Liên minh tình thế Nga - Trung chống phương Tây |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Bảy, 09 Tháng 6 Năm 2012 10:19 |
Chính sự thù ghét phương Tây đã làm cho hai nước tiến gần lại nhau hơn
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Reuters) Matxcơva và Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ có lập trường chung trong các hồ sơ quốc tế nóng bỏng như Syria, Iran, Afghanistan. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự nhích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc là do có cùng một sự nghi kỵ đối với phương Tây và liên minh này không giúp xóa bỏ những kình địch giữa hai nước trước các thách thức to lớn về kinh tế. Ông Jonathan Holslag, thuộc Viện nghiên cứu về Trung Quốc đương đại tại Bruxelles, được AFP trích dẫn, khẳng định : « Điều thúc đẩy Trung Quốc và Nga vượt qua những căng thẳng song phương và ngờ vực lẫn nhau, là do Bắc Kinh và Matxcơva ngày càng tỏ ra tiêu cực đối với Mỹ và châu Âu ». Vẫn theo chuyên gia về địa chính trị Trung Quốc này, phương Tây đã làm cho Nga ngày càng oán hận, bực bội trên nhiều vấn đề, như dự án lá chắn chống tên lửa, chương trình hiện đại hóa vũ khí nguyên tử chiến thuật, can thiệp quân sự vào Libya. Trong khi đó, Trung Quốc nhận thấy quan hệ của họ với Mỹ ngày càng gay gắt hơn trong vấn đề thương mại, an ninh hàng hải. Chính sự thù ghét phương Tây đã làm cho hai nước tiến gần lại nhau hơn. Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – OCS – được tổ chức trong hai ngày 06-07/06/2012 tại Bắc Kinh là dịp để chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và tổng thống Nga Vladimir Putin phô trương tình đoàn kết, dường như cố tình làm cho phương Tây khó chịu. Sau khi hủy bỏ chuyến đi Mỹ, không tham dự Thượng đỉnh G 8, tổng thống Nga Putin đến Thượng đỉnh OCS để nói với lãnh đạo Trung Quốc rằng hai nước có các lợi ích tương đồng trên nhiều lĩnh vực, kể cả trong các vấn đề lớn trên thế giới. Lãnh đạo hai nước đã sử dụng diễn đàn OCS để nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chế độ Damas của tổng thống Bachar Al Assad, bất chấp các vụ thảm sát diễn ra hầu như hàng ngày tại Syria. Thượng đỉnh OCS năm nay cũng tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược và cùng mở rộng ảnh hưởng sang Afghanistan vào lúc lực lượng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO đang chuẩn bị rút khỏi nước này. Đây chính là lý do mà tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã chấp nhận lời mời tới Bắc Kinh tham dự Thượng đỉnh OCS. Cũng tại hội nghị này, tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã hài lòng khi nghe thấy OCS khẳng định chống lại mọi hành động vũ lực nhắm vào Iran, trong lúc phương Tây tố cáo Teheran có tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử. Matxcơva và Bắc Kinh, hai thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không ngần ngại dùng quyền phủ quyết, đang tìm cách mở rộng và khẳng định ảnh hưởng của mình tại các diễn đàn không bị Mỹ chế ngự, như Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay Thượng đỉnh nhóm BRICS (bao gồm 5 cường quốc đang trỗi dậy là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), chuyên gia về Trung Quốc, thuộc đại học Trung Hoa, ở Hồng Kông, phân tích : « Trung Quốc và Nga dường như phải đối mặt với rất nhiều sức ép từ phía Hoa Kỳ hiện đang rút khỏi Afghanistan và Irak để tái triển khai mạnh hơn các lực lượng của họ ở châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, hai nước cần có một mặt trận chung ». Trong quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế, Bắc Kinh muốn có dầu và khí đốt của Matxcơva, đổi lại, Nga lại cần hàng tiêu dùng và đầu tư của Trung Quốc. Thế nhưng, chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, đồng tác giả cuốn sách « Trung Quốc và Nga : giữa đồng thuận và ngờ vực », lại lưu ý rằng liên minh Matxcơva –Bắc Kinh có những giới hạn. Theo ông, « hai nước thể hiện các quan điểm chung hoặc một chiến lược chung về các chủ đề tương đối dễ đối với họ, thế nhưng, có rất nhiều chủ đề gây chia rẽ … nhất là giá dầu lửa và khí đốt, việc hoàn tất các đường ống dẫn dầu, cạnh tranh ở Trung Á ». Giáo sư Lâm Hòa Lập có đồng ý kiến và cho biết rõ hơn : Từ nhiều năm nay, hai nước đã không ký kết được một thỏa thuận, theo đó, Nga cung cấp khoảng 70 tỷ mét khối khí đốt hàng năm cho Trung Quốc do bất đồng về giá cả. Có một dấu hiệu khác cho thấy sự ngờ vực lẫn nhau : Nga vẫn từ chối bán cho quân đội Trung Quốc các loại vũ khí tối tân. Ông Cabestan giải thích : « Những gì đang xẩy ra tại Syria, một cách rất thực dụng và rất bạo lực, là sự kình địch giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Nga và Trung Quốc lựa chọn Iran, một lựa chọn chiến lược đối với họ, phù hợp với lợi ích của họ, cho dù có một sự khác biệt nhỏ : Dưới sức ép của Mỹ và cũng vì các mối quan tâm đến dầu lửa và những lợi ích khác, Trung Quốc không thể bỏ rơi hoàn toàn Ả Rập Xê Út ». Hiện nay, Trung Quốc là khách hàng dầu lửa số một và cũng là đối tác hàng đầu của Ả Rập Xê Út trong lĩnh vực công nghiệp hóa dầu, trong lúc Ryad có thái độ phê phán gay gắt và cứng rắn với chế độ Damas. Liên quan đến Afghanistan, Matxcơva và Bắc Kinh có cùng mối ưu tiên : Không để cho tình trạng hỗn loạn và tư tưởng Hồi giáo cực đoan lan rộng ngay trước cửa ngõ nhà mình. Ngoài chủ đề này ra, các bất đồng khác giữa hai nước có nguy cơ xuất hiện. Theo nhận định của chuyên gia Cabestan, « Nga và Trung Quốc không nhất thiết có đồng quan điểm, nhất là về vai trò của Pakistan trong tương lai. Theo truyền thống, Nga rất gần gũi Ấn Độ hơn là với Pakistan và ngờ vực Pakistan, trong lúc Trung Quốc lại chơi lá bài Pakistan chống lại Ấn Độ ». Nhật báo Nga Vedomosti, hôm thứ Năm, 07/06 bình luận về liên minh Nga-Trung như sau : « Đồng minh là những quốc gia, khi thực hiện các chính sách của mình, thì đều tính tới lợi ích của từng nước khác và nếu một đồng minh có vấn đề thì các nước khác sẽ can thiệp, giúp giải quyết. Thế nhưng, điều này không và sẽ không bao giờ xẩy ra trong quan hệ Nga-Trung. Không phải vì Nga không muốn mà chính là vì Trung Quốc không muốn có những liên minh thực sự, mang tính ràng buộc với bất kỳ nước nào ». |