Home Tin Tức Thời Sự Bắc Kinh khó chịu vì bang giao Việt-Mỹ

Bắc Kinh khó chịu vì bang giao Việt-Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 07 Tháng 6 Năm 2012 11:05

'' Việt Nam do đảng Cộng Sản cai trị nên bị Mỹ coi là không phải một nước dân chủ''

BẮC KINH (NV) - Bắc Kinh khó chịu về các diễn tiến trong mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam và các nước khác trong khu vực.

 

Bộ trưởng quốc phòng CSVN bắt tay Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Anetta khi ông này tới Hà Nội hôm Thứ Hai 4 tháng 6, 2012. (Hình: AP Photo/Jim Watson, Pool)

 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo, thuật lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bình phẩm rằng việc Hoa Thịnh Ðốn thúc đẩy tăng cường lực lượng quân sự cũng như tăng cường liên minh ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương thời điểm này là “không đúng lúc” và kêu gọi Mỹ phải tôn trọng quyền lợi của các nước trong khu vực trong đó có cả Trung Quốc.

“Cố tình nêu bật chương trình an ninh quân sự, chuyển quân và tăng cường liên minh quân sự ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương (của Hoa Kỳ lúc này) là không đúng lúc.” Lưu Vi Dân, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh phát biểu như vậy trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai 4 tháng 6, 2012 khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đến Hà Nội.

Trước khi đến Việt Nam, ông Panetta loan báo trên Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực tổ chức hàng năm tại khách sạn Shangri-La ở Singapore là Hoa Kỳ chuyển 60% chiến hạm sang khu vực Á Châu Thái Bình Dương từ nay đến năm 2020 so với tỉ lệ 50/50 hiện nay.

Theo Lưu Vi Dân, hiện Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có phần lớn các “quyền lợi chồng lấn lên nhau” ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Bởi vậy, Bắc Kinh hy vọng “Mỹ sẽ đóng vai trò xây dựng ở khu vực và tôn trọng quyền lợi và các quan ngại của các nước cũng như của Trung Quốc, Tân Hoa Xã tường thuật.

Một trong những chỉ dấu làm Bắc Kinh khó chịu được nêu ra trong bản tin của Hoàn Cầu Thời Báo là sự tiến gần nhau hơn trong mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai kẻ cựu thù Việt Nam và Mỹ.

“Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh loan báo hôm Thứ Hai rằng Việt Nam sẽ cho mở 3 khu vực trước đây không cho phép tới tìm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, sau khi thảo luận với Bộ Trưởng Panetta.”

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo kể. “Ông Thanh nói Việt Nam muốn mua võ khí Hoa Kỳ và hy vọng Hoa Thịnh Ðốn gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương hiện đang bị trở ngại vì các quan ngại (VN) vi phạm nhân quyền.”

Trước khi đến Hà Nội, ông Panetta là vị quan chức cao cấp nhất của Mỹ đã đến Cam Ranh kể từ khi chiến tranh chấm dứt, nơi từng đặt Bộ Chỉ Huy quân đội Mỹ trong thời chiến. Tờ báo này viết lại là ông Panetta nhìn thấy “tiềm năng lớn lao” để phát triển quan hệ quân sự với kẻ cựu thù.

Hoàn Cầu Thời Báo đưa Trương Quốc Tổ, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở đại học Gia Môn, bình luận rằng “Gia tăng áp lực trong các tranh chấp biển Ðông đã đẩy Hà Nội tiến gần hơn về phía Hoa Thịnh Ðốn”. Nhưng ông này thêm rằng “Hiện còn quá sớm để tuyên bố Việt Nam có thể là đồng minh chắc chắn của Mỹ tại khu vực hay không vì mối nghi ngờ sâu sắc giữa hai bên”.

Trương Quốc Tổ nói với tờ báo này rằng “Việt Nam ngày càng âu lo về thái độ ngày càng lấn tới của Bắc Kinh trong việc khẳng định chủ quyền ở biển Ðông”.

Ðồng thời, các trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng kém hấp dẫn so với hoạt động này giữa Việt Nam và Mỹ.

Tổ cho rằng Việt Nam mưu toan lôi kéo viện trợ kinh tế của Mỹ xuyên qua mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn.

“Tuy nhiên, ý thức hệ giữa Việt Nam và Mỹ hoàn toàn khác nhau. Ðiều này không thể bãi bỏ hoặc giải quyết trong một thời gian ngắn.” Tổ nói.

Tương tự như vậy, Chu Hạo, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu Thái Bình Dương tại Ðại Học Ngoại Giao Bắc Kinh được tờ báo nói trên thuật lời nhận định cũng cho là Việt Nam do đảng Cộng Sản cai trị nên bị Mỹ coi là không phải một nước dân chủ.

Không những vậy “Việt Nam vẫn còn nghi Mỹ có thể khuyến khích cuộc nổi dây Mùa Xuân ở Ðông Nam Á tương tự như các cuộc nổi dậy Mùa Xuân ở các nước độc tài Bắc Phi”, lời Chu Hạo nói với tờ báo.

Ông này cho hay thêm rằng mục đích của Việt Nam là muốn trở thành “trụ cột” của khối ASEAN, một điều mà các nước ASEAN khác như Phi Luật Tân, Mã Lai và Thái Lan đang cảnh giác.

Liệu Mỹ có hậu thuẫn cho Việt Nam trong tham vọng này hay không hoặc các nước ASEAN khác có ủng hộ hay không cho một nước Việt Nam hùng mạnh “sẽ chỉ được trả lời qua thời gian”. (T.N.)