Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-02-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 18 Tháng 2 Năm 2012 13:26

Vatican : đấu đá bè phái bị báo chí phanh phui

Đức Hồng Y Tarcisio Bertone bị chỉ trích quản lý yếu kém (Reuters)

 

Gần đây, báo chí Ý đang làm rúng động dư luận tại Roma khi cho đăng một loạt các tài liệu bí mật bị thất thoát ra ngoài, liên quan đến Tòa thánh Vatican.

 Sự kiện thu hút sự chú ý của nhiều độc giả đến mức mà tại Ý người dân gọi đó là « Vatileaks » hay « Vaticanleaks ».

 Liên quan đến chủ đề này, báo Le Monde và Le Figaro lần lượt có bài đăng đề tựa « Vatican : đấu tranh bè đảng bị báo chí phơi bày » hay « Bất ổn tại Vatican ».

Cả hai tờ báo cùng cho biết, từ nhiều tuần nay, một loạt tài liệu mật, được giới báo chí và truyền hình Ý tiết lộ, nêu rõ những khó khăn của Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 trong công tác quản lý tài chính, các cuộc tranh giành quyền lực và cảnh báo cho sự an toàn của Ngài.

 Các tài liệu này đã chỉ trích đức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh là quản lý yếu kém. Ông bị nghi ngờ là đã bổ nhiệm nhiều người thân cận vào các chức danh hồng y.
 
Nhìn chung, cả hai tờ báo đều cho rằng các tiết lộ bí mật đều tựu chung ở hai vấn đề chính : Vấn đề thứ nhất, có tính chất thứ yếu liên quan đến trường hợp Hồng y «Carlo Maria Vigano ».

Từng nắm giữ chức vụ Tổng chưởng lý của Vatican, ông Vigano đã bị buộc rời khỏi vị trí trước khi hết nhiệm kỳ và bị thuyên chuyển công tác làm đại sứ tại Hoa Kỳ.

Trong nhiều bức thư gửi cho Đức giáo hoàng, ông Vigano tố cáo hiện tượng tham nhũng ngay trong các bộ phận quản lý và cách thức mà ông ta bị buộc phải thôi nhiệm vụ.
 
Hồng y Vigano khẳng định rằng khi ông còn làm quản lý, ông đã xóa bỏ hoàn toàn một số biện pháp quản lý sai phạm.

Theo ông, nhiều hợp đồng với các doanh nghiệp bên ngoài Tòa Thánh không tuân theo các quy định gọi thầu, mà được quyết định qua mối quan hệ quen biết. Do đó, dẫn đến tình trạng không có kiểm soát nghiêm túc về giá cả.
 
Vấn đề thứ hai, tuy cũng liên quan đến tài chính, nhưng lại thiên về kỹ thuật. Lần này, các tài liệu mật nêu đích danh IOR, được xem như là Ngân hàng của Vatican.

Theo cả hai tờ báo, từ nhiều thập niên nay, IOR liên tục đối mặt với nhiều vụ tai tiếng về quản lý. Mãi đến tháng 4 năm 2011, Tòa Thánh mới cho thành lập một bộ phận thông tin tài chính (AIF). Tức là cho áp dụng các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế nhằm chống lại nạn rửa tiền.

Thế nhưng, theo những gì báo chí tiết lộ, thì chính AIF cũng gióng lên hồi chuông báo động, họ tố cáo Quốc vụ khanh Bertone đã thay đổi quy định kiểm soát được thực hiên hồi đầu tháng giêng năm nay. Trong khi đó, vào tháng 6 tới đây, các định chế tại châu Âu sẽ tuyên bố cho biết Vatican có được nằm trong « danh sách trắng » của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) và Nhóm Hành động tài chính (GAFI ).
 
Cuối cùng, cả hai tờ báo cùng nhận xét rằng tham vọng con người cũng là một động cơ trong các vụ tiết lộ này.

 Ngoài việc cho rằng một số Hồng y đấu đá lẫn nhau với hy vọng có thể trở thành Đức Giáo Hoàng, theo nhận xét của một số vị chức sắc trong Tòa Thánh, mục tiêu của các tiết lộ có thể nhằm bôi nhọ Hồng y Bertone.

Nhiều người muốn ông Bertone phải ra đi. Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng, chăc chắn là Đức Giáo Hoàng đã biết rõ sự tình, nhưng Ngài cũng không thuộc dạng dễ dàng thay đổi do áp lực.
 
Angela Merkel lại mất một vị tổng thống
 
Vẫn liên quan đến thời sự châu Âu, Liberation quan tâm đến việc ông Christian Wulff, tổng thống Đức từ chức hôm thứ sáu vừa qua.

Tờ báo cho biết, việc tìm kiếm người thay thế ông Wulf đang là vấn đề gây đau đầu cho bà Merkel.
 
Bà Angela Merkel đang chạy đua với thời gian. Việc ông Christian Wulff từ chức tổng thống hôm thứ sáu rồi, khiến bà Merkel phải hủy bỏ chuyến đi Roma với ông Mario Monti ,chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý. Như vậy, bà Merkel chỉ có 30 ngày để tìm người thay thế ông Wulfh, vị tổng thống thứ 10 của nước Cộng hòa Liên Bang Đức, một chức vụ chỉ mang tính hình thức.
 
Gần đây, ông Wulff đã bị báo giới Đức nghi ngờ đã lợi dụng chức vụ để thu lợi khi ông là thủ tướng bang Niedersachsen.

 Ông còn bị chỉ trích nặng nề hơn sau vụ ông gọi điện thoại dọa tổng biên tập một tờ nhật báo.

Từ đó, tuần nào, các báo Đức cũng đều cho đăng một bài từ vụ vay tiền mua nhà với điều kiện ưu đãi, cho đến việc được bạn bè cho mượn điện thoại, những chiếc váy đầm của vợ hay các kỳ nghỉ do các doanh nghiệp trang trải chi phí.
 
Trước áp lực bị đe dọa rút quyền miễn tố, Tổng thống Đức không còn chọn lựa nào khác là phải từ chức.

 Liberation nhận xét « đối với Merkel, vụ việc rất nghiêm trọng ».

Điểm đặc biệt của hệ thống chính trị Đức là Thủ tướng bổ nhiệm Tổng thống, chứ không theo như thông thường. Trong khi đó, bà Angela Merkel đang bị suy yếu do các thất bại của đối tác là đảng theo xu hướng tự do (FDT), chỉ đạt được có 2 hay 3% ý định bỏ phiếu theo các thăm dò.
 
Theo nhận định của Liberation, bà Merkel cần phải thu được nhiều phiếu bầu ngay trong Quốc hội liên bang, nơi sẽ phải bầu ra vị tổng thống thứ 11 cho Cộng Hòa Liên Bang Đức. Thế nhưng, hiện tại liên minh cầm quyền của bà chỉ hơn phe đối lập có 4 phiếu. Như vậy, sẽ rất khó cho bà Merkel đề cử ứng viên của mình mà không có sự đồng thuận của phe đối lập.
 
Quan chức "thanh liêm" Trung Quốc từng muốn đào tẩu
 
Liên quan đến Trung Quốc, Philippe Grangereau, thông tín viên của Liberation tại Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến vụ án Vương Lập Quân, cựu phó thị trưởng và giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh qua bài viết đề tựa « ông Thanh liêm Trung Quốc đã từng muốn đào tẩu ».
 
Tác giả nhận định màn sương mù đang dần dần tan đi quanh vụ án ly kỳ Vương Lập Quân, giám đốc công an tỉnh Trùng Khánh. Bài báo điểm lại những thành tích mà ông Vương từng lập được khi còn tại chức. Trong vòng 3 năm vừa qua, Ông Vương đã chỉ huy một chiến dịch chống mafia lớn chưa từng có tại Trùng Khánh.
 
Kết quả là hơn 2000 người bị bắt và 13 người bị hành quyết (trong đó có một số là công chức tham nhũng). Vấn đề là ông Vương thực hiện chiến dịch theo lệnh của ông Bạc Hy Lai, một « ông hoàng đỏ » (từ trong nguyên văn), có tham vọng được một chân trong Bộ chính trị, qua việc trau chuốt tiếng tăm của mình là « ông Thanh liêm ».
 
Vậy mà, bất thình lình, hôm 06/02 vừa qua, ông Vương Lập Quân đã đến xin tỵ nạn tại lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, cách Trùng Khánh 350 km . Và ngày hôm sau, người ta thấy ông Vương rời lãnh sự quán, ông bị bắt và bị dẫn về Bắc Kinh.
 
Trả lời cho câu hỏi « Ông Vương đã đến lãnh sự quán để làm gì ? ».

Tác giả trích những nguồn tin ngoại giao xin giấu tên, được đăng trên tờ New York Times, hôm thứ sáu vừa qua, thì ông Vương đã đến xin tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, yêu cầu của ông đã bị phía Mỹ từ chối vì hai lý do chính :
 
- Thứ nhất, Mỹ không muốn gây phiền toái cho chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình trong tuần này.
 
- Thứ hai, khi ông Vương giả dạng thường dân đi vào lãnh sự quán, ngay lập tức một nhóm công an chìm đã bao vây lãnh sự và ám chỉ cho các nhà ngoại giao biết rằng công an chìm đã biết sự việc. Cho nên, các nhà ngoại giao khó có thể mà đảm bảo cho ông Vương một sự đào tẩu bí mật.
 
Tuy nhiên, theo tác giả, có lẽ trước khi rời lãnh sự quán, ông Vương đã cung cấp « nhiều thông tin về các vụ đàn áp những nhà ly khai và về các vụ tham nhũng trong hàng ngũ chóp bu Trung Quốc ».
 
Thế thì, « tại sao ông Vương lại muốn đào tẩu ? ».

Là vì ông ta muốn cứu mạng mình. Bởi vì, « một mũi tên trúng hai con nhạn », nhắm ông Trong Sạch họ Vương trong một điều tra về tội tham nhũng, có thể qua đó là để hạ gục người đỡ đầu là ông Bạc Hy Lai. Khi hiểu rằng mình đã bị bỏ rơi, ngay lập tức Vương Lập Quân đã bỏ trốn đến Thành Đô.
 
Như vậy, hậu quả chính trị là ông Bạc Hy Lai sẽ có ít cơ may để được thăng quan tiến chức. Vụ án này đã làm sáng tỏ đấu đá quyền lực đang diễn ra khi mà Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 đang đến gần.
 
Thái Lan : một vương quyền quá thiêng liêng
 
« Tại Thái Lan, một ương quyền quá thiêng liêng » là chủ đề mục « Lá thư châu Á » trên báo Le Monde hôm nay.

Theo ông Bruno Philippe, thông tín viên của tờ báo tại Bangkok, thì « tội khi quân » đang là một đề tài tranh luận sôi nổi hiện nay tại Bangkok.
 
Theo tác giả, hầu như ngày nào báo chí Thái Lan cũng đều đăng nhiều bài viết hay những tản mạn về « tội khi quân », ghi nằm trong điều khoản 112 của bộ luật hình sự, quy định rõ những ai chửi rủa « đức vua, hoàng hậu, thái tử hay các ông hoàng nhiếp chính » sẽ bị kết án nặng.

 Le Monde nhận định, tranh luận xung quanh đề tài này dường như ngày càng sôi nổi.
 
Tác giả cho biết, ở Thái Lan hiện nay có hai phe đối chọi nhau. Một bên là những người « cực kỳ quân chủ », theo thuật ngữ của một nhà nghiên cứu Thái Lan. Số người này muốn bảo vệ đến cùng thể chế hoàng gia.

 Còn bên kia là những người « cải cách », tức là những người ủng hộ cho việc hiệu chỉnh một đạo luật theo họ là quá lạm dụng và ngày càng được sử dụng vào mục đích chính trị.
 
Gần đây nhất, nhóm Nitirat, tức những người ủng hộ cho việc sửa đổi đạo luật, dưới sự chủ trì của bảy giáo sư luật, đã bị cấm không được sử dụng khuôn viên trường Đại học Thammasat, một trong những trường uy tín nhất tại Bangkok, cho một buổi tranh luận về đề tài này.

 Đích thân ông hiệu trưởng đến đề nghị không nên tranh luận những chủ đề nhạy cảm như thế tại khuôn viên trường, vì tại nơi này đã từng nhìn thấy máu đổ : hàng trăm sinh viên bị quân đội giết, treo cổ hay thiêu sống vào ngày 06 tháng 10 năm 1976, khi mà hàng ngàn người đã đến biểu tình phản đối việc đưa đất nước trở lại chế độ độc tài quân sự.

Cuối cùng, thì vị hiệu trưởng cũng đồng ý với điều kiện là tranh luận không vượt quá « khuôn khổ học viện ».
 
Theo lời một người phụ trách một trang mạng, thì nhà cầm quyền sử dụng điều khoản để bịt miệng tự do ngôn luận trên Internet.

Ông này cũng từng bị bắt giữ hai lần vì tội dám cho đăng nhiều bài bình phẩm bôi nhọ hoàng gia. Vào tháng 11 năm vừa qua, một người đàn ông 61 tuổi cũng bị kết án 20 năm tù vì tội gửi các tin nhắn điện thoại vu khống đức vua.

 Tháng 12, một người Mỹ gốc Thái cũng bị phạt hai năm rưỡi tù vì đã cho dịch và đăng trên mạng một tiểu sử bị cấm về đức vua.

Gần đây nhất là một thiếu nữ 19 tuổi có nguy cơ bị bắt giam vì đã viết những lời bình phẩm xúc phạm gia đình hoàng tộc trên mạng Facebook cách đây hai năm.
 
Về phần chính phủ, dĩ nhiên là thủ tướng Yingluck Shinawatra ủng hộ cho việc hiệu chỉnh đạo luật.

 Tuy nhiên, nhận thức được tính chất nhạy cảm của chủ đề : bởi vì bất cứ lúc nào, đảng của bà và một số bộ trưởng, có xuất thân lẫy lừng từ phe « áo đỏ » có thể bị quy cho tội là « phản bội » nền quân chủ.

Tốt hơn hết là « Ta còn bảo hoàng hơn cả vua », theo như một ngạn ngôn trong một đất nước mà lúc nào quân đội luôn trong tư thế phục kích.

Kết quả là : chính phủ không ngừng kêu gọi các nhà cải cách nên từ bỏ ý định hiệu chỉnh điều khoản đầy tiếng tăm này.