Home Tin Tức Thời Sự Sinh viên mới ra trường ở California không có việc làm đúng khả năng

Sinh viên mới ra trường ở California không có việc làm đúng khả năng PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang/Người Việt (tổng hợp)   
Chúa Nhật, 11 Tháng 12 Năm 2011 19:53

Người ta gọi các sinh viên trẻ mới tốt nghiệp này là thế hệ đi làm không đúng nghề.

Sinh viên Ðại Học UC Merced trong ngày ra trường. Sinh viên mới tốt nghiệp ở California phải đi làm các nghề mà họ không thật sự nhắm tới. (Hình: David Paul Morris/Getty Images)
 

SACRAMENTO (Sacbee) -Kể từ khi khởi sự cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ, con số sinh viên mới tốt nghiệp ở California phải đi làm các nghề như thâu ngân viên, thư ký văn phòng, nhân viên bán lẻ, pha rượu trong quán, trông trẻ em, nhân viên quầy ngân hàng (bank teller) và dịch vụ trợ giúp khách hàng (customer service representatives) đang ngày càng cao, tăng khoảng 40% hay 12,000 người, theo một cuộc nghiên cứu do nhật báo Sacramento Bee thực hiện mới đây.
 
Trong khi đó, con số các sinh viên mới ra trường kiếm được việc trong ngành nghề mà họ đã chọn theo học như nhà giáo, kiến trúc, kế toán và hàng loạt các loại nghề khác lại giảm mạnh.
 
“Tôi thật chán nản,” theo lời Sergey Savrasov, 21 tuổi. Anh Savrasov mới tốt nghiệp Ðại Học UC Santa Cruz, ở phía Bắc California, với hai văn bằng cử nhân toán và cử nhân kinh tế. Anh đang làm việc cho một công ty chuyên dọn nhà ở thành phố Davis.
 
“Rất ít công ty trả lời đơn xin việc của tôi,” anh cho hay, “dù rằng tôi là một ứng cử viên có nhiều khả năng với hai bằng cử nhân”.
 
Tuy các sinh viên vừa tốt nghiệp nói chung vẫn có thể lãnh lương cao hơn và kiếm được việc nhanh hơn là những người chỉ có bằng trung học, họ nhiều lần thấy được rằng nay là thời điểm đen tối nhất trong nhiều thế hệ qua của những người vừa tốt nghiệp.
 
Công việc làm hiện rất hiếm trong nhiều ngành vì các công ty ngưng mướn thêm người và giới chủ nhân chỉ muốn thuê nhân viên có kinh nghiệm. Trong lúc đó, các sinh viên vừa tốt nghiệp có mức nợ cao hơn những người đi trước vì học phí và các chi phí khác đều tăng cao.
 
Cộng thêm vào nỗi bực dọc này là sự kiện thị trường công việc yếu kém khiến khoảng 126,000 người trẻ mới ra trường phải sống với cha mẹ họ, tăng cao so với năm 2007, theo các dữ kiện thống kê dân số.
 
Ðể có thể dọn ra khỏi nhà cha mẹ hay để thoát khỏi cảnh nợ nần, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp phải nhận những việc không đòi hỏi bằng cấp đại học.
 
Abby Camacho, 26 tuổi, ở thành phố Fairfield, tốt nghiệp ưu hạng từ trường Ðại Học San Francisco State University năm nay, với bằng cử nhân bang giao quốc tế. Ðiểm trung bình GPA khoảng 3.6 khiến cô thường xuyên có tên trong danh sách sinh viên ưu tú của trường.
 
Sau sáu tháng tìm không ra việc, cô đưa đơn của mình lên mạng, kiếm việc điều hành văn phòng.
 
“Sau khi tốt nghiệp, gia đình, bạn bè và xã hội có sự trông đợi rất lớn về thành công của bạn,” cô cho hay. “Họ đều nghĩ rằng nay bạn đã sẵn sàng rồi, bạn sẽ chói sáng trong đám đông và dễ dàng kiếm được việc ngon lành.”
 
Cô nói thêm rằng: “Tuy điều này có thể đúng khoảng một thập niên trước đây, trước khi kinh tế suy thoái, chắc chắn là không còn đúng vào thời điểm hiện nay.”
 
Cô Camacho nộp đơn xin việc khắp nơi, cô cho hay, nhưng những người có trách nhiệm tuyển nhân viên có vẻ chỉ chú trọng đến kinh nghiệm cô có khi còn là người điều hành văn phòng cho một doanh nghiệp thông ống cống và một tiệm thêu đan chứ không dựa trên bằng cấp của cô.
 
“Giới chủ nhân sẽ không để ý đến bạn nếu chẳng có kinh nghiệm gì,” cô cho hay.
 
Cô Camacho có thể tự an ủi mình rằng sự chông gai trên con đường sự nghiệp của cô cũng là điều nhiều người khác đang gặp phải.
 
Có khoảng 20,000 sinh viên mới tốt nghiệp tại California hồi năm ngoái đã phải làm những việc như điều hành văn phòng, thư ký, nhân viên lễ tân, tăng cao so với năm 2007, theo kết quả nghiên cứu của tờ Sacramento Bee, dựa trên các dữ kiện về người dân California, 26 tuổi trở xuống, có ít nhất một văn bằng cử nhân và không còn đi học.
 
Cùng lúc đó, số các tân cử nhân đi dạy tiểu học hay trung học giảm 20% kể từ năm 2007, xuống còn 16,000 người. Con số các sinh viên mới ra trường hành nghề kỹ sư điện giảm 30%. Con số các tân cử nhân làm nghề kế toán giảm 15%.
 
Anh Savrasov, người muốn tìm việc trong ngành tài chánh hay kế toán, hiểu rất rõ các con số này.
 
Savrasov nói được ba thứ tiếng và hai lần vào bảng danh dự dành cho sinh viên xuất sắc của trường. Nhưng hiện nay anh vẫn làm việc khiêng bàn ghế ra khỏi các căn nhà chủ mới bán.
 
“Tôi chỉ được phỏng vấn cho công việc nằm ngoài ngành học của mình, nhưng không phải trong ngành mình muốn làm,” theo anh Savrasov.
 
Nếu không kiếm ra việc vừa ý trong thời gian ngắn tới đây, anh Savrasov nói rằng sẽ “nhận một công việc thấp với khả năng như thư ký kế toán, giữ sổ sách hay phụ tá kế toán và tiếp tục lấy thêm kinh nghiệm”.
 
Anh Savrasov hoàn tất bằng cử nhân mà không mắc nợ nhiều vì cha mẹ anh giúp trả phần lớn chi phí. Và anh vẫn đang làm việc.
 
Tuy nhiên, nhiều người khác, như anh Eduardo Salinas, 31 tuổi, ở Sacramento, thì lại không may mắn như vậy.
 
Là cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến, anh Salinas làm mấy năm trong ngành vẽ họa đồ CAD cho các công trình xây cất.
 
Tin rằng mình có khả năng cao hơn, anh Salinas ghi danh học ngành điều hành xây cất ở trường ITT Technical Institute ở Rancho Cordova. Anh đi làm toàn thời gian trong khi cũng đi học toàn thời gian. Vào Tháng Sáu, anh bị chủ cho nghỉ.
 
Salinas tốt nghiệp trường ITT hồi Tháng Chín. Nay anh vất vả tìm việc trong ngành xây cất trong cơn suy thoái. Và mang số nợ tiền học là $60,000.
 
Anh vẫn muốn có việc làm cao hơn việc cũ của mình, vốn không đòi hỏi phải có bằng bốn năm. Nhưng anh lo ngại rằng sẽ tìm không ra. Giải pháp cuối cùng của anh có thể sẽ là tự mở văn phòng của mình.
 
Dù rằng con số thất nghiệp vẫn cao, các tân cử nhân vẫn dễ kiếm việc hơn là những người chỉ có bằng trung học.
 
Mức thất nghiệp cho người có bằng cử nhân từ 26 tuổi trở xuống là 9%, trong khi mức thất nghiệp đối với những người trong cùng lớp tuổi mà chỉ có bằng trung học là 22%, theo các dữ kiện từ Thống Kê Dân Số.
 
Giáo Sư Jennie Brand, dạy môn xã hội học tại Ðại Học UCLA, cho hay con số tân cử nhân tràn vào lãnh vực bán lẻ, nhà hàng và các công việc trợ giúp trong văn phòng nay đẩy bớt những người chỉ có bằng trung học ra khỏi những nơi này.
 
Nhiều giới chức chuyên môn trong lãnh vực tư vấn việc làm nói rằng các sinh viên ra trường hiện nay phải chấp nhận làm các công việc thấp hơn sự trông đợi của mình “trong một hay hai năm” để có thêm kinh nghiệm và dễ được nhận khi tình hình kinh tế khá hơn, cũng như chớ lo ngại là mình sẽ bị mắc kẹt cả đời trong một công việc thấp dưới khả năng nào đó.
 
Bà Eva Gabbe, giám đốc chương trình tuyển mộ tại Ðại Học Sacramento State University, nói rằng “khi bạn 22 tuổi và có người nào đó nói rằng 'cố đợi thêm một năm nữa' bạn sẽ dễ có phản ứng trả lời rằng, 'tôi không đợi được.' Nếu muốn, bạn vẫn đợi được.”
 
“Bạn phải biết xây dựng sự nghiệp của mình. Nếu cần hãy làm tình nguyện, làm không lương ở một nơi nào đó,” theo bà Gabbe. (V.Giang)