Home Tin Tức Thời Sự Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đến Miến Điện xem xét tình hình bạo động tôn giáo

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đến Miến Điện xem xét tình hình bạo động tôn giáo PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Tư, 13 Tháng 6 Năm 2012 09:14

Người Rohingya được xem là một trong các dân tộc thiểu số bị áp bức nhiều nhất trên thế giới

Ông Vijay Nambiar, cố vấn đặc biệt về Miến Điện của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (Reuters)

 

Hôm nay 13/06/2012, một viên chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc đã đến Sittwe thuộc miền Tây Miến Điện.

Đây là địa phương từ nhiều ngày qua đã xảy ra các vụ bạo động đẫm máu giữa cộng đồng người Phật giáo và Hồi giáo, tạo nên một thử thách cho chế độ Naypyidaw.

Hai ngày sau khi Liên Hiệp Quốc loan báo rút đi một bộ phận nhân viên vì lý do an ninh, ông Vijay Nambiar, cố vấn đặc biệt về Miến Điện của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã có mặt tại thủ phủ của bang Rakhine.

 Ashok Nigam, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện cho biết : « Chúng tôi đến đây để quan sát và đánh giá có thể tiếp tục hỗ trợ như thế nào ».

Sau đó đặc sứ đã đi Maungdaw ở miền bắc bang này, nằm gần biên giới Bangladesh.

Cùng đi với ông có Tướng Thein Htay, Bộ trưởng Biên giới, và 15 viên chức Hồi giáo từ Rangoon đến. Maungdaw là thành phố có đa số dân thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, đã xảy ra các cuộc bạo động thứ Sáu tuần trước.

Xin nhắc lại, bạo động giữa người Hồi giáo và Phật giáo đã bùng nổ sau khi đám đông người Phật giáo giết chết 10 người Hồi giáo để trả thù một vụ hãm hiếp.

 Các cuộc đụng độ sau đó lan đến Sittwe, làm cho tổng cộng 25 người chết và 41 người bị thương, theo chính phủ Miến Điện. Báo chí chính thức nói rằng có 1.600 căn nhà đã bị đốt cháy, hàng ngàn người đã phải sơ tán. Nhiều nguồn tin khác cho biết thiệt hại nặng nề hơn.

Cho dù chính phủ đã ra lệnh giới nghiêm và ban bố tình trạng khẩn cấp, tình hình vào đầu tuần vẫn tiếp tục lộn xộn.

 Liên Hiệp Quốc đã rút đi một số nhân viên tại các vùng có bạo động, Y sĩ Không biên giới thông báo tạm ngưng hoạt động.

Tổng thống Thein Sein, phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi lên nắm quyền vào tháng 3/2011, hôm Chủ nhật đã kêu gọi hòa hoãn. Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đều bày tỏ sự quan ngại và kêu gọi các bên cần kìm chế.

Từ hôm thứ Hai, hàng trăm người Rohingya đã dùng thuyền để chạy sang Bangladesh, nhưng bị chính quyền nước này buộc phải trở về Miến Điện.

Ngoại trưởng Bangladesh tuyên bố, người tị nạn từ Miến Điện sẽ gây tác động đến tình hình xã hội, luật pháp và môi trường của Bangladesh, trong khi đã có đến 300.000 người Rohingya sống tại đây.

Tại Miến Điện có khoảng 800.000 người Rohingya sống ở miền bắc bang Rakhine.

Không mang quốc tịch một nước nào, họ không thuộc các dân tộc thiểu số được chính quyền Miến Điện công nhận, và đối với Liên Hiệp Quốc, người Rohingya được xem là một trong các dân tộc thiểu số bị áp bức nhiều nhất trên thế giới.

Ngoài trường hợp hết sức phức tạp của người Rohingya, các cuộc bạo động hiện nay đã phơi bày ra ánh sáng tình trạng căng thẳng về tôn giáo, trong một đất nước có đến 89% người dân theo đạo Phật và chỉ có 4% là người Hồi giáo.