Bạo động tôn giáo có thể đe dọa tiến trình cải tổ của Miến Điện |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Hai, 11 Tháng 6 Năm 2012 08:03 |
Tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội có nhiều quyền hành hơn để tái lập trật tự và an ninh ở Rakhine
Người Rohingya phản đối các hành vi ngược đãi cộng đồng này tại Miến Điện (REUTERS /Chaiwat Subprasom) Tổng thống Miến Điện Thein Sein, tối hôm qua, 10/06/2012, đã ban hành tình trạng khẩn cấp đối với toàn bang Rakhine, ở phía tây, nơi xẩy ra xung đột giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo, đồng thời, ông cũng cảnh báo là nếu không kiểm soát được tình hình thì điều này có thể đe dọa tiến trình cải cách dân chủ, được tiến hành từ hơn một năm qua. Đây là lần đầu tiên, tổng thống Thein Sein đưa ra các biện pháp mạnh mẽ kể từ khi ông nhậm chức. Tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội có nhiều quyền hành hơn để tái lập trật tự và an ninh ở Rakhine, một bang duyên hải, trong khu vực biên giới chung với Bangladesh. Trong một bài diễn văn dài 9 phút trên vô tuyến truyền hình Nhà nước, tổng thống Thein Sein cho rằng bạo lực xẩy ra ở bang Rakhine là do sự bực bội, hận thù và ý muốn trả thù lẫn nhau giữa các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc khác nhau. Ông cảnh báo : Nếu sự trả thù vô chính phủ và các hành động giết người tiếp diễn, thì tình trạng này có nguy cơ lan rộng sang các nơi khác và làm dấy lên những ý đồ khuynh đảo. Tình trạng này, nếu xẩy ra, sẽ tác động mạnh mẽ đến hòa bình và ổn định cũng như các cải cách dân chủ mới và sự phát triển của đất nước. Do vậy, chính quyền Miến Điện đã nhanh chóng điều động quân đội và các phương tiện quân sự hùng hậu tới Rakhine để tái lập trật tự. Thông tín viên Arnaud Dubus trong khu vực cho biết : « Chính quyền Miến Điện sử dụng các phương tiện hùng hậu để kiểm soát lại tình hình. Các binh sĩ được điều động đến khu vực này bằng máy bay và nhiều tàu chiến đi tuần tra trên các sông và vùng lãnh hải gần bờ biển. 48 tiếng sau khi xẩy ra các vụ bạo động, lệnh thiết quân luật được áp dụng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, dường như đã cho phép tái lập trật tự trong ngày hôm qua, Chủ nhật. Thế nhưng, chính quyền đã quyết định đặt toàn bộ bang Rakhine trong tình trạng khẩn cấp, cho phép quân đội có nhiều quyền hành hơn. Từ nay, các cuộc tụ tập, đọc diễn văn hoặc tuần hành đã bị cấm. Căng thẳng có nguồn gốc từ cuối tháng Năm, khi một phụ nữ theo đạo Phật bị hãm hiếp và người Hồi giáo bị nghi ngờ là thủ phạm. Nghĩ rằng đã tìm ra các thủ phạm, đầu tháng Sáu, hàng trăm Phật tử đã hành hung và giết chết 10 người Hồi giáo đi hành hương. Sự cố này đã làm dấy lên sự tức giận của cộng đồng Hồi giáo địa phương, tức là sắc tộc Rohingya : Hôm thứ Sáu, 08/06, sau lễ cầu nguyện, họ đã đập phá và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà và cửa hàng của người Phật giáo. Theo các phương tiện truyền thông Miến Điện, cảnh sát đã can thiệp và bắn chỉ thiên. Trong hai ngày cuối tuần, truyền thông Miến Điện đã kêu gọi làm dịu tình hình và cảnh báo nguy cơ xẩy ra tình trạng vô chính phủ. Người Hồi giáo ở bang Rakhine, có nguồn gốc Đông Nam Á, trong thời kỳ thực dân, đã bị người Anh đưa tới Miến Điện để làm nông nghiệp. Sau khi Miến Điện giành được độc lập, họ bị tẩy chay và chưa bao giờ được thừa nhận là công dân nước này ». Trái ngược với chế độ quân sự độc tài trước đây, chính phủ của tổng thống Thein Sein đã cung cấp nhiều thông tin về các vụ bạo động. Dưới thời các tướng lĩnh cầm quyền, báo chí không được phép đưa tin về những vụ việc tương tự hoặc cùng lắm là đưa tin ngắn, chung chung. Tại Miến Điện, người theo đạo Hồi chỉ chiếm có 4% dân số, trong khi đó, 89% người dân theo đạo Phật. Theo giới chuyên gia, bạo động tại Rakhine phản ánh mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa cộng đồng Phật giáo, sinh sống lâu đời tại đây và cộng đồng sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi, bị coi là những người nhập cư bất hợp pháp. Người Rohingya không có tổ quốc vì chính quyền Miến Điện không thừa nhận họ là một trong những sắc tộc thiểu số của nước này. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 750 000 người Rohingya sống tập trung ở phía bắc bang Rakhine, hàng ngàn người khác sống trong các trại tỵ nạn nước láng giếng Bangladesh. Họ bị coi là một trong những sắc tộc bị ngược đãi nhất trên thế giới. Lòi kêu gọi của tổng thống Thein Sein đã được các tổ chức dân sự Miến Điện hưởng ứng. Ông Tin Htoo Aung, chủ tịch Mạng lưới Dân tộc Rakhine, tuyên bố rằng các vụ bạo động đã làm tổn hại an ninh quốc gia, lợi ích đất nước. Bà Chris Lewa, giám đốc Arakan Project, một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho sắc tộc Rohingya đã bày tỏ lo ngại về các vụ bạo động tôn giáo. Theo bà, những vụ tấn công trả thù sẽ không giải quyết được gì mà trái lại, sẽ làm gia tăng các căng thẳng hiện nay… Không được để tình hình này làm hỏng tiến trình dân chủ hóa đất nước. |