Home Tin Tức Thời Sự Hiện tượng nữ sinh đánh nhau

Hiện tượng nữ sinh đánh nhau PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA   
Thứ Sáu, 23 Tháng 12 Năm 2011 22:14

Hình ảnh những nữ sinh cấp 3 đánh nhau, xé áo, chửi tục thì không thể coi là chuyện quen thuộc...

Những ngày qua, các trang mạng xôn xao về một video clip quay cảnh một nhóm nữ sinh Hà Tĩnh đánh nhau rất hung bạo.

 
Photo courtesy of langtusaigon / Một cảnh nữ sinh đánh nhau trong phim "Hồn ma siêu quậy" được chiếu ở VN trong dịp tết 2011, ảnh minh họa.

 Trở thành vấn nạn

 Đoạn video này sau khi được tung lên mạng đã nhận được rất nhiều bình luận với những từ mạnh như sốc, choáng bởi những gì mà người xem thấy được trong đoạn video đang làm xấu đi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, cho thấy sự xuống cấp trong đạo đức của một lớp trẻ tại Việt Nam.

Đáng buồn hơn nữa, đây không phải là video clip quay cảnh học sinh nữ đánh nhau duy nhất và đầu tiên tại Việt Nam. Nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này và tại sao hiện tượng nữ sinh đánh nhau vẫn tiếp tục mà chưa thấy có chiều hướng chấm dứt?

Chuyện học sinh đánh nhau ở Việt Nam từ lâu nay không có gì lạ và người ta dường như cũng đã khá quen với hiện tượng không lấy gì là tốt đẹp này. Thế nhưng hình ảnh những nữ sinh cấp 3 đánh nhau, xé áo, chửi tục thì không thể coi là chuyện quen thuộc đối với phần đông người dân Việt Nam.

Chẳng vậy mà đoạn video clip dài hơn 2 phút quay cảnh một nhóm nữ sinh Hà Tĩnh đánh nhau được quăng lên mạng vào đầu tháng 12 vừa qua đã thu hút cả ngàn người xem mỗi ngày và nhận được những câu nhận xét mạnh mẽ như bị sốc hay choáng từ nhiều người.

 Trong đoạn video, người xem có thể thấy có khoảng hơn chục nữ sinh mặc đồng phục, một số mặc thường phục hung hăng lao vào nhau như những kẻ thù.

Những nữ sinh này đá nhau, tát nhau, kéo tóc, kéo áo, đẩy nhau ngã trên một sàn gạch còn loáng ướt như vừa sau một trận mưa.

Các em vừa đánh, vừa chửi nhau, thách thức nhau. Một số nữ sinh khác đứng xung quanh cổ vũ nhiệt tình. Người xem cũng nghe thấy giọng nam sinh bên ngoài cổ vũ các nữ sinh này đánh ‘nhiệt tình’ hơn nữa.

Nhận xét về hiện tượng này, thầy giáo Đỗ Việt Khoa của trường trung học cơ sở Thường Tín, Hà Nội nói:

“Đúng là trong thời thời gian qua nữ sinh đánh nhau còn nhiều hơn nam sinh, rồi quay video tung lên mạng đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Điều này là lạ lẫm với văn hóa, đối với ông bà ta thì chuyện như chưa từng có.”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã nói đúng về hiện tượng nữ sinh đánh nhau giờ đây đã trở nên hết sức phổ biến ở Việt Nam. Chỉ cần vào trang mạng youtube và đánh dòng chữ nữ sinh đánh nhau là người xem có thể thấy hàng chục video clip tương tự như đoạn video clip của các nữ sinh Hà Tĩnh.

Cách đây không lâu vào tháng 3 năm 2010, các trang mạng và báo chí trong nước cũng đã xôn xao về cảnh một nữ sinh tuổi teen đánh một nữ sinh khác một cách tàn bạo giữa hè phố, trong khi những bạn bè khác đứng xung quanh cổ vũ và người đi đường thì bàng quan.

Các nhà giáo và các nhà tâm lý cho rằng nguyên nhân có thể do các em nữ sinh này muốn chứng tỏ mình. Nhưng tựu chung, tất cả đều đồng ý cho rằng nguyên nhân sâu xa là từ xã hội. Chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam thuộc trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh nhận định:

 “Theo tôi đây là một hiện tượng không nhỏ nhưng xét cho cùng không phải là do các em. Các em chỉ là nạn nhân thôi. Nguyên nhân khởi thủy là do xã hội, do người lớn, xuất phát từ nạn bạo hành hiện nay, bạo hành trong nhà trường, gia đình, xã hội. Và hình như giới trẻ chỉ tin vào bạo lực mà thôi. Giới trẻ nghĩ rằng chỉ có đánh nhau mới giải quyết được xung đột, mâu thuẫn của nhau. Mà cái nguyên nhân xa hơn nữa là bởi vì các em tin vào bạo lực, bạo lực giải quyết được xung đột, là vì các em vô cảm với nỗi lòng của người khác.”
 
Đúng là trong thời thời gian qua nữ sinh đánh nhau còn nhiều hơn nam sinh, rồi quay video tung lên mạng đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Điều này là lạ lẫm với văn hóa, đối với ông bà ta thì chuyện như chưa từng có. / Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
 
Lời giải thích này của chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam cũng làm người ta nhớ đến câu trả lời hết sức vô cảm của nữ sinh đánh bạn trong video clip hồi tháng 3 năm ngoái. Nữ sinh này đã bình thản trả lời báo chí trong nước là ‘cháu đánh như thế đã ăn thua gì đâu, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời, còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế’.

 Một nguyên nhân khác được chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam đưa ra là do ảnh hưởng của các phim ảnh bạo lực và sự ngộ nhận bình đẳng nam nữ của một số các học sinh nữ ngày nay: “Phim ảnh, hình ảnh bạo lực mạnh mẽ, táo bạo đập vào mắt các em, và các em là nữ giới nghĩ là đã đến lúc phải giải phóng giới của mình, bình đẳng với nam giới theo nghĩa rất nông cạn. Có nghĩa là nam giới thô bạo thì mình cũng thô bạo theo. Có nghĩa là các em vẫn mặc áo dài theo quy định nhà trường, nhưng các em xắn tay áo lên. Và nếu cần thì các em giắt hai tà áo dài vào lưng quần để trở thành áo ngắn. Rồi cũng chạy nhảy, xô đẩy và nếu cần phải đánh nhau thì đánh nhau như con trai, không phân biệt giới tính.”

 Căn bệnh khó chữa

Cũng có những ý kiến cho rằng lỗi là ở ngành giáo dục đã không làm tròn nhiệm vụ ‘trồng người’ của mình, lỗi ở những đoàn thể như đoàn thanh niên không tạo ra được các phong trào giúp thanh niên có sinh hoạt lành mạnh.

  
Nữ sinh vùng ĐBSCL trên đường đến trường. AFP photo


Trên thực tế, hiện nay tại các trường học người ta thấy có rất nhiều những cuộc thi hoa hậu hay học sinh, sinh viên thanh lịch. Những cuộc thi này theo đúng nghĩa phải giúp học sinh, sinh viên nhất là các nữ sinh định hướng được giá trị cuộc sống.

Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng những cuộc thi như vậy tại Việt Nam đã không làm đúng nhiệm vụ của mình và đã bị lạm dụng, trong khi đoàn thanh niên, nơi thường tổ chức các cuộc thi như vậy cũng không làm tốt việc hướng dẫn phong trào cho thanh niên:

 “Đoàn thanh niên toàn tổ chức các cuộc thi người đẹp, đáng nhẽ phải tổ chức phong trào như gặp nhau mỉm cười, bắt tay nhau, họ chả làm gì, chỉ tổ chức hết cuộc thi hoa hậu này, hoa hậu kia, người đẹp đâu mà lắm thế…. Người ta không cần đẹp bộ mặt bên ngoài, người ta cần những người đẹp trong tấm lòng.”

 Sau khi các video như vậy được quăng lên mạng và báo chí ồn ào vào cuộc thì người ta cũng thấy các trường có liên quan và công an tiến hành điều tra, xử lý.

Ví dụ như trường hợp của nữ sinh bị đánh trong video clip hồi tháng 3 năm 2010 bị xếp hạnh kiểm yếu. Công an địa phương cũng tham gia điều tra vụ việc này.

Trường hợp các nữ sinh Hà Tĩnh đánh nhau trong video clip hồi tháng 12 năm nay được xác định là của trung tâm giáo dục thường xuyên Hương Sơn. Trả lời báo chí trong nước, hiệu trưởng trường THPT Hương Sơn cho biết hiện tại nhà trường đã có hình thức kỷ luật khiển trách trước trường đối với các em có liên quan.

Công an địa phương cũng cho báo chí biết là đang phối hợp với nhà trường điều tra để có hình thức kỷ luật thích hợp.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu nhà trường và công an đã phối hợp điều tra, xử lý các vụ học sinh nữ đánh nhau thì tại sao tình trạng nữ sinh đánh nhau không chấm dứt và mức độ tàn bạo cũng không giảm nhẹ? Thầy giáo Đỗ Việt Khoa giải thích:

 “Vấn đề là con người, người ta hành xử thế nào trước hiện trạng đó. Nếu như trông thấy đánh nhau, thấy công an đánh chết dân mà cơ quan chức năng, thầy cô ra tay xử lý triệt để tận gốc một lần thì thôi, nó sẽ không xảy ra như thế nữa. Thế nhưng Việt Nam không xử lý được, người ta không xử lý, người ta né tránh, người ta bao che nhau nên hậu quả rất nghiêm trọng.”

 Căn bệnh đút lót, quen biết, bao che trong giáo dục đã khiến các em học sinh không còn sợ những biện pháp kỷ luật của nhà trường, nếu có, và do vậy không thể giải quyết vấn đề triệt để. Nhà giáo Nguyễn Thượng Long ở Hà Nội cho biết:

“Giáo dục ở nước ta không nghiêm chỉnh, phần lớn các em gây tội lỗi như vậy là con cái những gia đình khá giả, hoặc là con ông cháu cha. Mà những gia đình khá giả trong xã hội giai đoạn hiện nay thì người ta có nhiều sức mạnh lắm, nên con người ta không học trường A thì học trường B.”

 Đây cũng là điều người ta thấy trong trường hợp ẩu đả hồi tháng 3 năm 2010. Trong khi nữ sinh bị đánh thì bị kỷ luật, còn nữ sinh phát tán video trên mạn là Mai Thùy Linh thì không thấy nói gì. Báo chí trong nước lúc đó cho biết cô bé là con của một cán bộ công an.

 Hình ảnh nữ sinh đánh nhau đã làm cho nhiều người lo lắng về một hiện tượng đang làm xấu đi hình ảnh đẹp, dịu dàng truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng nói như thầy giáo Đỗ Việt Khoa thì nếu hiện tượng này không thể chấm dứt, nó có thể trở thành tệ nạn giống như rất nhiều những tệ nạn khác trong xã hội. Và đau lòng hơn nữa nó sẽ làm hỏng cả một thế hệ mới mà trong số họ rất nhiều người sau này sẽ trở thành những người vợ, người mẹ.