Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quóc Ngày 24-02-202

Điểm Báo Pháp Quóc Ngày 24-02-202 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Sáu, 24 Tháng 2 Năm 2012 17:15

Nga, Mỹ, Trung Quốc đều nỗ lực võ trang nhưng Châu Âu lại giải giới

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev thăm một trung tâm huấn luyện của quân đội tại Solnechnogorsk.
© Getty Images/Sasha Mordovets

 

Báo Le Monde hôm nay, 24/02/2012, đã phân tích hiện tượng chạy đua vũ khí hiện nay trên thế giới.

Trên trang phân tích và nhận định, tác giả Alain Frachon đã ghi nhận một nghịch lý : « Mọi người đều tái vũ trang ngoại trừ Châu Âu » - tựa bài viết.

 Điểm qua toàn cảnh bốn khối lớn hiện nay trên thế giới, Alain Frachon nhận thấy trước tiên là Nga chuẩn bị tái vũ trang ở tốc độ cao, Trung Quốc sẽ có thể tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của họ từ nay đến năm 2015, Hoa Kỳ thì vẫn muốn duy trì thế cường quốc quân sự đứng đầu thế giới.

Trong tình hình đó, chỉ có lục địa Châu Âu là giải trừ vũ khí, như thể là đã đánh đuổi được chiến tranh ra khỏi chân trời của mình. Frachon đã tự hỏi là điều đó có quan trọng hay không ?
 
Tác giả bài báo nhắc lại thông báo của ông Putin vừa qua về một chương trình hiện đại hóa quân đội Nga chưa từng thấy từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Kẻ thù mà ông nhắm tới được nêu rất rõ : Phương Tây. Theo Thủ tướng Nga, lá chắn chống tên lửa của Mỹ đặt tại Châu Âu là mối đe dọa lớn nhất, và có thể làm cho kho hỏa tiễn của Nga trở nên lỗi thời.
 
Trong 10 năm tới đây, ông Putin dự kiến đặt mua 772 tỷ đô la thiết bị quân sự, trong đó có 400 hỏa tiễn liên lục địa, 2.300 chiến xa đời mới, 600 chiến đấu cơ, 8 tàu ngầm mang đầu đạn nguyên tử...
 
Câu hỏi hiện nay, như một số chuyên gia nêu lên là công nghệ quân sự Nga có khả năng đáp ứng đơn đặt hàng này hay không ? Không chắc !
 
Sau Nga, bài báo cho là nước có nỗ lực quân sự đáng kể thứ hai trên hành tinh là Trung Quốc.

 Các chuyên gia tạp chí quốc phòng Jane’s Defence đánh giá là ngân sách Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ đây đến năm 2015, để lên đến 238 tỷ đô la.

Trong năm 2012 này, chi phí quốc phòng Trung Quốc khoảng 120 tỷ đô la, cao hơn ngân sách quân sự của cả 8 thành viên hàng đầu của NATO họp lại, dĩ nhiên không kể đến Hoa Kỳ.

 Nhưng theo đánh giá của Nhật thì Trung Quốc không bao giờ nói thật về chi phí quốc phòng.Bài báo cũng nêu câu hỏi : Trung Quốc nhắm vào kẻ thù nào : dĩ nhiên là Hoa Kỳ.

Nhưng các nhà phân tích chính sách Trung Quốc vẫn cho rằng Bắc Kinh không có ý định vươn lên ngang tầm Hoa Kỳ về mặt quân sự mà mục tiêu là để bảo vệ vùng biển của họ, từ Hoàng Hải xuống Biển Đông. Cho nên mục tiêu chiến lược của họ là đẩy bật Hoa Kỳ ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương.
 
Hoa Kỳ, theo bài báo, dứt khoát không để bị lấn lướt, vẫn muốn mình là cường quốc quân sự áp đảo, và hiện nay họ tập trung đến 40% nỗ lực quân sự thế giới. Ngân sách của Hoa Kỳ năm 2011 là hơn 700 tỷ đô la, chỉ kém hơn một chút dự kiến của ông Putin từ đây đến năm 2022.
 
Le Monde còn nhắc lại là vì những lý do tài chính và chiến lược ông Obama đã giảm ngân sách quốc phòng. Hoa Kỳ không dấn thân ở nước ngoài lâu như trước đây, nhưng ông cũng chuyển hướng ưu tiên chiến lược, và muốn đối phó với mục tiêu của Trung Quốc.
 
Nhìn đến Châu Âu, tác giả bài viết nhìn thấy trong việc cắt giảm chi tiêu của Mỹ, Washington sẽ để lại trên lục địa này 30.000 lính thay vì 100.000 khi chiến tranh kết thúc.

Frachon nhận định một cách tiếc nuối là chính vào lúc này mà Châu Âu chọn con đường giải trừ vũ khí một cách ồ ạt, vì nghĩ rằng cuộc chạy đua vũ khí diễn ra chung quanh không liên can gì đến mình, kể cả khi Mỹ rút bớt quân hay những dấu hiệu bão tố ló dạng ở Cận Đông.
 
Trong phần kết luận, Frachon nhìn thấy ngoài Pháp và Anh, tất cả các quốc gia khác ở Châu Âu đều cắt xén ngân sách quốc phòng, giải thích là họ hiện đại hóa, hợp lý hóa quân đội của mình. Thế nhưng, lập luận kể trên không che giấu được thực tế là các quốc gia Châu Âu đang giải trừ vũ khí. Phải chăng là họ từ bỏ vai trò tác nhân của thế kỷ ?
 
Các nước châu Âu lợi dụng Mùa xuân Ả Rập để bán vũ khí
 
Cũng trên vấn đề vũ khí, Le Monde nhìn lại những diễn biến trong thế giới Ả Rập, nhận thấy : « Các Mùa Xuân Ả Rập, rất tốt cho việc bán vũ khí ».

Từ Đức, Anh, cho đến Ý và lẽ dĩ nhiên là Pháp, theo Le Monde, tất cả đang tìm cách chiếm thị phần ở Libya sau khi mà Liên Hiệp Quốc bãi bỏ một phần cấm vận vũ khí.
 
Nhưng không chỉ có Libya, các "Mùa xuân Ả Rập", theo Le Monde, gây lo ngại về an ninh trong vùng, khiến các quốc gia vùng Vịnh, Ả Rập Xê Út, Qatar... cũng tung tiền mua vũ khí của Hoa Kỳ và Châu Âu.
 
Syria : Nữ ký giả Pháp tại Homs kêu cứu
 
Về thời sự quốc tế, điểm sôi bỏng mà báo giới Pháp tiếp tục quan tâm là tình hình Syria, lên án các vụ pháo kích vào thành phố Homs.

Le Figaro đăng ảnh nữ phóng viên của mình bị thương ở Homs, chạy tựa bên trên bức ảnh : « Lời kêu cứu của Edith Bouvier ».

Le Figaro tố cáo các vụ pháo kích mù quáng, giết hại cả phụ nữ, trẻ em. Có người tự hỏi phải chăng Tổng thống Al Assad muốn san bằng thành phố này ?
 
Le Monde trong bài xã luận trang nhất lên án : Quy luật thảm sát ở Syria. Trọng pháo, chiến xa được sử dụng đối với dân cư một thành phố, làm ít nhất hơn 20 người chết mỗi ngày.
 
Le Monde tỏ vẻ gay gắt đối với Trung Quốc và Nga đã phá kế hoạch của Liên Đoàn Ả Rập, và theo Le Monde, không có hành động gì khác.

Hoa Kỳ và Châu Âu không biết xoay sở như thế nào, trong lúc ngày càng có nhiều tiếng nói cổ vũ cho việc trang bị vũ khí nặng cho phe đối lập, và như thế Syria sẽ lâm vào chiến tranh, một cuộc chiến có thể kéo dài và rất tàn bạo.
 
Trung Quốc giúp Châu Âu nhưng có điều kiện
 
Trong bối cảnh Châu Âu gặp khó khăn, Le Figaro có bài viết tựa đề "Trung Quốc đặt điều kiện để trợ giúp Châu Âu : Bãi bỏ điều tra về việc bán phá giá".
 
Theo Le Figaro, cho đến nay Trung Quốc vẫn mơ hồ về việc trợ giúp Châu Âu, trên vấn đề công nợ, nhưng bây giờ bắt đầu đặt điều kiện. Thứ Năm vừa qua, Bắc Kinh đã chỉ trích điều tra mà Liên Hiệp Châu Âu đang tiến hành, xem Trung Quốc có bán phá giá hay không.
 
Bộ Thương mại Trung Quốc cho là doanh nhân Trung Quốc "vô cùng bực tức", và cuộc điều tra của Châu Âu. Đó là một tín hiệu không tốt, tác hại đến nỗ lực Trung Quốc - Châu Âu để giải quyết khủng hoảng. Đối với Le Figaro, rõ ràng là Trung Quốc đang đặt điều kiện để trợ giúp.
 
Tờ báo nhắc lại một yêu cầu khác của Bắc Kinh là Châu Âu công nhận quy chế "kinh tế thị trường" của Trung Quốc. Le Figaro trích dẫn một chuyên gia Pháp Patrick Messerlin, tổ chức GEM (Nhóm Kinh tế Thế giới), xác định là khi một quốc gia không có quy chế "kinh tế thị trường", thì Châu Âu có thể áp đặt thuế chống phá giá rất cao mà không cần nhiều bằng chứng.
 
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc
 
Les Echos hôm nay nhìn thấy là tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại một cách thấy rõ, cho nên từ báo giới cho đến Ngân hàng Thế giới đều thúc giục Bắc Kinh thay đổi mô hình kinh tế của mình.
 
Les Echos nhận thấy không có ngày nào mà không có một đám mây đen trên bầu trời kinh tế Trung Quốc.

Đầu tháng Hai là tin không mấy tốt về ngoại thương, vài ngày trước đó thì Ngân hàng Trung ương đã hạ mức dự trữ mà các ngân hàng thương mại phải giao nộp, rồi đến sản xuất công nghiệp không lấy gì làm phấn khởi, và hôm qua thì được biết là tiền ký gởi tại các ngân hàng lớn đã giảm sụt... Các yếu tố này phơi bày dần những thách thức mà kinh tế Trung Quốc đặt ra với giới lãnh đạo.
 
Les Echos trích dẫn tờ Nhân dân Nhật báo, cho là chính quyền nên lắng nghe những lời chỉ trích, thực hiện cải cách cho dù không hoàn hảo, hơn là để bị khủng hoảng.

Tờ báo kinh tế Pháp dựa trên bản thăm dò của hãng tin Bloomberg, phần lớn các chuyên gia đều đánh giá Bắc Kinh sẽ đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2012 này là dưới 8%, cân bằng nền kinh tế mà hiện nay có mức đầu tư quá đà và dựa trên xuất khẩu.
 
Ngân hàng Thế giới cho là Trung Quốc phải thúc đẩy sức sáng tạo của công nghiệp, xem lại chu vi cũng như cách vận hành, quản lý của công nghiệp nhà nước, một gánh nặng quá lớn cho nền kinh tế Trung Quốc - điều hành tồi nhưng được tài trợ quá tải, phình quá to và bóp nghẹt lãnh vực tư.
 
Một cải cách khác mà Trung Quốc được khuyến khích thực hiện là cải cách hệ thống thuế, để các chính quyền địa phương không lệ thuộc vào thị trường địa ốc không lành mạnh.
 
Tóm lại, vừa cải cách kinh tế nhưng cũng phần nào vừa cải tổ về chính trị. Trong năm thay đổi lãnh đạo này, Les Echos nhận thấy là chính quyền Trung Quốc sẽ phải tỏ ra rất khéo léo để tiếp tục duy trì công cuộc phát triển.
 
Pháp : Nông nghiệp mất dần tư thế thống trị châu Âu
 
Về thời sự Pháp ngoài các cuộc vận động tranh cử tổng thống, mà cuộc triển lãm nông nghiệp chuẩn bị mở cửa vào ngày mai có khả năng biến thành đấu trường chính trị, báo giới Pháp nhân dịp này nhin lại tình trạng nông nghiệp Pháp, đang mất dần tư thế thống trị ở Châu Âu và bị các láng giềng từ Tây Ban Nha cho đến cả Đức và Hà Lan, cạnh tranh.
 
Nhìn về thu nhập và xuất khẩu nông phẩm, Le Figaro nhận thấy là nếu dựa trên số liệu năm ngoái 2011, mức thu nhập trung bình đã lên đến 30.200 euro.

So với năm đen tối 2009 - mà thu nhập trung bình chỉ khoảng 14.000 euro/năm – hay nhìn qua số liệu thặng dư xuất khẩu nông phẩm đạt kỷ lục : 11 tỷ euro, thì Pháp vẫn là cường quốc nông nghiệp hàng đầu của Châu Âu.
 
Thế nhưng vị thế này bị gậm nhấm dần. Nông dân không chỉ bị khổ vì cạnh tranh không bì kịp của láng giềng Tây Ban Nha ở phía Nam trong lãnh vực rau quả..., mà còn bị cả Đức - hiện đang dẫn đầu trong ngành trồng dâu tây hay măng tây – lấn lướt.
 
Theo Le Figaro, nông dân Pháp bị thiệt trong vấn đề nhân công còn đắt đỏ, trong khi mà Đức, có lợi thế là sử dụng nhân công từ Đông Âu, chi phí lao động rẻ hơn. Làm thế nào để có sức cạnh tranh sẽ là một chủ đề bàn thảo quan trọng nhân triển lãm mở cửa đón khách vào ngày mai.
 
Trang nhất các báo
 
Tuy thời sự Pháp nổi trội trên phần lớn các báo, nhưng các chủ đề khai thác khác biệt nhau.

 Le Figaro nhòm ngó đến những người Pháp đi ra nước ngoài vì thuế ở Pháp quá cao, và chạy tựa : « Thuế : Những người Pháp tự chọn lưu vong ».

Theo tờ báo mỗi năm có đến gần 1.200 người rời nước Pháp sang định cư ở các nước láng giềng Bỉ, Thụy Sĩ... và gần đền kỳ bầu cử tổng thống xu hướng này càng mạnh vì họ lo ngại phe tả thắng cử .
 
L’Humanité cũng chú ý đến vấn đề thu nhập, nhưng trên việc giới hạn lương cao.

Tờ báo có vẻ tán đồng điều này qua hàng tựa « Cứ trên 30.000 mỗi tháng thì lấy tất cả (phần dôi ra) ».

Libération, nhân giải điện ảnh César trao vào hôm nay, hoan nghênh ngành điện ảnh Pháp mà "Thành công đã được tuyên cáo", tựa nổi bật trang nhất.Le Monde dành tựa lớn cho giá địa ốc tại Pháp, dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới, và nêu câu hỏi trong hàng tít : « Phải chăng điạ ốc đang sống nhũng tháng điên cuồng cuối cùng ? »

Riêng báo kinh tế Les Echos và tờ La Croix nhìn rộng ra ngoài. La Croix chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống trong không khí rất căng thẳng ở Sénégal, Châu Phi.

Tuy nhiên trong hàng tít đậm thứ hai, nhân triển lãm nông nghiệp vào ngày mai tại Paris (Porte de Versailles), tờ báo tìm hiểu tình trạng nông nghiệp Pháp qua tựa đề : « Giấc mơ của các nhà nông trẻ ».
 
Tờ Les Echos thì nhìn ra Châu Âu « Đang tìm cách chống đỡ với nạn suy thoái ».

Theo tờ báo, chỉ có vùng đồng euro là vùng duy nhất trên thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2012.

Từ các nước đang trỗi dậy ở Châu Á (+ 7,7%) Trung Quốc (+ 8,2), cho đến Châu Mỹ La tinh (+ 3,6%), Nga (+3,3%)… tất cả đều có tăng trưởng. Ngay cả Hoa Kỳ hiện có nhiều khó khăn, nhưng cũng sẽ có tăng được 1,8%. Duy chỉ có vùng đồng Euro như theo dự báo của Ủy ban Châu Âu là bị trừ 0,3%.