Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-02-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 16 Tháng 2 Năm 2012 12:13

Tranh luận sôi nổi về thể chế độc đảng tại Cuba

 REUTERS/Enrique de la Osa

Tại Cuba, chính phủ Raul Casto đã thực hiện một số cải cách.

Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là liệu Đảng Cộng Sản Cuba có thể đi đến cùng trong tiến trình cải cách, hay là quốc đảo này phải cần đến một thể chế đa đảng ?

Nhật báo Le Monde có bài nhận định với dòng tựa : «Thể chế độc đảng đang là trọng tâm tranh luận về dân chủ tại Cuba ».

 Tiếng nói đầu tiên về chủ đề này được Le Monde dành cho ông Raphael Hernandez, tổng biên tập tạp chí Temas, một tạp chí khoa học xã hội hàng đầu của Cuba.
 
Ông Hernandez có cách nhìn khá lạc quan về tương lai đất nước và tin tưởng Đảng Cộng sản Cuba có thể hoàn thành được sứ mệnh cải cách đất nước.

Theo ông, tại Cuba, từ « dân chủ » không còn quá cao xa nữa. Cơ sở ông đưa ra cho nhận định này chính là bài phát biểu của bí thư thứ nhất ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Cuba, ông Raul Castro tại hội nghị toàn quốc của đảng vừa diễn ra vào hai ngày 28 và 29 tháng 1 vừa qua.

Trong bài phát biểu, ông Raul đã tái khẳng định quan điểm tiếp tục chế độ độc đảng, và nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất cần phải làm hiện tại, đó là phát huy tối đa dân chủ trong xã hội. Ông kêu gọi đảng viên nên đi trước làm gương.
 
Chia sẻ quan điểm đó, ông Hernandez cho rằng, quá trình dân chủ hóa phụ thuộc vào việc Đảng Cộng sản Cuba có vượt qua được thể chế tổ chức tập trung và theo mô hình từ trên xuống hay không.

Chủ bút tờ Temas nói thêm : « Chế độ đa đảng không đảm bảo được dân chủ trong xã hội ».
 
Tuy nhiên, ông Heznandez cũng thừa nhận rằng, có nhiều ý kiến khác nhau trong đảng. Ông nhấn mạnh, trong bất kỳ sự chuyển tiếp nào cũng sẽ có sự phản kháng, có nhiều tư tưởng chậm tiến bộ. Ông ủng hộ lập luận của chủ tịch Raul Castro theo đó quá trình cải tổ không phải có thể hoàn thành trong một sớm một chiều.
 
Ông Hernandez khẳng định : Chưa bao giờ có nhiều người bày tỏ quan điểm về quá trình cải cách như trong hiện tại.

Ông lạc quan : « Một cuộc giải phẫu đang được tiến hành để cắt đi vây cánh của nạn quan liêu đang bạo phát tại Cuba ».
 
Le Monde cho hay, mỗi thứ năm tuần cuối của tháng, tạp chí Temas tổ chức diễn đàn thảo luận dành cho mọi người, nhờ đó nhiều vấn đề nhức nhối cũng đã được mổ xẻ.
 
Tạp chí Công Giáo Espacio Laical của Cuba cũng dành diễn đàn thảo luận về các vấn đề thời sự kinh tế, chính trị, xã hội.

 Chủ bút của Espacio Laical, ông Roberto Veiga và ông Hernandez là những người ủng hộ giải pháp đối thoại và sự tôn trọng ý kiến người khác. Tuy nhiên, tờ báo Công Giáo tỏ ra ít lạc quan hơn.
 
Ông Roberto nhắc lại rằng, chủ tịch Raul đã nói về dân chủ từ năm 2006, thế mà đến hiện tại kết quả cụ thể vẫn chưa thấy đâu. Ông cho rằng, trong Đảng Cộng sản Cuba hiện có hai dòng tư tưởng đối lập nhau, giữa tân tiến và bảo thủ.

Theo ông, hiện chưa có những cuộc thảo luận chính trị đúng nghĩa, hội nghị vừa rồi của Đảng không tạo được bước tiến chính trị nào, trong khi đó người dân đang trông chờ những cải cách mang tính cấp bách. Bàn về thể chế độc đảng, chủ bút tờ Espacio Laical cho rằng tình hình chưa đủ chín mùi cho việc xuất hiện các tổ chức chính trị khác.
 
Bắc Triều Tiên tăng cường tuyên truyền ủng hộ Kim Jong Un
 
Sau cái chết của ông Kim Jong Il hồi tháng 12 năm ngoái, chế độ Bình Nhưỡng ra sức tuyên truyền ủng hộ cho người kế nhiệm Kim Jong Un.

 Do nhà lãnh đạo mới này còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm chính trường, nên chiến lược tuyên truyền chủ yếu dựa vào huyết thống nhà họ Kim. Le Figaro nhìn nhận sự việc qua bài viết : « Kim Jong-Un hô hào tính chính danh huyết thống của mình ».
 
Tờ báo cho hay, hôm nay, 16/2, là ngày sinh nhật lần thứ 70 của ông Kim Jong Il. Thế là hôm thứ ba rồi, Bắc Triều Tiên đã cho khánh thành tượng đài qui mô của ông tại Bình Nhưỡng.

Thật ra, khu khánh thành bao gồm hai tượng, ông Kim Jong Il và cha ông là Kim Nhật Thành, trong đó, ông Kim Jong Il cưỡi ngựa theo bước cha mình cũng đang cưỡi ngựa đi trước.
 
Sự kiện trên cũng không nằm ngoài mục đích ủng hộ cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Hồi trước, ông Kim Jong Il cũng đã từng dựa vào cái bóng của cha mình để chính danh hóa sự kế vị.
 
Đối với Kim Jong Un lần này, điểm mạnh duy nhất của anh chính là huyết thống nhà họ Kim. Bởi thế, hầu như mọi sự đánh bóng cần thiết điều đã được tiến hành. Như việc ngày 16/2, tức ngày sinh của ông Kim Jong Il, đã được quyết định gọi là « ngày của Sao Bắc Đẩu », vì chế độ Bình Nhưỡng cho rằng ngày ông Kim Jong Il ra đời có sao Bắc Đẩu xuất hiện.

Còn vào ngày 15/4, tức ngày sinh nhật lần thứ 100 của người sáng lập chế độ Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng sẽ cho phân phát lương thực và sẽ tổ chức duyệt binh qui mô chưa từng có.
 
Bên cạnh đó, hài cốt mẹ của Kim Jong Un cũng được qui tập về khu nghĩa trang nhà nước. Nên nhớ rằng, do xuất thân là vũ nữ, và sinh ra ở Nhật Bản, nước kẻ thù truyền kiếp của Bắc Triều Tiên, cho nên từ lâu bà bị kiêng nhắc đến. Thế mà bỗng chốc, bà đã được truy tặng danh hiệu « Người mẹ Bình Nhưỡng ».
 
Tờ báo cũng nhắc lại, từ khi lên kế vị, Kim Jong Un không ngừng tạo hình ảnh cho giống với ông nội mình, từ mái tóc, nụ cười đến trang phục.
 
Tuy vậy, tờ báo cho rằng, phía sau những hình ảnh chính quyền phía bắc công bố chính thức, không có gì chắc chắn để biết rằng anh Kim Jong Un có thật sự nắm quyền hay chỉ là bù nhìn thôi.

Dẫn chứng cho nhận định này, Le Figaro dẫn lại lời của ông Kim Ki Ưoong, trưởng ban mật vụ của Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, cho rằng : « Chúng tôi không có bằng chứng cho thấy anh ta đang nắm quyền quyết định chủ chốt, thế nhưng cũng không thấy có gì bất thường trong sự vận hành của hệ thống ».
 
Israel cáo buộc Iran đứng sau vụ đánh bom tại Thái Lan
 
Liên quan đến các vụ đánh bom hôm thứ ba, ngày 14/2, tại thủ đô Thái Lan, Le Monde có bài : « Iran bị nghi ngờ có đứng sau các vụ nổ tại Băngkok ».
 
Bộ trưởng quốc phòng Israel, ông Ehoud Barak bức xúc :

« Vụ việc xảy ra tại Thái Lan một lần nữa cho thấy Iran và các đồng minh vẫn tiếp tục tổ chức tấn công khủng bố ».

 Đại sứ Israel tại Thái Lan tuyên bố, hai kẻ tình nghi bị bắt tại Bangkok thuộc mạng lưới đã tổ chức tấn công tòa đại sứ Israel tại ở Ấn độ và Gruzia.

Vị đại sứ nhắc lại, chính quyền Thái Lan cũng đã có cảnh báo kể từ khi bắt được một người Liban hồi tháng 01/2012 do bị tình nghi chuẩn bị tấn công các khu phố du lịch ở Bangkok. Theo chính quyền Thái Lan, người Liban này có thể là thành viên của nhóm Hezbollah, một đồng minh của Iran.
 
Về phần mình, một quan chức cao cấp của cơ quan phản gián Thái Lan cho hãng tin AFP biết : « Ba người Iran thực hiện các vụ nổ bom là thành viên của một tổ chức sát thủ chịu trách nhiệm tấn công các nhà ngoại giao Israel».
 
Le Monde nhận định, hàng loạt các vụ đánh bom diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về hồ sơ hạt nhân của Iran, trong khi khả năng Israel tấn công Iran liên tục được nhắc đến. Từ đầu năm 2010, đã có ít nhất 4 nhà khoa học hạt nhân tại Iran bị đánh bom hạ sát.

Cũng giống như vụ ám sát một sĩ quan cao cấp của tổ chức Hezbollah ở Damas (Syria) hồi năm 2008, hay vụ ám sát một thành viên của tổ chức Hamas ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) hồi năm 2010, Iran luôn cho rằng Israel là thủ phạm.
 
Pháp : ông Sarkozy tuyên bố tái tranh cử tổng thống
 
Tối qua, trên kênh truyền hình quốc gia Pháp TF1, tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã chính thức tuyên bố tái ứng cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 4 tới đây.

Báo chí Pháp hôm nay tập trung phản ánh sự việc này. Nhật báo Libération dành trang « Sự kiện » đăng bài : « Sarkozy, ứng cử viên đi tìm lại người Pháp ».
 
Giải thích cho sự tái ứng cử của mình, tổng thống Sarkozy gợi ra hình ảnh thuyền trưởng và con tàu khi nói, khi con tàu đang trong cơn bão, thì vị thuyền trưởng không có quyền than mệt để rời bỏ con tàu.

Ông tuyên bố, điểm nhấn của chiến dịch tranh cử sẽ là « Nước Pháp hùng mạnh ». Theo ông, khi nước Pháp hùng mạnh, người Pháp sẽ được bảo vệ. Ông cũng nhấn mạnh, đó là « điều kiện duy nhất để nước Pháp không bị chậm chân trong cuộc chạy đua trên thế giới ».
 
Ông Sarkozy hứa : « Nếu người Pháp giao cho tôi thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa (…) thì ý tưởng chủ đạo sẽ là trả lại tiếng nói cho người dân ».

 Ông cũng đặt trọng tâm cho vấn đề việc làm. Ông tuyên bố, nếu thắng cử, ông sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về điều kiện đào tạo, chế độ trợ cấp thất nghiệp. Ông còn hứa, nếu tái cử thì mỗi lần gặp điều bế tắc, ông sẽ cho trưng cầu dân ý ».
 
Libération ghi lại ý kiến của ông François Bayrou, ứng cử viên của Đảng Phong trào dân chủ (Modem), nhận định : « Đất nước đang bị đắm chìm trong thất nghiệp, thâm hụt và nợ công. Khi vị thuyền trưởng đã lái con tàu đâm vào đá ngầm, thì nên thay đi ».
 
Về phần mình, bà Marine Le Pen, ứng cử viên Đảng Mặt Trận Quốc gia (FN) không ngại chỉ trích : « Sarkozy là ứng viên của sự giả tạo, cơ hội và bịp bợm».
 
Libération còn dành một bài xã luận mang dòng tựa : « Mánh lới » để phê phán ông Sarkozy.

 Theo tác giả, ông Sarkozy đêm qua đã cố tình làm cho người ta quên đi hình ảnh ông là « tổng thống của nhà giàu », một cái mác mà ông bị gắn từ lâu, nhất là do chính sách thuế khóa có lợi cho nhà giàu của ông.
 
Còn về việc ông Sarkozy dùng từ « Tìm lại quần chúng », tác giả cho rằng, « tìm lại » có nghĩa là đã từng bị mất, tức là ngài tổng thống đã thừa nhận là mình đã đánh mất quần chúng.
 
Tác giả kết luận : « Ngài tổng thống đang hối hả đi tìm lại người Pháp. Vào ngày 22/4 tới đây, ngài sẽ biết được liệu người Pháp có hối hả tìm gặp lại ngài không ».