Home Tin Tức Thời Sự Mỹ chỉ có ảnh hưởng giới hạn với Bắc Hàn

Mỹ chỉ có ảnh hưởng giới hạn với Bắc Hàn PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 20 Tháng 12 Năm 2011 21:36

 Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức, không có tòa đại sứ với Bắc Hàn

WASHINGTON (Reuters) - Cái chết của lãnh tụ Kim Jong-il có thể đưa đến những bất ổn khó dự đoán trên bán đảo Triều Tiên, do đó các giới chức Hoa Kỳ tỏ ra rất dè dặt tránh mọi hành động hay lời nói gì lúc này làm cho tình thế căng thẳng leo thang.
 

Quốc kỳ Bắc Hàn tại tòa nhà hiệp hội cư dân Bắc Hàn tại Tokyo, Nhật, được hạ xuống để tưởng nhớ sự qua đời của Chủ Tịch Kim Jong-il. (Hình: Toshifumi Kitamura/AFP/Getty Images)
 

Vì vậy Ngoại Trưởng Hillary Clinton hôm Thứ Hai cũng chỉ bày tỏ ý kiến rất ôn hòa rằng Hoa Kỳ “có lợi ích với tình trạng hòa bình và ổn định của Bắc Hàn” và “mong muốn thấy một sự chuyển giao quyền lực êm ả”.

Bà nói thêm: “Chúng tôi rất quan tâm đến dân chúng Bắc Hàn và cầu mong cho họ có được cuộc sống an lành trong những thời điểm khó khăn như thế này”.

 Ngoại Trưởng Clinton giải thích: “Hy vọng của chúng tôi là ban lãnh đạo mới ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên sẽ dẫn dắt đất nước họ theo con đường hòa bình, duy trì những cam kết đã có và cải thiện quan hệ bang giao với các nước láng giềng, tôn trọng những quyền của người dân”.
 
Sự chuyển quyền êm ả đến thế hệ thứ ba của triều đại gia đình họ Kim có vẻ là điều ít tệ hại nhất trong những điều mà Washington không mong muốn và tạo điều kiện cho sự tiếp tục những nỗ lực ngoại giao khác để thương lượng về vấn đề phát triển nguyên tử.
 
Nếu chế độ Bắc Hàn sụp đổ sẽ xảy tới một tình trạng đáng lo ngại là làn sóng dân tị nạn đổ sang Trung Quốc và Nam Hàn, đồng thời tạo thêm những khó khăn về kinh tế cho toàn thể khu vực Ðông Bắc Á Châu.
 
Ngoài ra một cuộc tranh chấp quyền lực trong giới lãnh đạo quân sự và chính trị ở Bắc Hàn có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nam Hàn và kéo theo Hoa Kỳ nhập cuộc.
 
Mặc dầu có nhiều liên hệ, Washington chỉ có một vị trí bên lề trong mọi chuyển biến chính trị ở Bắc Hàn.

 Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức, không có tòa đại sứ và chỉ có những tiếp cận hết sức giới hạn với nội bộ quyền lực tại đất nước khép kín nhất thế giới này. Vì vậy Hoa Kỳ rất cần sự hợp tác của Trung Quốc, đồng minh gần gũi nhất của Bắc Hàn, và Trung Quốc ngay sau cái chết của Kim Jong-il đã nói họ tin là Bắc Hàn sẽ vẫn ổn định.
 
Mặt khác giới quân sự Hoa Kỳ cũng theo đường lối thận trọng và chờ đợi trong tư thế sẵn sàng nhưng không ban hành lệnh báo động gây sự ngộ nhận ngoài ý muốn. Thái độ này khác hẳn Nam Hàn và Nhật Bản đã loan báo tình trạng khẩn trương cho quân đội của họ.
 
Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Ủy Ban Tham Mưu Hỗn Hợp, được hỏi về vụ Bắc Hàn thử hỏa tiễn hôm Thứ Hai, ngay trước khi loan báo Kim Jong-il chết, nói ông không thấy có gì khác lạ đáng phải quan tâm về việc này vì đó chỉ nằm trong kế hoạch bình thường đã dự định trước.
 
Người ta chưa thể rõ Kim Jong-un, người con mới 28 tuổi của lãnh tụ quá cố, có được sự ủng hộ của giới quân sự Bắc Hàn đến mức nào và có thể Jong-un cần một vụ biểu dương sức mạnh để xây dựng uy lực của mình.

Trước đây các giới chức Hoa Kỳ cũng như Nam Hàn đã từng giải thích là nhu cầu tạo điều kiện “nối ngôi” của Jong-un là nguyên nhân những hành động khiêu khích của Bắc Hàn năm 2010 bao gồm đánh chìm một chiến hạm và pháo kích một hải đảo Nam Hàn.
 
Các giới chức Hoa Kỳ từ chối không dự đoán có thể sẽ có những hành động khiêu khích kiểu ấy trong tương lai hay không.

 Một giới chức quân sự, yêu cầu không nêu danh tánh, nói: “Cố gắng dự đoán Bắc Hàn sẽ làm gì là chuyện vô ích” và “Chúng ta nên chờ xem nhà lãnh đạo còn non trẻ và chưa từng thử thách sẽ hành động như thế nào khi phải đứng vào vị trí này”.
 
Một viễn cảnh khác có lẽ còn xa vời và chưa chắc Trung Quốc mong muốn là sự thống nhất hòa bình giữa hai miền Nam Bắc.

Ðối với Nam Hàn, ngay cả đạt tới kết quả lý tưởng này cũng chưa phải là tốt, lấy kinh nghiệm Tây Ðức phải mang gánh nặng kinh tế xã hội khi thống nhất với Ðông Ðức, và Bắc Hàn là một đất nước quá đói nghèo so với mức sống của người dân Nam Hàn hiện nay.
 
Tín hiệu do chính quyền Obama đưa ra là cho thấy vẫn sẵn sàng can dự thương lượng với Bắc Hàn về chương trình nguyên tử và cho dù khả năng có đáp ứng tích cực không cao, nhưng đó là đường lối ngoại giao đúng hướng nhất.

 Một phụ tá tại Quốc Hội nhận định: “Chúng ta nên chứng tỏ cho lãnh đạo mới ở Bắc Hàn thấy là Hoa Kỳ không có chủ trương thù nghịch. Ở vào thời điểm chưa biết tân chính quyền Bắc Hàn như thế nào, điều quan trọng không phải là đòi hỏi họ mà là Hoa Kỳ và Nam Hàn có thể cho họ những gì”. (H.C.)