Home Tin Tức Thời Sự Vụ tự tử đáng ngờ của nhà đối lập Trung Quốc Lý Vượng Dương

Vụ tự tử đáng ngờ của nhà đối lập Trung Quốc Lý Vượng Dương PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Ba, 12 Tháng 6 Năm 2012 21:17

 Nhà đối lập Trung Quốc Lý Vượng Dương đã từng bị kết án tù 22 năm dưới tội danh « chống cách mạng »

 

 

Hàng ngàn người biểu tình tại Hồng Kông để yêu cầu chính quyền Trung Quốc điều tra về cái chết của ông Lý Vượng Dương, 10/06/2012
REUTERS/Tyrone Siu

« Vụ tự tử kỳ lạ của nhà đối lập Trung Quốc Lý Vượng Dương » là nhận xét của tờ nhật báo thiên tả Libération, số ra hôm nay.

 Theo bài báo, có nhiều tình tiết cho thấy là nhà đấu tranh dân chủ kỳ cựu này đã bị mưu sát và cái chết của ông được ngụy trang thành vụ tự tử. Cùng lúc đó, tại Trung Quốc và Hồng Kông, đã có nhiều nói đòi hỏi làm sáng tỏ cái chết của nhà ly khai.
 

« Phải chăng công an đã ám sát ông ấy rồi ngụy trang thành một vụ tự tử ? ».

 Đây chính là câu hỏi mà rất nhiều người dân Trung Quốc đặt ra sau cái chết mờ ám của ông Lý Vượng Dương hôm 6/6 vừa qua tại thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam.

Báo Libération cho biết ông Lý Vượng Dương đã từng bị kết án tù 22 năm dưới tội danh « chống cách mạng » vì ông đã dám đứng ra thành lập một công đoàn công nhân tự do tại Thiệu Dương trong suốt sự kiện Thiên An Môn. Ông đã được trả tự do vào năm 2011.

Tờ báo cho rằng, sở dĩ ông được trả tự do, bởi sức khỏe của ông đã trở nên quá tồi tệ. Ông đã bị mù, điếc và bị bệnh tật tàn phá, do bị ngược đãi trong suốt thời gian bị cầm tù. Ông bệnh nặng đến mức mà ngay khi vừa được trả tự do, ngay lập tức ông phải vào nhập viện từ một năm nay.

Theo lời thuật lại của chị gái ông Lý Vượng Dương với Libération, vào sáng sớm ngày 06/6, họ nhận được điện thoại từ bệnh viện thông báo cái chết của ông Dương. Ngay khi đến hiện trường, bà phát hiện thi thể ông trong tư thế treo cổ ở thành cửa sổ bệnh viện.

Điều kỳ lạ là nhân viên bệnh viện đã không hạ thi thể ông xuống để làm hô hấp nhân tạo.

Cũng vào cuối tuần, chính quyền cho biết đã tiến hành hỏa thiêu thi thể mà không hề hỏi qua ý kiến gia đình. Đồng thời, người thân của ông không những không được tham dự vào việc khám nghiệm tử thi, mà còn không được thông báo cho biết kết quả. Ngoài ra, người chị gái và người em rể của ông Dương cũng đã bị chính quyền quản thúc tại gia.

Theo Libération, chính quyền cũng không cần đợi lâu các phản ứng. Ngay ngày hôm sau 7/6, hơn 25 ngàn người (theo các nhà tổ chức) đã biểu tình trước Cơ quan đại diện của chính quyền Bắc Kinh tại Hồng Kông, đòi hỏi phải làm sáng tỏ cái chết đáng ngờ của ông Lý Vượng Dương. Đồng thời, một bản kiến nghị được đưa lên mạng, đã thu thập được hàng ngàn chữ ký.

Libération cho biết là, ngay lập tức công an Trung Quốc đã gửi lời đe dọa đến những người phản đối qua điện thoại.

Nhiều nhà ly khai tại Trung Quốc đã tuyên bố đăng trên mạng Internet rằng họ « không hề có ý định tự sát, ngay lúc này hay trong tương lai, ở bất kỳ hoàn cảnh nào ».

Theo tờ báo, nhiều yếu tố cho phép nghĩ rằng ông Dương đã bị mưu sát.

 Tác giả bài viết cho biết, ông đã xem được đoạn phim vidéo do gia đình quay lén được cho thấy ông Dương chết trong một tư thế đáng ngờ. Theo đó, dải băng thắt vào thành cửa sổ đã không xiết chặt cổ nạn nhân. Mặt khác, chân của nạn nhân lại chạm xuống đất.

Một người thân cho Libération biết rằng sức khỏe của ông Dương rất yếu, « tay chân ông lúc nào cũng run lẩy bẩy thì làm thế nào ông có thể thắt nút vải để treo cổ tự tử ? »

Gia đình ông Lý Vượng Dương cũng tự hỏi làm sao ông có thể làm được việc này, trong khi có nhiều nhân viên an ninh đứng giám sát bên ngoài phòng bệnh, với mục đích cản trở việc ông tiếp xúc với báo chí.

Miến Điện ngược đãi người Hồi giáo thiểu số của mình

Nhìn sang Miến Điện, báo Le Figaro hôm nay có bài đề tựa « Miến Điện ngược đãi người Hồi giáo thiểu số của mình ».

Theo tờ báo, số phận của người Rohingya, từ vết đen lịch sử thực dân Anh, luôn là nạn nhân của những hành động thô bạo của tập đoàn quân sự và của đại đa số người Phật giáo Miến Điện.

Bất chấp lệnh giới nghiêm và sự hiện diện của quân đội trước các nhà thờ Hồi giáo và các ngôi đền Phật giáo, bạo lực giữa những người Hồi giáo và những người Phật giáo vẫn tiếp diễn. Ngày hôm qua, Liên Hiệp Quốc buộc phải cho rút hết toàn bộ nhân sự.

Với con số 7 người chết và 17 người bị thương, Le Figaro cho rằng báo chí chính thức trong nước dường như bỏ qua số nạn nhân về phía những người Hồi giáo.

Người nước ngoài ngay trên chính đất nước của mình

Về mặt địa lý, bang Rahkine, vùng đất nằm ở vùng vịnh Bengal, là điểm giao thoa giữa châu Á Hồi giáo và châu Á Phật giáo.

Theo Le Figaro, người Phật giáo, tộc người Rahkine – chiếm đa số và người Hồi giáo, Rohingya – thiểu số, sống chung với nhau ở vùng này một cách khó khăn.

Liên Hiệp Quốc cho rằng người Rohingya là một trong những sắc tộc thiểu số bị truy bức nhiều nhất trên thế giới. Họ bị ruồng bỏ và bị bức hại một cách có hệ thống.

Theo Le Figaro, định mệnh đen tối của người Rohingya có lẽ bắt nguồn từ cuộc chiến tranh xâm lược Miến Điện của người Anh vào thế kỷ 19. Quân đội Hoàng gia đã từng sử dụng họ như là những đội quân bổ sung. Để rồi cho khi giành được độc lập vào năm 1948, người Rohingya đã bị áp chế, do bị xem như là những kẻ phản bội.

Chiến dịch khủng bố do quân đội Miến Điện đưa ra vào năm 1978 đã khiến cho hơn 200 ngàn người Rohingya phải chạy trốn khỏi đất nước.

 Năm 1982, một đạo luật ban hành đã tước đi quốc tịch Miến Điện và biến họ thành những kẻ ngoại quốc ngay trên chính mảnh đất của mình.

Vào những năm 1991-1992, một lần nữa người Rohingya lại trở thành mục tiêu của các chiến dịch thanh trừng mới. Từ đó, người Rohingya phải hứng chịu nhiều sự đối đãi phân biệt nghiệt ngã như lao động khổ sai, bị trưng thu đất đai hay cấm kết hôn và tự do đi lại. Các chính sách tàn khốc này buộc họ phải tìm cách rời đất nước.

Le Figaro cho biết, hiện tại số người Rohingya sống lưu vong, bất hợp pháp ở nhiều nước khác nhau còn đông hơn là số người còn ở lại trong nước.

Nếu như trên góc độ lịch sử, xung đột xảy ra giữa hai tộc người có vẻ mang màu sắc tôn giáo. Nhưng nếu nhìn trên góc độ chính trị hiện nay, báo Le Figaro nhận định rằng, có lẽ các xung đột diễn ra có bàn tay thao túng của chính quyền Naypyidaw, nhằm ép buộc bà Aung San Suu Kyi đưa ra các tuyên bố không hợp lòng dân như kêu gọi bình tĩnh và bày tỏ sự cảm thông đối với sắc tộc thiểu số này. Một sắc tộc thiểu số mà người Miến Điện vẫn luôn cho là những kẻ tồi.

Le Figaro cho biết, từ nhiều ngày nay, từ người dân cho đến chính khách ngoại giao hay ngôi sao điện ảnh Miến Điện không kiệm lời bình phẩm người Rohingya trên các trang mạng xã hội. Nào là những « kẻ khủng bố », « những kẻ nhập cư bất hợp pháp được cài vào dưới sự bảo trợ của thực dân Anh », thậm chí còn « treo thưởng cho việc ám sát một tên Hồi giáo » tại Rahkine.

Theo Le Figaro, có nhiều ví dụ cho thấy chính quyền đã khích động, thậm chí khơi ngòi bạo lực tôn giáo.

Theo nhiều nhân chứng, lực lượng an ninh đã tiếp tay cho các dân quân tự vệ người Phật giáo.

Bài báo cho rằng, nếu có phản ứng về chủ đề nhạy cảm này, bà Aung San Suu Kyi có nguy cơ gây chia rẽ ngay trong chính nội bộ đảng của mình.

 Sự việc xảy ra không đúng lúc, vào thời điểm mà lãnh đạo đối lập sẽ bắt đầu vòng công du châu Âu vào ngày mai, thứ tư 13/6 này.

Cuối cùng, bài báo còn viết rằng, về phần người Rohingya, số mệnh coi như đã bị định đoạt. Hôm qua, các lực lượng biên phòng đã buộc hồi hương tám chiếc thuyền chở 300 người, đây là những người chạy trốn khỏi các vụ bạo động.

Thị trường vũ khí : Thiết bị cho an ninh dân sự đang phát triển

Đến với Hội chợ triển lãm công nghiệp quốc phòng đang diễn ra tại Paris từ ngày 11/6 đến hết ngày 15/6/2012, qua quan sát khung cảnh hội chợ, báo Le Monde nhận định rằng « thị trường vũ khí đang trong giai đoạn chuyển mình lớn».

 Việc các nước mới trỗi dậy tăng mức ngân sách quốc phòng và các nhu cầu càng tăng về an ninh đang làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp quốc phòng thế giới.

Cứ hai năm một lần, Hội chợ quốc phòng và an ninh mặt đất, Eurosatory, diễn ra tại Villepinte, gần Paris. Đây là một hội chợ thế giới quan trọng nhất với sự tham gia của 53 quốc gia.

Theo giải thích của ông Christian Mons, chủ tịch Nhóm các nhà công nghiệp quốc phòng mặt đất Pháp, « ngoại trừ Mỹ hiện đang nắm giữ hơn 50% thị phần thế giới, thì ngành công nghiệp quốc phòng Pháp đối mặt với 3 khu vực.

Khu vực kỳ cựu : chính là châu Âu già cỗi, chi tiêu quốc phòng đang giảm mạnh ; khu vực mới gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, mà ngân sách cho quốc phòng tăng đều 10% mỗi năm và nằm giữa hai khu vực này, những nước mới trỗi dậy với mức tăng quân sự là hơn 5%/ năm ».

Với khủng hoảng, khoảng cách sẽ còn gia tăng thêm. Trong bối cảnh này, công nghiệp vũ khí châu Âu và Mỹ hơn bao giờ hết buộc phải tìm lối thoát khác ngoài lãnh thổ của mình. Hậu quả : tất cả đều cùng cạnh tranh trên cùng một thị trường, với sự tham gia của hai thành viên mới, rất tích cực là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chính từ đó, các quốc gia khách hàng trở nên càng khó tính hơn. Các hợp đồng mua phải kèm theo chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển ngành công nghiệp trong nước.

Theo quan sát của các nhà sản xuất Pháp, thì xu hướng này đã xuất hiện từ 3 năm nay.

 Các nhà sản xuất không có lựa chọn nào khác và buộc phải tương thích. Để có thể đáp ứng nhu cầu này mà không phải chuyển giao toàn bộ công nghệ, nhiều nhà công nghiệp Pháp chọn giải pháp thương lượng mua lại các cổ phần của các cơ sở sản xuất vũ khí tại các nước khách hàng.

 Từ đó, cho phép họ có thể tham gia được các cuộc gọi thầu tại các quốc gia này, như trường hợp tập đoàn Safran, đang thương lượng mua lại một doanh nghiệp chuyên về các hoạt động cung cấp các thiết bị nhìn xuyên màn đêm.

Cũng theo các nhà sản xuất Pháp, để trụ được trong cuộc đua, các nhà công nghiệp quốc phòng phải dựa vào các chính sách của chính quốc gia mình.

Thường các thiết bị quân dụng chỉ có thể bán được khi chúng đã được đưa vào sử dụng.

Các nhà công nghiệp Pháp cho biết các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu từ sách trắng của chính phủ, nhằm xác định chiến lược quốc phòng của Pháp trong giai đoạn 2014-2019, những mối đe dọa mới, những nhiệm vụ của các lực lượng quân đội và những ưu tiên hàng đầu của đất nước.

Theo họ, « một khi đã biết được các nhu cầu, chúng tôi sẽ tùy nghi để đáp ứng và đề nghị những trang thiết bị mới ».

Mặt khác, để giữ vững thứ hạng và tiến bộ công nghệ, « Nhà nước phải tăng hỗ trợ tài chính trong công tác nghiên cứu là điều không thể nào thiếu được ».

Trong cuộc đua cạnh tranh, bất kể nhà sản xuất nào cũng đều mơ đến việc kiếm được một « hợp đồng béo bở ».

Bởi vì, ngoài việc đảm bảo được một phần quan trọng doanh thu tập đoàn, loại hợp đồng béo bở này có thể còn liên quan đến thị trường thiết bị quân sự, cũng như là thị trường thiết bị an ninh dân sự. Loại thị trường này đang phát triển mạnh từ nhiều năm nay và cho phép bù lại phần giảm của thị trường quân sự.

Theo ước đoán của báo Le Monde, doanh thu của loại thị trường thế giới này chiếm khoảng 50 tỷ euro. Tương lai đầy hứa hẹn, cho dù ngân sách cho trang thiết bị về an ninh dân sự vẫn còn thua xa so với ngân sách cho quân sự.

Le Monde kết luận, khó có thể mà biết được khách hàng nào hay quốc gia nào quan tâm đến các loại trang thiết bị dân sự này, bởi vì những người này, họ còn kín đáo hơn cả các nhà binh.