Home Tin Tức Thời Sự Nhu cầu huấn luyện kỹ thuật tại Mỹ gia tăng

Nhu cầu huấn luyện kỹ thuật tại Mỹ gia tăng PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 04 Tháng 6 Năm 2012 16:25

 “Nguồn cung ứng ở Trung Quốc xem ra lại còn tốn kém hơn khi tính toán trên giấy tờ”

 

 BOSTON, Massachusetts -Một thập niên trước đây, chuyển công việc chế tạo sang Trung Quốc được xem là phương sách tốt nhất để cắt giảm chi phí.

Thế nhưng ngày nay, các công ty sản xuất, từ máy điện toán đến phụ tùng xe hơi, đang dần dần quay trở lại Hoa Kỳ ngày một nhiều.

 MSNBC tường thuật lời của các kinh tế gia về lao động, rằng nước Mỹ cần đầu tư vào các chương trình đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật, nhờ vậy hằng triệu công nhân nhà máy đang thất nghiệp có thể được trang bị với kỹ năng có lợi cho khuynh hướng này.

 

Logo của công ty Apple tại một cửa hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Trước đây, chuyển công việc chế tạo sang Trung Quốc được xem là phương sách tốt nhất để cắt giảm chi phí. Thế nhưng ngày nay, các công ty sản xuất đang dần dần quay trở lại Hoa Kỳ ngày một nhiều. (Hình: Peter Parks/AFP/Getty Images)

 

Theo một thăm dò do Boston Consulting Group thực hiện đối với tổng giám đốc của 106 hãng chế tạo với số thương vụ từ $1 tỉ trở lên, 37% cho biết họ dự trù hoặc đang “tích cực xét đến” việc sản xuất ngay trong nước.

 Trong số những công ty với doanh thu cao hơn $10 tỉ, số phần trăm này vọt lên gần phân nửa. Dẫn đầu là các công ty chuyên làm sản phẩm về cao su và nhựa, máy móc kỹ nghệ, thiết bị điện tử và máy điện toán.

Các tổng giám đốc nêu ra nhiều yếu tố khiến họ đi đến quyết định này. Ðầu tiên là giá nhân công rẻ ở Trung Quốc, vốn rất hấp dẫn 10 năm trước đây, nay không còn nữa.

Ông Harold Sirkin, thuộc tổ chức BCG, nhận định: “Kể từ năm 2001, chi phí lao động ở Trung Quốc gia tăng ở mức 20% đến 50% mỗi năm.

Chúng tôi dự trù sẽ đâu đó trong khoảng $6 mỗi giờ vào năm 2015.” Tuy rằng vẫn còn thấp so với lương trung bình $26 mỗi giờ mà BCG tiên đoán người thợ sản xuất ở Mỹ kiếm được cũng vào năm 2015, ông Sirkin thêm rằng, sức sản xuất của người công nhân Mỹ ở trong khoảng 3.2 đến 3.4 lần cao hơn so với người thợ ở Trung Quốc.

 Ngoài ra, các nhà máy ở Mỹ có khuynh hướng tự động hóa nhiều hơn, điều này có nghĩa là robot làm nhiều phần việc thay cho người thợ.

Giá năng lượng tăng cao cũng đóng vai trò quan trọng.

 Giá dầu thô vọt từ khoảng $25 một thùng hồi đầu thế kỷ lên đến khoảng $100 ngày nay, khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ Á Châu về lại Mỹ tăng một cách đáng kể.

Ông Charles Bunch, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của PPG Industries, cho biết, chi phí năng lượng ở ngay chính Trung Quốc cũng cao hơn nhiều. Ông Bunch nói: “Giờ đây, Hoa Kỳ đang sắp sửa là đối thủ cạnh tranh mạnh trên toàn cầu về khía cạnh chi phí sản xuất.”

Ông Sirkin nói, các nhà sản xuất Hoa Kỳ còn phải lo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và kiểm soát chất lượng cho có hiệu năng tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Bảy mươi phần trăm được thăm dò đều đồng ý rằng “nguồn cung ứng ở Trung Quốc xem ra lại còn tốn kém hơn khi tính toán trên giấy tờ”.

Ðây có thể là một mối lợi cho hằng triệu công nhân nhà máy đang thất nghiệp ở Mỹ.

 Ông Jeff Strohl, giám đốc nghiên cứu thuộc trung tâm Center on Education and the Workforce ở trường Ðại Học Georgetown, nói: “Chúng ta có kỹ năng về ngành chế tạo và sẵn có một lượng công nhân khổng lồ đang thất nghiệp. Tôi thiết nghĩ chúng ta đang có sẵn một nguồn thợ khéo.”

Thách thức chính là làm sao để những công nhân này được đào tạo để hoạt động sản xuất và robot kỹ thuật cao có thể khiến cho việc sản xuất trong nước mang lại nguồn lợi.

Chương trình dạy kỹ năng nghề nghiệp và kỹ thuật ở các đại học cộng đồng, từng được Tổng Thống Barack Obama mời chào qua bài diễn văn liên bang.

Ông Strohl nói: “Giáo dục là đầu tư của chúng ta cho tương lai. Nếu chịu khó kiên nhẫn chờ đợi đến lúc đâm hoa kết trái, người ta sẽ hiểu được rằng, những ai đầu tư vào đó sẽ thu lợi vượt lên trên các phí tổn.” (T.P.)