Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 02 Tháng 6 Năm 2012 15:39

Khi người giàu Trung Quốc tuyển vợ

  Tuổi đời trong khoảng 18 và 28, chiều cao từ 1,65m đến 1,75m và ít nhất là phải có bằng cao đẳng, đó là các tiêu chuẩn để tuyển vợ do Câu lạc bộ các ông chủ doanh nghiệp độc thân của Trung Quốc đề ra. Đổi lại, quý cô nào được chọn sẽ được hưởng một căn hộ trị giá 3 triệu nhân dân tệ.

 

 

Sau thi hát truyền hình, nay Trung Quốc lại mở các cuộc tuyển vợ cho các chủ doanh nghiệp (Reuters / Michael Dalder)

 

Một cuộc thi hấp dẫn đã lôi cuốn hơn 2800 người tham gia.

Một hiện tượng xã hội đáng chú ý tại Trung Quốc, mà theo nhận định của báo Le Monde số ra hôm nay, đây chính là hệ quả của việc phá thai có chọn lựa : tỷ lệ giới tính tại Trung Quốc là 118 con trai trên số 100 bé gái được sinh ra.

Bài viết đề tựa « Ai muốn kết hôn với tỷ phú người Hoa ?».

 Brice Petroletti, thông tín viên của báo Le Monde cho biết tổng cộng số thành viên của Câu lạc bộ này là 11 người. Nhưng không ai được biết tên tuổi cũng như lãnh vực hoạt động của họ.

 Tại vòng sơ tuyển diễn ra vào ngày 20/5/2012 vừa qua tại một khách sạn sang trọng ở Quảng Đông, ban giám khảo đã chọn ra được 320 ứng viên trong tổng số 2800 người tham dự.

Theo Le Monde thể lệ để được tham gia vào Câu lạc bộ có một không hai này cũng rất đặc biệt : phải là người độc thân, ao ước có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc và… sở hữu một tài sản tương đương với mức 100 triệu nhân dân tệ (13 triệu euro).

Họ cũng phải có một « quan điểm vững chãi về trách nhiệm xã hội » và « một hình ảnh tốt trong công luận ». Và cuối cùng, phải đóng một khoản lệ phí là 200 ngàn nhân dân tệ/ năm (tương đương với 25 ngàn euro).

Về phần các ứng viên tham dự cuộc thi tuyển, ngoài các tiêu chí được nêu ra ở trên, chỉ số IQ (chỉ số thông minh) của các cô gái trẻ cũng được hội đồng bác học đánh giá cẩn thận.

Một chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ chuyên trách thẩm định sắc đẹp của các ứng viên là tự nhiên chứ không phải đẹp nhờ qua « các lưỡi kéo ».

Một chuyên gia tâm lý đảm bảo tư cách đạo đức của các cô ứng viên. Cuối cùng, một nhà chiêm tinh học xem xét các kết hợp hạnh phúc tùy theo năm sinh và nhóm máu của các cặp đôi tiềm tàng.

Vấn đề là các cô chẳng cần phải lên các kế hoạch gì thật cao siêu.

Những người giàu có này chỉ muốn tìm kiếm « một bà mẹ có phẩm hạnh cao cho thế hệ giàu có thứ hai » (vì các ông chồng tương lai này hiện thuộc thế hệ giàu có thứ nhất). Và họ cũng muốn tìm một « bà vợ biết quản lý cả một tài sản kếch sù ».

Các nhà tổ chức cho phóng viên báo Le Monde biết lần sơ tuyển kế tiếp sẽ diễn ra tại Thành Đô vào ngày mai chủ nhật 03/6/2012, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

 Vào vòng cuối cùng, 28 cô lọt vào vòng chung kết sẽ được gặp gỡ các chủ doanh nghiệp ưu tú nhân một buổi dạ tiệc hoành tráng tại Quảng Đông.

Người ta tự hỏi, ai – những người giàu mới hay các ứng viên, là kẻ đi săn và ai là con mồi : các cô gái trẻ ở đấy là để chiêu dụ các thành viên giàu có mới, hay hy vọng một đám cưới như mơ chỉ là một cái bẫy đẹp ?

Theo nhận định của một vị giáo sư đại học Quảng Đông : thứ nhất, những người giàu có một nhu cầu không thể nào kìm nén được là phải phô trương tài sản của họ. Thứ hai, rõ ràng họ vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong chính môi trường riêng của họ. Và cuối cùng, các nhà tổ chức sẽ kiếm được rất nhiều tiền trong kiểu hoạt động này.

Tác giả viết rằng tiền đang khiến cho người Trung Quốc phải xoay mòng mòng. Nó khiến cho tất cả mọi người phải điên lên vì họ luôn cảm thấy rằng chẳng bao giờ có đủ tiền. Có tiền là có tất cả, đó chính quyền ngoại lệ của họ.

Chính nỗi lo âu của những ông chủ độc thân giàu có đang làm dấy lên đủ kiểu kinh doanh và đào tạo để học cách quyến rũ. Hiện tượng này thể hiện cho thấy rõ nhiều điều bất cập trong sâu thẳm xã hội Trung Quốc ngày nay.

 Hầu hết các bậc cha mẹ vắt kiệt sức của mình để sao cho con trai của họ có được một bằng cấp, một căn hộ và chiếc xe ô-tô. Ba điều tối thiểu phải có để mà con của họ không là một kẻ khờ khạo ở bên cạnh các cô gái thành thị.

 Bài báo cho rằng đây cũng chính là hệ quả của nạn phá thai có lựa chọn khi mà tỷ lệ nam nữ tại Trung Quốc đang ở mức ngất ngưỡng 118 bé trai trên 100 bé gái được sinh ra.

Hồ sơ Syria : Pháp – Nga bất đồng ý kiến

Trên lãnh vực ngoại giao, chuyến công du của tổng thống Nga Vladimir Putin tại Pháp là chủ đề thời sự thế giới chính trên báo Le Figaro. « Syria : đối thoại căng thẳng giữa Hollande và Putin » là lời nhận định của tờ báo về buổi họp báo giữa hai vị nguyên thủ quốc gia.

Theo Le figaro, lần đầu tiên gặp nhau, nhưng hai vị tổng thống đã thể hiện rõ cho thấy sự đồng nhất quan điểm trong hợp tác song phương cũng như trong các hồ sơ quốc tế như Iran, Bắc Triều Tiên và nhất là về hệ thống chống tên lửa, một hồ sơ luôn gặp phải sự phản đối từ Matx-cơ-va.

 Tổng thống Nga tuyên bố : « nước Pháp là một trong những quốc gia hiếm hoi không những nghe mà còn hiểu nước Nga ».

Thế nhưng, khi đề cập đến hồ sơ Syria, « bầu không khí rõ ràng đã khác hẳn », theo như quan sát của Le Figaro. Ông Hollande, tổng thống Pháp kịch liệt lên án vụ thảm sát tại Houla.

 Ông cho rằng sự ra đi của Bachar el-Assad là giải pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng tại Syria.

 Theo tổng thống Pháp, « áp lực và các lệnh trừng phạt là rất cần thiết, và không thể nào thiếu được ».

Ngược lại, ông Putin đánh giá rằng áp dụng lệnh trừng phạt chưa hẳn mang lại tính hiệu quả cao.

 Tổng thống Nga khẳng định rằng « Nga không có lợi ích gì về kinh tế, quân sự với syria. Nga không ủng hộ ông Assad cũng như là phe đối lập. Nga chỉ muốn chấm dứt tình trạng bạo lực và đưa các bên vào bàn đàm phán ».

Để minh chứng cho lập luận của mình, ông Putin đã dẫn lại trường hợp của Lybia. Theo ông, nước Lybia chẳng mấy gì sung sướng, cũng chẳng có an ninh sau khi ông Kadhfi bị sát hại.

Dù có sự bất đồng chính kiến trên cách giải quyết khủng hoảng tại Syria, nhưng cả hai vị nguyên thủ cũng cùng ủng hộ các giải pháp do ông Annan đề ra và cùng gạt bỏ mọi ý định can thiệp bằng quân sự.

Liên quan đến việc Pháp tẩy chay không tham gia lễ khai mạc Cúp bóng đán châu Âu tại Ukraina, về điểm này tổng thống Nga tỏ rõ lập trường đối lập với Pháp khi tuyên bố chống lại sự « lẫn lộn giữa thể thao và chính trị ».

 Buổi họp báo đã trở nên khá căng thẳng hơn khi ông Putin nhận xét rằng quan hệ thương mại giữa Pháp – Nga còn quá yếu so với những gì mà Đức và Nga đạt được.

Đàm phán thất bại, sinh viên Québec lại xuống đường

Nhìn sang Bắc Mỹ, báo Le Monde và Libération cùng quan tâm đến cuộc biểu tình của sinh viên tại Québec. Cả hai tờ báo cùng nhận định rằng thất bại của cuộc đàm phán giữa chính phủ và sinh viên sẽ tiếp tục thúc đẩy làn sóng phản đối.

« Sinh viên Québec lại xuống đường biểu tình sau khi đàm phán thất bại » và « Mùa xuân lá phong hy vọng nở hoa vào mùa hè », tức là sẽ gặt hái được kết quả, là tựa đề các bài viết trên Le Monde và Libération.

Nếu như tờ thứ nhất nhận định cuộc đàm phán vừa qua giống như là « cuộc đối thoại giữa những người điếc với nhau hơn » thì tờ thứ hai trích lại lời kết luận của bà Bộ trưởng Giáo dục « bế tắc ».

Cả hai tờ báo cùng cho biết, mỗi bên khăng khăng giữ lấy chính kiến của mình. Phe sinh viên chỉ đưa ra đòi hỏi chính là dùng các biện pháp thuế để bù đắp lại việc tạm ngưng đóng học phí trong vòng ít nhất là hai năm.

Về phần mình, chính phủ kiên quyết muốn sinh viên phải đóng góp nhiều hơn nữa.

 Chính quyền Canada lập luận rằng mức học phí mới đề ra vẫn là mức thấp nhất trong khu vực Bắc Mỹ. Nhất là, chính phủ đồng ý chỉ tăng thêm 100 đô-la trong năm thứ nhất. Sau đó, mức tăng học phí sẽ được dàn trải đều trong 7 năm thay vì là năm năm với mức tăng tổng cộng là 1778 đô-la.

Bên cạnh đó, chính quyền sẽ tăng cường hệ thống cho vay và học bổng cho các sinh viên nào có mức thu nhập thấp.

Báo Le Monde và Libération đồng quan điểm cho rằng có sự « bế tắc về hệ tư tưởng » giữa hai bên.

 Sinh viên đòi hỏi tạm hoãn việc đóng học phí, thậm chí là miễn học phí ở các bậc đào tạo sau đại học tại Québec, cho phép đón nhận một số lượng lớn sinh viên đáng kể. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, chính quyền phe tự do liên tục tăng cường áp dụng nguyên tắc « người sử dụng phải trả tiền » qua việc tăng các mức học phí hơn là tăng thuế.

Theo nhận định của cả hai tờ báo, thất bại đàm phán đang làm cho bầu không khí xã hội tại Quebec thêm nặng nề.

Phe cầm quyền lo sợ cho đợt bầu cử sắp đến. Còn giới kinh doanh và các nhà tổ chức lễ hội không kém phần hồi hộp . Bởi vì, Montreal sẽ bắt đầu mùa du lịch lớn với việc tổ chức giải đua xe F1 vào hai ngày 9 và 10 tháng sáu sắp đến.