Home Tin Tức Thời Sự G7 bàn giải pháp cho khủng hoảng nợ và tình hình tài chính Tây Ban Nha

G7 bàn giải pháp cho khủng hoảng nợ và tình hình tài chính Tây Ban Nha PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Ba, 05 Tháng 6 Năm 2012 13:11

Trung tâm của mọi quan ngại là các ngân hàng Tây Ban Nha

 

Tình hình tài chính ảm đạm của Tây Ban Nha đang thực sự là mối quan ngại lớn của nhóm nước công nghiệp phát triển G7 .
REUTERS/Paul Hanna

Hôm nay 05/06/2012 các cường quốc G7 bàn thảo về tình hình khu vực đồng euro, nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và những khó khăn của khu vực ngân hàng Tây Ban Nha, dưới áp lực của Hoa Kỳ và Canada.

Các Bộ trưởng Tài chính và giám đốc các ngân hàng trung ương của bảy nước công nghiệp phát triển (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, Anh và Ý) sẽ hội đàm qua điện thoại vào 11 giờ quốc tế hôm nay.

 Nhiều nước ngần ngại khi nói về mục đích của cuộc hội nghị mà chưa chắc sẽ ra được một tuyên bố chung.

 Riêng Bộ trưởng Canada Jim Flaherty hôm qua cho biết, đó là về “các quan ngại thực sự” hiện nay : Châu Âu và sự yếu kém của một số ngân hàng.

Đại diện Canada cho là khu vực đồng euro đã không phản ứng thích đáng trước việc các ngân hàng thiếu vốn, không xây dựng được công cụ đối phó thích hợp.

 Hoa Kỳ, chủ tịch G7 năm nay kêu gọi các nước châu Âu cần có thêm những biện pháp khác, vì thị trường vẫn tỏ ra ngờ vực.

 Một người có trách nhiệm của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng châu Âu sẽ hành động nhanh chóng trong những tuần lễ tới”, đặc biệt là để “củng cố hệ thống ngân hàng châu Âu”.

Trung tâm của mọi quan ngại là các ngân hàng Tây Ban Nha, mà các nước châu Âu vẫn còn bất đồng về giải pháp. Các ngân hàng này cần một đợt tái cấp vốn quan trọng – theo tờ Der Spiegel của Đức, là từ 50 đến 90 tỉ euro.

 Nhiều tờ báo Đức cho biết, Berlin muốn Madrid cầu viện đến quỹ cứu trợ tài chính khu vực đồng euro. Tuy nhiên chính phủ Tây Ban Nha không muốn có sự hỗ trợ của quốc tế. Madrid sợ rằng sẽ phải thương lượng về chính sách khắc khổ với châu Âu, thậm chí với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Ông Mariano Rajoy, người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha hy vọng sẽ được quỹ cứu trợ châu Âu linh động tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng đang gặp khó khăn, mà không bị các định chế quốc tế kiểm soát chặt chẽ như trường hợp Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ai-len.

Kế hoạch này được Ủy ban châu Âu và nhiều nước ủng hộ, trong đó có Pháp, tuy nhiên vấp phải sự chống đối của Đức.