Đà Nẵng diễn tập đánh trả 'tàu lạ' cứu ngư dân |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Sáu, 08 Tháng 6 Năm 2012 10:43 |
Chuyện “đánh trả” hiếm hoi này chỉ là một cuộc “diễn tập” của đơn vị Biên Phòng ÐÀ NẴNG (NV) -Lần đầu tiên, người ta thấy có chuyện “đánh trả tàu lạ” xảy ra tại Việt Nam trong khi suốt nhiều năm qua tàu đánh cá của Việt Nam bị “tàu lạ” đâm chìm hay bắt về đảo Phú Lâm đòi tiền chuộc.
“Lãnh đạo Bộ Tư Lệnh BÐBP kiểm tra tình hình ngư dân sau khi được cấp cứu” trong buổi “diễn tập.” (Hình Infonet.vn)
Tuy nhiên, chuyện “đánh trả” hiếm hoi này chỉ là một cuộc “diễn tập” của đơn vị Biên Phòng đặt tại Ðà Nẵng chỉ thấy duy nhất có báo infonet.vn của Bộ Thông Tin và Truyền Thông (thường được gọi là Bộ 4T) đưa tin. Các báo chính thống khác, đặc biệt là tờ Quân Ðội Nhân Dân hay ngay cả tờ Biên Phòng (báo tuyên truyền của “Cơ quan của đảng ủy và Bộ Tư Lệnh Bộ Ðội Biên Phòng) cũng không có một chữ. Theo sự tường thuật của infonet.vn thì “Chiều 7 tháng 6, trên vùng biển Ðà Nẵng xuất hiện 'tàu lạ' tấn công đánh chìm tàu ngư dân. Ngay lập tức Bộ Ðội Biên Phòng Ðà Nẵng đã triển khai tác chiến, kiên quyết đánh trả, bắn chìm tàu lạ, ứng cứu ngư dân.” Thực tế không hề thấy có đã đành, sự diễn tập “đánh trả” này cũng có thể kể là một chuyện nhậy cảm hiếm có đụng chạm tới mối quan hệ giữa Việt Nam và nước có “tàu lạ.” Infonet.vn kể: “Theo tình huống giả định, lúc 13g chiều 7 tháng 6, tàu tuần tra biên phòng 080404 của Hải Ðội 2 (Bộ Ðội Biên Phòng Ðà Nẵng) đang làm nhiệm vụ gần 1 nhóm 5-6 tàu đánh cá của ngư dân đang đánh bắt hải sản cách bờ biển Ðà Nẵng khoảng 27 hải lý về hướng Ðông-Nam thì bị tốp tàu lạ áp sát và tấn công bằng hỏa lực. Tàu tuần tra của BP đã nổ súng tự vệ và bảo vệ ngư dân, kiên quyết đánh trả mọi hành động của tàu lạ. Sau gần 1 giờ xung đột, 1 tàu lạ bị chìm, số còn lại tháo chạy. Phía ta có 2 tàu cá của ngư dân bị chìm, tàu BP bị hỏng nặng. Một chiến sĩ BP bị thương ở chân trái do trúng đạn; một số ngư dân bị thương và rơi xuống biển.” Bài viết tường thuật này kể tiếp là “Vừa đáp trả tàu lạ, thuyền trưởng tàu BP 080404 vừa nhanh chóng báo cáo tình hình về Bộ Chỉ Huy BÐBP Ðà Nẵng để xin ý kiến chỉ đạo. Chỉ huy trưởng BÐBP Ðà Nẵng báo cáo với Bộ Tư Lệnh BÐBP, UBND TP Ðà Nẵng về phương án cứu nạn và được cấp trên đồng ý. Ngay sau đó, Bộ Chỉ Huy BÐBP Ðà Nẵng điều 1 biên đội tàu gồm 3 tàu của Hải Ðội 2 ra chi viện ứng cứu. Ðồng thời tổ Quân Y của Phòng Hậu Cần cũng được lệnh triển khai trên tàu BP 081102, có nhiệm vụ tìm kiếm, cứu vớt thương binh và ngư dân, kết hợp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ ngư dân và tàu ta.” Vùng biển Ðà Nẵng cùng vĩ tuyến và cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170 hải lý. Ngư dân miền Trung, đặc biệt là ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có truyền thống đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong những năm qua, không mấy năm không xảy ra các vụ tàu tuần Trung Quốc đâm chìm hay bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại khu vực này. Những lần nhà cầm quyền Hà Nội điều đình để Trung Quốc thả ngư dân và tàu của họ, phía Trung Quốc nếu bắt hai ba tàu, chỉ trả ngư dân, dồn hết lên một tàu còn giữ các tàu kia. Tàu thả về bị lấy hết ngư cụ và các trang bị hải hành. Việt Nam luôn luôn cả quyết quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam dù hiện quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974. Báo Infonet.vn kể về cuộc diễn tập nói trên rằng, “Sau hơn 2 giờ cơ động trên biển, biên đội đã tiếp cận hiện trường, nơi có 1 tàu cá của ngư dân bị nước tràn vào, nửa chìm nửa nổi. Tàu tuần tra của BP và các tàu còn lại đang thực hành tìm kiếm và cứu vớt ngư dân trôi dạt cùng các mảnh vỡ của tàu gỗ bị chìm. Trên tàu BP 080404 có 1 thương binh và 7 nạn nhân vừa được cứu vớt, trong đó có 4 người bị thương; trên biển còn 1-2 nạn nhân đang trôi nổi, trong đó có 1 người bị thương.” “Biên đội tàu Hải Ðội 2 cùng tổ quân y trên tàu BP 081102 lập tức triển khai nhiệm vụ cứu vớt, cấp cứu thương binh, nạn nhân. 1 giờ sau, công tác cứu nạn kết thúc, tàu BP 081102 tiếp cận tàu BP 080404 để nhận thương binh và người bị thương đưa vào đất liền cấp cứu. Còn tàu BP 080404 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên biển như kế hoạch.” Hiện Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá ít nhất trong phạm vi “Lưỡi Bò” bao gồm tới 80% Biển Ðông từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 8. Ngư dân Việt Nam tới các vùng biển này đều bị tàu tuần Trung Quốc chận bắt nếu không đâm chìm. (TN) |