưởng và tiếp cận nguồn lợi dầu hỏa, một vấn đề đang nổi cộm tại Libya.
 
Người từng ủng hộ Kadhafi bị trả thù
 
Theo Le Monde Diplomatique, ít ai quan tâm đến số phận của dân cư các ngôi làng và thành phố từng ủng hộ Kadhafi và hiện tại đang bị trả thù.

 Hiện tượng cảnh sát rượt đuổi, gây khó dễ, có khi trấn lột những xe hơi mang biển số của hai thành phố Syrte và Bani Walid là khá phổ biến và có hệ thống.

Đến mức mà một người góc bani Walid hiện đang tị nạn tại Tripoli phẫn nộ nói : « Chúng tôi sẽ không bao giờ quên và chờ đợi cơ hội để báo thù ». Ý định trả thù có thể sẽ khiến tình hình bạo lực ngày càng trở nên dữ dội.
 
Như vậy, sự hòa giải dân tộc tại Libya còn khá xa vời. Tờ báo nhận xét : nếu không bảo vệ được người chiến bại khỏi bị trả thù, thì công cuộc hòa giải dân tộc mà Hội đồng Quốc gia Lâm thời hô hào khó lòng đạt được.
 
NATO chưa hoàn thành nhiệm vụ tại Libya
 
Về phần NATO, sau tám tháng của một cuộc xung đột mà lãnh đạo phương Tây từ chối cho rằng đó là « cuộc nội chiến », mục tiêu bảo vệ dân thường mà khối này dựa vào để can thiệp vào Libya, vẫn chưa đạt được.

Sự say men chiến thắng của liên quân ngay khi chiếm được thành phố Syrte và sau cái chết của ông Kadhafi cho thấy sự thờ ơ cao độ của họ đối với số phận của những người Libya thuộc diện mà NATO hô hào bảo vệ.
 
Tờ báo kết luận : chiến thắng quân sự trong một cuộc nội chiến không phải là yếu tố quyết định, và không thể giúp bảo vệ được người dân.
 
Pháp lại tiên phong trong hồ sơ Syria
 
Pháp từng là nước tiên phong trong cuộc chiến tại Libya và nước đầu tiên công nhận và tiếp chính thức Hội đồng Quốc gia Lâm thời Libya.

 Giờ đây, trên hồ sơ Syria, Pháp lại cũng có vẻ “làm tiên phong” khi ngày 24/11 đã chính thức tiếp Hội đồng Quốc gia Syria. Phân tích rõ hơn thái độ của Pháp và tình hiện tại ở Syria, tạp chí Le Nouvel Observateur tuần này có bài phỏng vấn bà Bassma Kodmani, thành viên Hội đồng Quốc gia Syria, nhà nghiên cứu chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học chính trị (Ceri) ở Paris.
 
Bà cho biết, giải pháp tối ưu cho Syria là bảo vệ nhân đạo.

 Bà bảo phía bà không đòi hỏi phải thiết lập khu vực cấm bay hay một sự can thiệp quân sự như ở Libya, mà vấn đề cấp thiết nhất là cộng đồng quốc tế nên thực hiện các biện pháp nhân đạo để bảo vệ người dân.

 Trước tình hình bất ổn ở Syria, cộng đồng quốc tế dường như bế tắc. Giải pháp thiết lập vùng cấm bay thì bị từ chối bởi đa số nước thành viên trong Hội đồng Bảo an do viện cớ tiền lệ chệch hướng của nghị quyết 1793 về bảo vệ thường dân tại Libya. Theo bà, giải pháp nhân đạo là cách tốt nhất để thoát khỏi khủng hoảng và “lách” được sự phủ quyết của Nga và Trung Quốc.
 
Giải pháp nhân đạo vừa nêu có thể là thiết lập vùng đệm ở ranh giới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc hình thành các hành lang nhân đạo. Bà cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã có nêu lên giải pháp này và hiện tại có vẻ đang quyết định. Theo bà, cũng có thể một vùng đệm sẽ được hình thành ở ranh giới Jordani.
 
Liên quan đến việc nước Pháp có thừa nhận Hội đồng Quốc gia Syria hay không, bà Kodmani khẳng định: ông Alain Juppé đã tuyên bố công nhận hội đồng này là “người đối thoại hợp pháp” của Syria. Thế nhưng, việc công nhận chính thức hãy còn xa, mà vấp váp lớn nhất là tiền lệ Libya.

 Bà bức xúc: “Syria không phải là Libya”, chúng tôi không phải là “Hội đồng chuyển tiếp” theo kiểu Libya, chúng tôi cũng không đề nghị thiết lập vùng cấm bay như Libya”.
 
Theo lời bà, Libya đã công nhận Hội đồng Quốc gia Syria.

Tunisia trên thực tế đã công nhận nhưng còn chờ đến khi thành lập chính phủ rồi sẽ công bố. Qatar thì có vẻ sẽ công nhận khi kết thúc xong vai trò trung gian trong khuôn khổ Liên đoàn Ả Rập.
 
Phu nhân cựu Tổng thống Mittérand đấu tranh suốt đời cho lý tưởng chủ nghĩa xã hội
 
Le Nouvel Observateur cũng dành bài viết thể hiện niềm kính ngưỡng đối với bà Danielle Mittérand, phu nhân cựu Tổng thống Pháp François Mittérand với bài viết : “Người phụ nữ bất khuất”.
 
Sự bất khuất của bà thể hiện qua việc suốt đời bà đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng của mình.

 Bà là một người hoàn toàn trái ngược với kiểu người ba phải. Bà đã từng lên án chủ nghĩa đến quốc Mỹ và ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine. Bà đấu tranh cho lý tưởng những người Tây Tạng, người Kurdistan ở Irak, đến mức đã trở thành mục tiêu ám sát của Saddam Hussein.
 
Khi chồng bà còn làm chủ điện L’Elysée, bà cũng đã không ngần ngại phản đối chính sánh ngoại giao của chính phủ Pháp, một chính sách mà bà cho là thực dụng, đến mức mà đôi khi gây phiền toái đến cả Tổng thống Mittérand.
 
Sau khi chồng bà chết, bà được tự do hơn trong đấu tranh và đã trở thành “kẻ thù công khai của chủ nghĩa tư bản”. Cho đến hơi thở cuối cùng, tờ báo nhận định, bà Danielle vẫn theo đuổi lí tưởng thiết lập một hệ thống chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới.
 
Tờ báo kết luận: “Bà Danielle là đệ nhất phu nhân Pháp đầu tiên có những hoạt động để lại dấu ấn cho hậu thế”.