Tổng thống Nga chọn trấn áp thay vì đối thoại với dân chúng |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Ba, 12 Tháng 6 Năm 2012 20:59 |
Hàng chục ngàn công an cảnh sát trấn giữ thủ đô để hù dọa dân biểu tình
Biểu tình tại Matxcơva phản đối chính quyền Putin, 12/06/2012.
Ban hành luật chống biểu tình với hình phạt tương đương một năm lương trung bình, lục soát tư gia đối lập, bắt trình diện cơ quan điều tra ngay ngày nghỉ lễ. Hàng chục ngàn công an cảnh sát trấn giữ thủ đô để hù dọa dân biểu tình. Để bảo vệ quyền lực, Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn con đường trấn áp phong trào chống tham nhũng và độc tài. Từ nhiều tháng nay, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần « lên lớp » Tây phương trên hồ sơ Syria. Viện lý do là phải ưu tiên cho giải pháp « đối thoại » Matxcơva và Bắc Kinh bác bỏ mọi nghị quyết trừng phạt chế độ Damas. Tuy nhiên, khi phải đối phó với nội tình của mình thì Tổng thống Nga đã cởi áo dân chủ, dù chỉ là dân chủ hình thức. Đạo luật cấm « biểu tình không xin phép » với tiền phạt tương đương với một năm lương trung bình 10 ngàn đô la, hù dọa đoàn viên đối lập trẻ, gây áp lực lên công ăn việc làm, kể cả thái độ của công an mang súng áp vào nhà nữ phóng viên truyền hình trẻ tuổi Xenia Sobtchak vào sáng sớm, khi cô còn mặc áo ngủ, hay tịch thu đĩa phim của trẻ con là một trong muôn ngàn hình thức trấn áp của cựu trung tá KGB. Vấn đề đặt ra là, nếu các biện pháp mạnh này không dập tắt được phong trào chống tham nhũng và phản đối bầu cử gian lận bùng lên từ năm ngoái thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Từ Matxcơva, nhà báo Nguyễn Minh Cần phân tích : « Sau cuộc bầu cử không chính đáng năm ngoái, xã hội dân sự Nga không chịu nổi hành động cư xử dối trá , gian lận… nói chung họ càng ngày càng cảm thấy khó chịu chế độ Putin, nếu không muốn nói là « ghét » cá nhân ông. Cho nên khẩu hiệu « nước Nga không Putin » là khẩu hiệu rất phổ biến… Trong cuộc biểu tình ngày 6/5, (an ninh) cố tình khiêu khích để bắt những người đứng đầu phong trào dân chủ. Ngày hôm qua, một ngày trước cuộc biểu tình hôm nay, người ta khám soát nhà những người đứng đầu phong trào dân chủ một cách tàn bạo và khiêu khích, không cho chị (nữ ký giả truyền hình nổi tiếng) Xenia Sobtchak khoác áo choàng, xem thư tình của chị với thái độ khiêu khích… Ông Putin đã chọn con đường đàn áp thay vì đối thoại. Tình hình này sẽ đưa đến bế tắc có thể gây bùng nổ. Còn kinh tế thì ra sao ? Giá dầu sụt giảm, đôla thì tăng gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân rất nhiều… ». Cùng quan điểm với nhà báo Nguyễn Minh Cần, bà Titiana Kastueva-Jean, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế Paris (Ifri) cho biết lòng bất mãn của người dân đô thị lên rất cao. Họ là những người đóng thuế thật nặng mà không hưởng được một quyền lợi xã hội nào. Theo chuyên gia này, nếu đàn áp kéo dài, giới ưu tú tại Nga sẽ tìm đường đi ra nước ngoài. Lúc đó chế độ Putin sẽ trực diện với một thiểu số quyết liệt « không còn gì để mất ».
|