Home Tin Tức Thời Sự Khủng hoảng tài chính châu Âu : Đến lượt Tây Ban Nha bị đe dọa

Khủng hoảng tài chính châu Âu : Đến lượt Tây Ban Nha bị đe dọa PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Ba, 05 Tháng 6 Năm 2012 12:56

 Giá nhà đất tại Tây Ban Nha tiếp tục đổ dốc với mức độ trung bình là từ 12 đến 14 % một năm

Trụ sở ngân hàng Tây Ban Nha tại Madrid .
REUTERS/Juan Medina

 

Cơn bão tài chính châu Âu từ Hy Lạp đang thổi tới sát gần Tây Ban Nha. Madrid là trọng tâm cuộc điện đàm của các bộ trưởng Tài chính nhóm G7 ngày 05/06/2012 vào lúc đồng euro so với đô la rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2010.

 Đâu là nguồn gốc khủng hoảng Tây Ban Nha ? Tại sao Madrid nhất quyết từ chối kế hoạch trợ giúp của quốc tế ? Liệu châu Âu có đủ sức cứu một nền kinh tế có trong lượng như Tây Ban Nha hay không ?

Nền kinh tế lớn thư tư trong khối euro, thứ 5 trong Liên Hiệp Châu Âu và thứ 8 trên toàn thế giới đang bị đe dọa

Điều gì sẽ xảy tới nếu như Tây Ban Nha mất khả năng thanh toán nợ hay rút lui khỏi eurozone ?

Cán cân thương mại và ngân sách nhà nước của chính quyền Madrid cùng đang bị thâm hụt nghiêm trọng. Khác hẳn với trường hợp của Nhật Bản cũng đang mang nợ chồng chất, nhưng nước Nhật luôn trong thế xuất siêu và Tokyo có thể trông chờ vào khoản tiết kiệm dồi dào của người dân xứ Hoa anh đào để tài trợ các khoản chi tiêu của nhà nước. Tây Ban Nha không có được hai lợi thế này.

Thông thường để giải quyết thâm hụt cán cân thương mại, một quốc gia có thể quyết định phá giá đồng tiền nhưng đối với một thành viên khu vực đồng euro như Tây Ban Nha thì đó là điều bất khả thi.

Ngành ngân hàng, lo ngại chính của Tây Ban Nha

Trong phiên giao dịch ngày 30/05/2012, chỉ số chứng khoán tại Madrid rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2003. Trước đó vài ngày 16 ngân hàng và 8 tỉnh thành Tây Ban Nha bị hạ điểm tín nhiệm.

Theo thẩm định của Viện Tài chính Quốc tế IIF được công bố hôm 21/05/2012, ngành ngân hàng Tây Ban Nha trong tài khóa 2012-2013 sẽ bị thua lỗ 260 tỷ euro và cần được rót thêm đến 60 tỷ vốn tránh để bị vỡ nợ.

Hơn 8 % các khoản tín dụng ngân hàng Tây Ban Nha đã cấp bị coi là nợ xấu. Đây là mức kỷ lục. Đáng lo ngại hơn là có tới 60 % nợ khó đòi đang chôn trong khu vực địa ốc Tây Ban Nha. Hiện tại các ngân hàng nước này đang ngồi trên một núi nợ 184 tỷ euro để tài trợ cho ngành xây dựng.

Kể từ đầu khủng hoảng địa ốc 2008 tới nay, Madrid đã phải ra tay cứu vãn 8 ngân hàng khỏi bị phá sản.

 Gần đây nhất, nội các Rajoy đã bơm hơn 23 tỷ chỉ để cứu Bankia, ngân hàng lớn thứ 4 trên toàn quốc và kiểm soát đến 10 % các hoạt động tài chính quốc gia.

 Đau đầu hơn cả là Tây Ban Nha đang phải đi vay của quốc tế với lãi suất 10 năm hơn 6,5 % để bơm tiền cho các ngân hàng.

Trong khi đó, hiện tại chính phủ Đức được phép vay tín dụng với lãi suất là 1,5 %.

Khác biệt về lãi suất giữa Đức với Tây Ban Nha như vậy là 5 điểm. Khoảng cách « spread » ở mức 5 điểm là tín hiệu đầu tiên báo trước cơn giông tố như những gì đã từng xảy tới với Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha khi chính quyền các nước này cầu cứu Bruxelles và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hỗ trợ.

Một dấu hiệu khác cho thấy lo ngại đang tập trung vào ngành ngân hàng Tây Ban Nha đó là trong tháng 4/2012 các nhà đầu từ đã chuyển hơn 66 tỷ euro ủy thác trong các chương mục ra nước ngoài.

Theo Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha thì đây là một kỷ lục chưa từng thấy kể từ khi thống kê tài chính này được sử dụng vào năm 1990.

Chỉ mới năm ngoái, trung bình mỗi tháng ngành ngân hàng Tây Ban Nha nhận thêm hơn 5 tỷ euro từ các nhà đầu tư ngoại quốc.

Bài toán nan giải đang đặt ra với Madrid là : khi ngành ngân hàng gặp khó khăn thì chính phủ phải can thiệp bằng cách bơm thêm vốn cho ngân hàng. Điều đó có nghĩa là nợ công Tây Ban Nha trong tương lai không xa sẽ tăng thêm nữa và bản thân Tây Ban Nha sẽ bị hạ điểm tín nhiệm, tức là sẽ lại càng khó huy động vốn và sẽ phải trả lãi suất với giá còn cao hơn so với hiện nay. Trong lúc tăng trưởng kinh tế thì vẫn « biệt tăm »

Nói cách khác, Tây Ban Nha tương tự như Hy Lạp hay AI Len, Bồ Đào Nha trước đây đang bị dồn vào chân tường.

Vấn đề đặt ra là quốc gia này có trọng lượng kinh tế tương đương với 12 % GDP của toàn khối euro.

Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha cộng lại mới chỉ tạo ra có 6 % tổng sản phẩm của toàn khối.

 Điều này giải thích vì sao, Bruxelles đã ngỏ ý muốn giúp Madrid tìm ra một ngõ thoát. Nhưng trái với chờ đợi, chính quyền của thủ tướng Rajoy đã khước từ nhã ý của Ủy ban châu Âu.?

Tây Ban Nha muốn tránh bị bó tay

Không ai phủ nhận nhu cầu huy động rất nhiều vốn của các ngân hàng Tây Ban Nha nhưng châu Âu đề nghị những gì và tại sao Madrid lại từ chối bàn tay mà Bruxelles đã chìa ra ?

 Để trả lời câu hỏi này, bà Isabelle Enos, phó giám đốc cơ quan tài chính B Capital, một chi nhánh của ngân hàng BNP Parisbas phân tích :

« Sự hỗ trợ của châu Âu sẽ rất có lợi cho Tây Ban Nha.

Tuy nhiên chính quyền Madrid đã chứng minh với cộng đồng quốc tế là quốc gia này đã có nhiều nỗ lực nhiều để cải tổ và lành mạnh hóa tài chính công cộng. Tây Ban Nha cũng phải cải tổ lại hệ thống ngân hàng sau khủng hoảng về địa ốc bởi vì những khó khăn trong ngành bất động sản đã tác động dây chuyền đến ngành ngân hàng.

 Theo tôi, chính phủ Tây Ban Nha muốn chủ động trong tiến trình cải tổ. Nếu như Madrid phải ngửa tay vay tiền của châu Âu hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì các định chế này sẽ đòi hỏi Tây Ban Nha phải cải cách một cách triệt để hơn. Điều đó có nghĩa là sẽ gây khó khăn hơn cho ngành ngân hàng, cho tư nhân và cho bản thân chính quyền của thủ tướng Rajoy nữa.

Đương nhiên cộng đồng quốc tế khi chấp thuận hỗ trợ tài chính cho một quốc gia thì luôn đòi hỏi ở quốc gia đó một số những bảo đảm.

 Có nhiều khả năng là hiện tại Tây Ban Nha muốn tự giải quyết khủng hoảng nhưng cũng có thể là về lâu về dài, Madrid sẽ phải hướng tới các định chế châu Âu hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bởi vì nhu cầu huy động vốn cho ngân hàng Tây Ban Nha rất lớn. Nhưng đó là chuyện sau này ».

Trước đây, các kế hoạch cứu nguy Ai Len, Bồ Đào Nha và Hy Lạp theo thứ tự đã lên tới 85 tỷ euro, 78 và 292 tỷ euro.

Trong khi, đó chỉ là ba nước nhỏ của khu vực đồng euro. Vậy nếu phải cứu nguy Tây Ban Nha thì gói hỗ trợ sẽ phải lớn hơn rất nhiều.

Bruxelles và IMF sẽ phải huy động bao nhiêu để cứu nổi người khổng lồ Tây Ban Nha ?

Khi biết rằng để huy động được 85 tỷ cho Ai Len hay 292 tỷ cho Hy Lạp các bên đã mất nhiều tháng để thương lượng và thuyết phục các thành phần trong đại gia đình châu Âu.

Cho tới nay, các thành viên còn lại của khối euro còn bất đồng về các khoản đống góp cho Quỹ Bình Ổn Tài Chính Châu Âu -cũng như của Cơ Chế Bình Ổn Châu Âu sau này- về việc phải chia sẻ gánh nặng để cứu những mắt xích yếu kém nhất trong dây chuyền euro.

Thêm một yếu tố thứ nhì khiến Madrid từ chối « lòng tốt » của Bruxelles và IMF vì thực tế cho thấy bản thân Tây Ban Nha có khả năng bơm tiền, tiếp sức cho khu vực ngân hàng. Bởi lẽ tỷ lệ nợ công so với GDP của Tây Ban Nha là 68 % vào cuối 2011, (74 % GDP vào cuối 2012) và thấp hơn nhiều so với nhiều thành viên khác trong khối euro, kể cả so với Pháp và Đức (tỷ lệ nợ công của Đức hiện nay là hơn 81 % GDP). Điều đó có nghĩa là Madrid hoàn toàn có thể vay thêm nợ để tiếp sức cho ngành ngân hàn.

Tại thượng đỉnh G8 ở Washington tân tổng thống Pháp, François Hollande cũng đã nêu lên kịch bản huy động quốc tế hỗ trợ tài chính Tây Ban Nha.

 Nhưng thủ tướng Rajoy đã từ chối hướng tới giải pháp này.

 Ngày 30/05/2012 Ủy viên châu Âu đặc trách về kinh tế lần đầu tiên nêu ra khả năng Bruxelles hỗ trợ Madrid để cứu nguy hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha và một lần nữa Madrid đã gạt bỏ nhã ý của Bruxelles.

Cụ thể hơn Ủy ban châu Âu đề nghị 2 giải pháp : một là gia hạn thêm 1 năm cho Tây Ban Nha để hoàn thành mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống còn 3 % GDP. Giải pháp thứ nhì là thành lập một liên minh ngân hàng trong số 17 nước sử dụng đồng euro để các ngân hàng có thể hỗ trợ lẫn cho nhau.

Theo quan điểm của châu Âu đây là giải pháp « tốt nhất » vì sẽ không gây thêm gánh nặng cho ngành tài chính công cộng của Tây Ban Nha.

Đề xuất của Bruxelles còn phải được Berlin chấp thuận. Đến nay thủ tướng Merkel luôn phản đối việc Đức phải chia sẻ gánh nặng với các nước đang gặp khó khăn.

Tây Ban Nha liệu có thể đơn phương thoát khỏi khủng hoảng hay không ? Một số nhà phân tích cho là không bởi vi để cứu ngành ngân hàng cũng như một số các tỉnh, các vùng đang bị đe dọa vỡ nợ, chính quyền trung ương sẽ phải bơm thêm khoảng từ 75 đến 90 tỷ euro cho các định chế này.

 Đây là một khoản tiền tương đương với 8 % GDP toàn quốc. Vào lúc tăng trưởng đang ở số âm, huy động được từ 75 đến 90 tỷ euro không phải là chuyện dễ.

Bài học của Hy Lạp và Bồ Đào Nha cho thấy là càng « chần chừ » trước khi đi đến phòng bệnh thì căn bệnh lại càng ăn sâu. Sự chậm trễ tìm thuốc điều trị chưa hẳn là thượng sách.

Nguồn gốc khủng hoảng

Nhưng câu hỏi kế tiếp là làm thế nào một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng nhất trong khối euro là Tây Ban Nha lại lâm vào tình trạng đen tối như hiện nay ?

 Có lẽ tất cả bắt nguồn từ chỗ kinh tế nước này tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực : nhà đất

Trong giai đoạn đầu những năm 2000, Tây Ban Nha từng được coi là một trong những quốc gia trong khu vực đồng euro có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vững chắc nhất ở mức độ trung bình từ 3 đến 4 % mỗi năm.

Thành tích đó có được chủ yếu nhờ vào khu vực địa ốc. Mọi nguời còn nhớ rằng, ở vào giai đoạn cực thịnh, Tây Ban Nha xây nhà tương đương với khối lượng của cả 2 nước Pháp và Đức cộng lại cho dù dân số Tây Ban Nha chỉ bằng 1/3 so với hai quốc gia này.

Nhưng núi có cao cũng không thể chọc đến trời. Quả bóng địa ốc Tây Ban Nha được thổi phồng lên mãi thì cũng có ngày bị vỡ.

Hậu quả là hiện có khoảng một triệu căn hộ chưa có người mua.

Ngân sách nhà nước Tây Ban Nha thặng dư trong giai đoạn 2005 – 2007, và nhờ thế mà Tây Ban Nha được coi là thành viên khối euro có tỷ lệ nợ công thấp kỷ lục (40 % GDP)

Vấn đề kế tiếp là khủng hoảng địa ốc Tây Ban Nha kéo theo hệ thống ngân hàng nước này vào vòng luẩn quẩn : Với đồng tiền chung châu Âu, Madrid đã có thể đi vay tín dụng với lãi suất thấp hơn so với trường hợp Tây Ban Nha phải đem uy tín của chính mình để thuyết phục các chủ nợ.

Nhờ hiện tượng « tiền rẻ », ngành địa ốc nước này lại càng được thổi phồng lên cho đến lúc đã quá xa rời thực tế.

Hiện tượng bong bóng địa ốc và lãi suất thấp đã khiến các ngân hàng Tây Ban Nha bất cẩn khi cấp tín dụng cho tư nhân.

 Để đến ngày nay, theo thẩm định của nhiều tập đoàn tài chính, nợ khó đòi của Tây Ban Nha ước tính lên tới từ 150 cho đến 200 tỷ euro và nguy hiểm hơn cả là chỉ có khoảng 25 % số nợ khó đòi của ngân hàng được « bảo đảm ». Nghĩa là trong trường hợp các ngân hàng Tây Ban Nha không đòi được nợ, thì các chủ nợ của ngân hàng Tây Ban Nha sẽ trắng tay.

Hiện tại giá nhà đất tại Tây Ban Nha tiếp tục đổ dốc với mức độ trung bình là từ 12 đến 14 % một năm.

 Hậu quả là những người đi vay lãi ngân hàng để mua nhà nay đang trông thấy tài sản của họ bị thu hẹp lại và thậm chí là trị giá căn nhà đã mua còn thấp hơn so với khoản nợ mà họ đã phải đi vay để có được căn hộ đó.

Tương tự như khủng hoảng subprime ở Hoa Kỳ năm 2007-2008 mối lo ngại lớn nhất đối với các ngân hàng Tây Ban Nha là liệu họ phải làm gì với khoản nợ khó đòi 200 tỷ euro nếu như tư nhân không có khả năng thanh toán ?

Khi hoạt động địa ốc sụp đổ cả nền kinh tế Tây Ban Nha bị đổ theo : tỷ lệ thất nghiệp đang từ 8 % năm 2007 nhảy vọt lên thành gần 25 % ngày nay.

 Gần như một nửa thanh niêm dưới 26 tuổi không có việc làm. Tổng sản phẩm nội địa Tây Ban Nha năm nay thấp hơn đến 5% so với thời điểm 2008.

Tỷ lệ nợ công so với GDP đang từ 40 % năm 2007 được đẩy lên tới 74 % vào cuối năm nay. Cán cân chi thu nhà nước đang từ thế thặng dư nay bị thâm hụt tới 8 % GDP.

Để khắc phục những khó khăn nội bộ Madrid đã tìm cho mình một hướng đi : cắt giảm chi tiêu công cộng tối đa với hy vọng lấy lại uy tín với các chủ nợ và như vậy Tây Ban Nha sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất thấp để dồn nỗ lực vào đầu tư, qua đó quay lại với tăng trưởng.

Mặt khác, các chính quyền liên tiếp đã không ngừng cởi trói cho thị trường lao động để giải quyết thất nghiệp. Lương tối thiểu tại Tây Ban Nha là 640 euro/ tháng, chỉ bằng phân nửa so với ở Pháp.

Trên cả hai điểm này, Madrid đã đi theo con đường được Berlin vạch ra.

Hiềm nỗi, cả hai giải pháp đó cùng không giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu.

Sức mua của người dân cũng không tăng vì lương nhân công giảm đã kéo sức mua của các hộ gia đình đi xuống. Hậu quả trực tiếp là GDP của Tây Ban Nha sút giảm, trong lúc số người thất nghiệp thì liên tục tăng lên. Kèm theo đó là căng thẳng về phương diện xã hội.

Trong toản cảnh nói trên khó có thể tin là Tây Ban Nha sẽ thoát khỏi cơn bão tài chính đang tung hoành tại châu Âu.