Điểm Báo Pháp Quốc Ngàỷ 13-06-2012 |
Tác Giả: Anh Vũ |
Thứ Tư, 13 Tháng 6 Năm 2012 08:31 |
Nga trấn áp đối lập nhưng không dập tắt được phong trào chống Putin
Cảnh sát Nga câu lưu một người biểu tình chống ông Putin (REUTERS)
Tờ báo trở lại với sự việc hôm qua hàng chục nghìn người dân tại Matxcơva đã xuống đường thách thức bộ luật chống biểu tình vừa được chính quyền ban hành. Theo Libération, làn sóng phản kháng chống lại Putin có xu hướng càng quyết liệt hơn sau ngày Quốc hội nước này thông qua bộ luật mới siết chặt quản lý các cuộc biểu tình cùng với đợt trấn áp đối lập ồ ạt của chính quyền. Hôm qua, người ta đã thấy trong đoàn tuần hành của hàng chục nghìn người có đủ các xu hướng đảng phái chính trị khác nhau. Trong phong trào này, có nhiều phong phong trào mà lãnh đạo của họ không có mặt vì bị cảnh sát triệu tập hoặc câu lưu trước biểu tình với những lý do rất vu vơ là để điều tra về những vụ va chạm trong cuộc biểu tình từ hôm mùng 06/05/2012. Nhiều vụ khám xét trực tiếp tại nhà của các lãnh đạo biểu tình như các blogger chống tham nhũng nổi tiếng Alexei Navalny, Ilia Iachine và người dẫn chương trình truyền hình Ksenia Sobtchak, một biểu tượng mới của đối lập. Trong những ngày qua, chính quyền Nga đã tìm đủ mọi cách để răn đe, thậm chí hăm dọa, nhưng rõ ràng với cuộc xuống đường hôm qua, đối lập đã thành công trong việc tập hợp lực lượng phản kháng chính quyền của tổng thống Putin và chính quyền đã không thể ngăn cản được quyền biểu tình của người dân. Theo Libération, việc ban hành bộ luật mới chống biểu tình đã không mang lại lợi thế gì hơn cho ông Putin. Thực tế cho thấy rất đông người dân Matxcơva tham gia cuộc tuần hành đã tỏ thái độ phẫn nộ vì họ cảm thấy tổng thống Vladimir Putin đang đưa đất nước quay trở về với thời Liên Xô cũ với những cấm đoán, bắt bớ lục sóat nhà riêng một cách tùy tiện. Tờ báo kết luận : Mặc dù trở lại với quyền lực tối cao hồi tháng Năm và ngay sau đó đưa ra các biện pháp siết chặt thêm kiểm soát đối lập, ông Vladimir Putin, hơn bao giờ hết lại càng trở thành mục tiêu của phong trào phản kháng đòi ông phải ra đi. Khẩu hiệu « Nước Nga không Putin » một lần nữa trở nên thời sự trong khi tổng thống Putin vẫn luôn sẵn sàng tìm mọi cách răn đe loại trừ những đối thủ cạnh tranh chính trị với ông ta. Trung Quốc : Ngân hàng vẫn ưu đãi doanh nghiệp nhà nước Trang kinh tế báo La Croix hôm nay qua tâm đến Trung Quốc với bài viết « Trung Quốc lưỡng lự không muốn nhường chỗ cho doanh nghiệp tư nhân ». Cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn. Để thúc đẩy tăng trưởng, Bắc Kinh chủ trương tự do hóa khu vực tài chính nhưng vẫn ưư đãi tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước khiến khu vực kinh tế tư nhân có thể gặp nhiều khó khăn. Theo la Croix, trong viễn cảnh ảm đạm có thể còn kéo dài của nền kinh tế , Trung Quốc đang cố gắng tìm một lối thóat. Tuần qua, Bắc Kinh bất ngờ thông báo hạ lãi suất tham chiếu được duy trì từ năm 2008, đồng thời thông qua quyết định nhằm tự do hóa một phần khu vực tài chính. Từ nay trở đi các ngân hàng ở Trung Quốc có thể ấn định lãi suất tiền gửi cao hơn 10% so với lãi suất do ngân hàng trung ương ấn định và có thể đưa ra mức lãi suất tín dụng cho vay thấp hơn 20% so với mức của ngân hàng trung ương (trước đó theo quy định là 10%). Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một thay đổi quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên theo báo La Croix, cải cách này trực tiếp ảnh hưởng đến một vấn đề mấu chốt của nền kinh tế Trung Quốc đó là vị trí của khu vực tư nhân. Đây cũng là vấn đề đang được giới lãnh đạo Trung Quốc đang quan tâm đặc biệt trược khi có sự thay đổi lớn ở cấp trung ương vào cuối năm nay. Trường hợp của vụ án bà Ngô Oanh Tờ báo dẫn lại vụ án bà Ngô Oanh mới đây được báo chí nói đến nhiều để chứng minh cho vấn đề kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước hiện nay ở Trung Quốc. Xuất thân từ tỉnh duyên hải Chiết Giang, chủ doanh nghiệp tuổi ngoài ba mươi này khởi nghiệp từ con số không và nhanh chóng trở thành một trong số 100 người giàu có nhất đất nước. Bị bắt năm 2007 rồi bị kết án tử hình năm 2009, bà Ngô Oanh bị kết tội lừa đảo 96 trịêu euro của 11 nhà đầu tư. Đây là số tiền bà huy động để cho các doanh nghiệp tư nhân vay lại với lãi suất cao hơn và kết quả là các doanh nghiệp làm ăn đổ bể. Tháng Năm vừa qua, bà được giảm án xuống tù chung thân, kết thúc một vụ án kéo dài 5 năm gây nhiều tranh cãi trong dư luận cũng như các giới chức ở Trung Quốc. La Croix nhận định, vụ án trên đây đã lộ rõ những vấn đề tài chính trong khu vực kinh tế tư nhân ở Trung Quốc. Cho đến giờ các doanh nghiệp lớn của nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và họ được hưởng những ưu đãi về tín dụng. Các doanh nghiệp tư nhân phải tìm nguồn vốn vay với các tổ chức tín dụng không chính thức với lãi suất cắt cổ. Đó cũng là nguyên nhân của vụ Ngô Oanh đổ bể. Theo La Croix, hệ thống tín dụng ngoài luồng ở Trung Quốc mỗi năm luân chuyển một lượng vốn lên tới 450 tỷ euros, chiếm 1/10 GDP của cả nước. Hệ thống tín dụng « chui » này năm ngoái đã đổ bể hàng loạt ở Ôn Châu, một thành phố được đánh giá có khu vực kinh tế tư nhân năng động nhất cả nước. Hàng loạt các chủ doanh nghiệp tại thành phố này bị vỡ nợ vì không chịu được lãi suất vay cắt cổ đã bỏ trốn hay tự tử. Sau một thời gian phát triển rầm rộ, đến nay tất cả các chỉ số của kinh tế Trung Quốc đang ở mức báo động. Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thế giới dự báo trong vòng hai mươi năm tới, mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống một nửa và khuyến cáo Trung Quốc phải giảm bớt vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Theo La Croix, đây là một giải pháp mà dường như lúc này các lãnh đạo Trung Quốc phải nhìn nhận một cách nghiêm túc. Bản báo cáo đã được ông Tập Cận Bình và Lý Kiện Cường, hai nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Bắc Kinh trong vài tháng tới ủng hộ. Tuy nhiên ê-kíp lãnh đạo mới ở Trung Quốc cũng gặp một thách thức lớn là các cải cách ngân hàng nói trên có thể sẽ đụng chạm đến lợi ích của khu vực kinh tế nhà nước và như vậy đảng Cộng sản sẽ bị mất dần quyền lãnh đạo tối thượng. Trung Quốc : Phát thải khí ô nhiễm được công bố thấp hơn nhiều so với thực tế Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong lĩnh vực môi trường. Báo le Monde có bài « Trung Quốc phát thải Co2 nhiều hơn họ khai báo ». Việc Trung Quốc là một trong những nước phát thải khi gây ô nhiễm hàng đầu thế giới thì ai cũng đều biết nhưng có điều là những con số mà họ công bố về lượng phát thải CO2 cách xa rất nhiều so với thực tế. Nhật báo Le Monde cho biết, qua phân tích các con số thống kê chính thức về lượng phát thải khí di-ôxit Cac-bon do Bắc Kinh công bố hàng năm, một nhóm nghiên cứu quốc tế của Viện khoa học Trung Quốc vừa phát hiện thấy là con số tính toán của Trung Quốc không chính xác. Trong năm 2010 lượng phát thải CO2 của nước này cao hơn co số công bố là 1,4 tỷ tấn, tương đương với lượng phát thải của cả nước Nhật. Trong khi đó Bắc Kinh vẫn không thừa nhận Trung Quốc là nước phát thải ô nhiễm nhiều nhất thế giới trong năm 2010. Tại sao lại có sai số lớn như vậy của các nhà khoa học ? Lý do là vì các cơ quan thống kê tại Trung Quốc không phải là những cơ quan độc lập về mặt chính trị. Họ luôn bị sức ép của các cơ quan chính phủ yêu cầu phải cung cấp các con số thống kê vì mục đích chính trị khác nhau. Các chuyên gia về khí hậu biết là trên thực tế, lượng khí ô nhiễm phát thải ở Trung Quốc luôn cao hơn so với con số chính thức được công bố nhưng không mấy ai ngờ khoảng cách lại lớn đến như vậy. Những con số khai báo thiếu chính xác của chính quyền Trung Quốc về lượng phát thải khí ô nhiễm gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan nghiên cứu khí hậu quốc tế trong cuộc đấu tranh giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của toàn cầu.
|