Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 10 Tháng 6 Năm 2012 19:03

Ukraina gây nhiều tai tiếng trong việc chuẩn bị Euro 2012

 

 


Sân vận động Donbass Arena tại Donetsk vào sáng sớm 10/06/2012.
REUTERS/Charles Platiau

Giải bóng đá Euro-2012 được tổ chức ở hai nước Ba Lan và Ukraina. Thế nhưng, đối với Ukraina, công tác chuẩn bị đã gây nhiều tai tiếng.

Tuần san Le Nouvel Observateur có bài phân tích một số chi tiết nhạy cảm trong việc thông qua quyền đăng cai cho Ukraina, và sự thiếu rạch ròi giữa bóng đá và chính trị ở nước này.

Điểm đáng chú ý đầu tiên, tờ báo dành cho sân vận động Donbass Arena tại thành phố Donetsk, một trung tâm công nghiệp và khai thác mỏ của Ukraina với một triệu dân, nằm cách thủ đô Kiev 800 cây số.

Sân vận động này sẽ tổ chức ba trận đấu ở bảng D, một trận tứ kết và một trận bán kết Euro 2012. Đây là sân vận động được xếp vào hàng đẹp nhất Châu Âu.

 Nó được khánh thành vào năm 2009, với số vốn đầu tư đến 400 triệu đô la bởi ông chủ câu lạc bộ FC Shakhtar - doanh nhân Rinat Akhmetov, đại gia giàu thứ 39 của thế giới. Đây là sân nhà của câu lạc bộ này.

Kế tiếp, tờ báo phản ánh sự thiếu chuẩn bị trầm trọng của Kiev. Vài ngày trước khi diễn ra trận đấu đầu tiên, sân bay mới của Kiev vẫn chưa hoạt động, xe lửa tốc hành thì mới vừa được Hàn Quốc giao hàng, sân ngoài của sân vận động Olyimpic Kiev thì xuất hiện nhiều lỗ hổng khổng lồ.

Nên nhớ rằng, Ukraina đã đầu tư đến 600 triệu euro để xây mới sân vận động này.

Thế nhưng lạ thay, người Kiev vẫn tỏ ra bình tĩnh đến dửng dưng. Họ cho rằng, văn hóa địa phương khiến cho người ta có thói quen hành động vào giờ chót. Và họ tin rằng, đến phút chót mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Tờ báo phê phán thái độ làm việc không nghiêm túc của Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) đối với giải Euro, một sự kiện thể thao trọng đại thứ ba của thế giới.

Tờ báo nhấn mạnh, sự kiện quan trọng này lại được giao cho hai nước vốn không hề có kinh nghiệm tổ chức gì cả.

Vào năm 2005, khi Ba Lan và Ukraina nộp đơn xin đăng cai, không ai nghĩ đến mặt yếu kém trên. Để rồi cuối cùng, hai nước vẫn được cấp quyền tổ chức.

Theo tờ báo, chiến thắng này ắt hẳn thuộc về cặp đôi Grigoriy Surkis và Michel Platini. Surkis là một đại gia của Kiev và là lãnh đạo của liên đoàn bóng đá địa phương. Còn danh thủ Platini, được bầu làm chủ tịch UEFA cách đây bốn năm, có chương trình hành động là phát triển bóng đá về hướng Đông Âu.

Chính trị chi phối thể thao

Sau cuộc Cách mạng màu da cam năm 2009, Ukraina bị chia rẽ bởi hai phe thân Nga và bài Nga, tức giữa cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko và đương kim Tổng thống Ukraina, ông Ianoukovitch. Năm 2010, ông bắt đầu nắm quyền, và bà Timochenko đã bị đẩy vào tù.

Hậu quả từ vụ thanh trừng chính trị này là việc nhiều nguyên thủ Châu Âu tẩy chay Euro Ukraina, đi đầu là Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Tuy nhiên, UEFA lại ca ngợi ông Ianoukovitch vì cho rằng ông này có nhiều công trạng trong việc chuẩn bị cho Euro 2012.

Bộ trưởng phụ trách Euro 2012 của Ukraina còn tự hào nói : « Chỉ trong vòng hai năm, chúng tôi đã xây xong 5 sân bay, 3 sân vận động, sửa chữa nhiều đường sá, xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc. Đây là một công việc khó lòng thực hiện, nhưng chúng tôi đã làm được ».

Nhà cầm quyền Ukraina còn sẵn sàng vì Euro đến mức ra lệnh cho sinh viên nghỉ hè trước một tháng, để dành ký túc xá đón khách.

 Một đại lộ chính của thủ đô Kiev cũng đã được phong tỏa để dành chỗ cho…bia Carlsberg và hiệu ăn nhanh McDonald’s, hai nhà tài trợ của UEFA.

Một đạo luật đặt biệt còn được ban hành vội vã nhằm hối thúc các nhà xây dựng hoàn thành sớm công trình. Đây là điều rất dễ dẫn đến nạn thâm lạm và làm tăng đột biến chi phí đầu tư, ước tính có thể lên đến 10 tỉ euro.

Lợi ích của Euro 2012 đối với Ukraina ?

Nhà nước phải đầu tư khổng lồ, nhưng hiệu quả đầu tư vẫn đang là chủ đề bàn cãi.

 Một nhà kinh tế 39 tuổi ở Kiev nhận định : « Sau 5 năm miệt mài chuẩn bị, Ukraina hiện tại còn xa lạ với người Châu Âu. Euro 2012 có thể cải thiện hình ảnh Ukraina, nhưng đòi hỏi phải có thời gian và có một chính sách phát triển hợp lý ».

Thế nhưng, tờ báo mỉa mai về những điều được cho là « hợp lý ». Chẳng hạn như việc chọn sân vận động Donbass Arena ở thành phố Donetsk là một điều hợp lý, vì trước tiên nó nằm trong số các sân vận động đẹp nhất Châu Âu, và vì Tổng thống Ianoukovitch và bộ trưởng phụ trách Euro 2012 của Ukraina là người gốc Donetsk.

Đi xa hơn nữa, tờ báo cho biết, ở Donetsk chỉ có khách sạn từ 4 đến 5 sao của các đại gia địa phương, hoàn toàn không phù hợp cho khách trung lưu và bình dân. Tình trạng này cũng tương tự ở các thành phố khác.

Hiện tượng hết phòng, tăng giá không chỉ là do chủ ý trục lợi của các chủ khách sạn, mà từ việc các phòng khách sạn được đặc cách dành cho UEFA, từ quan chức, các đội bóng, báo giới đến các đối tác thương mại.

Mãi đến tháng 4 các phòng này mới được đưa trở lại thị trường cho khách nói chung, thế là đã quá trễ vì khi ấy nhiều người đã quyết định ngồi nhà xem tivi.

Đảng Cộng sản Cuba hợp tác với Công giáo để ổn định xã hội

Trong tiến trình cải cách đất nước, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã chọn Giáo hội Công giáo nước này làm đối tác.

Hai bên đã hỗ trợ nhau thế nào, hiện tại và tương lai sẽ ra sao ?

Nguyệt san Le Monde Diplomatique dành bài phân tích với dòng tựa : « Cuba, đảng và niềm tin tôn giáo ».

Chủ nghĩa Castro và Công giáo đã qua rồi những ngày cạnh tranh, để bước vào giai đoạn tương thân tương ái.

Biểu hiện sinh động nhất gần đây có lẽ là sự xuất hiện và ngồi ở ghế đầu, trong một buổi lễ do Đức Giáo hoàng Benedicto XVI chủ trì tại Santiago de Cuba.

Đức Hồng y Jaime Ortega, Tổng giám mục La Habana đã không tiếc lời khen tặng tiến trình cải cách của Chủ tịch Raul.

 Đức Hồng y này còn nhấn mạnh rằng, Giáo hội không giữ vai trò đảng đối lập ở Cuba.

 Khi Đức Giáo hoàng Benedicto thăm Cuba, các Phụ nữ Áo Trắng đã không được phép tiếp kiến ngài khi ngài đang hội kiến với cựu Chủ tịch Fidel Castro.

Chính Hồng y Ortega đã yêu cầu cảnh sát giải tán đám đông người đối lập tại một nhà thờ ở La Havana. Tổng giám mục La Habana còn lên tiếng ủng hộ chế độ một đảng của Cuba.

Theo tờ báo, bánh sáp đi thì bánh quy lại, và chiếc bánh mà giáo hội Công giáo Cuba nhận được là khá lớn.

Chính phủ trả lại các tòa nhà thuộc Giáo hội bị nhà nước tịch thu hồi cách mạng 1959. Tháng 11/2010, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Raul Castro, Đức Tổng giám mục Ortega đã khánh thành Đại chủng viện San Carlos, nơi đào tạo linh mục với số lượng ngày càng lớn.

 Chủng viện còn có một trung tâm để tranh luận mà đôi khi có cả phe đối lập tham gia. Giáo hội cũng có một mạng lưới các nhà xuất bản với khoảng 250.000 độc giả, và sở hữu trên dưới 20 báo điện tử.

 Hiện Giáo hội muốn tham gia vào hệ thống truyền hình, truyền thông, cũng như vào hệ thống giáo dục.

Đối với ông Raul Castro, để hạn chế bất công và bất bình đẳng phát sinh trong quá trình tự do hóa nền kinh tế, Giáo hội Công giáo là một chỗ dựa vững chắc.

Giáo hội có cả một mạng lưới cứu trợ nhân đạo quy mô tại các khu phố nghèo, đã đứng ra đảm trách việc phát thuốc và tổ chức các căng-tin bình dân.

Để hỗ trợ chính sách mở cửa kinh tế của chính phủ, Giáo hội mở những lớp kế toán và tin học cho các tiểu thương.

Tại sao Chủ tịch Castro lại nhờ Giáo hội đứng ra làm trung gian cho chính phủ và đối lập ?

Chiến thuật này giúp chính phủ có thể có những nhượng bộ cần thiết một cách gián tiếp. Như việc trả tự do cho các tù nhân chính trị hồi năm 2010, Giáo hội đã giúp chính phủ đứng ra thương thảo để giải quyết vấn đề một cách khéo léo.

Tuy nhiên, chính sách của ông Raul Castro không phải tạo được sự đồng thuận tuyệt đối trong đảng Cộng sản Cuba.

Có người trong đảng lo ngại rằng, chính sách của Chủ tịch Raul Castro sẽ khiến đảng Cộng sản cầm quyền ngày càng lép vế trước Giáo hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đảng Cộng sản ngày càng xa lạ đối với thế hệ trẻ, dân ngày càng mất lòng tin, thì sách lược của ông Raul Castro có vẻ hiệu quả, và đã tạo ra một xu thế xã hội mới : « Tổ quốc và tín ngưỡng ».

Đó cũng chính là tựa đề bài viết ngày 17/3 rồi, đăng trên tờ Thanh niên Cộng sản Juventud Rebelde, với khẳng định : « Sự thống nhất giữa tư tưởng cách mạng, niềm tin tôn giáo và các tín đồ vốn đã bám rễ sâu trong các nền tảng của dân tộc.

 Tình yêu tổ quốc, cuộc đấu tranh vì một xã hội công bằng hơn hoàn toàn không mâu thuẫn với một quan niệm sống tin vào Thiên Chúa ».

Còn đối với ông Alfredo Guevara, cựu giám đốc học viện nghệ thuật và công nghiệp điện ảnh, một nhân vật lịch sử của Cuba :

 « Giáo hội là một trung tâm sáng tạo tri thức…một đối tác tuyệt mỹ để gieo trồng sự đa dạng cần thiết phục vụ cho quá trình phát triển đất nước ».

Tình bạn Nga-Syria bền vững nhờ…giao dịch vũ khí

Trong khi làn sóng phản đối chính quyền Assad trên thế giới ngày càng mạnh mẽ, thì Nga lại ngày càng tỏ ra là người bạn trung thành với chính quyền Damas.

Góp phần giải mã tình bạn này, tuần san Le Nouvel Observateur có bài chạy tựa : « Hợp đồng bằng vàng của Damas ».

Tờ báo cho biết, mỗi năm Nga bán cho Syria đến 1 tỉ đô la vũ khí đủ các loại từ tên lửa, máy bay đến tàu ngầm.

 Đặc biệt, người phụ trách giao dịch với chính quyền Damas là một nhân vật thân cận của đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhân vật này là ông Sergei Chemezov, một người bạn của ông Putin từ thời cả hai còn làm việc cho KGB.

 Năm 2000, sau khi đắc cử Tổng thống, ông Putin đã giao cho Chemezov phụ trách việc xuất khẩu vũ khí.

Tờ báo nhận định, cũng giống như Tổng thống Putin, ông Chemezov không hề có cảm tình với cái gọi là Mùa xuân Ả Rập, vì mùa xuân này hoàn toàn không có lợi cho việc buôn vũ khí của Nga.

 Sau khi đại tá Kadhafi bị lật đổ ở Libya, ông Chemezov đã không ngần ngại công khai cho biết là đã bị mất 4 tỉ đô la hợp đồng vũ khí.

 Ông không muốn kịch bản này tái diễn, bởi vậy ông phải làm tất cả để bảo vệ cho được vị khách hàng chính trong khu vực là ông Assad.

Thậm chí ông Chemezov còn tuyên bố : « Chúng ta phải bám lấy Syria. Đó là một phép thử quyết định đối với các nước Ả Rập đang tiếp tục làm việc với chúng ta ».

Hồi tháng 11/2011, chính quyền Assad đã đặt hàng cho Nga đến 4 tỉ đô la vũ khí.

Ngày 26/5 rồi, phía Nga đã giao một phần hàng cho Syria, tức chỉ vài ngày trước vụ thảm sát làm 104 người chết ở Houla.

Như vậy, trong tương lai, Nga sẽ tiếp tục giao hàng cho Syria.

 Tổng thống Nga Putin nói rằng các vũ khí này chỉ nhằm mục đích tự vệ. Ông Putin tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết đối với bất kỳ nghị quyết nào có liên quan đến việc cấm vận vũ khí cho Syria.

Một điểm đáng chú ý nữa là địa điểm giao vũ khí của Nga cho Syria lại là cảng Tartus. Đây là căn cứ hải quân còn lại duy nhất mà Nga có trong vùng Địa Trung Hải.

 Để duy trì quyền sở hữu cảng này, Nga đã phải chấp nhận xóa nợ đến 10 tỉ đô la cho Syria dưới thời Assad cha.

Cuối cùng tờ báo mỉa mai : thế là chúng ta đã hiểu rõ hơn vì sao quan hệ Nga-Syria lại bền chắc đến thế !

Hàn Quốc: Báo động về đạo đức các nhà sư

Với tựa đề « Các nhà sư trụy lạc đang gặt bão », bài viết đăng trên tuần san Kyunghyang tại Seoul được Courrier International dẫn lại, phản ánh việc giới tăng lữ Phật Giáo tại Hàn Quốc đã bị nhiều tai tiếng về đạo đức.

Ngọn lửa chỉ trích bắt đầu bùng phát từ một đoạn video clip vừa được tung lên mạng gần đây, quay cảnh đánh bài ăn tiền của một số nhà sư trong phòng ngủ của một khách sạn, trong đó đáng chú ý là có cả Viện chủ và Viện phó của Thiền viện Tào Khê (Jogye) ở thủ đô Seoul.

 Theo đà đó, nhiều vụ xì-căng-đan khác bắt đầu được tiết lộ, như việc một số lãnh đạo của tông phái Tào Khê thường xuyên lui tới quán bar tìm gái, hay việc một số nhà sư đi du hí ở nước ngoài, ngay cả việc có nhiều nhà sư đi ngược lại giáo lý của tông phái khi sống cùng phụ nữ.

Hiện tượng vi phạm đạo đức tu hành này đã tồn tại từ lâu ở các nhà sư Hàn Quốc, và cũng đã được biết đến từ lâu.

 Chủ tịch Ủy ban điều hành các hiệp hội Phật giáo Hàn Quốc, ông Jeong Ung Gi không ngại ngần cho biết :

 « Nhiều nhà sư sống còn tiện nghi hơn tầng lớp trung lưu. Họ ăn uống cầu kỳ, ngay khi ở Chùa, họ cũng ăn uống rình rang. Quần áo của họ đắt đến nhiều triệu won, phòng ngủ thì rộng thênh thang. Phần lớn họ đi xe hơi cao cấp, sẵn sàng đi nước ngoài chỉ để đánh golf ».

Thế nhưng, theo tờ báo, vụ xì-căng-đan lần này có ý nghĩa đặc biệt.

Bởi vì đây là lần đầu tiên đạo đức, lối sống của họ bị chỉ trích trực tiếp, trong khi những lần trước người ta chỉ đề cập đến hiện tượng tranh giành quyền lực trong nội bộ các sư.

Trước cơn bão táp chỉ trích của xã hội, hiện tại trong cộng đồng thiền phái Tào Khê có ba dòng ý kiến.

Một là ban lãnh đạo Tào Khê nên ra sức phản công dư luận, hai là họ nên nhanh chóng từ chức, ba là họ cần thanh lọc nội bộ và sau đó rút lui, nhường cho người có khả năng ra tiếp quản. Theo tờ báo, dường như giới lãnh đạo Tào Khê đang chọn giải pháp đầu tiên.

Thế nhưng các nhà phân tích cảnh báo, chọn giải pháp đầu tiên là tự sát, bởi vì chỉ là giải pháp tình thế.

Còn nếu như chọn giải pháp thứ hai, tờ báo cho rằng, việc từ chức gấp rút sẽ dẫn đến hỗn loạn.

 Như vậy tờ báo đề nghị giải pháp thứ ba, tức là trước tiên giới lãnh đạo Tào Khê nên thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đề xuất giải pháp phục hưng tông phái, và cuối cùng là chuyển giao quyền lực theo trình tự.