Home Tin Tức Thời Sự Bộ Nội vụ Pháp hủy bỏ chỉ thị hạn chế sinh viên nước ngoài làm việc

Bộ Nội vụ Pháp hủy bỏ chỉ thị hạn chế sinh viên nước ngoài làm việc PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 31 Tháng 5 Năm 2012 11:26

Nước Pháp đứng hàng thứ bẩy trong số các quốc gia đón nhận sinh viên châu Á nhiều nhất

Getty Images

Đúng một năm sau ngày ban hành chỉ thị hạn chế việc tuyển dụng sinh viên nước ngoài làm việc tại Pháp, bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls đã khẳng định văn bản nói trên bị hủy bỏ trong ngày hôm nay, 31/05/2012 và một chỉ thị mới sẽ được công bố trong những trong ngày sắp tới.

Sáng nay, trả lời phỏng vấn của đài truyền hình BFMTV, người đứng đầu bộ Nội vụ Pháp cho biết, chỉ thị cũ – còn gọi là chỉ thị Guéant – tên của cựu bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant - « sẽ bị hủy bỏ trong những giờ sắp tới ». Quyết định này đòi hỏi có sự phối hợp làm việc giữa các bộ Nội vụ, Lao động và Giảng dạy đại học.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói rõ, sau các cuộc thảo luận, tham khảo ý kiến hiệu trưởng các trường đại học, các truờng đào tạo kỹ sư, « trường lớn », các hiệp hội…, sẽ có một chỉ thị mới thay thế cho chỉ thị Guéant và cho phép các sinh viên nước nước ngoài tránh được tình trạng bấp bênh, chỉ vài tháng trước khi bước vào năm học mới.

Vẫn theo ông Manuel Valls, việc tuyển dụng sinh viên nước ngoài làm việc là một cơ may cho các sinh viên và cũng là một cơ may cho nước Pháp.

Tối qua, ông Philippe Loup, chủ tịch tổ chức sinh viên FAGE, giải thích, một văn bản mới thay thế đang được soạn thảo và sẽ được công bố trong những ngày sắp tới, với mục đích hướng dẫn lãnh đạo cảnh sát các tỉnh theo hướng khai thác « những điểm tích cực » trong các chỉ thị cũ.

Phó chủ tịch Hiệp hội sinh viên Unef, Azwaw Djebara tỏ thái độ vui mừng: "Chúng tôi hoan nghênh quyết định này và đây là một cam kết mạnh mẽ".

Theo AFP, trong số những điểm tích cực, có việc cấm trục xuất sinh viên nước ngoài khi thẻ định cư tạm thời của họ hết hạn, các sở cảnh sát phải giảm thời gian xem xét các hồ sơ.

Việc hủy bỏ chỉ thị Guéant là một trong những cam kết của ứng viên tổng thống đảng Xã hội François Hollande.

Ngày 24/05, khi đến thăm trường đại học Paris - 13, ở Villtaneuse (vùng Seine Saint Denis), bộ trưởng phụ trách Giảng dạy đại học, bà Geneviève Fioraso, đã nhận định là chỉ thị Guéant "đã có tác động cựu kỳ xấu và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng ta trên thế giới".

Thế nhưng, theo giới lãnh đạo sinh viên, văn bản mới vẫn bị ảnh hưởng bởi đạo luật ngày 24/07/2006 về "nhập cư và hội nhập", cho phép thực hiện chính sách "nhập cư có chọn lọc" do cựu tổng thống Nicolas Sarkozy đưa ra.

 Đại diện hiệp hội Unef cho biết: "Có một cam kết cấp bộ: Trong trường hợp cánh tả giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp sắp tới, sẽ có việc sửa đổi đạo luật này trong khuôn khổ một chính sách nhập cư mới".

Ngày 26/01/2012, ứng viên đảng Xã hội Pháp François Hollande đã khẳng định rằng nếu ông được bầu làm tổng thống, hàng năm, tại Quốc hội, sẽ có một cuộc thảo luận cho phép xác định nội dung "nhập cư kinh tế" và việc đón tiếp sinh viên nước ngoài.

Trong bối cảnh chuẩn bị cho vận động tranh cử tổng thống, ngày 31/05/2011, bộ trưởng Nội vụ Pháp Claude Guéant đã ra một chỉ thị yêu cầu lãnh đạo cảnh sát các tỉnh xem xét chặt chẽ, gia tăng kiểm soát các hồ sơ xin giấy phép làm việc của sinh viên nước ngoài.

Sau khi chỉ thị Guéant được ban hành, hàng trăm sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Pháp, trong đó nhiều người có trình độ cao, đã không được phép chuyển đổi sang quy chế người lao động. Do vậy, các doanh nghiệp Pháp đã không thể tuyển dụng sinh viên nước ngoài và nhiều người trong số này rơi vào hoàn cảnh định cư bất hợp pháp.

41% số sinh viên nước ngoài tại Pháp làm tiến sĩ

Theo Campus France, cơ quan quảng bá hệ thống giảng dạy đại học và đào tạo nghề nghiệp Pháp ở nước ngoài, trong niên khóa 2010-2011, nước Pháp đã đón nhận 285 000 sinh viên ngoại quốc, chủ yếu từ Maroc và Trung Quốc sang. Trong số này, có 12 % là sinh viên và 41% làm luận án tiến sĩ.

Năm 2006, nước Pháp đứng hàng thứ ba trên thế giới trong số các quốc gia đón nhận sinh viên nước ngoài. Đến năm 2009, nước Pháp xuống hạng thứ tư.

Trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng 10/2011, trong năm 2009, số sinh viên Maroc sang Pháp học là đông nhất, chiếm 10,9%. Theo sau là sinh viên Trung Quốc, 9,5%, tiếp đó là Algeri, 7,7%, Tunisia 4,5%.

Đáng chú là trong giai đoạn 2005-2009, số sinh viên Maroc bị giảm hơn 9%, Algéri giảm 13,8%, trong khi đó, số sinh viên Trung Quốc lại tăng tới 65% và Tunisia 14,6%.

Nước Pháp đứng hàng thứ bẩy trong số các quốc gia đón nhận sinh viên châu Á nhiều nhất và tỷ lệ này tăng mạnh. Sinh viên Việt Nam chiếm 2,3% trong tổng số sinh viên nước ngoài ở Pháp, tăng 55,4% trong giai đoạn 2005 – 2009.

Trong niên khóa 2010 – 2011, có tới 77% số sinh viên nước ngoài vào Pháp, đã đăng ký học đại học, tăng 5% trong vòng 5 năm.

Từ năm 2006, số sinh viên nước ngoài theo học master (hai năm cuối của chương trình đại học 5 năm) tăng 10%, làm luận án tiến sĩ tăng 5%.

Phần đông các sinh viên ngoại quốc lựa chọn theo học Văn học – Ngôn ngữ - Khoa học Nhân văn và Xã hội trong các trường đại học Pháp, nhưng con số này lại tương đối ổn định trong các năm, khoảng 66 000 sinh viên. Số đăng ký học các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật tăng và ở mức 59 000 sinh viên.

Một nghiên cứu của Ban Tổng Thư ký phụ trách nhập cư được công bố tháng Giêng 2012 cho thấy, nước Pháp có tới 6,24 triệu sinh viên có bằng cấp rât cao (tốt nghiệp đại học master, tốt nghiệp các « trường lớn », tiến sĩ) trong số này có 710 000 sinh viên « nhập cư ». Dưới một góc độ khác, tỷ lệ người có bằng tốt nghiệp cao trong cộng đồng nhập cư, lớn hơn so với tỷ lệ chung trong toàn dân.

Tại Pháp, 41,3% số sinh viên làm luận án tiến sĩ là người nước ngoài. Đây là một tỷ lệ rất cao, tiêu biểu cho các nước có hệ thống giảng dạy đại học có chất lượng và rất hấp dẫn.

Theo điều tra của Ban Tổng Thư ký phụ trách nhập cư, trong tổng số sinh viên ngoại quốc vào Pháp năm 2002, cho đến nay, có khoảng 1/3 vẫn hiện diện ở nước này. Dường như họ định cư lâu dài tại Pháp, hoặc đã kết hôn, và khoảng 10% vẫn có thẻ định cư « sinh viên ».