Home Tin Tức Thời Sự Ngoại giao Việt Nam và tình hình Syria

Ngoại giao Việt Nam và tình hình Syria PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 06 Tháng 2 Năm 2012 16:06

 Ở Việt Nam thời sự Syria chỉ được nhắc đến khi…có đá bóng

 Quyết định phủ quyết của Nga và Trung Quốc đang gây tức giận

 

Trong lúc quốc tế cố gắng tìm hiểu vì sao Trung Quốc bác bỏ dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria, Việt Nam có vẻ như giữ thái độ cân bằng hơn trong quan hệ với chính quyền ở Damascus.

Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc còn từng kêu gọi Syria "cải cách chính trị" nhằm mở rộng sự tham gia của các tầng lớp dân nhân vào đối thoại để hòa giải dân tộc.

Truyền thông chính thống ở Việt Nam cũng đưa tin đều về bạo lực những tháng qua tại Syria và thường trích dẫn các hãng thông tấn, đài báo Phương Tây hoặc đài Al-Jazeera.

Các đài này đưa khá nhiều tin về chuyện quân chính phủ Syria bị cáo buộc bắn giết phe nổi dậy.

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng đưa tin đều đặn về các hoạt động ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc liên quan đến Syria thời gian này.

VOV trích dẫn các quan điểm, ý kiến ṛông khắp của nhiều nước và chính quyền Syria về tình hình.

Quan hệ không nhiều

Khác với Libya, Việt Nam không có nhiều quan hệ kinh tế với Syria dù đảng Baath cầm quyền của gia tộc Assad cũng có giao lưu ít nhiều với Hà Nội.

Một trong số các chuyến thăm cao cấp từ Syria đến Việt Nam đã xảy ra cách đây gần bốn năm, vào tháng 11/2008 khi một ủy viên trung ương Đảng Baath, ông Bấm Yassin Damara thăm Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh.

Được biết ông Damara cũng có hội đàm với ông Trương Tấn Sang, khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hà Nội.

Chuyến thăm cũng được hãng tin Sana của nhà nước Syria đăng tải.

Nhưng về gần đây, quan hệ này không có gì tiến triển và thái độ ngoại giao của Việt Nam càng gần với những nước tìm cách xác định vị trí trung dung trong vấn đề Syria.

Gần đây nhất, hồi tháng 10/2011, Đại diện Phái đoàn Việt Nam đã phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thuỵ Sĩ về Syria.

Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam trích lời vị đại diện (không nêu tên) rằng Việt Nam " hoan nghênh Syria đã tham gia nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, cũng như cam kết của chính phủ Syria về việc tiến hành các cải cách chính trị,"

Ngoài ra, đại biểu Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực đang gia tăng tại Syria, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của người dân.

Việt Nam vì thế đã "kêu gọi các bên liên quan tại Syria chấm dứt xung đột, bạo lực và tìm giải pháp chính trị thông qua đối thoại xây dựng và hòa giải dân tộc".

Đặc biệt, đại biểu Việt Nam đề nghị Syria "sớm triển khai các biện pháp cải cách chính trị, kinh tế, xã hội như đã cam kết với sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội để đảm bảo tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân và phát triển kinh tế".

Nhưng lời đề nghị này có thể bị coi là thiếu thực tiễn, ít ra là trong con mắt một số tổ chức vận động quốc tế về nhân quyền và các quyền chính trị.

 Báo chí Việt Nam cũng viết nhiều về trận thua Syria năm 2009

 

Vì với vị trí 172 trong số các nước bị tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) phê phán là thiếu tự do báo chí, Việt Nam chỉ đứng trên không xa Syria, nước hiện chiếm chỗ 176.

Với dư luận chung ở Việt Nam, ngoài chuyện chính trị thời sự Syria chỉ được nhắc đến khi…có đá bóng.

Các fan bóng đá Việt Nam còn nhớ trận đấu vòng loại Cúp Bóng đá châu Á hồi tháng 11/2009, khi đội Syria thắng đội chủ nhà Việt Nam 1-0 ngay trên sân Mỹ Đình.

Trong trận đấu tối thứ Bảy 14/11 năm đó, hai đội bóng đã thi đấu đầy kịch tính nhưng đội Syria được cho là có "đội hình mạnh, thể lực sung mãn" đã thắng ở phút 94, làm tan vỡ niềm mong đợi của hàng vạn fan Việt Nam.