Home Tin Tức Thời Sự Hoa Kỳ có thể trở thành quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới

Hoa Kỳ có thể trở thành quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Năm, 14 Tháng 6 Năm 2012 10:53

Tập đoàn Shell sẽ bắt đầu khoan khai thác ngoài khơi Alaska từ tháng 7 tới

 

Một giàn khoan dầu ở ngoài khơi California, Hoa Kỳ.
wikipedia

 

Sản lượng dầu khí của Hoa Kỳ đang tăng một cách ngoạn mục, có thể vượt qua Ả Rập Xê Út và Nga trong 10 năm tới. Hôm qua 12/06/2012

Một viên chức Mỹ đã phát biểu như trên tại Diễn đàn Kinh tế châu Mỹ tổ chức tại Montréal.

Daniel Sullivan, ủy viên của Bộ Tài nguyên tiểu bang Alaska giải thích, Hoa Kỳ đã sản xuất mỗi ngày 6 triệu thùng dầu quy ước và không quy ước, trong quý vừa rồi. Đây là điều chưa từng thấy kể từ 15 năm qua.

 Từ năm 2008, Hoa Kỳ sản xuất 1,6 triệu thùng dầu một ngày, và đến năm 2011 sản lượng dầu của Mỹ đã tăng cao hơn các nước ngoài tổ chức OPEP.

Để so sánh, sản lượng hàng ngày của Ả Rập Xê Út, nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEP, khoảng 9,923 triệu thùng ; còn Nga là 9,920 triệu thùng. Ông Sullivan khẳng định đến năm 2020, sản lượng dầu khí của Hoa Kỳ sẽ vượt qua hai nước trên.

Riêng tại Alaska, lượng dầu khai thác ngoài khơi lớn hơn những nước khác, ước tính đến 40 tỉ thùng.

 Tổng thống Barack Obama nói rằng nguồn dầu ngoài khơi có thể làm giảm bớt nguy cơ nguồn cung bị cắt đột ngột, và chính phủ Mỹ đã hoạch định chiến lược năng lượng giúp cân bằng lợi ích kinh tế và các quan ngại về môi trường, đặc biệt là tại Bắc cực.

Từ tháng 11 năm ngoái, chính quyền Mỹ đã duyệt các dự án khai thác dầu khí mới tại vịnh Mehico ở ngoài khơi Alaska, và tại vùng Bắc cực. Nhưng hiện nay chưa thể khai thác tại các khu vực nhạy cảm về chính trị như duyên hải Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, bờ đông vịnh Mehico và dọc theo vùng duyên hải Florida.

 Nếu không có thay đổi vào giờ chót, tập đoàn Shell sẽ bắt đầu khoan khai thác ngoài khơi Alaska từ tháng 7 tới. Việc này sẽ mở ra con đường cho các nguồn dầu đến nay chưa được khai thác, trong một môi trường được bảo tồn.

Theo ông Daniel Sullivan, lợi ích của chính sách năng lượng mới này là rất lớn, đặc biệt là tạo thêm nhiều việc làm, trong một đất nước mà phân nửa số thâm hụt thương mại là từ nhập khẩu dầu. Trong hai năm 2010-2011, đã có thêm 600.000 công ăn việc làm trong kỹ nghệ dầu khí.

Tuy nhiên cũng tại Diễn đàn Kinh tế châu Mỹ, chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới (CME) đã vẽ ra một bức tranh u ám hơn.

Ông Pierre Gadonneix, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Pháp EDF cho rằng, khủng hoảng kinh tế đã làm tiêu thụ năng lượng chậm lại, và giá dầu vẫn ở mức cao.

 Ông nói : « Tăng trưởng trong tương lai đang bị đe dọa bởi viễn cảnh thay đổi khí hậu và khai thác cạn kiệt tài nguyên ».

Theo ông, chủ yếu cần cải thiện an ninh dự trữ năng lượng, tính cạnh tranh và cuộc đấu tranh chống « nghèo nàn về năng lượng ».