Tây Ban Nha có thể phải nhờ châu Âu giúp |
Tác Giả: Thanh Phương |
Thứ Năm, 07 Tháng 6 Năm 2012 10:55 |
Giải pháp có thể sẽ là xin một khoản trợ giúp như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã làm
Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, Madrid, 06/06/2012
Bị các thị trường tài chính « cấm cửa », Tây Ban Nha rất có thể sẽ phải nhờ đến sự trợ giúp của châu Âu, mà trước tiên là bơm vốn vào các ngân hàng của nước này, hiện đang trong tình trạng cực kỳ khó khăn. Kể từ khi Bankia, ngân hàng lớn thứ ba của Tây Ban Nha, yêu cầu Nhà nước trợ giúp số tiền kỷ lục 23,5 tỷ euro, nước này đã gây lo ngại rất nhiều cho các thị trường. Các nhà đầu tư sợ rằng, Tây Ban Nha không thể tự mình đáp ứng các nghĩa vụ tài chính và sẽ phải nhờ sự giúp đỡ bên ngoài. Nhưng cho tới nay, chính phủ Madrid vẫn không muốn Tây Ban Nha được cứu trợ như các nước Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha. Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Ngân sách Cristobal Montoro còn tuyên bố rằng, là một quốc gia lớn như vậy, Tây Ban Nha không cần được trợ giúp. Thật sự Tây Ban Nha đúng là nền kinh tế đứng hàng thứ tư trong khu vực đồng euro, chiếm 12% tổng sản phẩm nội địa GDP của toàn bộ khu vực, trong khi ba nước Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, cộng lại chiếm chưa tới 6%. Nhưng kế hoạch cứu trợ ba nước này đã tốn kém lần lượt là 85 tỷ euro, 78 tỷ euro và 292 tỷ euro. Như vậy, một kế hoạch cứu trợ cho Tây Ban Nha sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Hôm thứ ba vừa qua, cuối cùng, Tây Ban Nha đã cầu cứu châu Âu, yêu cầu hỗ trợ thông qua một cơ chế tái cấp vốn cho các ngân hàng của nước này, do hiện nay các thị trường tài chính không chịu cho vay tiền nữa, đặt nước này vào tình thế cực kỳ khó khăn. Giải pháp có thể sẽ là xin một khoản trợ giúp như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã làm, nhưng chính phủ Madrid hiện không muốn giải pháp này, vì sợ sẽ bị quốc tế áp đặt một chương trình thắt lưng buộc bụng mới, trong khi nước này đang phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện mục tiêu cắt giảm thâm thủng ngân sách vào năm tới. Nước Đức muốn đẩy Tây Ban Nha đi theo hướng này, nhưng những đối tác châu Âu khác như Pháp và Uỷ ban châu Âu thì đề nghị tái cấp vốn cho các ngân hàng Tây Ban Nha thông qua các quỹ hỗ trợ của khu vực đồng euro. Nhưng muốn làm như thế thì phải có sự nhất trí của toàn bộ 17 thành viên vùng euro, trong khi Đức dứt khoát chống giải pháp này, với lý do là các quỹ của khu vực euro chỉ được dùng để trợ giúp các định chế công, chứ không phải để hỗ trợ các ngân hàng tư. Để thoát khỏi bế tắc đó, một phương án trung dung đang được nghiên cứu nhằm trợ giúp Tây Ban Nha, nếu nước này yêu cầu, đó là chuyển trực tiếp nguồn tín dụng từ các quỹ hỗ trợ của châu Âu cho Quỹ Tây Ban Nha hỗ trợ khu vực ngân hàng. Giải pháp này cũng có lợi điểm là nó chứng tỏ khủng hoảng của Tây Ban Nha chỉ là khủng hoảng ngân hàng, chứ không phải khủng hoảng nợ công giống như Hy Lạp. Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Luis De Guindos tuyên bố là trong vòng 15 ngày tới, Tây Ban Nha sẽ ra quyết định về việc tái cấp vốn cho các ngân hàng và qua đó sẽ quyết định có cần đến sự trợ giúp của quốc tế hay không. Hiện giờ chưa ai biết là Tây Ban Nha phải cần bao nhiêu tiền để vực dậy các ngân hàng của nước này, vì còn phải chờ báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế ngày 11/6 tới và kết quả kiểm toán về các ngân hàng nói trên.
|